Ba năm vào ra viện như cơm bữa, ngày 3/4 vừa qua, nhạc sĩ Vinh Sử lại tiếp tục nhập viện trong tình trạng di căn từ căn bệnh ung thư trực tràng đang biến chứng ở giai đoạn cuối.
Ông “vua nhạc sến” một thời
Nhắc đến Vinh Sử, người ta nhớ ngay đến những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như: Nhẫn cỏ cho em, Sầu tím thiệp hồng, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng,…
Thời cực thịnh, bán một bản nhạc ông có thể mua liền một lúc 2 chiếc xe đời mới. Trong nhà ngoài hẻm, đi đến đâu người ta cũng nghe giọng Chế Linh nhừa nhựa: “Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/ Tặng em theo sính lễ tơ hồng/ Thì đây anh đan nhẫn cỏ/ Tặng em coi như bỏ ngỏ/ Lòng anh chắc em đã biết.”
Vinh Sử nói, ông viết nhạc buồn vì đời ai cũng có lúc thăng lúc trầm nhưng đời ông hình như trầm nhiều hơn thăng. Cái nghèo, cái dở dang duyên nợ đeo đẳng mãi không thôi. Có lẽ, chính những lời nhạc như rút ruột ấy khiến nhạc ông được ưa chuộng.
Cảnh một người công nhân lem luốc nhịn ăn mua cho bằng được một bản nhạc Vinh Sử, mắt sáng lên, tay run run cầm bài ca ngân nga theo như nuốt từng lời là cảnh quá đỗi quen thuộc.
Vinh Sử thích viết boléro vì nó gần với ông và cũng bởi nó gần với những người cùng kiếp nghèo như ông. Dễ nghe, dễ thuộc, dễ ca theo mà đồng cảm thân phận vô cùng.
Ông cũng chẳng buồn khi ai đó chê nhạc của ông sến sẩm, quê mùa. Bởi, mỗi người có thế giới quan, sở thích, tâm tư tình cảm khác nhau.
Nhạc sĩ Vinh Sử trên giường bệnh
Niềm vui vốn ngắn. Danh vọng chóng tàn. Vinh Sử lại rơi vào khốn cùng. Cuộc sống của ông cũng hẩm hiu, héo hắt như chính như bản boléro lạc điệu ông từng say mê, nồng nàn.
Ông vẫn viết nhạc, lời ca điệu hát cứ réo rắt vẫy gọi, cứ ngân nga mãi miết trong đầu ông. Viết rồi để đó như một sự giải tỏa chứ biết đưa ai hát bây giờ. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Với Vinh Sử cũng vậy. Ông xoay đủ nghề kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày.
Có lẽ vì bản tính ông đào hoa, cũng có lẽ vì trái tim nghệ sĩ trong ông dễ rung cảm trước nhiều bóng hồng nên những người phụ nữ đã cùng ông nên duyên phối ngẫu cũng lặng lẽ rời xa, để một mình ông với âm nhạc.
Nhạc của ông vì thế buồn càng chất chứa, sầu càng lắc càng đong càng đầy. Cũng có lúc buồn, Vinh Sử buông lời trách, mà không phải trách người đi. Ông trách cái số hẩm hiu đã vận vào đời ông.
Cái nghĩa “muối mặn gừng cay”
Hơn 3 năm nay, nhạc sĩ Vinh Sử ra vào viện như cơm bữa, tới mức đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Nhân dân Gia Định quen mặt. Nhìn ông gầy rộc, da bọc xương, nằm thở hơi ra ở một góc bệnh viện, nếu không nói chắc cũng khó ai nhận ra ông vua nhạc sến lãng tử, hào hoa của một thời. Chốc chốc ông lại ho một tràng thắt ruột do cái ống thở đặt trong ngực.
Cất tiếng nói thôi là mà cũng đớn đau như có ai bóp nghẹt. Cám cảnh hơn khi biết, nào phải ông neo đơn gì cho cam, 3 đời vợ, bốn năm mặt con. Vậy mà, túc trực ngày đêm chăm sóc ông chỉ có người vợ cũ – bà Nguyễn Ngọc Lệ.
Bà đến với ông không biết vì yêu những bản nhạc hay thương cho hoàn cảnh của ông, chỉ biết bà cũng cắn răng giấu nhiều nỗi niềm. Có người đàn bà nào mà không muốn nên danh nên phận với người đàn ông mình yêu thương?
Vợ ông ngày đêm túc trực bên chồng
Ngày ông trở bệnh cách đây 4 năm, bà lại lặng lẽ trở về bên ông như cái ngày bà ôm con ra đi. Vén vun, cần mẫn, lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ, thuốc thang, chở ông vào ra viện. Âu cũng vẹn cái nghĩa “muối mặn gừng cay”.
