Với một cô bé, mơ ước làm cô giáo như tôi thật quá khó để trả lời câu hỏi này, nhất là khi đó tôi chỉ là một tiếp tân nhà hàng, hàng ngày đứng suốt 8 tiếng đồng hồ ở cửa ra vào đón khách, gật đầu chào bằng câu tiếng Nhật: "Ohayogozaimasu" (nếu khách đến buổi sáng), "Konbanwa" (buổi tối) và tiễn khách bằng: "Arigatou gozaimasu" (Xin cảm ơn).
Thời thơ ấu của Thanh Thảo
"Arigato! Arigato!"… Không lẽ tôi cứ mãi nói cảm ơn bằng tiếng Nhật tại nhà hàng này sao? Những lúc quá mỏi chân vì đứng liên tục nên tôi trốn vào phòng vệ sinh để ngồi nghỉ, tôi tự nhủ thầm: "Mình phải hơn như thế này cơ!".
Sau này, khi đã trưởng thành, tôi ý thức được rằng bất cứ nghề nghiệp nào miễn chân chính và không làm hại người khác thì đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, thời làm tiếp tân nhà hàng Nhật, tôi đã mơ mộng nhìn về một nghề nghiệp khác mà tôi nghĩ phiến diện là "sung sướng và giàu có" hơn là nghề ca sĩ.
Hàng ngày, tôi đã trộm nhìn cô chủ nhà hàng, một ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, nhận thấy cô ấy có cuộc sống rất hạnh phúc. Cô có xe hơi, ở nhà lầu, luôn mặc quần áo đẹp… Lúc ấy, tôi nghĩ: "Làm ca sĩ nổi tiếng, sao sướng thế?".
Mẹ tôi kể lại rằng, cha tôi là một thành viên nổi tiếng trong nhóm nhạc của trường đại học hồi ông còn là sinh viên. Ông đã "chinh phục" mẹ bằng giọng hát ngọt như nhung và tài đàn guitar. Nếu tôi có khiếu văn nghệ thì ắt hẳn là từ gen di truyền của cha. Tôi bắt đầu tập hát để xem mình có thể được như cô chủ nhà hàng và một ngày nào đó sẽ nổi tiếng.
Hết ba tháng hè làm tiếp tân, tôi vào trường học cấp ba và bắt đầu xung phong tổ chức các chương trình văn nghệ với bạn bè cùng trường Hùng Vương (quận 5, TP.HCM). Tôi lân la tìm cách quen thân với ban nhạc của trường vốn là những anh học ở lớp lớn hơn. Các anh bắt đầu giới thiệu cho tôi tham gia nhóm nhạc chuyên phục vụ các chương trình phường xã, đoàn thể. Và tôi thành cô "ca sĩ học trò" từ đó.
Tôi rất thích được đứng ra tổ chức các chương trình văn nghệ cho trường, làm MC hoạt náo cho chương trình và có cả uy tín để mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về trường để hát lúc bấy giờ như: Lý Hùng, Thu Hà... Những chương trình văn nghệ học đường tại sân trường Hùng Vương đã giúp tôi dạn dĩ hơn và thật sự là những kinh nghiệm biểu diễn tuy nhỏ bé nhưng rất quan trọng đối với tôi mãi sau này.
Có lẽ từ quá khứ từng làm "bầu show học đường" nên sau này khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và thành lập công ty giải trí, tôi theo đuổi sở thích thực hiện các show và sự kiện âm nhạc của mình một cách ổn thỏa hơn.
Ở những năm tháng đó (1995 - 1996), rất nhiều ca sĩ bước chân vào nghề hát đều là "ca sĩ đám cưới". Những show diễn tại đám cưới chính là nơi lý tưởng cho ca sĩ trẻ kiếm tiền và làm quen sân khấu.
Tôi lao vào chạy show đám cưới với cường độ chóng mặt. Có khi một ngày hát đến sáu tiệc cưới! Cũng may là cả sáu tiệc tổ chức trong cùng một nhà hàng, tôi chỉ việc chạy lên chạy xuống giữa các tầng lầu và đợi tới lượt mình lên bục hát.
