Năm 1922, Tần Di sinh ra trong một gia đình phong kiến ở Thượng Hải. Bà là đứa con thứ 6 trong số 10 anh chị em. Mặc dù lớn lên trong môi trường phong kiến và bảo thủ, nhưng do được cha cưng chiều nên lúc rảnh rỗi, Tần Di thường lén ra ngoài xem phim. Từ đó, cô chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật và dần dần cũng bộc lộ tài năng diễn xuất độc đáo. Đối với Tần Di, diễn xuất không phải để kiếm sống, mà là vì lý tưởng.
Năm 14 tuổi, Tần Di đến Trùng Khánh một mình mưu sinh bằng công việc khắc giấy sáp. Trong cuộc sống vất vả như vậy, bà vẫn cẩn thận tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, lúc rảnh rỗi thì đi xem phim, xem kịch. Một cách tình cờ, bà đã bước chân vào làng giải trí.
Trong một lần đi xem phim như thường lệ, Tần Di đã gặp hai đạo diễn Ứng Vân Vệ và Sử Đông Sơn. Cả hai vị đạo diễn này đều cảm thấy cô thiếu nữ Tần Di vừa khiêm tốn vừa hào phóng, lại thể hiện phong thái quý bà trong từng cử chỉ rất phù hợp với tiêu chuẩn của họ. Năm 1938, do thành tích xuất sắc, bà trở thành diễn viên thực tập trong một xưởng phim. Thật không may, đây cũng là thời điểm bắt đầu cơn ác mộng kéo dài 6 năm của bà.
Sau khi vào phim trường, Tần Di đã giành được vai nữ thứ nhờ ngoại hình xinh đẹp và thái độ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm. Nam chính hợp tác với bà là Trần Thiên Quốc, người sau này trở thành chồng của bà. Trần Thiên Quốc sau thời gian tiếp xúc đã đem lòng yêu Tần Di.
Để theo đuổi bà, Trần Thiên Quốc đã làm mọi thứ trong khả năng của mình, nhưng Tần Di lại chẳng cảm thấy rung động chút nào. Không có cách nào khác, Trần Thiên Quốc nghĩ ra kế mời Tần Di leo núi. Khi cả hai lên đến đỉnh núi, Trần Thiên Quốc đã tỏ tình và cầu hôn Tần Di, đồng thời đe dọa rằng nếu bà không đồng ý, ông sẽ lập tức nhảy khỏi vách đá.
Dưới sự uy hiếp và đe dọa của Trần Thiên Quốc, cô gái 17 tuổi Tần Di không còn cách nào khác, buộc phải đồng ý. Sau đó, Tần Di tìm cơ hội để nói chuyện với Trần Thiên Quốc nhưng bị chặn họng. Ông nóng lòng thông báo tin tức kết hôn của hai người với công chúng, thậm chí còn phát thiệp mời đám cưới mà Tần Di không hề hay biết.
Năm 1939, Tần Di kết hôn với Trần Thiên Quốc. Nhưng chỉ sau ba ngày, Trần Thiên Quốc bắt đầu lộ bộ mặt thật là một kẻ nát rượu, lại còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mình. Cuộc hôn nhân ngột ngạt khiến Tần Di cảm thấy khổ sở. Sau nhiều lần cân nhắc, bà hạ quyết tâm ly hôn với Trần Thiên Quốc.
Đúng lúc này, bà phát hiện mình có thai. Năm 1940, đứa con đầu lòng của Tần Di chào đời. Sinh con xong, bà yếu tới mức không thể rời giường nhưng vẫn phải gắng gượng dậy để chăm con. Gia đình chồng không thèm ngó ngàng gì tới bà, lại không nhận cháu nội, nên bà đã đưa con gái đến vùng Tây Nam sinh sống. Trần Thiên Quốc nhiều lần đề nghị quay lại nhưng Tần Di vẫn dứt khoát từ chối. Sau 6 năm dây dưa, hai người ly hôn hoàn toàn.
