Trước việc dư luận đang xôn xao xung quanh bộ ảnh áo dài khoe “Nét đẹp xuân thì” của Hoa hậu Mai Phương Thúy, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ với chúng tôi quan điểm của mình.
PV: Dư luận hiện nay đang rất xôn xao về bộ ảnh áo dài khoe “Nét đẹp xuân thì” của Hoa hậu Mai Phương Thúy. Đa số cho rằng nó phản cảm, dâm tục, một số lại đánh giá đó là ảnh nghệ thuật khoe nét đẹp thiếu nữ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy bộ ảnh đó cũng bình thường, thậm chí có một số tư thế chụp gò bó, không đẹp. Còn về một số lời chê của dư luận, tôi e rằng nói thế không công bằng.
Nhiều người mẫu còn chụp những bức ảnh phản cảm, chứ không được như vậy. Về tạo hình, không ít ảnh nước ngoài tạo những hình kỳ quái lắm.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Mỗi người có quan niệm riêng về tạo hình, về thẩm mỹ. Còn việc bộ ảnh đó có gợi dục hay không thì tôi cho rằng bộ ảnh cũng bình thường, không như dư luận đánh giá.
PV: Áo dài thiếu nữ không chỉ là Quốc phục của nữ giới mà còn là biểu tượng trong sáng, lành mạnh của nữ sinh “bay bay tà áo học trò”. Ông nghĩ sao nếu nữ sinh cả nước mặc áo dài như áo dài của HH Mai Phương Thúy khoe nét đẹp cơ thể “xuân thì”?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, trước hết, không nên khoác cho chiếc áo dài hay cho những người bình thường (Hoa hậu cũng là người bình thường thôi) một vai trò quá đặc biệt, một giá trị thiêng đến thế. Thiêng hoá dễ dẫn đến gò bó, rồi có lúc khổ vì những vai trò ảo, giá trị ảo, không còn được sống một cách tự nhiên nữa.
Thứ hai, áo dài có rất nhiều kiểu khác nhau, có tà ngắn, tà dài, có áo màu này, áo màu khác, có áo thêu, áo không thêu, áo có cổ, áo không cổ… Như vậy, sẽ có áo người này mặc hợp, còn người kia mặc không hợp.
Thứ ba, phải xét đến hoàn cảnh cụ thể, xem mục đích của người mặc trang phục đó là gì, họ mặc nó ở môi trường nào? Chúng ta không nên so sánh trang phục của nữ sinh với trang phục của một người mẫu chụp ảnh nghệ thuật.
Khi đến trường, học sinh phải ăn mặc nghiêm trang, kín đáo, vì đó là yêu cầu của học đường và vì ở lứa tuổi đó nữ sinh ăn mặc như thế mới phù hợp.
Một trong những bức ảnh khoe "Nét đẹp xuân thì" của HH Mai Phương Thúy
Chúng ta cũng không nên so sánh trang phục trong ảnh nghệ thuật với trang phục nơi công cộng. Diện những bộ đồ trong suốt đến nơi công cộng thì khó chấp nhận, chứ mặc chiếc áo dài như của Mai Phương Thuý để chụp ảnh thì cũng không có gì gây sốc cả.
Từ ngày Mai Phương Thúy đăng quang Hoa hậu, cô ấy chụp khá nhiều ảnh nghệ thuật, có ảnh được khen, có ảnh không được khen. Chúng ta cũng nên hiểu một Hoa hậu theo cách nhìn toàn diện hơn, chứ không nên bắt cô ấy trở thành một mẫu hình để cho thanh niên cả nước học hỏi.
Mai Phương Thúy có quyền sống theo ý mình, thể hiện mình đa dạng hơn, miễn là không làm gì trái pháp luật hay trái với các chuẩn mực đạo đức, văn hoá.
PV: Hiện có quan điểm cho rằng đối với ảnh nghệ thuật thì đừng phán xét nó như ảnh bình thường. Điều này liệu có nghĩa là cứ nhân danh nghệ thuật là được phép làm mọi thứ không, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu nói về người mẫu, Hoa hậu, cựu Hoa hậu chụp ảnh nghệ thuật thì cũng có khá nhiều bộ ảnh rất tệ, rất ít chất nghệ thuật. Dư luận cũng đã chê những bộ ảnh đó. Điều này chứng tỏ là không phải cứ nhân danh nghệ thuật thì làm gì, làm thế nào cũng được.
