Vậy đó, Mai Phương Thúy làm hoa hậu và hoa hậu chính là Mai Phương Thúy. Danh hiệu và người thực lẫn lộn lung tung.
Dẫu rằng, bản thân danh hiệu không tạo nên thị phi. Chỉ có cá nhân được gán ghép cho danh hiệu mới tạo nên nhiều sự vụ ầm ĩ.
1. Người ta đang sục sôi về bộ ảnh áo dài của Mai Phương Thúy, chủ đề của bộ ảnh này là "Áo dài khoe nét xuân thì".
Người không thích, phán Mai Phương Thúy dâm hóa áo dài, vốn được xem là quốc phục của Việt Nam. Người thích thì phản bác, bộ ảnh rất nghệ thuật và không hề dung tục.
Lại người không thích, yêu cầu Bộ Văn hóa - Thông tin tước danh hiệu Hoa hậu của Mai Phương Thúy. Người thích thì lấy lý rằng, mắc mớ gì tước danh hiệu của người ta.
Lại người khác, trích dẫn Mai Phương Thúy phạm thuần phong mỹ tục, nên cần phải tước danh hiệu hoa hậu.
Vẫn người bảo vệ, chỉ có ai tà dâm mới nói bộ ảnh của Mai Phương Thúy gợi dục để đòi tước danh hiệu này kia.
Rồi các nhiếp ảnh gia đăng đàn, các phó giáo sư tiến sĩ phát biểu.
Mọi thứ loạn hết lên bởi chuyện chẳng đâu vào đâu.
Quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng việc mắng người khác là tà dâm khi người ta bảo rằng, mặc áo dài nhưng không mặc nội y là gợi dục, hơi quá đà.
Một cá thể thuộc giống đực nếu khỏe mạnh và không có khiếm khuyết về giới tính, rất dễ lâm vào tình trạng bản năng bị đánh thức khi nhìn vào những bức ảnh của Mai Phương Thúy.
Cũng như khi, vị đạo diễn nào đó bảo, chỉ có kẻ tầm thường mới nhìn ngực của người khác. Cái này, rất hàm oan cho người tầm thường. Ai đó cố tình rạch áo khoe ngực trước mặt của vị đạo diễn ấy, không biết vị đạo diễn có nhìn hay không(?!).
Không nhìn ư, tôi hiểu là vị đạo diễn ấy cần đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra thị lực.
Nói gần gần, nói xa xa, thì việc mọi người loạn xị ngầu lên vì bộ ảnh hết sức tào lao của Mai Phương Thúy là điều ngạc nhiên đến mức ngoác mồm cười như kẻ dở hơi vì không hiểu sao họ rảnh thế.
Chuyện khoe thân, khoe ảnh nóng, khoe nhiều thứ khác không phải là hiếm trong làng giải trí Việt. Ngôi sao nam khoe, ngôi sao nữ khoe, ngôi sao nửa nam nửa nữ cũng khoe nốt.
Vậy thì, việc gì phải ầm ĩ bởi một ngôi sao mà tên tuổi đã sắp lùi vào miền quá vãng.
Mai Phương Thúy bảo rằng, hiện tại cô rất buồn vì bộ ảnh "Áo dài khoe nét xuân thì" xuất hiện trên mạng một cách ngoài ý muốn của cô. Bạn bè của Mai Phương Thúy trần tình thêm, nhiều ngày rồi Mai Phương Thúy không dám ra đường vì phiền muộn.
Tôi không tin vào những chi tiết này lắm. Đơn giản, một cô gái sinh năm 1988 như Mai Phương Thúy, sẵn sàng khoe nhiều thứ khác trước khi bộ ảnh "Áo dài khoe nét xuân thì" được tung ra, thì hà cớ gì họ phải nhọc lòng vì một bộ ảnh, mà so với những bộ ảnh khác trước đó, còn kín đáo hơn rất nhiều.
Mai Phương Thúy buồn, cũng như nỗi buồn của một kẻ được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất ác nhân khóc ròng khi rút kiếm tước đi sinh mạng của người khác trong truyện kiếm hiệp.
Có những giọt nước mắt của phái yếu khiến thế giới tan chảy, cũng có những giọt nước mắt khiến mình khó chịu. Và cả những giọt nước mắt khiến bạn phải phì cười, dẫu cho nụ cười trong hoàn cảnh đó rất vô duyên.
Kiểu như nữ diễn viên bé con nhào lên đài truyền hình khóc lóc về vụ lộ clip nóng. Để rồi sau đó, mức độ gợi tình của cô ấy ngày càng được tăng lên bằng những màn uốn éo trên sân khấu.
Để tôi nói với bạn đọc về nguyên nhân dẫn đến sự cố của người nổi tiếng.
