Có 2 điều quan trọng nhất với Á hậu Trương Thị May là gia đình và đạo Phật. Nếu đạo Phật đã đem lại cho Trương Thị May cái nhìn trong trẻo, tươi sáng về cuộc đời và dạy Trương Thị May biết yêu thương con người, thì mẹ lại là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của cô. Với Á hậu Trương Thị May, mẹ là niềm vui, là trái tim, là đôi mắt, là nụ cười, là ánh sáng của cuộc đời cô.
Tuổi thơ của Á hậu mang dòng máu Khmer
Á hậu Trương Thị May là một cô gái người Khmer hiếm hoi tỏa sáng trong làng giải trí. Trương Thị May được thừa hưởng nét đẹp từ cha và mẹ, với những đường nét đặc trưng của người Khmer.
Trương Thị May đã từng trải qua tuổi thơ đặc biệt và nhiều biến cố lớn. Cô sinh năm 1988 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Trương Thị May là con gái đầu lòng. Dưới May, ba mẹ còn sinh thêm 4 người em.
Trương Thị May đã được sống những ngày bình yên nhất của thời thơ ấu ở Campuchia. Ba của Trương Thị May là ông Trương Vanna – một người đàn ông Khmer cao to, có gương mặt đẹp và tính cách lịch lãm. Mẹ Trương Thị May là bà Trương Mỹ Tiền, cũng là một người phụ nữ Khmer nổi tiếng có hương sắc.
Ba mẹ cô có thể coi là một cặp “trai tài gái sắc”. Vẻ đẹp Khmer không lẫn đi đâu được của Trương Thị May là được thừa hưởng từ ba mẹ mình.
Khi Trương Thị May còn bé, gia đình cô có cuộc sống rất sung túc. Ông Trương Vanna là một người làm kinh doanh giỏi đã tạo cho gia đình một cuộc sống đầy đủ tại Thủ đô Phnom Penh. Khi ông Trương Vanna còn khỏe, mẹ và 5 chị em May sống rất vui vẻ, nhàn nhã trong một ngôi nhà lớn, có sân vườn rất đẹp ở Phnom Penh.
Cuộc sống êm đềm đó kết thúc khi Trương Thị May lên 9 tuổi. Một buổi sáng, khi Trương Thị May đang học ở trường, mẹ đến trường đón May và cho biết là ba cô đã mất. Cô bé Trương Thị May bình thường yếu đuối nhưng ngay trong giây phút đau đớn tột cùng, cô đã trở nên mạnh mẽ lạ lùng vì May hiểu May là chị cả của 4 đứa em và phải có trách nhiệm đỡ đần, động viên mẹ vượt qua nỗi đau.Sau khi ba qua đời, mẹ con Trương Thị May đã mất đi chỗ dựa vững chắc. Do khi còn sống, ba May không bao giờ bắt mẹ con May làm việc nên khi ông qua đời, mẹ May không có kinh nghiệm quản lý việc kinh doanh, khiến việc làm ăn của gia đình ngày càng sút rồi dẫn đến phá sản. Mấy mẹ con Trương Thị May phải về sống với gia đình ông bà ngoại ở Sóc Trăng và nhờ ông bà cưu mang.
Ba mất đã lâu, nhưng hình ảnh người cha hiền từ, yêu thương vợ con vẫn còn in đậm trong kí ức của Trương Thị May. Mẹ của Trương Thị May dần đảm đang, đủ sức chèo chống cả gia đình sau khi ba qua đời, nhưng mẹ không thể bù đắp hết cho chị em cô những thiệt thòi khi thiếu thốn tình cảm của người cha.
Á hậu Trương Thị May là một cô gái người Khmer hiếm hoi tỏa sáng trong làng giải trí.
Trương Thị May vẫn ao ước được một đôi lần dựa đầu vào vai ba, được ba dẫn đến lớp học như những bạn bè đồng lứa, hay được ba chỉ dạy, bảo ban ân cần và thi thoảng được ba chiều chuộng như bao cô con gái nhỏ khác.
Tuy sinh ra ở Campuchia, nhưng Trương Thị May thường được ba mẹ cho về quê chơi với ông bà ngoại ở Việt Nam. Ba mẹ dạy Trương Thị May nói tiếng Việt để May không xa lạ khi về quê hương.
Nhờ thế, sau này gia đình chuyển về Việt Nam, ngoài cú sốc lớn sau khi ba qua đời, Trương Thị May không gặp phải cú sốc lớn nào về sự khác lạ văn hóa. Ở Thủ đô Phnom Penh nơi Trương Thị May và gia đình sinh sống cũng như ở quê ngoại của May ở Việt Nam đều có kiến trúc đền chùa và tín ngưỡng Phật giáo, nên khi về Việt Nam sống, Trương Thị May vẫn được sống bên cạnh những ngôi chùa mái cong, với tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh mỗi ngày và bầu không khí Phật giáo uy nghiêm và thanh tịnh.