Khi bà nghĩ rằng mình sẽ không dễ tin vào tình yêu thì một lần nữa bà lại nhảy xuống hố lửa. Năm 1947, Tần Di và Kim Diệm gắn bó với nhau sau khi đóng chung một bộ phim. Cả hai bị thu hút bởi ngoại hình xinh đẹp của đối phương. Hai người yêu nhau một thời gian thì tiến vào lễ đường.
Kết hôn được hai năm, Tần Di hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Kim Tiệp. Gia đình ba người sống một cuộc sống hạnh phúc. Vì tính tình ương ngạnh, sự nghiệp của Kim Diệm ngày một lụi bại, cả nhà giờ chỉ còn cách trông chờ vào đồng lương của Tần Di. Thật may mắn, vào thời điểm này, công việc diễn xuất của bà bắt đầu khởi sắc. Các bộ phim mà bà đóng cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.
Sự chăm chỉ làm việc của Tần Di giúp bà đạt đến đỉnh cao. Để phát triển hơn nữa, bà phải dành hết thời gian và sức lực cho sự nghiệp, nên vô tình đã bỏ bê gia đình, rời xa chồng con. Trong thời gian này, Kim Diệm đã gian díu với cô em của vợ mình. Tần Di khi đó đang mang thai đứa con thứ hai, biết tin dữ, bà vô cùng buồn và thất vọng, dẫn tới bị thai lưu. Thế nhưng cả hai người chỉ ly thân chứ không ly hôn.
Năm 1962, Kim Diệm phải cắt bỏ 1/3 dạ dày do nghiện rượu trong thời gian dài. Sau phẫu thuật, ông càng ngày càng ốm yếu, phải nhờ một tay Tần Di chăm sóc kéo dài suốt 20 năm. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, việc chăm lo cho gia đình đã vắt kiệt sức lực của Tần Di, khiến bà không còn thời gian để nghĩ tới ước mơ diễn xuất của mình nữa.
Những năm sau đó, sức khỏe của Tần Di cũng bắt đầu giảm sút. Bà đã trải qua nhiều bệnh tật và vài lần phải lên bàn mổ. Nhưng trên tất cả, đứa con trai Kim Tiệp là niềm hy vọng của bà, giúp bà vượt qua được mọi nghịch cảnh.
Sau khi bố mẹ ly thân, Kim Tiệp sống với Tần Di. Vì bố mẹ quanh năm bận bịu không thể ở bên, cộng thêm việc bị bắt nạt ở trường, Kim Tiệp càng ngày càng sống khép kín. Mặc dù Tần Di luôn chú ý tới cơm áo cho con, nhưng bà lại ít để ý đến trạng thái tâm lý của đứa trẻ. Dần dà, những nỗi đau nội tâm càng trở nên nặng nề hơn khiến Kim Tiệp mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng khi mới 16 tuổi.
Mỗi lần đứa con lên cơn mất kiểm soát hành vi thường đánh đập mẹ mình thậm tệ. Tần Di không chống đỡ được, chỉ đành dùng tay ôm đầu để tránh bị đánh vào mặt vì hôm sau vẫn phải đi quay phim. Cuộc sống khó khăn cứ thế kéo dài vài chục năm thì Kim Tiệp qua đời. Mặc dù rất thương nhớ con trai của mình nhưng bà vẫn phải sống tiếp quãng đời còn lại.
Từ năm 1939 đến khi nghỉ hưu, Tần Di đã tạo ra hơn 70 nhân vật nữ kinh điển, mỗi nhân vật có tính cách khác nhau nhưng đều được bà thể hiện một cách sống động. Chỉ có điều, cuộc đời bà lại quá vất vả. Từ một cô gái ngọt ngào được hàng nghìn người săn đón, đến hai cuộc hôn nhân bất hạnh và mất một đứa con khi tuổi đã già.
Sau khi con trai mất, bà đã dùng toàn bộ số tiền dành dụm còn lại để đi từ thiện, quyên góp cho những nạn nhân xấu số không may gặp thiên tai. Trải qua một thế kỷ đầy thăng trầm, sóng gió, cụ bà Tần Di vẫn đối xử với cuộc đời bằng nụ cười và niềm hy vọng.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)