Vào đêm giao thừa năm 1990, nhà nhà trang trí đèn lồng và tưng bừng đón năm mới. Còn Tôn Đào, vợ cũ của Đường Quốc Cường lại treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Bắc Kinh, bỏ lại đứa con gái 7 tuổi. Năm đó bà vừa tròn 35 tuổi. Trước khi ra đi với nỗi hận thù ngùn ngụt trong lòng, bà đã để lại hai bức thư tuyệt mệnh. Một bức tố cáo người chồng không chung thủy trong hôn nhân. Bức còn lại gửi cho con gái Lily với dòng chữ: "Nhất định phải trả thù cho mẹ..."
Đường Quốc Cường - Bản tính trăng hoa hay hôn nhân thất bại?
Đường Quốc Cường sinh ra trong một gia đình trí thức ở Thanh Đảo, Sơn Đông vào năm 1952. Kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đã áp đặt môi trường gia sư nghiêm khắc lên đứa con trai của mình. Ông bắt đầu đọc sách và học thư pháp từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, thời trẻ ông không chỉ đạt điểm xuất sắc mà còn là trụ cột về văn học nghệ thuật trong trường. Năm 17 tuổi, nhờ vẻ đẹp trai và khí chất xuất chúng, ông chẳng khác nào “nam thần” trong đám bạn đồng trang lứa.
Năm 1970, Đường Quốc Cường tốt nghiệp trung học rồi vào làm công nhân trong một nhà máy sản xuất khung sắt trên phố. Ngày ấy, việc trở thành một công nhân chính thức đồng nghĩa với việc có một cái nồi cơm không bao giờ vơi ở trong nhà. Nhưng ông không thích công việc tay chân này. Ông tin rằng chỉ với tư cách là một diễn viên, ông mới có thể phát huy hết tài năng nghệ thuật của mình.
Vì thế, Đường Quốc Cường thường tham gia biểu diễn trong các dịp văn nghệ của nhà máy. Càng đứng trên sân khấu, ông càng khao khát hơn nữa đối với nghề diễn viên. Vì vậy, ông bắt đầu âm thầm tự học diễn xuất trong thời gian rảnh rỗi. Ông còn liên tiếp nộp đơn xin vào một số đoàn nghệ thuật. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã được nhận vào đoàn kịch Thanh Đảo.
Sau khi gia nhập đoàn kịch, Đường Quốc Cường đã làm việc tận tâm. Cho dù có là lính mới, ông cũng vẫn nghiêm túc biểu diễn và tập luyện. Sau 5 năm miệt mài với cuộc đời sân khấu, ông cũng được lãnh đạo đánh giá cao. Năm 1975, đoàn kịch giới thiệu ông thử vai cho một bộ phim, kết quả là thành công có được cơ hội đóng diễn viên chính. Đây cũng chính là bộ phim điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của ông.
Sau khi bộ phim được công chiếu, chàng trai trẻ đẹp Đường Quốc Cường nhận được phản hồi tốt và nhanh chóng được khán giả nhớ đến. Nhưng cuộc đời cũng có lúc lên bổng xuống trầm, suốt 2 năm tiếp theo ông không được đóng một bộ phim nào. Mãi đến năm 1977, công ty mới nhớ đến ông và đề nghị ông đóng vai chính trong một bộ phim.
Đường Quốc Cường rất coi trọng cơ hội này và dự định sẽ thể hiện tốt bản thân thông qua bộ phim. Ông đã cố gắng hết sức và trực tiếp thực hiện bất kỳ hành động nguy hiểm nào. Trước khi tham gia phim, ông còn tập cưỡi ngựa trong 2 tháng. Mặc dù đã bị ngã ngựa và bị thương, ông vẫn phải cố gắng chịu đựng cơn đau để hoàn thành cảnh quay.
Nhưng một lần nữa ông bị tạt một gáo nước lạnh. Bộ phim ra mắt mà không nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào. Ông bắt đầu tỉnh táo và nhận ra rằng diễn xuất không chỉ là làm việc chăm chỉ mà còn cần phải suy nghĩ chín chắn về sự nghiệp tương lai của mình. Khi Đường Quốc Cường vẫn còn bối rối về cách phát triển sự nghiệp thì một người phụ nữ đã xuất hiện trong cuộc đời ông. Đó chính là Tôn Đào.
Tôn Đào - Đáng thương hay đáng trách?
Tôn Đào kém Đường Quốc Cường 3 tuổi, từ nhỏ đã sống sung túc. Bà là con gái duy nhất trong gia đình, được cha mẹ cưng chiều như ngọc trong lòng bàn tay. Bà gặp Đường Quốc Cường qua sự giới thiệu từ một đồng nghiệp của mẹ bà. Lần đầu tiên Tôn Đào cảm thấy thót tim, bà đã yêu người đàn ông đó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mặc dù trong trường quay, Đường Quốc Cường chỉ là chân diễn phụ, lại còn đứng cách xa nhau, nhưng sự điển trai, hiền lành của ông vẫn chiếm được trái tim của Tôn Đào.