Người mẹ vĩ đại trong mắt Trương Thị May
Trương Thị May rất biết ơn mẹ, vì mẹ đã hi sinh để 5 chị em cô được lớn khôn và hạnh phúc hết mức có thể. Ba cô qua đời khi mẹ cô vẫn là một người phụ nữ trẻ, có nhan sắc. Nhiều người đàn ông đã đến ngỏ lời với mẹ, nhưng mẹ May đều từ chối vì bà sợ con cái thiệt thòi. Bà chấp nhận ở vậy để nuôi 5 chị em May trưởng thành.
Hiếm người con gái trẻ nào, đặc biệt là một cô người mẫu trong giới showbiz phức tạp lại đề cao giá trị gia đình và tuyệt đối hướng về gia đình như Á hậu Trương Thị May. Với Trương Thị May thì mẹ là người mà cô hết mực yêu thương, vì mẹ đã hi sinh và dành cho cô quá nhiều tình thương.
Hiện giờ, Trương Thị May đã là một cô gái 23 tuổi và là một người mẫu có tiếng, nhưng trong mắt mẹ, Trương Thị May vẫn chỉ là một cô bé con cần được mẹ che chở, bao bọc như thuở nào. Không một show diễn, một event hay buổi phỏng vấn nào của Trương Thị May lại vắng mặt mẹ. Mẹ vừa là mẹ, vừa là quản lý của May.
Khi May mới bước vào nghề, mẹ là người bỏ công chăm chút từng bộ trang phục, là người ghi lại cẩn thận chi tiết từng thông tin để xếp lịch diễn, là người nhận show diễn, người đưa May đến nơi trình diễn rồi kiên nhẫn đợi May cho đến lúc buổi diễn kết thúc để đưa May về.
Mẹ là một “vệ sĩ” đặc biệt của Trương Thị May nên chẳng có “đại gia” hay bất cứ cám dỗ nào của giới giải trí có thể động vào được tâm hồn trong sáng của May. Nhiều người muốn tiếp cận với May thấy khó chịu về điều đó. Các phóng viên cũng không vui vẻ khi gặp phải một “vệ sĩ” quá khó tính như mẹ May.
Mẹ là một “vệ sĩ” đặc biệt của Trương Thị May nên chẳng có “đại gia” hay bất cứ
cám dỗ nào của giới giải trí có thể động vào được tâm hồn trong sáng của May.
Những người mẫu khác thì ngại ngần làm thân với May. Nhưng Trương Thị May thì thấy cô may mắn khi có mẹ bên cạnh. Năm May 16 – 17 tuổi, May từng có lúc khó chịu khi mẹ theo sát từng bước, nhưng giờ May thấy mình hạnh phúc. Nhờ có mẹ mà những người có ý định xấu với May đều không dám hành động.
May vẫn giữ được cái tâm thanh tịnh và trái tim trong sáng giữa cuộc sống nhiều cám dỗ, xô bồ. Có nhiều bài báo đã chê bai mẹ May về chuyện bà quá giữ gìn cho cô con gái của mình, nhưng mẹ May chấp nhận điều đó vì mẹ May từng trải và hiểu cuộc sống rất khó lường.
Bà thà bị mang tiếng còn hơn để con gái mình gặp phải những nỗi đau trong cuộc sống. May biết đi xe máy, nhưng từ khi lên Sài Gòn, đường phố đông đúc khiến May sợ. Đi đâu một bước mẹ cũng là người chở May đi.
May không có những người bạn thân cùng tuổi, nhưng với May, mẹ là người bạn thân nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời. May là con gái lớn nhưng vẫn được mẹ chăm chút, yêu thương và hi sinh.
May nhớ có một lần đi quay phim ở An Giang và Campuchia, vì lịch quay gấp nên cả đoàn làm phim phải làm việc cật lực, bất kể mưa nắng trong nhiều ngày, May và cả đoàn ai cũng kiệt sức. Một hôm giữa trưa hè oi ả, mẹ May mang dù tới tận nơi quay phim để che nắng cho May, dù khi đó mẹ May vừa trải qua một cơn phẫu thuật quan trọng, vết mổ còn chưa lành hẳn và sức khỏe rất yếu.
Nhờ những chuyện đó, May càng hiểu tình yêu vĩ đại của mẹ và càng trân trọng tình cảm gia đình. Với May, mẹ, bà ngoại và 4 đứa em là chỗ dựa bình yên của May, là nơi May luôn tìm về mỗi khi gặp khó khăn. May nói, nếu có một điều ước, May xin cho mẹ sức khỏe để ở bên cạnh chị em May mãi mãi.
