Rất nhiều những người đẹp khắp ba kỳ Bắc- Trung- Nam, khi nước ta còn nằm trong thời thuộc địa nửa phong kiến được ca tụng là "Hoa hậu Đông Dương" chẳng hạn như Nam phương Hoàng hậu- Nguyễn Hữu Thị Lan, hay tiểu thư Hà thành Nguyễn Thị Hồng, cô ba xà bông Trần Ngọc Trà… xong đó chỉ là những giai thoại. Mong tìm được lời giải của danh vị hoa hậu này, PV chúng tôi đã đi tìm hiểu mong có câu trả lời: Có hay không cuộc thi Hoa hậu Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.
Khánh thành cầu Long Biên
Số phận những hoa hậu không vương miện
Lật tìm trong những tư liệu, giai thoại ít ỏi còn lưu lại, ta thấy danh vị "Hoa hậu Đông Dương" được gắn với một số người đẹp nổi tiếng một thời. Nam phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan người được ghi danh với ba năm liền đoạt giải "Hoa hậu Đông Dương" do người Pháp tổ chức. Sắc đẹp của Nguyễn Hữu Thị Lan mê đắm ông vua trẻ Bảo Đại, khiến vua thay đổi cả nguyên tắc Hoàng cung để kết hôn bằng được với người đẹp. Nhưng hồng nhan bạc phận, cuộc đời của Nam phương Hoàng hậu vẫn là nỗi cô đơn tột cùng, lưu vong nơi đất khách quê người.
Tiểu thư Hà thành Nguyễn Thị Hồng cũng được gắn với danh vị "Hoa hậu Đông Dương", nhưng ngôi vị hoa hậu lại mang đến cho cô bao nhiêu sóng gió, tủi nhục, đau đớn. Có giai thoại viết: "Cô Hồng vốn là con gái duy nhất của một gia đình tư sản từng là một nữ sinh của Trường Đồng Khánh, nổi tiếng xinh đẹp, từng được trao vương miện Hoa hậu Đông Dương lúc bấy giờ. Nhưng những hệ lụy, đau đớn, tủi nhục nhất trong đời cô cũng lại đến ngay từ ánh hào quang của chiếc vương miện ấy. Cha mẹ cô mở một bữa tiệc mừng cô con gái rượu đăng quang. Cô bị bắt cóc ngay trong đêm ấy, bị sa vào tay bọn Quốc dân đảng.
Sau khi làm trò đồi bại, chúng chuyển cô cho băng cướp Năm Kim - một băng cướp khét tiếng ở Hà Đông lúc bấy giờ. Rồi cô lại bị bán cho một nhà thổ. Khi trốn ra được trở về Hà Nội thì gia đình không còn ai, cô theo đoàn người tản cư đi về phía Sơn Tây rồi nằm chết ngất bên vệ đường. Số phận đã cho cô may mắn gặp lại một người con trai vốn từng si mê cô, nay đã trở thành Trưởng ty Điệp báo Sơn Tây. Anh đã cùng đồng đội cưu mang, cảm hóa, giác ngộ cô và giao cho một nhiệm vụ quan trọng phục vụ kháng chiến".
Người đẹp gắn với danh vị "Hoa hậu Đông Dương" phải kể đến cô ba xà bông Trần Ngọc Trà, người được miêu tả có sắc đẹp "đổ quán, xiêu đình". Cô Ba xà bông là hình ảnh của cô được gắn với xà bông tắm của nhà tỷ phú Trương Văn Bền. Nhà văn, họa sỹ Phạm Thăng kể rằng, ông có được xem một tấm hình của Hoa hậu Trần Ngọc Trà: Đó là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn.
Còn trong cuốn Sài Gòn tả pí lù, Vương Hồng Sến lại viết: "Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc".
Cô Ba Trà gắn liền với biết bao giai thoại và những cuộc chiến tranh giành người đẹp của các đại công tử. Được cung phụng cô lao vào ăn chơi, cặp kè hết người này đến người khác. Bộ sưu tập người tình của cô Ba Trà gồm các đại điền chủ, đại công tử như: Đại công tử Tư Phước George (biệt hiệu Bạch công tử) - con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, chủ nhân Cù Lao Rồng ở Mỹ Tho; cậu Ba Qui (biệt hiệu Hắc công tử), con trai của đại điền chủ Trần Trinh Bạch ở Bạc Liêu, công tử Bích, chủ nhà băng Đông Pháp.
Ngoài ra, còn có các trí thức máu mặt thời Pháp thuộc như: Quan tòa Trần Văn Tỷ, thầy kiện Dương Văn Giáo, bác sỹ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, vua cờ bạc Sáu Ngọ cũng say cô như điếu đổ. Sắc đẹp khuynh thành của cô Ba Trà đã gây ra cuộc đối đầu lúc đó giữa Bạch công tử (Lê Công Phước) và Hắc công tử (Trần Trinh Huy). Chuyện kể rằng, không cần cô Ba mở lời, hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng người đẹp. Vì thế, cô sở hữu không biết bao nhiêu đồ quý giá từ trang sức, áo quần hàng hiệu cho đến nhà cửa, xe cộ… Nhưng cuối đời, cô Ba Trà vùi mình trong nợ nần do cờ bạc, chết trong nỗi cô đơn.