Tôn Đào bắt đầu chủ động theo đuổi Đường Quốc Cường. Bất cứ buổi biểu diễn nào của ông, bà luôn ngồi ở hàng đầu tiên để xem. Cứ theo đuổi như vậy, đến một ngày hai người yêu nhau. Nhưng mối quan hệ của họ không được nhiều người ủng hộ, ngay cả cha mẹ của Tôn Đào cũng phản đối kịch liệt chỉ vì Đường Quốc Cường nghèo. Hơn nữa nghề diễn có quá nhiều cám dỗ, họ cho rằng con gái mình sẽ không hạnh phúc sau khi lấy ông. Nhưng dưới sự bức ép của Tôn Đào, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài gật đầu đồng ý.
Để Đường Quốc Cường ổn định công việc, Tôn Đào còn dùng mối quan hệ của cha mình mở đường cho ông. Năm 1978, ông chính thức trở thành "diễn viên đặc biệt" trong đoàn, số lượng phim có sự tham gia của ông cũng tăng vọt. Trong đó phải kể đến bộ phim "Tiểu Hoa" mà ông được hợp tác với những tên tuổi lớn như Trần Xung, Lưu Hiểu Khánh năm 1979. Thành công rực rỡ của bộ phim đã giúp ông trở thành thần tượng quốc dân và góp mặt trong Liên hoan phim Cannes lần thứ nhất.
Sau đó, Tôn Đào và Đường Quốc Cường kết hôn, cả hai dọn về sống trong khuôn viên của đoàn phim, trái ngược hoàn toàn với vị trí một ngôi sao lớn vào thời điểm đó. Chính vì vậy vẫn có không ít người độc miệng gọi ông là “trai bao”, lấy Tôn Đào chỉ để làm bàn đạp cho sự nghiệp.
Đường Quốc Cường đã rất tức giận, quyết tâm tự lập một số thành tích để chứng tỏ bản thân. Mặt khác, Tôn Đào tự nguyện từ bỏ sự nghiệp và toàn tâm toàn ý trở thành một bà nội trợ vô cùng chu đáo. Bà cũng sử dụng các mối quan hệ gia đình của mình để giúp đỡ chồng.
Năm 1983, hai vợ chồng đón con gái đầu lòng là Lily. Mặc dù việc chăm con rất vất vả nhưng Tôn Đào vẫn ân cần chăm sóc chồng. Nhờ sự hậu thuẫn từ vợ, Đường Quốc Cường tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp của mình. Ông liên tục xuất hiện trong nhiều bộ phim và còn giành được Giải Kim Kê. Thành công chuyển từ diễn viên quần chúng sang một ngôi sao điện ảnh thực thụ, lại có một gia đình hạnh phúc, tạp chí "Talent World" đã bình chọn họ là "gia đình kiểu mẫu" năm 1987.
Trang Lệ - Tiểu tam độc ác hay chỉ đơn giản là tình yêu?
Mặc dù cuộc hôn nhân của Tôn Đào và Đường Quốc Cường đối với người ngoài cuộc là hoàn hảo, nhưng những rạn nứt lại dần nảy sinh theo thời gian. Là một diễn viên được yêu thích, Đường Quốc Cường phải đi đóng phim dài ngày không về, hai vợ chồng ít ở bên nhau hơn. Thêm vào đó là những tin đồn tình cảm với các sao nữ khác khiến Tôn Đào vượt quá sức chịu đựng. Càng ngày bà càng trở nên nghi ngờ và nhạy cảm. Hai người luôn xảy ra những cuộc cãi vã gay gắt.
Đối với Tôn Đào, bà tự nhận mình đã hy sinh cho chồng quá nhiều như vậy nhưng ông lại không thể giữ được lòng chung thủy. Đường Quốc Cường lại cho rằng vợ mình từ lâu đã không còn dịu dàng và ngày càng trở nên lôi thôi, vô lý. Năm 1988, Đường Quốc Cường không nhịn được và đã đệ đơn ly hôn.
Nhưng Tôn Đào coi chồng là tất cả đối với mình, làm sao có thể dễ dàng buông tay được? Đứng trước sự phản đối của vợ, Đường Quốc Cường dọn ra ngoài ở, hai người bắt đầu sống ly thân. Trong thời gian này, khi đóng bộ phim "Lãnh huyết", Đường Quốc Cường đã gặp gỡ nữ diễn viên Trang Lệ.
Suốt quá trình quay phim, cả hai tương tác với nhau vô cùng thân thiết. Có lần Đường Quốc Cường tự làm mình bị thương khi đang cầm kiếm. Trang Lệ đã vô cùng lo lắng và chăm sóc ông, từ đó hình thành một sợi dây liên kết không thể cắt đứt..
Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng cả hai đang hẹn hò và những lời bàn tán này cũng đến tai của Tôn Đào. Tinh thần của bà vốn đã suy sụp, thêm sự việc này đã khiến bà bị trầm cảm nặng. Bà chạy đến phim trường làm ầm ĩ lên, yêu cầu đạo diễn phải thay thế diễn viên ngay lập tức. Sự náo động này khiến vẻ mặt của Đường Quốc Cường vặn vẹo khó coi, và khi trở về nhà ông đã cãi nhau rất to với vợ.
Mối quan hệ giữa hai người hoàn toàn tan vỡ, Đường Quốc Cường rời khỏi nhà mà không thèm quay đầu nhìn lại. Ông chỉ trở về nhà 3 lần để ép Tôn Đào ký vào đơn ly hôn. Đến cả trước giao thừa ông cũng không thèm hỏi thăm người vợ đau ốm của mình. Điều này đã trở thành giọt nước làm tràn ly.
Vào đêm giao thừa năm 1990, Tôn Đào nói với mẹ rằng bà muốn trở về nhà, mặc thật đẹp để đón năm mới. Kết quả, tại nhà của cha mẹ mình, bà đã tự kết liễu cuộc đời bằng một sợi dây thừng trong phòng tắm. Tin tức về việc Tôn Đào tự sát nhanh chóng lan truyền khắp cả nước. Chỉ sau một đêm, hình ảnh của Đường Quốc Cường rơi xuống đáy, vô số lời lăng mạ và buộc tội gần như nhấn chìm ông.
Trước sức ép của dư luận, công ty đã sa thải Đường Quốc Cường, khiến ông phải xin vào Nhà hát Nghệ thuật Thanh niên. Trang Lệ cũng không đứng ngoài sự việc, cô cũng phải chuyển sang làm cho một rạp hát. Nhưng cô vẫn rất tin tưởng Đường Quốc Cường không ép vợ phải chết.
Trong thời gian Đường Quốc Cường sa sút, Trang Lệ thường đến phòng trọ của ông để nấu ăn và dọn dẹp. Sự chăm sóc cẩn thận của cô khiến Đường Quốc Cường lần nữa cảm nhận được sự ấm áp đã lâu không gặp, trong lòng lại dâng lên một thứ tình cảm đặc biệt.
Đường Lily - Trả thù hay đón nhận?
Đường Quốc Cường biết tình cảm của Trang Lệ dành cho mình, nhưng ông vẫn còn lo sợ về những gì mà dư luận bàn tán. Ông cố gắng rời xa Trang Lệ nhưng cô lại nhất quyết ở bên, ân cần quan tâm ông. Cô mặc kệ việc Đường Quốc Cường đã kết hôn và đang nuôi con gái, cô mặc kệ lời đàm tiếu của thiên hạ, cô chỉ cần tình yêu của mình được đáp lại là đủ.
Năm 1993, Đường Quốc Cường và Trang Lệ bước vào lễ đường, đặt tất cả những sóng gió bên ngoài cánh cửa. Sau đó, ông cũng từng bước quay trở lại showbiz với vai Gia Cát Lượng trong "Tam quốc diễn nghĩa". Dù vậy, cuộc sống của hai vợ chồng không phải dễ dàng gì. Ngôi nhà họ đang sống chỉ rộng vỏn vẹn 10 mét vuông ở khu tập thể, nhưng họ luôn thấu hiểu và ủng hộ nhau. Năm 1997, Trang Lệ sinh con trai đặt tên là Đường Anh Hàm.
Nhưng trái tim của Đường Quốc cường luôn có một nút thắt không thể tháo gỡ. Đó là Đường Lily, cô con gái do vợ cũ của ông sinh ra. Ông vẫn canh cánh trong lòng về nội dung bức thư tuyệt mệnh mà Tôn Đào để lại cho con gái. Và ông cũng không rõ liệu con gái ông sẽ nghĩ như nào về việc trả thù cho mẹ.
Ban đầu, dưới tác động của những lời dị nghị bên ngoài, Lily cũng đầy ác cảm với người mẹ kế này. Nhưng sau hơn mười năm bên nhau, sự quan tâm chăm sóc chu đáo của mẹ kế đã khiến cô cảm thấy ấm lòng. Trang Lệ đối xử với Lily như con ruột của mình, kể cả sau khi sinh con trai.
Đường Lily đã thẳng thắn chia sẻ rằng mẹ ruột cô tự tử là do giữ trong lòng quá nhiều áp lực nên suy nghĩ không thông suốt. Bố cô đã thay đổi rất nhiều và phải hy sinh cho gia đình rồi, cô rất tôn trọng ông. Cô còn bày tỏ sự biết ơn về những gì mà mẹ kế đã giúp đỡ cho hai bố con cô suốt thời gian qua.
Bây giờ Lily đã khôn lớn, cô không những không ghét cha và mẹ kế như mẹ ruột cô mong muốn mà còn thừa nhận người mẹ kế đó và có thể thoải mái gọi bà một tiếng "mẹ". Sau nhiều năm, Đường Lily đã chọn cách buông bỏ hận thù và sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới của mình.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)