Tôi vẫn thường hay nói điều đó mỗi khi mọi người nhắc về Nguyễn Thị Huyền. Tôi không biết mình có “khoe khoang” hay không, hay có mắc bệnh “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay không, nhưng đúng là tôi cũng có đôi chút sung sướng, tự hào khi học chung lớp với Hoa hậu Việt Nam.
Tôi học cùng lớp với Nguyễn Thị Huyền ở trường Đại học. Chỉ học cùng nhau vài tháng thì Huyền trở thành Hoa hậu Việt Nam rồi đi du học ở Anh.
Tuy quãng thời gian học cùng nhau ngắn ngủi, nhưng tôi vẫn có nhiều ấn tượng đẹp với cô bạn Hoa hậu cùng lớp của mình – một Nguyễn Thị Huyền của đời thường chứ không phải một Nguyễn Thị Huyền Hoa hậu, một cô bạn xinh xắn, dễ thương và giản dị, gần gũi.
Nguyễn Thị Huyền trong mắt tôi khi chưa là Hoa hậu
Nguyễn Thị Huyền đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004
Khi Nguyễn Thị Huyền đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004, nhiều người đã nức nở khen Huyền đẹp. 8 năm sau, khi đã là mẹ của một cô con gái nhỏ 4 tuổi, Huyền ngày càng nhận được nhiều lời khen về nhan sắc ngày một mặn mà.
Nhưng phần lớn mọi người mới từng được nhìn thấy Huyền trên báo chí, trên các phương tiện thông tin truyền thông, nên cũng chỉ khen Huyền đẹp nhờ những bức ảnh đăng tải trên mạng.
Tôi cam đoan rằng bất cứ ai đã từng gặp Nguyễn Thị Huyền ngoài đời thực thì đều khẳng định, Nguyễn Thị Huyền ở ngoài đẹp hơn khi lên hình rất nhiều.
Năm 2004, tôi trở thành sinh viên lớp Báo in K24, Phân viện Báo chí & Tuyên truyền. Trường tôi nay đã đổi tên là Học viện Báo chí & Tuyên truyền, hiểu theo một cách nào đó là “lên đời”, nhưng khóa K24 chúng tôi, khóa cuối cùng của trường trước khi đổi tên đến giờ sau khi ra trường 4 năm, nếu có ai hỏi, chúng tôi vẫn trả lời:
“Tôi học trường Phân viện Báo chí & Tuyên truyền”. Chúng tôi gắn bó với cái tên đó suốt 4 năm nên cũng cảm thấy nó gần gũi, thân thương hơn cái tên mới của trường.
Tôi chỉ là một cô sinh viên báo chí bình thường, học nghề báo giống như bao bạn sinh viên khác rời quê nhà đi học một cái nghề nào đó ở một trường đại học nào đó. Lớp Báo in K24 của chúng tôi ngày ấy cũng là một lớp học bình thường như bao lớp học ở nhiều ngôi trường đại học khác.
Tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội viết bài báo này, và kể những câu chuyện thời đi học, nếu như tôi không học cùng lớp với một Hoa hậu Việt Nam.
Khi Nguyễn Thị Huyền đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004, đó là một sự kiện lớn, được các báo đài đưa tin rầm rộ. Ai cũng tò mò Hoa hậu Việt Nam ra sao, nên chỉ sau một đêm, Nguyễn Thị Huyền trở thành người được cả nước biết đến.
Không lớn sao được khi bỗng nhiên một ngày tôi và các bạn học của mình phát hiện ra bỗng nhiên lớp tôi xuất hiện một Hoa hậu “từ trên trời rơi xuống”. Cả lớp bỗng nhiên “nổi tiếng lây” vì được học cùng lớp với Hoa hậu.
Sở dĩ tôi nói chúng tôi coi việc Huyền đăng quang Hoa hậu là một sự kiện “từ trên trời rơi xuống” là bởi trước khi đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam diễn ra, chúng tôi hầu như không biết cô bạn cùng lớp của mình đi thi Hoa hậu, và cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng cô bạn ấy sẽ trở thành Hoa hậu.