Có những người nổi tiếng giao phó toàn bộ việc xây dựng hình ảnh của mình cho người quản lý. Họ cứ như người được điều khiển bằng công tắc. Quản lý bảo, mặc cái này chụp ảnh nhé, em. Người nổi tiếng sẽ gật đầu đồng ý. Người quản lý đề nghị, tung cái này lên mạng nhé, em. Người nổi tiếng im lặng đồng thuận.
Sau khi gật đầu đồng ý và im lặng đồng thuận, người nổi tiếng sẽ bắt đầu nói về nỗi buồn và sự ân hận, day dứt.
Thế đấy, làng giải trí nó kỳ lạ lắm. Ngoại trừ một nhóm nhỏ người nổi tiếng dùng đầu để suy nghĩ, số đông còn lại chỉ dùng đầu để giữ thăng bằng nhằm đi cho khỏi vấp ngã.
Bạn đọc đã bao giờ nghe chuyện, phóng viên phỏng vấn người nổi tiếng nhưng người trả lời lại là quản lý chưa.
Ngay cả việc suy nghĩ còn để cho người khác làm giúp, thì chúng ta đang hy vọng họ điều gì(?!).
Hay như chuyện, quản lý gọi điện thoại cho phóng viên báo mạng, nhờ người quản lý báo mạng đăng tải một bộ ảnh nhạy cảm gì đấy. Sau khi ảnh được đăng, không thấy dư luận động tĩnh gì. Họ lại tiếp tục nhờ phóng viên báo mạng viết bài chửi tới tấp bộ ảnh mà họ nhờ đăng.
Đại khái là bỏ tiền để được đăng ảnh, xong lại bỏ tiền để được chửi vì bộ ảnh.
Dư luận đừng vội vã đặt niềm tin vào họ, đừng khẳng định nhanh chóng về họ, thậm chí ôm ấp quá nhiều hy vọng về những người nổi tiếng thanh bạch. Bởi khi mà danh lợi như cái bả phù du còn được đặt trong lồng bẫy, thì chuyện gì lại không thể xảy ra.
Những bức ảnh bị dư luận đánh giá là phản cảm của Mai Phương Thúy .
2. Đây không phải là lần đầu tiên Mai Phương Thúy xảy ra sự cố về vô tình hay hữu ý khi khoe thân. Nhưng thôi, tạm thời không nhắc lại chuyện hình thể của Mai Phương Thúy. Quan điểm của tôi là, ai thích khoe gì thì cứ khoe, miễn sao những người quản lý văn hóa không có ý kiến gì là được. Hơn nữa, họ khoe của họ chứ có khoe của người khác đâu mà phản ứng. (Thật ra thì, họ không khoe biết đến bao lâu nữa chúng ta mới có "cơ hội chiêm ngưỡng" những thứ đáng lý phải che đi của họ. Lần nào đó, tôi đã viết bài bình luận ngắn chi tiết về ý kiến này - NL).
Ở đây chỉ nhắc đến thái độ của Mai Phương Thúy trong hai clip đình đám trên mạng.
Clip đầu tiên, ai đó gần giống Mai Phương Thúy như thể chị em sinh đôi đang phản ứng với chủ nhân của một chiếc xe gắn máy đậu giữa đường, khiến chiếc taxi đang chở cô không có hướng lưu thông bởi chướng ngại vật.
Đoạn clip ngắn thôi, đại loại là chiếc xe gắn máy bị hư, chủ xe không mang xe đi chỗ khác được. Người giống y chang như Mai Phương Thúy phản ứng ra sao(?!).
"Đó là chuyện của chú. Xe của chú hư thì mang vào trong lề để sửa, tại sao lại để giữa đường".
Tất nhiên, đó là phản ứng rất bình thường của một ai đó khi họ đang bực mình. Nhưng, dẫu sao thì phản ứng với đôi mắt trợn sòng sọc, vung tay vung chân xuất phát từ một người đẹp giống Mai Phương Thúy thì lại khác.
Sau này, Mai Phương Thúy im lặng trước câu hỏi xác tín lại nhân vật ấy có phải là Mai Phương Thúy hay không. Tôi hỏi cậu em làm quản lý ca sĩ, cậu em khẳng định đó chính là Mai Phương Thúy.
Không muốn vướng vào một câu chuyện rắc rối không đáng, nên tôi sẽ không khẳng định hoặc đưa ra phủ nhận về nhân vật chính trong đoạn clip này.
