Quá khứ mẹ bỏ chồng con theo người đàn ông khác
Sau cái chết bất ngờ của người cha vào tháng 4/2013, hiện tại người gần gũi và hiểu rõ nhất về hoa hậu bán dâm là anh Võ Tấn Trung (em trai Mỹ Xuân, sinh năm 1987, đang học trung cấp kinh tế tại một trường ở Cần Thơ). Trung khẳng định chị gái mình sinh năm 1983, không phải năm 1985 như công bố từ trước đến nay.
Trước nhiều thông tin khác nhau về tuổi thơ lam lũ phải đi bán vé số của Mỹ Xuân, người em trai phủ nhận điều này. Anh kể cha anh là người ở quận Ô Môn, mẹ ở huyện Phong Điền, hai người gặp nhau qua mai mối, nên duyên vợ chồng.
Ông nội anh có tiệm vàng lớn nhất xã Thới Long lúc bấy giờ nên gia đình cũng nổi tiếng khá giả, có nhiều “của ăn của để”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn công việc làm ăn trở nên khó khăn, tiệm vàng phá sản, cha mẹ anh về ấp Thới Xương 1 làm vườn với mảnh đất hơn một công, bắt đầu một cuộc sống đói nghèo. Lần lượt chị em Mỹ Xuân ra đời càng khiến gia đình túng quẫn.
Hoa hậu bán dâm nghìn đô từng một thời chối bỏ
quá khứ quê mùa
Tuổi thơ Mỹ Xuân gắn liền với miệt vườn sông nước miền Tây, nhà ở cuối ấp Thới Xương 1 (phường Thới Long, quận Ô Môn). Người mẹ là giáo viên tiểu học, vốn quen sung túc nay không chịu được cảnh nghèo khổ, thường xuyên mâu thuẫn cãi cọ với chồng.
Khoảng năm 1989, hai vợ chồng sống ly thân, người mẹ chuyển ra ở nhờ ngoài trường học, đến năm 1994 thì ra toà ly dị.
Theo thoả thuận, chị em Mỹ Xuân sống với cha, người mẹ lên Sài Thành, hàng tháng không phải gửi tiền nuôi con. Người em trai nhớ lại: “Ba tôi nói vẫn yêu mẹ, nhưng mẹ “làm quá” nên cha phải ra toà. Mẹ lên thành phố thì hai năm sau có em bé với người đàn ông khác. Hàng xóm đoán là mẹ quen biết ông này trước đó nên bỏ 3 cha con đi, cũng không nhận nuôi chị em tôi, chắc mẹ sợ phiền đến gia đình bên chồng mới”.
Thôn nữ sống nhà quê sợ mồ hôi
Từ đó người cha ở vậy “gà trống nuôi con”. Mảnh vườn chủ yếu trồng xoài và hạnh (quất), ngày nào ông cũng hái ra chợ bán. Ba cha con sống trong một căn nhà lá cũ nát, ọp ẹp bên một dòng kênh. Do nhà cửa chật chội, ban ngày Xuân ăn cơm với cha và em, đến tối thì sang nhà chú ở cách đó không xa để học bài và ngủ.
Trong ký ức của người em trai vẫn còn in đậm kỷ niệm về những ngày lam lũ. Khi mới hơn 10 tuổi, Mỹ Xuân đã thường xuyên phải mang trái cây ra chợ cách khoảng 2km bán giúp cha.
“Lần đó chị hái được một túi xoài bự rồi mang ra chợ. Túi nặng, trời lại nắng, mang đi được nửa đường thì chị bỏ dở, mếu máo khóc, nhễ nhại mồ hôi chạy về kêu cha đang hái trái cây ở vườn ra giúp”, Trung kể.
Nhưng theo người em, dù cuộc sống nghèo khổ, người cha không bao giờ để con cái phải đói một bữa, quần áo giày dép không thiếu thốn thứ gì. Ngoài việc chăm sóc vườn tược và đi chợ, ông còn hay xuống kênh rạch mò cua bắt ốc, hái rau muống, bông súng để bán kiếm thêm tiền.
Khi Trung học lớp chín thì Mỹ Xuân học lớp 12, mùa thi năm đó cả hai đều phải thi tốt nghiệp, người cha thương con, không cho làm bất cứ việc gì để tập trung vào học.
“Cha tôi thương chị lắm, thấy chị học bài nhiều nên cha thường hay nấu canh thịt để chị bồi dưỡng sức khoẻ.