Mọi người nói May là một cô búp bê trong lồng kính, yếu đuối và không tự lập. Nhưng May lại rất độc lập và mạnh mẽ theo cách riêng của May. Khi gặp phải va chạm với đồng nghiệp hay khi bị chèn ép, May không hề tức giận, không hề cay cú. May tuy còn trẻ tuổi nhưng đã học được chữ Nhẫn mà đạo Phật dạy, luôn bình thản trước những xấu xí của cuộc đời.
Duy chỉ có một điều May sợ hãi và yếu đuối là khi nghĩ đến việc có thể một ngày mẹ không còn ở bên May nữa. Có lần, mẹ May bị bệnh nặng, phải phẫu thuật phổi. Lần đầu tiên, mẹ chỉ phải mổ nội soi, nhưng đến lần thứ hai, sau đó 10 ngày thì tình trạng sức khỏe của mẹ xấu đi, bác sĩ buộc phải phẫu thuật lần 2.
Ca phẫu thuật được đánh giá là rất nghiêm trọng. Là con gái lớn, May buộc phải ký vào giấy cam đoan của bệnh viện rằng sẽ chấp nhận khả năng sống của mẹ chỉ là 50 - 50.
May lại rất độc lập và mạnh mẽ theo cách riêng của May.
Khi đó, ý nghĩ có thể mất mẹ khiến May đã bật khóc không kiềm chế được. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ. May ngồi ngoài hành lang ngồi chờ ca phẫu thuật kết thúc mà thấy thời gian trôi qua như dài hàng thế kỷ. Khi đó, May đã khóc như mưa.
Nhưng nhờ trời Phật thương, có lẽ vì gia đình May luôn chăm chỉ đi lễ chùa, tin thờ Phật, luôn làm việc từ thiện và thường xuyên cầu đức Phật phù hộ, nên mẹ May đã qua khỏi kiếp nạn đó.
Gia đình May lại có thể êm ấm bên nhau, cùng hưởng cuộc sống an lạc, thanh tịnh. Trong mắt May, mẹ là bến yêu thương. Mẹ là món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho May.
Mẹ May dạy con gái rất nghiêm khắc. Bà quan niệm con gái là phải dịu dàng, đúng mực, dù là nghệ sĩ thì vẫn phải giữ được nề nếp và truyền thống gia đình. Mẹ dạy May nấu ăn và dạy May cách cư xử đúng mực trong cuộc sống. Nhiều người có con gái đẹp thì kiếm chỗ giàu sang để gả con, nhưng mẹ May chỉ mong con mình hạnh phúc.
Bà thấm nhuần rằng, có khi có nhiều tiền mà cuộc sống người ta vẫn buồn khổ, dằn vặt. Mẹ tự hào vì May có được thành công trong nghề người mẫu mà chưa từng phải đánh đổi danh dự, lòng tự trọng như một số người đẹp.
Chuyện về một người mẫu Phật tử
May ăn chay trường từ khi còn nhỏ. Người Khmer rất tôn sùng đạo Phật. Gia đình May cũng không ngoại lệ. Gia đình theo đạo Phật nên từ nhỏ, May thường được mẹ dẫn đi lễ chùa, nghe quý sư tụng kinh. Hình ảnh mái chùa vàng và tiếng chuông chùa thanh tịnh, bình yên đã in sâu vào kí ức tuổi thơ của May. May đã được mẹ và các sư thầy trong chùa dạy phải làm việc thiện, giúp đỡ người xung quanh và yêu thương tất cả mọi người.
Khi May lớn hơn một chút, May phải theo mẹ và bà ngoại về thành phố mưu sinh vì miếng cơm manh áo, nhưng không vì thế mà tín ngưỡng của May bị lung lay. Có một lần, May được mẹ dẫn đi hành hương thập tự (viếng thăm 10 chùa) theo phong tục. Ngôi chùa cuối cùng mà mẹ con May viếng trong chuyến hành hương đó là Quan Âm Tu Viện ở Biên Hòa.
Tại đây, Trương Thị May đã gặp Ni Trưởng Viện Chủ thượng Huệ Hạ Giác. Sư bà đã giúp May khai sáng, quy y và đặt tên cho May là Tâm Lạc. Kể từ đó, May trở thành phật tử.
Việc lễ Phật, tụng kinh là điều không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của May, dù công việc có bận rộn đến đâu đi nữa. Ngày ngày, May luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của một Phật tử tại gia. May dậy từ 4h30 sáng, ngồi thiền, trì chú niệm Phật và sám hối.
Quan Âm Tu Viện là ngôi chùa May gắn bó và sinh hoạt từ khi lên thành phố với mẹ. Hàng tuần, May đều cùng gia đình lên chùa cúng thọ Bát Quan Trai và nghe sư phụ giảng đạo.
