Một cây bút
Vào buổi tối, các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2012 thường được tập huấn kỹ năng giao tiếp và ứng xử. “Cô giáo” là chị Võ Thị Xuân Trang, giám đốc Trung tâm John Robert Powers Việt Nam, nơi cung cấp những khóa học về kỹ năng sống, giúp mang lại sự tự tin thông qua quá trình bồi dưỡng sức mạnh nội tâm và nâng cao hình ảnh bản thân mỗi người.
Trên đỉnh Bà Nà, trong giá rét, các thí sinh vẫn tươi cười
khoe dáng ngọc
Cô giáo đặt cho thí sinh những câu hỏi khá thông thường: “Vì sao các em lại đi thi hoa hậu?”.
Hầu hết các câu trả lời đều khá công thức: “Chúng em muốn có cơ hội làm quen, giao lưu, học hỏi các bạn đến từ nhiều vùng miền đất nước…”. Cô giáo bảo: “Trong giao tiếp, những gì nói ra từ trái tim mình sẽ chinh phục được trái tim người khác.
Tôi đoan chắc rằng, các em đi thi là bởi vì các em hy vọng mình sẽ giành được ngôi vị cao nhất. Câu trả lời đúng phải là: Các em đến đây để thể hiện và hoàn thiện bản thân mình, bởi vì ai cũng muốn chiến thắng mà danh hiệu Hoa hậu lại chỉ có một. Sẽ có người thất bại, nhưng các em đừng bao giờ mang gương mặt buồn lên sân khấu. Hãy biết chúc mừng người khác, để hàng triệu khán giả thấy rằng, dù không chiến thắng nhưng các em vẫn rất đẹp, đó là vẻ đẹp của văn hóa.”
Cô giáo chiếu lên màn hình 2 chiếc đồng hồ: một cái chỉ 10 giờ còn cái kia chỉ 2 giờ. Đó chính là mô phỏng thế đứng khoe ra vẻ đẹp của đôi chân và giấu đi những khiếm khuyết. Điều này rất quan trọng với phái nữ vì phụ nữ Việt ít người đạt tiêu chuẩn chân thẳng “3 điểm chạm”. Khi chân trái đứng sau, chân phải đứng trước thì là 10 giờ, ngược lại là 2 giờ.
Những kỹ năng khác cũng khá thú vị: phụ nữ khi bắt tay không nên lắc nhiều, lắc mạnh; ngồi thì lưng dứt khoát phải thẳng, ngực cách mép bàn 10 cm… “Người đẹp là người biết mang vẻ đẹp của mình đến cho người khác thông qua các hành vi giao tiếp, ứng xử. Nhưng các em hãy luôn nhớ rằng – Cô giáo cảnh báo - Cái đẹp bền vững và hấp dẫn nhất thường đến từ bên trong mỗi con người.”
Bất chợt cô giáo dừng lại, hỏi: “Cô thấy các em không ghi chép, chắc bởi vì không mang theo bút? Trong túi xách của các em, chắc hẳn rất nhiều dụng cụ trang điểm, đồ mỹ phẩm, nhưng lại thường thiếu một cây bút. Một cô gái đẹp bao giờ cũng nên mang theo người một cái bút. Và nói chung, trong cuộc đời, ai cũng nên luôn mang một cái bút bên mình.”
Thật đơn giản và sâu sắc.
Tặng các cụ… bánh chè lam
Ngày 16.8, các thí sinh có hai chuyến thăm từ thiện tại “Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em bất hạnh” thành phố Đà Nẵng và “Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng” thành phố. Trong khi hầu hết các thí sinh đi tay không thì thí sinh mang số báo danh 819 lại khệ nệ kéo theo một chiếc va li đựng đầy bánh chè lam. Đây là món quà quê em mang đến tặng trẻ em và người già ở hai trung tâm nói trên.
Ở Trung tâm trẻ em, món quà được mở ra ngay và liên hoan tại chỗ rất vui. Nhưng khi sang Trung tâm phụng dưỡng người có công thì món quà này sau khi trao xong lại được để riêng ra một chỗ. Ai đó nói nhỏ, các cụ ở trung tâm hầu hết đã ngoài bảy mươi, hai cụ cao tuổi nhất đã tròn 100, thì làm sao thưởng thức món chè lam được nữa?
Em bao nhiêu tuổi?
Cũng tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em bất hạnh, dẫn dắt phần giao lưu có một MC rất đặc biệt. Đó là một nạn nhân chất độc màu da cam, chỉ cao chưa đầy 1 mét, nhưng tiếng nói sang sảng, lưu loát. “Cuộc sống chúng em như ngọn đèn không biết lúc nào tắt. Khi buồn thì chúng em nhảy múa cho vơi nỗi buồn. Còn lúc chân tay đau đớn thì bảo nhau hát lên cho dịu nỗi đau. Các chị hoa hậu, người đẹp cùng tham gia văn nghệ với chúng em nhé!”.
Có một người đẹp hỏi thăm MC: “Em tên gì, năm nay bao nhiêu tuổi, vào đây được bao lâu?” – “Dạ, em tên Nguyễn Ngọc Phương, 32 tuổi, người Quảng Nam, vào Trung tâm được 4 năm rồi.” Hóa ra chất độc màu da cam đã tàn phá khiến cơ thể Phương không thể cao quá mép bàn, dù tuổi của Phương gần gấp đôi tuổi của thí sinh cao 1m7! Nghe xong câu trả lời, thí sinh nọ chỉ biết nắm chặt tay Phương, lén quay đi lau nước mắt.
Không có sức khỏe thì không thể trở thành Hoa hậu
Lịch làm việc của các thí sinh tại Vòng chung kết luôn dày đặc. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, nhưng các em thường xuyên phải dậy từ sớm tinh mơ, có hôm từ 3 giờ sáng, để phục vụ cho việc ghi hình, luyện tập và các hoạt động xã hội. Có hôm trời nắng chang chang, thí sinh vẫn phải “khoe dáng ngọc” cả ngày trên bãi biển. Lại có hôm lên đỉnh Bà Nà ghi hình đại cảnh, nhiều thí sinh chủ quan, phong phanh váy áo, trời mưa rét, lạnh cóng.
Cứ hết mỗi cảnh quay là lại xúm nhau vào tránh gió. Cũng may là có bộ phận y tế bám sát hỗ trợ chứ không thì khối người lăn ra ốm. Nhiều thí sinh đến Đà Nẵng vài ngày đã “eo ót” hẳn. Không ít em thổ lộ: thèm nhất lúc này là được ngủ.
Thế nhưng tuổi trẻ vẫn là tuổi trẻ! Chẳng khó khăn nào hạ gục được họ. Mệt thì có mệt, nhưng các em vẫn vượt qua và đứng vững. Nét đẹp “tiểu thư thị thành” đã được nắng và gió biển Đà Năng tô thêm những nét mới, rắn rỏi và trưởng thành hơn rất nhiều.
Chứng kiến cường độ hoạt động của các thí sinh, nhiều người lớn phải thốt lên, thán phục: “Đúng là không có sức khỏe thì không thể trở thành Hoa hậu!”
Phụ nữ Thủ đô