Tôi có thói quen quan sát mọi người xung quanh mình, như một sở thích. Tôi thích nhìn ngắm xung quanh, nhìn cách mọi người cư xử hàng ngày và đánh giá về từng con người qua những ứng xử nhỏ nhặt ấy.
Huyền là sinh viên lớp Báo in K24, Phân viện Báo chí & Tuyên truyền
Vô tình thế nào, Nguyễn Thị Huyền lại lọt vào “tầm ngắm” của tôi ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào trường Đại học.
Ngày đầu tiên làm thủ tục nhập học, tất cả các tân sinh viên chúng tôi được tập trung tại hội trường lớn của trường. Chúng tôi nộp hồ sơ và làm thủ tục nhập học, đóng học phí ngay trong hội trường.
Khi đó tôi chú ý đến 4 cô bạn nổi bật nhất trong hội trường: 2 bạn tóc vàng rực, nhìn rất ngổ ngáo; 1 bạn tóc ngắn cũn và xoăn tít, ăn mặc rất kỳ quặc, không biết là con trai hay con gái và một bạn tóc ngắn, trắng trẻo và có chiều cao vô cùng ấn tượng, đứng cạnh thầy giáo của tôi mà cao hơn cả 1 cái đầu.
Sau này nhập học xong xuôi, vào lớp học, làm quen với bạn mới, tôi mới phát hiện ra 2 bạn tóc vàng rực, bạn tóc ngắn cũn, xoăn tít, chẳng biết trai hay gái và bạn có chiều cao nổi bật đều là bạn cùng lớp với tôi.
Sau 8 năm, 2 bạn tóc vàng rực đều đã trở thành những cô gái rất nữ tính với mái tóc đen rất hiền hòa và tính tình thì không hề ngổ ngáo như tôi tưởng ban đầu; một trong 2 bạn đó vừa lên chức mẹ cách đây vài tháng.
Bạn tóc ngắn cũn, không biết là là con trai hay con gái thì đến giờ vẫn có tính cách tưng tửng như cái vẻ bề ngoài của bạn ấy, luôn gây cười cho những người xung quanh bởi phong cách nói chuyện rất kỳ quặc nhưng dễ thương.
Tuy nhiên giờ bạn tôi đã ra dáng con gái hơn nhiều, đảm bảo ai gặp lần đầu tiên cũng có thể khẳng định bạn tôi 100% là con gái. Còn bạn cao kều thì đã trở thành Hoa hậu Việt Nam – Nguyễn Thị Huyền. Là Hoa hậu nên đương nhiên là bạn tôi đẹp, và ngày càng đẹp hơn, như mọi người đều thấy.
Nguyễn Thị Huyền chỉ học cùng với lớp chúng tôi chưa đầy 1 năm rồi đi du học. Mấy năm Huyền du học, chúng tôi cũng chỉ biết thông tin về Huyền qua báo chí. Khi Huyền về nước, vì tính chất công việc, thỉnh thoảng tôi gặp Huyền ở một số sự kiện và tôi thấy xuất hiện ở đâu Huyền cũng rất nổi bật bởi nhan sắc và chiều cao của mình.
Thế nhưng năm thứ nhất đại học, tôi chỉ thấy Huyền nổi bật về chiều cao đặc biệt, còn mọi thứ khác đều không có gì quá khác biệt với những sinh viên bình thường khác.
Tôi nhớ ngày đó mỗi lần lên lớp, Huyền ăn mặc rất giản dị mặc thường có màu sắc rất đơn giản, nhã nhặn. Trang sức mà Huyền đeo cũng chỉ có một sợi dây với mặt đá nhỏ xíu, một đôi hoa tai tròn, nho nhỏ, ôm vào tai, nhìn rất dịu dàng và một cái đồng hồ mặt tròn tròn, nho nhỏ xinh xinh.