Chắc cũng có lúc bà tủi phận và rớt nước mắt nhưng rồi vì yêu thương mà gạt qua. Cuộc đời đến cái tuổi xế chiều hiu hắt, không đủ thời gian sống với nhau thì lấy đâu ra mà giận mà hờn mà trách.
Có lúc nào đó bà càm ràm, tôi tin là vì bà lo cho ông mà thôi. Bởi bản thân bà có tiếc gì để cho ông đâu. Từ một ngày ăn gói ghém trong 30 ngàn lúc ông bà còn ở trong căn nhà trọ xập xệ ở Q.7, teo tóp dần xuống 10.000. Đến khi ông vào viện thì bà đắp đổi nhờ cơm từ thiện. Vì “sợ xài phí, tới lúc bác sĩ kêu, không có tiền biết đâu mà lo cho ổng.”
Người xưa có câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông.” Tôi nghĩ, có lẽ là nốt nhạc lạc quan, tươi tắn nhất mà cuối đời nhạc sĩ Vinh Sử có được.
Còn ông, nhắc đến con vẫn không hề hờn trách: “Tụi nó còn gia đình, cũng phải lo cho con cho cái. Nếu rảnh thì tụi nó cũng vào thăm tôi chứ có bỏ bê như người ta đồn đâu.”
Ấm lòng nhờ tình thương của mọi người
Ra vào viện triền miên, số tiền nhạc sĩ chắt chiu dành dụm được từ những bản nhạc cũng bay theo những lần phẫu thuật, hóa trị liên miên. Nói về bệnh tình của ông, bà Lệ cho biết, nhạc sĩ Vinh Sử đã được các bác sĩ mổ thành công hồi tháng 8/2013, sức khỏe cũng khá lên, nhưng không được bao lâu thì ông bị di căn.
Mắt rơm rớm nước, bà nhỏ giọng: “Nói nhỏ nhỏ thôi, để ổng nghe, ổng buồn. Từ hồi Tết đến giờ, ra vô bệnh viện miết. Cách đây mấy bữa, thấy ổng ăn không được, bụng cứ trướng lên, tôi đành chở ổng tới bệnh viện. Bác sĩ kêu mổ cắt phần ruột bị di căn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Ổng mổ cách đây mấy bữa, giờ nói thôi cũng đau nữa”.
Hỏi chuyện ăn uống của ông, bà cho biết: “Bữa nay bác sĩ cho ăn cháo rồi nhưng ổng ăn được có chút xíu. Từ tết tới giờ ổng sụt hơn mười ký.” Nhìn chồng cũ rũ rượi, da bọc xương, bà quay mặt, giấu nước mắt.
Sức khỏe của ông ngày càng nguy kịch hơn
Nhạc sĩ Vinh Sử hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tài sản quý giá nhất của ông còn lại bây giờ chính là những bản nhạc và tình thương yêu của khán giả khắp nơi. Có vị bác sĩ mến mộ ông sẵn sàng chuyển viện rồi gởi gắm ông cho các đồng nghiệp.
Có những khán giả trong và ngoài nước gom góp chút đỉnh lại gởi về mong ông vượt qua cơn sóng dữ cuối đời. Có những ca sĩ từng hát nhạc ông vẫn lặng thầm đến thăm.
Trong cơn ho vừa dứt, ông thều thào đứt quãng: “Số tôi khổ cực từ nhỏ tới lớn, có lẽ điều ấm lòng nhất của tôi là nhờ âm nhạc mà được mọi người yêu thương quý mến.”
Ai ngã bệnh mà không mong sớm được khỏe để tự do làm những việc mình ấp ủ. Nhưng, đến một lúc nào đó, dường như nó cũng mài mòn hy vọng và vét cạn sức lực. Có lẽ, nhạc sĩ Vinh Sử biết điều đó nên, thấy tôi cầm chiếc máy ghi, ông hỏi tôi mua ở đâu đặng nhờ vợ mua giúp để “lúc nào khỏe khỏe, gắng sức hát những nốt nhạc, lời ca cứ ngân vang trong đầu cho đỡ bức bách, khó chịu.”
Ước ao cuối cùng của ông, có còn kịp?
Nhạc sĩ Vinh Sử tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Q.4, Sài Gòn. Thập niên 40, ba mẹ của ông từ Hà Đông lưu lạc vào Đông Nam Bộ làm đồn điền cao su. Sau, gia đình về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm bún trong xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi, nhạc sĩ Vinh Sử mới được đi học. Hết lớp nhất (khoảng 15 tuổi) thì ông bỏ học vì mê nhạc. Vừa học nhạc, ông vừa mua sách học cách sáng tác. Có lẽ, chính cuộc đời buồn khổ nên những tác phẩm của ông đa phần nói về những chia ly, đổ vỡ, mất mát, không trọn vẹn của tình yêu đôi lứa. Vinh Sử nói, ông yêu boléro vì nó phổ biến, dễ thuộc, dễ hát và dễ đi vào lòng người. |
Theo Khampha.vn