Tôi không tin, một cô gái năm 18 tuổi, từng nói như tuyên ngôn rằng "Theo em, trong cuộc sống, ai cũng muốn hướng tới một vẻ đẹp hoàn thiện về nhân cách, về hình thức, về tâm hồn. Chính vì thế, con người rất có ý thức để trang bị cho mình những hành trang để có thể trở thành một người tự tin trong cuộc sống. Vì vậy, lúc em cảm thấy thiếu tự tin nhất đó chính là lúc mà mình chưa trang bị đủ cho mình những kiến thức, những điều tốt đẹp để có thể trở thành một người phụ nữ Việt Nam mang vẻ đẹp Việt Nam, mang nhân cách Việt Nam, trái tim Việt Nam", lại có thể chọn cách hành xử với một người bị hỏng xe giữa phố như thế thay vì giúp đỡ họ.
Thế nhưng, niềm tin của tôi đã lung lay rất nhiều, khi chứng kiến đoạn clip Mai Phương Thúy cùng hai người đẹp khác, được hộ tống bởi một đoàn người lỉnh kỉnh mang vác máy ảnh, gây gổ với bác bảo vệ trong tòa nhà Bưu điện thành phố.
Một ai đó trong đoàn hộ tống viết bài, bảo rằng Mai Phương Thúy cư xử rất nhẹ nhàng, trong lúc bác bảo vệ lại tỏ ra hùng hổ. Tiếc rằng, chữ nghĩa không thể lấp được sự thật hình ảnh.
Mai Phương Thúy phản ứng với bác bảo vệ bằng cách rất bề trên. Cô gái hếch mặt, xua tay rất chuyên nghiệp. Mai Phương Thúy đòi xem thẻ nhân viên của bác bảo vệ, cô cầm, cô nhìn, cô khinh khỉnh mặt. Cô đưa cho ai đó có vẻ như là trợ lý của cô để dùng máy điện thoại xịn chụp lại, chụp lại để làm gì thì tôi không biết.
Cô gái từng là hoa hậu, muốn có nhân cách Việt Nam, trái tim Việt Nam lại chọn cho mình thái độ hành xử đối với người đáng tuổi cha cô, trong trường hợp này là rất không phù hợp. Nếu không muốn nói là phản cảm.
Đoàn hộ tống của cô đòi gọi điện thoại cho giám đốc tòa nhà Bưu điện để tống cổ bác bảo vệ ra đường. Đương nhiên, họ gọi với tư cách là nhà báo.
Tôi không biết, là có những người theo nghề báo chỉ với mưu cầu được danh xưng nhằm gọi điện thoại yêu cầu sa thải người này, sa thải người kia… Giờ thì tôi mới biết, có những nhà báo suốt ngày vác máy ảnh lẽo đẽo theo sau lưng chân dài chỉ để chụp ảnh. Và giờ thì tôi mới biết, người đẹp dắt nhà báo ra phố tạo dáng, như cách tiểu thư đài các dắt thú cưng đi dạo phố phường.
Mà ngộ lắm, bác bảo vệ làm đúng chức năng của bác, thực hiện đúng nguyên tắc tòa nhà Bưu điện đề ra… thì việc gì lại hành xử với người ta theo cái cách dùng nhan sắc lẫn quyền lực tự phong để đe dọa nhau như thế(?!).
Hơn nữa, khi phạm luật, thì nhan sắc hay không nhan sắc đều bị xử lý như nhau. Sẽ không có chuyện Tây Thi ra tòa sẽ nhận được mức án nhẹ hơn so với Chung Vô Diệm nếu cùng tội danh và hành vi phạm tội.
3. Tiền nhân dạy, "Cái nết đánh chết cái đẹp". Thời nay, họ biến đổi thành "Cái đẹp đánh bẹp cái nết".
Một vài người may mắn được trời ban cho sắc vóc, họ nhanh chóng biến sắc vóc ấy thành thế mạnh. Từ thế mạnh này, họ lại tự ban cho mình thêm quyền lực.
Nhan sắc đương nhiên là một thứ quyền lực, nhưng nó chỉ là quyền lực trong trường hợp một nhóm người đang khát khao nhan sắc. Nhan sắc không có quyền lực với nhóm người khác, vốn dĩ xem họ chỉ là một cá thể như những cá thể xung quanh.
Tước danh hiệu hoa hậu của Mai Phương Thúy có quan trọng không, tôi cho rằng không quan trọng. Đơn giản, nhìn vào chặng đường vướng víu thị phi của Mai Phương Thúy, đã từ lâu lắm cô không còn là người tiêu biểu cho "nhân cách Việt Nam, trái tim Việt Nam”.
Vương miện hoặc danh hiệu, có thể làm cho người đẹp nào đó có giá hơn trong các cuộc vui. Nhưng điều đó, không có nghĩa là vương miện hay danh hiệu tạo nên đạo đức.
Thế nên, tôi chỉ tiếc về khoảng cách quá xa giữa đạo đức và người đẹp. Khoảng cách mà mãi mãi họ không thể kéo lại gần được.
Có vậy thôi.
An Ninh Thế Giới