Tôi còn nhớ trang phục đầu tiên khi lên sân khấu tiệc cưới là cái đầm ba tầng màu xanh lá cây đậm và đôi giày bít trắng rộng hơn chân mình một số tôi mượn của… mẹ. Ban ngày tôi vẫn đi học, buổi tối tôi chỉ nhận show từ 7h đến 9h vì đó chính là giờ "đi học Anh văn". Tôi đã nói dối mẹ.
Thỉnh thoảng, tôi cũng "cúp cua" học ở trường nếu nhận lời hát những đám cưới tổ chức vào buổi trưa. Sau nhiều ngày đi hát đám cưới, nhà hàng, vũ trường nhỏ và cả những quán… bia ôm, tôi cũng đủ tiền mua quần áo mới và bắt đầu thật sự đam mê nghề hát. Tuy nhiên, mọi sự chẳng dễ dàng như vậy.
Năm lớp 12 là năm rất quan trọng đối với học sinh cấp ba bởi sẽ phải thi tốt nghiệp và thi vào đại học nhưng tôi lại xao lãng việc học vì mê hát. Tôi không được tham gia vào đội tuyển dự thi môn Văn cấp quận như hàng năm nên đã khóc và năn nỉ thầy hiệu trưởng và cô Oanh - cô giáo dạy văn. Cô rất thương tôi và cho tôi một "vé vớt" để dự thi. Tôi "bế quan toả cảng" mấy ngày trời, nhốt mình trong nhà, làm cho xong bài luận văn mang tên "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" để đi dự thi cấp quận. Thật bất ngờ, bài văn đó đoạt giải nhất cấp quận. Tôi vô cùng hãnh diện và xem đó là sự trả ơn các thầy cô đã tin tưởng và cho tôi một cơ hội thể hiện năng lực của mình.
Sau đó, tôi đại diện cho quận 5 đi thi Thanh niên tiên tiến cấp thành phố và đoạt hạng nhì chung cuộc (giải nhất là một bạn tham gia môn lịch sử). Ngày tôi thi thuyết trình tại Nhà văn hoá Thanh Niên, tôi lên sân khấu hát bài Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa…" để minh hoạ cho phần thuyết trình. Tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ khi đó đã đăng hình tôi trong bản tin về Thanh niên tiên tiến toàn thành phố làm tôi rất vui và tự hào.
Nhưng như tôi đã nói ở phần trên, mọi sự chẳng dễ dàng và con đường không phải chỉ trải đầy hoa hồng như vậy.
Tôi quá mê đi hát, thậm chí có lúc còn trốn học đi hát nên sức học tập có phần giảm sút. Từ học sinh giỏi tôi tụt xuống học sinh khá, đến khi thi tốt nghiệp lớp 12, điểm trung bình bốn môn thi tốt nghiệp tuy vẫn cao nhưng tôi biết do mình gặp may mắn. Một bạn học sinh chuyên Toán của trường chuyên Lê Hồng Phong chính là ân nhân của tôi trong buổi thi Toán, nếu không thì dù điểm 8, 9 cho các môn thi còn lại và 4 điểm cộng vì giải thưởng Thanh niên tiên tiến cũng không thể tự tin tốt nghiệp điểm cao. Tôi thật sự hối hận vì đã quá mê hát mà thiếu tập trung một cách cao độ cho kỳ thi quan trọng nhất của một người học sinh. Nếu thời gian có quay trở lại, chắc chắn tôi sẽ tạm gạt bỏ niềm đam mê đi hát để tập trung vào việc thi cử hơn.
Một số người thường nghĩ ca sĩ học không giỏi và ít có nền tảng văn hóa, tuy nhiên, tôi luôn tự hào về thời đi học và những danh hiệu đạt được thời cắp sách đến trường. Tôi nghĩ rằng chính những kiến thức được học hỏi từ giảng đường đã góp phần trang bị cho tôi những kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử trên sân khấu và ở ngoài đời sau này.
