Ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc Chính phủ), một người con của dân tộc Tày, cũng là người rất am hiểu về âm nhạc, dân ca của dân tộc Tày- Nùng khẳng định: Triệu Thị Hà không trả lời sai và không hề nhầm khi hát điệu “Nàng ới”!
Theo ông Chu Tuấn Thanh, người sinh ra và lớn lên ở một làng, xã thuộc huyện Tràng Định - Lạng Sơn, nơi tiếp giáp với huyện Thạch An, Cao Bằng, thì vùng đất Cao Bằng và Lạng Sơn có hai dân tộc sinh sống, gắn bó với nhau rất lâu đời là dân tộc Tày và dân tộc Nùng. Và các điệu hát nổi tiếng của hai dân tộc này là: hát quan Làng, hát Then, phong Si, hát Lượn, Nàng ới, hát Slư…
Triệu Thị Hà tự tin trả lời ứng xử. (Ảnh: Dũng Phạm)
Nói riêng về hát Lượn, đây là những bài hát gắn với sinh hoạt và lao động của đồng bào dân tộc Tày. Riêng "Nàng ới", một loại hát Lượn phổ biến ở vùng Bảo Lạc, Hà Quảng, và một số huyện của tỉnh Cao Bằng, thì là loại Lượn dùng thể thơ bảy chữ, tươi sáng khỏe mạnh.
Điệu Lượn "Nàng ới" được phố biến rất rộng rãi trong các dân tộc Tày, Nùng, Giáy; nhạc điệu giống nhau trên những nét cơ bản, thường chỉ khác nhau về trường độ, luyến láy và tên gọi tùy theo các làng bản địa phương và dân tộc đó mà thôi. Người Nùng hát làn điệu "Nàng ới" này theo ngôn ngữ thông thường, tức "Nàng ới" là "em ơi", hay "Làng ới" là "anh ơi"... cũng như phuối rọi, phuối pác là một loại dân ca trữ tình của dân tộc Tày - Nùng ở Lạng Sơn gọi là Lượn “Lượn Tói”.
Triệu Thị Hà hát điệu Nàng ới. (Ảnh: Dũng Phạm)
Theo ông Thanh, việc có một tác giả nào đó có thể chưa hiểu được nguồn gốc sâu xa về các thể loại âm nhạc dân ca dân tộc Tày Nùng đã vội vàng đưa ra thông tin mang tính khẳng định, gây ra dư luận, có thể ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em sống chung một vùng giao thoa về văn hóa đặc sắc và tốt đẹp. Những làn điệu này đã hòa quyện trong sinh hoạt dân tộc Tày - Nùng, đặc biệt là ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng. "Vì vậy, Triệu Thị Hà - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam mới được đăng quang trong đêm chung kết ngày 11/11/2011 có hát một đoạn về "Nàng ới" trong phần thi ứng xử không có gì lạc đề, hay nhầm lẫn cả”, ông Thanh khẳng định.
Triệu Thị Hà phút giây đăng quang. (Ảnh: Dũng Phạm)
Theo gia đình Triệu Thị Hà cho biết, bản thân Hoa hậu Triệu Thị Hà cũng có cụ ngoại là người dân tộc Tày. Điều này càng chứng minh rõ ràng cho sự gắn bó, giao thoa văn hoá giữa hai dân tộc Tày và Nùng, và chứng minh Triệu Thị Hà không hề sai khi chọn điệu “Nàng ới” giới thiệu với khán giả trong phần thi của mình.
Theo tài liệu, dân tộc Nùng là tên gọi chính thức của một dân tộc ở Việt Nam, sống tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang... Dân tộc Tày và Nùng tuy là 2 thành phần dân tộc riêng biệt trong danh mục 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, nhưng lại là 2 dân tộc có mối quan hệ rất đặc thù.
Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam trong mục từ giới thiệu dân tộc Nùng có viết rằng “Những người Nùng lâu đời ở Việt Nam đã hoà vào người Tày. Người Nùng hiện nay mới di cư đến từ 200-300 năm nay...”. Tày Nùng cùng hệ ngôn ngữ (Tày-Thái) và ngày nay cùng chung chữ viết (Tày-Nùng).
Thể thao & Văn hóa