Suốt những ngày qua, câu chuyện về vụ xuất ngoại của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đã trở thành scandal ầm ĩ và gây tranh cãi nhất mạng xã hội. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, những làn sóng chỉ trích, chửi mắng hai nghệ sĩ dâng cao và ngày càng dữ dội hơn. Họ cho rằng đây là sự xuống cấp, suy đồi đạo đức cần phải trừng trị và thanh lọc khỏi làng giải trí. Nào ai có đủ sáng suốt để nhận ra một điều then chốt rằng, hai nghệ sĩ chỉ dừng lại ở dạng tình nghi và chưa có bất kì chứng cứ nào chứng minh họ phạm tội. Thậm chí, trong lời khai của cô gái cũng có nhiều sơ hở và mâu thuẫn. Cảnh sát ở Tây Ban Nha vẫn đang cẩn trọng điều tra nhưng ngay tại quê nhà của cả hai nghệ sĩ đã đưa ra cho họ bản án "tử".
Không chỉ miệt thị các nghệ sĩ, những người thân trong gia đình của họ như: bố mẹ, vợ con... đều bị mang lên bàn phân xử. Tất cả cũng chỉ thỏa mãn cơn thèm khát dìm dập sỉ vả người khác. Cư dân mạng cần một nơi giải tỏa thứ cảm xúc gọi là nhân danh công lý. Tuy nhiên, chính bản thân họ đã không công bằng, là những "đao phủ" với những người vô tội khác. Đầu tiên nhất chính là vợ và con của hai nghệ sĩ. Họ chỉ là những người bất đắc dĩ phải nằm trong vòng xoáy thị phi. Với một người vợ, khi người chồng vướng vài nghi án cưỡng hiếp đã là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục đau đớn. Với các con, nhất là con gái, hình ảnh người cha vô cùng quan trọng, chúng sẽ đến trường học thế nào, đối mặt với lời ra tiếng vào ra sao? Nếu 2 người nghệ sĩ có tội, người thân họ là người tổn thương nhất và đâu nhất thiết phải cầm dao cứa vào vết thương rỉ máu mỗi ngày. Giả sử kết quả điều tra có thêm những sự thật được phơi bày. Lời mắng chửi đã ném đi liệu có lấy lại được? Lúc này, chính hai người nghệ sĩ sẽ không còn đường quay lại. Thanh danh, uy tín... của họ đều đã bị vứt đi và thẳng tay xóa sổ thì liệu có làm lại nổi không và có đủ dũng khí để sống mà làm lại từ đầu không? Pháp luật chưa đưa ra phán quyết và chưa cho họ sự công bằng, chính dư luận xã hội cư dẫn mạng đã bất công với họ.
Ngay lúc này, ngoài lực lượng mạng xã hội ném đá và chửi mắng, vẫn có thiểu số các nghệ sĩ đứng ra nói đỡ cho Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh. Các nghệ sĩ cũng xuất phát từ tấm lòng dành cho đồng nghiệp và muốn chống đỡ lại dư luận đang quá cay nghiệt. Họ muốn dùng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của mình làm xoa dịu bớt sức nóng và sức nặng từ dư luận. Có ngờ đâu chính sự bênh vực thiếu suy nghĩ và bất chấp của họ lại vô tình 'giết chết' bạn của họ. Đơn cử như diễn viên Kiều Thanh đã viết trên trang cá nhân của mình rằng: "Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử "râu ngô" một tí. Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan hâm mộ mời, tặng mà. Ở bên nước ngoài các bạn nữ phát triển dậy thì sớm, trải nghiệm cũng sớm từ 12, 13 tuổi cơ. Vào đúng 2 anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện! Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia ok ngay!". Đây là cách bênh hại mình và hại luôn cả bạn mình của nữ diễn viên. Bởi nó làm dấy lên sự phẫn nộ dữ dội. Đa phần cư dân mạng cho rằng, Kiều Thanh và một số nghệ sĩ đang bênh vực cho sự suy đồi đạo đức.
Một cư dân mạng tức giận mắng: "Chị đang cổ súy cho thói sống chung đụng. Nếu bản thân nghệ sĩ có bản lĩnh, không làm điều sai trước thì dù có cả một tập đoàn lừa đảo cũng không làm gì được. Đàn ông ngoài cái bản năng muốn chung đụng thì phải có bản lĩnh cự tuyệt cái sai trái". Một người khác lại nổi đóa: "Không thể hiểu được lại có một người phụ nữ, nghệ sĩ phát biểu với tư tưởng bình thường hóa chuyện ngoại tình như thế này được". Một người nữa cũng góp lời: "Sau vụ này công nhận nhiều nghệ sĩ dễ dãi ở tư tưởng, lối sống đi ngược đạo đức và còn cổ súy những chuyện sai trái nữa"...
Dẫu biết sự bênh vực của Kiều Thanh hay nhiều nghệ sĩ khác xuất phát từ thiện ý nhưng lí lẽ của họ đưa ra lại quá suy đồi đạo đức và bất chấp luân thường đạo lí. Nó trở thành nhát dao chí mạng thêm cho Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh. Dù thương vẫn phải thừa nhận, việc tòm tem gạ gẫm một cô gái nước ngoài trong khi đã có vợ con đề huề không thể nào đúng, hoạ chăng râu ria câu chuyện thế nào để dẫn đến nghi vấn cưỡng bức là thật hay không mà thôi. Sự bênh vực bấp chấp sẽ khiến thiện cảm cuối cùng còn sót lại của công chúng dành cho hai nghệ sĩ cũng không còn. Không chỉ thế, làng văn hóa giải trí cũng bị méo mó đi bởi những quan điểm suy đồi mang tính "vẽ đường cho hươu chạy".
Không có gì tối cao và chính xác hơn là sự công bằng của công lý và pháp luật. Thay vì cho mình cái quyền tự phân xử hay bênh vực bằng những đạo lí lập luận mang tính cá nhân và thiển cận, cả cư dân mạng lẫn các nghệ sĩ nên im lặng theo dõi và chờ kết luận của cơ quan điều tra. Đây cũng là các tránh cho những người vô tội những tổn thương quá to lớn nặng nề dù họ thực tế cũng chỉ là những nạn nhân gián tiếp của câu chuyện.
Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)