Huyền hoàn toàn khác với nhiều bạn trong lớp chúng tôi hồi đó, chỉ thích dùng những thứ vòng vèo thật to, thật rườm rà, thật xủng xẻng. Ngay cả đồng hồ của nhiều bạn trong lớp tôi cũng đủ màu sắc xanh đỏ, đủ các hình thù ngộ nghĩnh.
Tôi phát hiện ra một điều rất thú vị là đến bây giờ, khi đã đăng quang Hoa hậu 8 năm, sở thích dùng đồ trang sức của Huyền hầu như không hề thay đổi. Những người đẹp khác có thể xuất hiện với những bộ trang sức lộng lẫy, rất cầu kỳ, lấp lánh và nổi bật.
Nhưng Huyền thì hầu như vẫn có thói quen ngày xưa: Dù có thể mặc một bộ váy dạ hội lộng lẫy nhưng Huyền vẫn chỉ chọn trang sức là một sợi dây chuyền với cái mặt là một hạt ngọc bé xíu, một đôi bông tai đơn giản và một cái đồng hồ mặt tròn tròn, nho nhỏ (nhìn rất giống với cái đồng hồ hồi sinh viên).
Tôi thấy Huyền luôn khác với những người đẹp khác ở điều đó. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng Huyền đẹp nhất với những loại trang sức đơn giản, không màu mè, bởi bản thân Huyền đã quá đủ để nổi bật.
Huyền “gà tây”
Nhưng cũng có lẽ bởi sự giản dị, không màu mè trong cuộc sống đời thường mà sự kiện Huyền trở thành Hoa hậu khiến lớp chúng tôi hết thảy đều “choáng”. Chẳng đứa nào trong lớp nghĩ cái bạn cao cao, nhìn tồ tồ, hơi mập mập của lớp mình giờ lại là Hoa hậu.
Hầu hết sinh viên đại học năm đầu tiên đều có vẻ ngoài rất “ngố”. Bởi chúng tôi hầu như đều là sinh viên tỉnh lẻ về, cũng còn quá nhỏ tuổi để biết điệu đà, trưng diện.
Hiếm hoi lắm mới có vài bạn gái ra dáng con gái hơn, ý thức được việc làm đẹp hơn nên nhìn ăn mặc nổi bật và chau chuốt hơn nên ngày đó nếu bạn sinh viên cùng khóa nào ăn mặc đẹp một chút, “sành điệu” một chút, sẽ lập tức gây chú ý.
Huyền thì lại không được chúng tôi đánh giá là “sành điệu” nên dĩ nhiên không được chú ý nhiều. Từ năm thứ nhất, có những bạn cùng lớp của tôi đã trang điểm mỗi lần đến lớp và đi giày cao gót đến 10 phân.
Nhưng Huyền thì thường để mặt mộc lên lớp và thường xuất hiện với những đôi giầy bệt hoặc những đôi giầy không quá 3 phân; với quần tây may lạ mắt và cái áo sơ mi trắng đơn giản. Ngày đó Huyền để tóc ngắn.
Tóc Huyền xoăn tự nhiên; nước da trắng trẻo, mịn màng; mắt to, tròn; gương mặt phúc hậu; mũi cao, thanh tú; đôi môi xinh xắn, hồng hồng và hàm răng trắng, đều tăm tắp.
Sau này ngồi nhớ lại, lớp chúng tôi đều bảo với nhau đúng là Huyền đẹp, ngay cả khi không trang điểm, không chưng diện; tất cả các nét trên gương mặt Huyền phân tích ra đều đẹp, không chê được nét nào.
Thế mà chẳng hiểu tại sao ngày đó chẳng đứa nào phát hiện ra cô bạn cùng lớp của mình đẹp. Có thể bởi vì Huyền không muốn gây sự chú ý, nên đã luôn ăn mặc giản dị như thế để hòa đồng với môi trường đại học.
Phunutoday