Chưa từng có cuộc thi "Hoa hậu Đông Dương"
Có thể nói, ba "hoa hậu" của ba miền là đại diện cho rất nhiều nhan sắc được tôn vinh gắn với danh vị "Hoa hậu Đông Dương". Có một số thông tin được đăng tải cho rằng: Từ những năm 1920-1930, khi tư tưởng tiến bộ về cách mạng giải phóng dân tộc đã ảnh hưởng mạnh vào nước ta, với nhiều phong trào đấu tranh nổ ra, thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ khi nhìn thấy những mầm mống đấu tranh sẽ đe doạ chế độ thực dân của chúng. Thời điểm ấy, Thực dân Pháp đã tổ chức những cuộc thi rất quy mô để thu hút thanh niên, tránh ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng lan tràn trong dân chúng như các cuộc thi Xe đạp xuyên Việt, thi sáng chế, mở xổ số nhằm đánh lạc hướng tinh thần yêu nước. Cuộc thi "Hoa hậu Đông Dương" do người Pháp tổ chức cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Trước những giai thoại về những nhan sắc đoạt "vương miện" hoa hậu, PV Người đưa tin đã tìm đến với lý giải riêng của nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông là người nghiên cứu rất sâu về những người phụ nữ thời xa xưa, ông cũng sưu tầm nhiều bức ảnh về họ, trong đó có những cuộc thi hoa hậu. "Tôi khẳng định, thời Pháp thuộc chưa từng có cuộc thi Hoa hậu Đông Dương. Ngôi hậu này chỉ là danh vị gắn với người đẹp. Chẳng hạn, người ta thấy cô gái nào đẹp nhất vùng thì gọi là hoa hậu, như ta vẫn nghe "hoa hậu phường", "người đẹp Bình Dương"… chữ hoa hậu đôi khi được dùng thay cho từ người phụ nữ đẹp", ông Dương Trung Quốc nói.
Lý giải về các cuộc thi người đẹp của thời Pháp thuộc, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết: “Cuộc thi người đẹp có nguồn gốc từ Phương Tây du nhập sang các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Người phụ nữ Đông phương còn chịu những ràng buộc về phong tục, tập quán, nhất là ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến nên không coi trọng sắc đẹp của mình. Với họ Công-Dung- Ngôn- Hạnh là những chuẩn mực của người phụ nữ và cuộc thi hoa hậu là xa lạ. "Ngày xưa, vua chúa có tuyển phi tần, cung nữ nhưng đó là chuyện khác, chuyện hậu cung. Do vậy, ý nghĩa hoa hậu gắn với người đẹp trong các cuộc thi tôi cho rằng chỉ có từ khi người Pháp sang, gắn với chế độ thuộc địa, phong kiến".
Theo ông Dương Trung Quốc, thời Pháp thuộc cũng có những cuộc thi hoa hậu, nhưng chưa từng có cuộc thi với tên gọi "Hoa hậu Đông Dương". Trong tư liệu lịch sử cuộc thi hoa hậu thường gắn với sinh hoạt cộng đồng, nhất là những hình thức sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người thị dân, đi cùng với nó là những hội chợ (đấu xảo). Mục đích của đấu xảo là trưng bày những sản phẩm, điều tra về thuộc địa nhằm thúc đẩy sự phát triển. Tại đấu sảo, người Pháp tổ chức rất lớn, thậm chí còn quy mô hơn bây giờ.
Ông Quốc lấy ví dụ, đấu xảo năm 1902 gắn liền với sự kiện khánh thành cầu Long Biên gắn với tên Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Doumer. Quy mô của đấu xảo này có mấy chục quốc gia đến trưng bày sản phẩm, người Pháp xây dựng cả một khu làm nơi tổ chức đấu xảo đó là vị trí của Cung Văn hoá Hữu nghị Việt- Xô bây giờ. Sau đó, nó được xây dựng thành Bảo tàng Nông- Thương. Hay tại Nam Định ngày khánh thành Chợ Rồng có toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và vua Bảo Đại về cắt băng. Sau đó có tổ chức thi hoa hậu tại chợ. Người con gái được giải Á hậu hiện nay còn đang sống ở phố Cửa Trường thành phố Nam Định.
Từ sinh hoạt kinh tế gắn với hội chợ, đấu xảo tại đó có gắn với các sinh hoạt văn hoá. Hội chợ (két-mét) được tổ chức vào các dịp vui, nhân ngày lễ tết. Tại Hà Nội, hội chợ được tổ chức vòng quanh bờ Hồ, và trong những hội chợ ấy có tổ chức nhiều trò vui, trong ấy có thi hoa hậu (người đẹp). Đặc biệt, trong thời kỳ vàng son của chính sách thuộc địa những cuộc thi hoa hậu được tổ chức nhiều nơi, nhiều địa phương nên đã tạo ra nhiều gương mặt đẹp với những giai thoại bất hủ.
Người Đưa Tin