Trải qua một tuần ở Úc, được hít thờ bầu không khí trong lành, tinh khiết, Lan Phương vẫn dõi theo tình hình môi trường, khí hậu ở Việt Nam. Cô thật sự lo lắng khi tình trạng ngày một nghiêm trọng hơn diễn ra ở cả TPHCM và Hà Hội. Nữ diễn viên thương cho các em bé, thương những người làm việc ngoài trời, thương các cảnh sát giao thông… vì những đối tượng đó phải chịu tác động vô cùng nghiêm trọng đến sức khoẻ trong khi ô nhiễm môi trường tăng cao:
“Em thương các em bé như em ở nhà quá. Nhất là những nhà không có điều kiện thì không có nhiều lựa chọn để bảo vệ sức khoẻ của em bé. Nhà có điều kiện thì mua máy lọc không khí, máy hút ẩm để trong nhà. Nhưng phần lớn gia đình vẫn chưa có điều kiện mua hay sẵn sàng trả tiền điện cho máy. Nên các em bé, người già và người trẻ vẫn phải sống cùng ô nhiễm mỗi ngày. Thương nhất là những cô chú mưu sinh ngoài đường hay trên các công trình xây dựng suốt ngày hít khói bụi bẩn mà không có một cách nào bảo vệ mình. Các cô chú có nguy cơ nhiễm bệnh, nhà nghèo và như thế con các cô chú cũng sẽ khổ lắm.
Em thương các chú cảnh sát giao thông suốt ngày đứng nắng hít bụi, khói xăng xe, cứ chỗ kẹt xe là các chú phải ra đứng giải quyết ách tắc, phân luồng. Em thương các cô chú đi làm bằng xe máy mỗi ngày trong cảnh bụi bặm ngột ngạt khói xe, phổi các cô chú phải hoạt đông nhiều lắm để lọc bớt cái ô nhiễm đó.
Em buồn lắm khi biết nhiều em bé như em còn không có nhà cửa, phải lang thang theo mẹ ngoài đường đi xin ăn. Các bạn ấy sẽ phải ngồi chỗ đèn đỏ để xin tiền mà mọi người biết rồi đấy, chỗ đèn đỏ là chỗ tất cả phương tiện dừng lại và đồng loạt xả khói bụi. Đêm đến các bạn ấy cũng phải nằm ngoài đường ngủ, mà theo máy đo chất lượng không khí thì buổi đêm gần đây còn ô nhiễm hơn cả ban ngày”.
Không dừng lại ở việc quan tâm và đồng cảm, Lan Phương còn bày cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ những hành động nhỏ nhất thay vì đổ lỗi và ngồi chơi:
“-Khi kẹt xe ( nhất là trong SG) chỉ nhích từng tí một thì các cô chú tắt xe máy đi, dùng chân nhích xe lên hoặc đẩy xe tiến lên. Vừa đỡ tốn xăng, vừa đỡ lượng khỏi thải ra một lúc để các cô chú đỡ phải hít vào phổi. Cứ để xe nổ máy thì đứng trong chỗ kẹt xe 15 phút bao nhiêu thứ độc hại chui vào phổi rồi. Với lại bảo trì xe để xe chạy tốt bền lâu và không thải khói độc ra nữa ạ.
-Với các công trình xây dựng mọi người cố găng bỏ thêm ít tiền che chắn lại cho bớt bụi bẩn ra bên ngoài. Xe tải chở gạch đá cũng thế, các cô chú chủ xe bỏ thêm ít công che chắn xe kĩ lại cho gạch đá khỏi rơi ra ngoài vừa bẩn vừa nguy hiểm cho người đi lại. Chủ xe cũng đỡ bị hao hụt đồ rơi vãi ra từ xe nữa. Win-Win.
-Em thấy nhiều con đường xây dựng xe ben, xe lu nằm ườn ra không làm gì để đường bẩn bụi mù lên. Ai liên quan thì cùng làm cho tiến độ nhanh lên đi ạ, mấy chú lái xe cứ ngồi trên xe không thèm làm gì nhưng hít đống bụi ấy thì còn thiệt cho sức khoẻ của mình hơn”.
Và táo bạo lẫn đáng yêu hơn, Lan Phương chia sẻ: “Và em ước gì các bác giàu ơi là giàu cùng nhau bỏ tiền ra để cải tạo không khí ô nhiễm một chút, ví dụ như làm sạch đường phố, không để tình trạng đường phố lem nhem, đầy rác rưởi từ các công trình xây dựng, đường phố ngay ngắn lại và có hệ thống giao thông công cộng tốt, tiện lợi để mọi người không phải vất vả , mệt nhọc đi lại, thay vào đó họ có thể dành thời gian đọc lại hồ sơ hay một cuốn sách khi ngồi trên xe buýt.
Cháu biết các bác có rất nhiều tiền, các bác có thể cùng một lúc tặng người yêu 1 vài căn hộ hoặc các bác có điều kiện đưa con đi học ở nước ngoài để tránh không khí bẩn, hoặc xây cả một lâu đài nhưng như thế cháu nghĩ chưa phải hạnh phúc thực sự đâu ạ, vì các anh chị đi học các bác không được ở gần con, buồn lắm. Bố mẹ nào cũng thế. Rồi có rất nhiều tiền ăn của ngon vật lạ, ở phòng tổng thống trong khách sạn nhưng khi ra đường các bác vẫn phải đi trong lớp khói bụi mù mịt, và nhích từng bước trong tầng tầng lớp lớp kẹt xe, gia đình bác vẫn hít thở không khí ô nhiễm...như thế thật sự hạnh phúc còn chưa đủ...”
Chia sẻ của Lan Phương nhận được sự tán đồng từ các cư dân mạng, đặc biệt là các bà mẹ bỉm sữa bởi họ cũng cùng tâm trạng lo lắng cho con trẻ khi ô nhiễm môi trường đang biến tướng mỗi ngày.
Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)