Chụp ảnh nghệ thuật để ghi lại những thời khắc, hình ảnh rất đẹp của tuổi xuân là một cách sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì vẻ đẹp cơ thể là một vẻ đẹp đáng tự hào của con người nói chung và đặc biệt là của phụ nữ, những người được mệnh danh là phái đẹp.
Nhưng làm thế nào để chụp được những bức ảnh nghệ thuật thật sự đẹp, thể hiện được vẻ đẹp của hình dáng, cơ thể và chỉ gợi lên những cảm xúc đẹp thôi? Để đạt được điều đó thực sự rất khó, chứ không hề đơn giản. Không hiếm trường hợp người nghệ sĩ và người mẫu quan niệm đúng nhưng không đạt được ý tưởng của họ.
Trong những trường hợp đó, chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề một cách rộng lượng. Chắc rằng, các nghệ sĩ ảnh và người mẫu không thể bỏ qua những điều dư luận bàn tán, họ cũng phải điều chỉnh hành vi, nghệ thuật để làm sao tác phẩm của họ đạt đến cái đẹp mà họ muốn truyền tải.
PV: Cho dù là nhân danh nghệ thuật thì tác phẩm vẫn phải được giới thiệu cho công chúng chiêm ngưỡng. Vậy đâu là giới hạn cho phép của “nghệ thuật” và đâu là giới hạn cho phép của “những tác phẩm thông thường”?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Ranh giới giữa nghệ thuật và gợi dục rất mỏng manh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như người mẫu phải học hỏi không ngừng để thể hiện được đúng mục đích của mình trong chụp ảnh.
Bức ảnh được cho là phản cảm trong bộ ảnh của Mai Phương Thúy
Nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ cũng cần quan tâm tới cảm nhận và phản ứng của người thưởng lãm để mình thấy mục đích của mình có đạt được hay không, và mình cần làm thế nào để đạt được đúng mục đích nghệ thuật đó.
Giữa nghệ sĩ với công chúng nghệ thuật cần có sự tương cảm. Bản thân người nghệ sĩ cần hoàn thiện quan điểm nghệ thuật của mình, kĩ thuật của mình, còn công chúng thì cũng cần học hỏi, tiệm cận với những quan điểm của nghệ sĩ để có sự tương cảm trong nghệ thuật.
Nếu tác phẩm nghệ thuật thể hiện theo cách riêng của nó, còn công chúng tiếp nhận theo cách khác thì rõ ràng nghệ thuật không đạt được mục đích, vì mỗi tác phẩm chỉ trở thành tác phẩm nghệ thuật thật sự khi nó được tái tạo với cảm xúc chân, thiện, mỹ ở người thưởng lãm.
PV: Là người đã từng phụ trách mảng Văn hóa ở Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, ông nghĩ sao về nguyên tắc “không trái với thuần phong mỹ tục”?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Có khá nhiều luật quy định “Không trái với thuần phong mỹ tục”, nhưng đánh giá trường hợp nào trái, trường hợp nào không thì phải phân tích rất kỹ.
Người phê bình cần bình tĩnh, công tâm, không nên áp đặt quan niệm và kinh nghiệm của mình cho nghệ sĩ.
Nghệ sĩ có quyền thử nghiệm, dò đường nhưng khi không đạt được yêu cầu thì phải tự nhận ra và thay đổi cách thể hiện của mình để làm sao đạt được mục đích nghệ thuật, đem lại khoái cảm thẩm mỹ đúng đắn cho những người thưởng thức.
PV: Xin hỏi một câu hỏi riêng tư: Cá nhân ông đã xem bộ ảnh của HH Mai Phương Thúy và Ngọc Trinh mà dư luận đang rất xôn xao chưa? Ông có cảm xúc gì?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã xem bộ ảnh của HH Mai Phương Thúy và của Ngọc Trinh ở trên mạng. Hai bộ ảnh này có sự khác nhau nên tạo ra hiệu quả khác nhau.
Bộ ảnh của Mai Phương Thúy có một vài bức đẹp nhưng nhìn chung cả bộ ảnh đó không phải là thành công.
Còn bộ ảnh của Ngọc Trinh thì trần tục quá, đó không phải là nghệ thuật.