Theo Trung, chị gái là người khá “chảnh” và rất ưa sạch sẽ. Cậu em đi đâu về mồ hôi nhễ nhại thường bị chị “chê hôi và bẩn thỉu”. Cô chị cũng cấm em không được đến xin tiền khi chị đang ở trường vì sợ lúc đó không có mà đưa sẽ “quê” với bạn bè.
“Khi đó chị tôi toàn chọn những người có tiền và đẹp trai, xinh gái mới chơi cùng. Chị cũng ở nông thôn nhưng lại không chơi với những ai có vẻ “quê mùa”, dù là cùng lớp”.
Cuộc trốn chạy của đứa con bất hiếu
Thi tốt nghiệp xong, Mỹ Xuân nói với cha đi lên Tp Cần Thơ cách nhà khoảng 40 km để ôn thi đại học. Người cha dặn dò đủ thứ, không quên dúi cho con ít tiền tiêu xài. Sau mấy hôm không thấy con trở về, ông thất thểu đi tìm khắp nơi, mới biết thực tế con gái không đi ôn thi mà bắt xe đò lên Sài Gòn với mẹ.
Người đẹp bỏ làng quê đi từ đó, biệt tăm biệt tích không ngày trở lại, cũng không một lá thư hay cuộc gọi thăm hỏi đến cha và em trai. Người cha tìm đủ cách liên lạc với con không được.
“Cha thương chị nhiều lắm, mấy lần cha và nội lên Sài Gòn tìm rước chị về nhưng không tìm được”, Trung nhớ lại.
Mỗi lần nhớ con gái, ông bố lại lục những tấm ảnh cũ của con ra ngắm. Một lần, sau khi trầm ngâm ngắm những tấm ảnh đã quá quen thuộc, ông bỗng châm lửa đốt lần lượt từng tấm hình.
Người em trai xúc động: “Cha không nói gì cả nhưng mặt buồn lắm. Tôi hỏi tại sao cha đốt, cha nói cha thương chị nhiều, nhưng chị lại bỏ đi không nói một lời, cha thấy đau xót”.
Tuy giận con nhưng lúc nào ông cũng theo dõi từng bước đi của con gái. Khi Xuân trở thành Hoa hậu Nam Mekong 2009, ông sang hàng xóm uống rượu và khoe khắp xóm. Khi biết tin con gái bị bắt vì môi giới kiêm bán dâm, ông chỉ ngồi buồn lặng lẽ.
“Cha chỉ quanh quẩn ở nhà, không dám gặp mặt tiếp xúc với xóm giềng vì xấu hổ. Cha bàn với tôi đến dịp nghỉ lễ 30/4 thì hai cha con thu xếp lên Sài Gòn vào trại giam thăm chị”, người con trai nói.
Nhưng người cha tội nghiệp đã không kịp thực hiện ý nguyện. Ngày 8/4/2013, sau khi đi ăn cưới nhà hàng xóm về, do trời nóng nên ông xuống dòng kênh sau nhà tắm rồi bị cảm đột tử.
Trung đang đi học xa, người cha ở một mình nên không ai kịp phát hiện sự việc, 3 ngày sau hàng xóm mới thấy xác ông nổi lên. Hiện tại ngôi nhà hầu như đóng cửa suốt, Trung đi học đến cuối tuần mới về nhà hương khói cho cha.
Sau tất cả những chuyện đã qua, người em vừa trách lại vừa thương chị gái: “Ai cũng có thể mắc sai lầm. Chị Xuân lớn lên ở nông thôn, cuộc sống nghèo khổ. Lên thành thị phồn hoa nhiều cạm bẫy, đồng tiền dễ làm chị sống khác rồi sa ngã lúc nào không hay”.
Nói rồi cậu bày tỏ thêm: “Nhiều người tìm tôi hỏi về Mỹ Xuân, tôi chỉ tâm sự thật lòng nhưng chuyện sau đó bị thêm bớt nhiều, thành ra tôi mang tiếng xấu kể tội chị gái. Tôi chỉ có một người chị duy nhất, dù thế nào tôi vẫn thương chị.
Đằng sau những việc chị đã làm, tôi vẫn tin chị là người lương thiện, mong rằng sau này chị tỉnh ngộ và sống tốt. Tôi sẵn sàng rước chị về quê sống cùng và nuôi dưỡng sau khi mãn hạn tù”.
Theo Phapluatvn.vn