Chưa kể việc thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ Văn Lang (TP.HCM) sau khi tốt nghiệp cấp ba đã giúp tôi thuyết phục được gia đình cho phép đi hát sau một thời gian bị mẹ "cấm cửa". Mẹ dạy tôi rằng, dù là ca sĩ cũng cần phải tốt nghiệp văn hóa, có một trình độ học thức nhất định mới thuyết phục được công chúng và được đồng nghiệp nể phục.
Đến bây giờ, tôi thấy lời mẹ dạy rất đúng. Chính những năm tháng sinh hoạt Đoàn - Đội tại Nhà thiếu nhi quận 5 đã tập cho tôi kỹ năng giao tiếp, nhanh nhẹn và mạnh dạn trước đám đông. Những bài học văn hoá ở trường giúp cho tôi có cách cư xử và ăn nói chừng mực trước công chúng hay những hoạch định cần thiết cho nghề hát.
Từ ca sĩ tiệc cưới, quán bar, vũ trường…tôi quyết định đăng ký dự thi Tiếng hát truyền hình 1998 với hy vọng được nhiều người biết đến nhưng tôi lại rớt ngay từ vòng loại. Không nản chí, tôi rong ruổi theo các đại nhạc hội tổ chức ở khắp mọi miền đất nước với nghệ danh là Thanh Thảo.
Tên thật của tôi Phạm Trịnh Phương Thảo nhưng lúc bấy giờ làng ca sĩ có ca sĩ Phương Thảo (đôi song ca Phương Thảo - Ngọc Lễ) rất nổi tiếng nên mỗi khi giới thiệu tôi ra hát, các MC thường buộc phải đổi tên tôi theo cảm hứng. Tôi có thể là Hoàng Thảo, Thu Thảo, Ngọc Thảo… cho đến một ngày, nghệ sĩ Thanh Bạch (lúc đó là nghệ sĩ hài) nói đùa là: "Đặt Thanh Thảo đi vì ai lót chữ Thanh cũng hay nổi tiếng lắm!".
Nghe thế, cô Hạ Châu, nhà tổ chức, người dẫn chương trình hôm đó và cũng là giáo viên thanh nhạc đầu tiên của tôi, đã bắt đầu giới thiệu với khán giả nghệ danh Thanh Thảo. Ban đầu, giới thiệu mãi tôi vẫn chưa quen đó là tên của mình nhưng dần dần tôi cảm thấy mình có một nghệ danh nghe xuôi tai, dễ nhớ, dễ gọi – đó cũng là những yếu tố rất cần thiết cho một nghệ danh của nghệ sĩ. Thanh Thảo còn mang ý nghĩa "cánh đồng cỏ xanh", là hình ảnh đẹp và lãng mạn. Tôi thật sự hài lòng với nghệ danh này và không bao giờ muốn thay đổi nó. Kể từ đó, tôi đã vĩnh biệt không tiếc nuối những cái tên Hoàng Thảo, Thu Thảo, Ngọc Thảo…
Cũng như bao ca sĩ trẻ kém tên tuổi khác, tôi đi hát lót ở các tụ điểm ca nhạc trong thành phố, lúc bấy giờ nổi tiếng nhất là các sân khấu Bách Diệp, Trống Đồng, 126 (TP.HCM). Tất cả những ca sĩ đều hiểu hát lót là như thế nào. Đó là khi bạn phải ngồi chờ hàng giờ trong những góc tối phía sau sân khấu, chỉ được bầu show và người dẫn chương trình kêu tên mỗi khi ca sĩ ngôi sao đến trễ hay sân khấu bị "tăng-mo" (sân khấu gián đoạn vì có sự cố kỹ thuật hay thiếu ca sĩ).