PV: Có ý kiến cho rằng chiếc áo dài là biểu tượng của quốc hồn, quốc túy của dân tộc, nhưng ngày càng có nhiều chiếc áo dài được cách tân một cách quá đà, thể hiện sự gợi cảm, ướt át; chất vải mong manh thêm phần hở lộ cơ thể thiếu nữ. Ông nhận xét gì về chiều hướng này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chiếc áo dài “tân thời” ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XX do sáng kiến của các hoạ sĩ Cát Tường và Lê Phổ. Áo dài là sự phát triển của áo tứ thân, kết hợp với kiểu dáng váy của phụ nữ phương Tây, khi đó là sự cách tân táo bạo.
Bản thân áo dài lúc mới ra đời đã chịu những phản ứng nhất định của dư luận, chứ không phải ai cũng tán thành ngay.
Phần đông phụ nữ đô thị lúc đó chỉ chấp nhận loại áo dài eo rộng, cổ kín, chứ không chấp nhận loại eo bó, cổ lá sen, cổ trái tim… Dần dần, chiếc áo dài trở thành trang phục rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam, được nhiều bạn bè quốc tế khen ngợi.
Hiện giờ, người ta tiếp tục có nhiều cải tiến áo dài so với áo dài truyền thống. Tôi cho rằng thiết kế những chiếc áo dài quá hở hang thì không nên, vì nó không phù hợp với nguyên gốc kín đáo, trang nhã của áo dài, với phong cách phụ nữ Việt Nam và với quan niệm chung hiện nay.
Còn về những cải tiến khác thì chúng ta cũng nên tôn trọng sáng tạo của người thiết kế vì cách tân luôn luôn là lẽ sống của nghệ thuật và cũng là quy luật của cuộc đời.
Ví dụ, tranh nghệ thuật thời Phục Hưng là đỉnh cao của nhân loại, nhưng nếu hội hoạ chỉ dừng lại ở thành quả của Phục Hưng, không có những trường phái cách tân xuất hiện thì hội hoạ chắc chắn đã bị nhiếp ảnh thay thế rồi.
Cho nên cũng có thể bước đầu chúng ta chưa quen mắt với một vài sáng tạo của nhà thiết kế thời trang, nhưng chúng ta hãy tôn trọng họ, đừng nên quá lời với họ, chỉ trừ những trường hợp trang phục quá lố lăng. Người ta từng nói rằng riêng trong ăn uống và thẩm mỹ thì không dễ tìm đồng chí.
PV: Xung quanh về vụ việc này, Bộ VHTTDL nói rằng sẽ thẩm định bộ ảnh của Mai Phương Thúy để xem xét bộ ảnh đó có phản cảm, có xúc phạm đến tấm áo dài truyền thống của dân tộc không? Phải chăng, cho đến tận thời điểm này các nhà quản lý vẫn không thể phân định được đâu là giá trị truyền thống mà dư luận đang lo lắng bị HH Mai Phương Thúy chà đạp bằng việc "dâm hóa" áo dài?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Trước một hiện tượng dư luận lên tiếng phê bình, cơ quan quản lý Nhà nước đương nhiên phải nghiên cứu, xem xét theo trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chắc chắn cơ quan quản lý Nhà nước phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia.
Còn nói HH Mai Phương Thúy chà đạp lên tà áo dài Việt Nam, tôi cho rằng nói thế là cực đoan. Không nên thiêng hóa dễ dàng mọi vật, bởi vì như thế là tự mình làm khó cho mình. Như mình nói hoa cúc, hoa mai là biểu tượng của người quân tử, hoa sen là Quốc hoa, áo dài tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam…
Đó là những nhận thức được số đông chấp nhận nhưng nên nhớ là những giá trị ấy cũng do con người gán cho thôi và có thể thay đổi theo thời gian, không gian. Không phải vì chúng được gán cho những ý nghĩa như vậy mà chúng ta ngăn cản những sáng tạo nghệ thuật, khoa học liên quan đến chúng.
Ví dụ, với người châu Âu, váy là trang phục tiêu biểu của phụ nữ, thậm chí cứ lấy “tư duy áo dài” của ta mà suy thì cái váy là quốc hồn, quốc túy của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu họ sáng tạo ra các kiểu váy độc đáo, thậm chí kì dị, như trong các buổi trình diễn thời trang, thì như thế là chà đạp lên quốc phục.
Tôi nghĩ đơn giản thế này: Nhà thiết kế có quyền sáng tạo nghệ thuật, nhưng công chúng có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Nếu được công chúng chấp nhận thì mẫu thiết kế đi vào cuộc sống, còn không thì sẽ bị chính nhà thiết kế lãng quên.
Xin cảm ơn GS!
Phunutoday