Khác với vòng bán kết khu vực, ở phần thi ứng xử vòng chung kết, các thí sinh có 3 phút để thể hiện mình, với 3 câu hỏi đến từ BGK, trong đó có 1 câu hỏi về cảm nhận của thí sinh về thành phố Hồ Chí Minh, nơi diễn ra cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011, một câu hỏi về bản sắc văn hoá dân tộc mình và một câu hỏi “ngẫu hứng” của BGK.
Nhìn chung, các thí sinh đều hoàn thành tốt phần thi này, các thí sinh đã tỏ ra chững chạc hơn nhiều trong suy nghĩ, nhận thức và có kiến thức tốt hơn trong phần thi ứng xử. Hầu hết các thí sinh đều thể hiện được sự hiểu biết của mình về dân tộc mình, về những truyền thống văn hoá, nét độc đáo của văn hoá dân tộc mình.
Các thí sinh dân tộc Kinh cũng mặc những trang phục đặc trưng của
địa phương mình để hòa cùng bản sắc các thí sinh dân tộc ít người.
Toả sáng những bản sắc văn hoá
Đến từ thành phố Hà Nội, thí sinh Lê Thị Nguyệt Anh, SBD 01 đã rất duyên dáng với bài hát quan họ Bắc Ninh “Cây trúc xinh” trong phần thi ứng xử của mình “Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc, cây trúc mọc bên bờ ao. Chị Hai xinh, tang tình là chị Hai đứng, đứng một mình trông dáng xinh càng xinh…”. Nguyệt Anh tâm sự, mảnh đất phía Bắc là nơi có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng như múa rối nước, dân ca, ca trù, hát xẩm…; nhưng dân ca quan họ Bắc Ninh là loại hình nghệ thuật Nguyệt Anh yêu thích nhất.
Với Huỳnh Thị Ngọc Hân, SBD 14, dân tộc Kinh người có hai bằng Thạc sĩ: Thạc sỹ kinh doanh quốc tế; Thạc sỹ quan hệ công chúng; hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành quan hệ công chúng tại trường Đại học Công nghệ Queensland Australiab- Đại sứ sinh viên quốc tế TP.Brisbone Australia; phần thi ứng xử chính là phần thi “toả sáng” của Ngọc Hân. Ngọc Hân đã chinh phục hoàn toàn BGK với câu trả lời của mình khi giới thiệu về ý nghĩa của chiếc áo dài và giới thiệu về nét đặc trưng của quê hương mình.
Có lẽ, với thời gian ở nước ngoài khá lâu, hơn ai hết Ngọc Hân hiểu về ý nghĩa của những nét đặc trưng văn hoá dân tộc Việt Nam và tự hào với những bản sắc văn hoá này. Hân tâm sự, cô luôn chọn bộ trang phục áo dài trong mỗi dịp đi giao lưu với bạn bè quốc tế, và luôn nhận được những lời khen, sự trầm trồ cũng như những đề nghị chụp ảnh cùng khi mặc áo dài “ Áo dài là bộ trang phục độc đáo, duyên dáng, đầy sang trọng, quyến rũ, giúp tôn lên nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Chiếc áo dài luôn nhắc nhở em về nguồn gốc của mình. Trong cuộc sống hiện nay, chiếc áo dài vẫn luôn hiện diện thường xuyên trong cuộc sống của người Việt Nam, những nữ sinh cũng mặc áo dài đến trường, và các nhân viên công sở cũng có thể coi đây là đồng phục…” . Hân cũng xứng đáng là “đại sứ sinh viên” khi cô hiểu rất rõ về những “giá trị du lịch” của quê hương mình khi giới thiệu về vườn trái cây, chợ nổi của vùng sông nước miệt vườn miền Tây Cần Thơ, quê hương của Ngọc Hân.
Những thí sinh dân tộc Kinh, sự thể hiện những bản sắc văn hoá cũng đã là một phần thể hiện thú vị của cuộc thi. Nhưng với những thí sinh người dân tộc, thì đây thật sự là cơ hội toả sáng của văn hoá dân tộc.
Thí sinh Vương Thị Hương, SBD 22, dân tộc La Chí đã giới thiệu về tục uống rượu bằng sừng trâu, sự gắn bó của con trâu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc La Chí. Hương cho biết, con trâu gắn với người La Chí từ khi sinh ra tới khi mất đi. Trong gia đình người La Chí, khi có người qua đời, sẽ giết 1 con trâu và lấy một sừng trâu để thờ, thay vì thờ di ảnh.