Nếu đêm nào mà ca sĩ đến đầy đủ và tôi không có cơ hội để lên hát thì lòng buồn lắm. Lúc đó bầu show trả 50.000 đồng gọi là tiền đổ xăng để an ủi. Bà ngoại rất thương tôi, tôi hát ở đâu ngoại cũng đi theo để trông chừng và bảo vệ cháu. Nhiều khi bà rơi nước mắt vì những khó khăn thử thách quá chua chát mà tôi phải trải qua, nhất là đối với một cô bé vừa rời ghế nhà trường.
Nhờ có bà ngoại theo sát bên cạnh mà tôi không bị cám dỗ với những phù phiếm, không rơi vào những bẫy lừa nguy hiểm thuở ban đầu. Nhiều khi hát nhà hàng, quán bia ôm, khách thật sự có nghe và thưởng thức lời ca tiếng hát gì đâu, chỉ dúi tiền boa cho ca sĩ và yêu cầu hát "quậy lên, tưng lên" cho không khí vui nhộn. Hoặc khi khách có tâm sự buồn thì tôi phải hát ỉ ôi những lời ca sầu não mà tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa của ca từ.
Có lần tôi mê bộ đồ vải jean của một cô vũ nữ mang ra bán, ngoại tôi biết được đã mua trả góp với giá 1 triệu đồng để tôi có bộ đồ mới mặc đi diễn. Sau này, mỗi khi nhớ đến bộ đồ vải jean ấy, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt vì thương bà. Những lúc tôi rong ruổi theo đại nhạc hội đi các tỉnh, bà và mẹ ở nhà sốt ruột không yên, gửi gắm khắp nơi, nhờ người này người nọ trông chừng cháu. Có khi đi hát cả tuần, cả tháng về lại bị bầu show "quịt" hết cả tiền cát-xê, tôi về nhà chẳng biết nói sao với gia đình, lại còn bỏ lỡ cả việc học.
Thời đi hát đại nhạc hội ở mọi tỉnh thành trên cả nước là giai đoạn đầy ấn tượng mà bất cứ ca sĩ nào trải qua cũng không thể quên.
Ngày ấy, tôi chưa có xe hơi riêng, phải đi nhờ xe của đoàn như bao ca sĩ trẻ khác. Chúng tôi đến điểm hẹn đi chung xe đoàn từ rất sớm để còn kịp chui vào phía sau sân khấu, dùng ánh đèn loe loét để trang điểm và ngồi chờ đến lượt mình lên hát.
Thường hàng đêm, chúng tôi phải chạy đến ba điểm diễn để hát. Khổ nỗi mỗi điểm cách nhau từ vài chục đến trăm cây số. Do thời gian gấp gáp, tài xế nhấn ga chạy như bay trên đường, nhiều lúc các ca sĩ ngồi trên xe "tim muốn rơi ra ngoài lồng ngực". Đến được sân khấu là rất mừng, leo lên diễn rồi lại tất tả chạy ra xe đi sang sân khấu khác. Màn phóng xe tốc độ lặp lại và ca sĩ lại thấp thỏm không yên. Tôi biết đã từng có nhiều xe chở ca sĩ bị lật xuống đồng trống trên đường đi diễn như vậy.
Chưa kể nỗi e sợ của ca sĩ khi đến diễn ở những địa phương xa xôi hẻo lánh, có vài khán giả thuộc loại "con sâu làm rầu nồi canh", văn hoá kém, thường nhảy cả lên sân khấu quậy như chính họ mới là người biểu diễn. Mà sân khấu "đại nhạc hội" hầu hết đều được dựng "dã chiến" với khung sắt lỏng lẻo, các thanh gỗ lót lên trên đầy tạm bợ. Mỗi khi ca sĩ nhảy mạnh, sân khấu cứ rung lên ầm ầm cứ như có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.
Những khán giả quá khích dường như chỉ muốn chọc phá ca sĩ đang hát, tranh thủ tặng hoa để được níu kéo, ôm hôn. Ca sĩ, nhất là các nữ ca sĩ như tôi vừa hát, cứ phải vừa "thủ thế", giọng hát nhiều khi lạc cả đi vì sợ sệt và vì chất lượng âm thanh khá tệ. Lắm lúc ca sĩ còn ho khan vì bụi phía dưới tung lên mù mịt do những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng trước mặt tiền sân khấu.