Ngày qua ngày, May càng kính tín Tam Bảo và tuyệt đối tin tưởng lời sư phụ dạy. Nhờ theo đạo Phật, May đã thấm nhuần lời dạy của sư phụ: Thứ nhất không sát sinh, thứ hai không trộm cắp, thứ ba cấm dâm tục, thứ tư không nói láo, thứ năm cấm uống rượu.
Thành công hôm nay của May, ngoài nỗ lực của chính bản thân, May luôn mang ơn người thầy đáng kính của mình. Bởi vì cuộc sống ai cũng có lúc thăng trầm. May may mắn có được vị thầy hướng đạo.
May ăn chay trường từ khi còn nhỏ. Người Khmer rất tôn sùng
đạo Phật
Thầy May là Ni Trưởng Huệ Giác Trụ trì Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa, Đồng Nai). Những lần vấp ngã hay bế tắc trong cuộc sống, May đều được thầy khuyên bảo và chỉ dạy rất tận tình. Thầy dạy May về cuộc sống đạo đức, luật nhân quả trong nhà Phật.
Ít người biết hai mẹ con May rất tích cực hoạt động từ thiện cùng sư thầy. Đơn giản vì họ nghĩ rằng: “Giúp đỡ một người bằng xây bảy kiển chùa. Góp ít sức nhỏ bé để cho người khác đỡ khổ hơn chính là mình đang giúp cho lương tâm mình thanh thản hơn, tạo một cái kết tốt đẹp hơn ở kiếp sau”.
Vì theo đạo Phật nên khi phải mặc bikini trong cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, May rất xấu hổ. Nhắc đến chuyện mặc bikini khi thi hoa hậu, May bảo cô đã “mắc cỡ cùng mình”, nhưng cũng đành cố và thề với lòng rằng để giữ trọn hình ảnh của một người Phật tử thuần thành, cô sẽ không bao giờ lập lại việc đó một lần nào nữa.
May đã mất rất nhiều các hợp đồng quảng cáo vì chuyện không chịu mặc bikini chụp hình, nhưng cô vẫn sẽ không bao giờ thay đổi quyết định đó. Điều khó khăn với cô là phải ứng xử thế nào trong thế giới người mẫu vốn nhiều cạnh tranh, bởi đã có những lần, May là nạn nhân của sự chèn ép từ những đồng nghiệp.
Nhưng May cho biết, thường thì trong trường hợp đó, May đều cố nín nhịn, trong đầu cô luôn tồn tại chữ Nhẫn. Cô bảo nếu gặp chuyện mà không biết nhịn thì phiền não sẽ nối tiếp phiền não, mà người chịu khổ đầu tiên sẽ là chính mình. “Cứ làm vài lần như vậy mà thấy mình không phản ứng gì thì người ta cũng tự động thôi không làm việc đó nữa, hay ít nhất họ cũng sẽ phải nghĩ lại về hành động của mình”.
Hầu hết người mẫu đều vào các công ty quản lý. Nhờ thế dù có việc hay không có việc, cuộc sống cũng ổn định, không phải lo lắng. Nhưng May đã lựa chọn con đường là một người mẫu độc lập.
May không muốn bị phụ thuộc vào các công ty quản lý. Vì công việc của một người mẫu bận rộn, giờ giấc thất thường. May muốn tự lựa chọn các chương trình, các event mình tham gia, vì không muốn mình bị lệ thuộc. Sự lệ thuộc sẽ khiến May không có thời gian thực hiện nghĩa vụ của một Phật tử. Mà đó là điều không thể thiếu đối với May.
May rất yêu thích nghề người mẫu. Mỗi lần được thể hiện mình trên sàn diễn, May cảm thấy thật tự tin và hạnh phúc. Chừng nào còn đủ sức khỏe và tuổi trẻ, May sẽ cố gắng cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà mình yêu thích.
Nhưng May nói mọi việc trên đời này đều cũng phải diễn ra theo quy luật tuần hoàn của nó, sinh trụ dị diệt. Còn về kế hoạch cụ thể cho tương lai thì đối với May, kế hoạch lớn nhất của cuộc đời chính là làm sao dung hòa được đời sống vật chất và tinh thần luôn ở trạng thái tốt nhất.
Trương Thị May nói: “Tôi tin vào luật nhân quả và nhân duyên. Tôi sống an phận, không thích cạnh tranh và mơ mộng nhiều. Tôi yêu thương tất cả mọi người. Tôi tâm niệm giờ phút nào còn sống với nghề nghiệp thì sống hết mình, ngày nào hết duyên thì cũng an vui với những điều kế tiếp mà cuộc sống dành cho tôi. Tôi mong khi không sải bước trên sàn catwalk sẽ kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp để tiếp tục phục vụ mọi người”.
Đang yêu