Những cô gái dân tộc ít người đã tự tin và bản lĩnh không kém
những thiếu nữ dân tộc kinh
Với thí sinh Sầm Xuân Ngọc Ánh, SBD 03, dân tộc Sán Chay, cô cũng đã duyên dáng giới thiệu về dân tộc mình. Dân tộc Sán Chay phân bố rải rác trên cả nước với nhiều nét văn hoá đặc trưng khác nhau. Phụ nữ Sán Chay thường mặc váy với 2 màu mận chí và màu đen, với một dải lụa xanh đỏ thắt ngang eo, thể hiện sự duyên dáng của người con gái Sán Chay. Dân tộc Sán Chay cũng rất yêu ca hát, nên có hát vè, hát sình ca, múa xúc tép.
Cô gái xinh đẹp và rạng rỡ này cũng đã thể hiện rất hay điệu hát sình ca, với nội dung: “Chúng con thời nay, thời hậu sinh không hát hay được như các cụ ngày xưa”. Ngọc Ánh tâm sự, đó cũng chính là điều những người dân tộc Sán Chay như Ánh đau đáu, bởi hiện nay nhiều nét văn hoá của dân tộc Sán Chay đã mai một đi nhiều. Và chính bởi vậy, cần có những cuộc thi như cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011” để có thể góp phần gìn giữ những bản sắc văn hoá của các dân tộc Việt Nam trên mọi miền đất nước.
Thí sính SBD 05 H’ Ngăc Bya, dân tộc Ê Đê đã rất tự tin khi giới thiệu bộ trang phục của dân tộc Ê đê, gồm chiếc áo dài và váy cuốn quanh người. Trang phục dân tộc của phụ nữ Ê Đê có hai màu đỏ và đen, trong đó màu đỏ thể hiện sự mạnh mẽ của con gái, màu đen thể hiện sự kín đáo.
Những hoạ tiết trang trí trên bộ trang phục cũng rất đặc trưng, nhờ những hoạ tiết đó, mọi người có thể nhận diện được nét khác biệt giữa trang phục dân tộc Ê đê và dân tộc khác, những hoạ tiết cũng thể hiện sự khéo léo và con mắt thẩm mĩ của những nghê nhân tạo nên những hoạ tiết này của trang phục.
Sôi nổi nhất có lẽ là phần thi của thí sinh Kră Jăn Loen, SBD 32, thí sinh dân tộc Cơ Ho duy nhất của cuộc thi, khi thí sinh giới thiệu về tục bắt chồng độc đáo của dân tộc mình. Theo Kră Jăn Loen kể, khi một người con gái Cơ Ho đi hỏi chồng, mà người con trai từ chối, thì sẽ phải đền trâu bò, tài sản cho người con gái…
Thành phố Hồ Chí Minh, tôi yêu thiết tha trong tim mình…
Với Huỳnh Thị Ngọc Hân, TP.HCM là thành phố của những cơ hội. Hân tâm sự, Cần Thơ là nơi in dấu tuổi thơ của Hân, nơi hình thành nhân cách của Hân với sự giáo dục của cha mẹ, nhà trường và xã hội; nhưng thành phố Hồ Chí Minh mới là nơi mà Hân trưởng thành. Lên thành phố Hồ Chí Minh học đại học, Hân lần đầu tiên phải tự lập, đầy bỡ ngỡ, nhưng chính những ngày khó khăn ấy đã là nền tảng giúp Hân có thể vững vàng và vượt qua những năm tháng học tập ở đất nước Ôxtrâylia xa xôi.
Vẻ đẹp mạnh mẽ, mộc mạc của các thiếu nữ vùng cao cùng với
những câu trả lời chân thật, hồn nhiên là những yếu tố hấp dẫn và
đặc biệt nhất của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam
Đều thể hiện tình yêu với TP.HCM, nhưng mỗi thí sinh cũng có một nhận xét riêng về thành phố mang tên Bác. Với Nguyệt Anh, TP.HCM chinh phục Anh bằng sự nồng nhiệt, thân thiện, mến khách của người dân thành phố. Với Phan Thị Hoài Anh, dân tộc Kinh, sinh viên trường Sư phạm Thể dục thể thao HN, Hoài Anh lại thích những góc yên tĩnh của thành phố đô hội, phồn hoa này.
Sầm Xuân Ngọc Ánh lại bỡ ngỡ với cái nắng, cái nóng rất đặc biệt của thành phố mang tên Bác, khác rất nhiều so với khí hậu của tỉnh Tuyên Quang, quê hương Ngọc Ánh. Cũng là cái nóng đặc biệt này, Triệu Thị Hà, SBD 13 lại gọi đó là “thời tiết đỏng đảnh”. Với rất nhiều thí sinh đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trên đất nước, TP.HCM thật sự là thành phố văn minh, phồn hoa, là thành phố của những đêm không ngủ…
Mỗi người một cảm nhận, nhưng nhìn chung các thí sinh đều thể hiện tình yêu với thành phố đang diễn ra cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, và đều hạnh phúc với cơ hội được đến với thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ, đó cũng chính là một nét độc đáo của cuộc thi năm nay, khi diễn ra vào năm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chủ đề Năm Thanh niên và Năm Vì trẻ em 2011…
VnMedia