Một lần, mẹ tôi "hộ tống" tôi đi diễn ở Cà Mau, điểm tận cùng phía Nam của tổ quốc. Nơi đây được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến. Mũi Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú.
Tôi nhớ là mình rất háo hức vì được hát một nơi lần đầu mình đặt chân đến. Sau khi hát xong xuất đầu tiên, chúng tôi lên một chiếc xuồng máy nhỏ, chỉ đủ cho bốn người, chạy xuyên qua con rạch chằng chịt luôn chảy cuồn cuộn, để vào thị trấn Năm Căn (bây giờ trở thành Khu Du lịch sinh thái nổi tiếng ở Cà Mau). Chiếc xuồng máy chạy trong đêm, soi đường bằng một chiếc đèn pin bé xíu, trời lại tối đen như mực, tôi và mẹ cứ hồi hộp không yên vì lỡ nếu như có chướng ngại vật gì bất ngờ, mình cũng chẳng thấy rõ để mà tránh. Lắm lúc có chiếc ghe chạy chiều ngược lại với tốc độ nhanh, xuồng máy chở hai mẹ con đột ngột lắc lư, chòng chành mạnh như sắp hất tung mọi người xuống nước, chưa kể nước bắn tung toé vào quần áo diễn.
Thú thật là hai mẹ con không biết bơi mà trên xuồng cũng chẳng có phao cứu hộ. Tôi không dám phản ứng gì bằng lời nhưng tôi thấy mẹ khóc vì lo cho đứa con gái nhỏ của mẹ sao mà cực khổ đến thế! Quả là một kỷ niệm khó phai trong tâm trí tôi.
Dù sao đi nữa, quãng thời gian theo chân các đại nhạc hội đến khắp mọi miền trên đất nước, tuy rằng các ca sĩ rất cực khổ và cũng chịu đựng không ít buồn tủi, chưa kể hiểm nguy luôn rình rập, nhưng đối với tôi, tôi lại nhớ mãi không quên.
Trước tiên là nhờ những năm tháng lăn lộn với nghề mà tôi được trau dồi cho mình những kinh nghiệm hữu ích nhất khi đứng trên mọi sân khấu "thượng vàng hạ cám". Tôi cũng có thêm rất nhiều khán giả khắp mọi nơi, hiểu được mỗi vùng miền mỗi khác biệt về gout nghe nhạc lẫn cách thưởng thức âm nhạc từ phía khán giả.
Một điều tôi rất tâm đắc đó là tôi đã được nhiều dịp nhìn ngắm những vùng đất đẹp nhất của Việt Nam qua những lần đi diễn. Tôi được tiếp xúc văn hoá các vùng miền và đặc biệt là được nếm các món ăn ngon đặc trưng ở từng điểm đến.
Nhờ những lần rong ruổi theo đoàn đi diễn đại nhạc hội, tôi đã quen được ca sĩ đàn anh Ngọc Sơn. Anh giới thiệu cho tôi về sân khấu 126 đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM) để hát. Nhờ sự giới thiệu của anh, một ca sĩ nổi tiếng bậc nhất bấy giờ, tôi được xếp lịch hát đúng giờ và có nhiều show trong tuần. Từ đó, những chương trình cần một giọng ca trẻ hát nhạc sôi động, sắc vóc trẻ trung, sáng sân khấu thì bầu show nhớ đến tôi.
Thế nhưng, thành thật mà nói, khán giả chưa nhớ tên tôi. Chỉ nhớ cô ca sĩ gì đó "tây lai", tóc vàng hoe, nước da trắng, mặc đồ bụi và hát nhạc quậy. Làm sao để khán giả nhớ đến mình, làm sao để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp vươn đến những tầm cao hơn? Tôi cứ luôn trăn trở hàng đêm.
Dân Việt