"Dù nhà không còn tiền khi phá sản, Trang vẫn chưa từng trách tôi"
Chào Tiến Luật, trong khoảng 3 năm trở lại đây, anh bắt đầu bung xõa hơn về những dự án riêng của mình. Về nghệ thuật và những việc kinh doanh riêng, anh tách ra khỏi hẳn chị Thu Trang - vợ anh. Có phải anh đang tìm đường hướng riêng để mỗi người có một sự nghiệp tách bạch hơn?
- Người kêu tách ra là Trang, không phải tôi. Ban đầu tôi không quan tâm đến chuyện phải tách ra khỏi Trang. Chính Trang là người khuyến khích tôi nên làm gì đó cho riêng mình, ví dụ làm kênh YouTube riêng. Trang cũng có nói chuyện với quản lý của tôi rằng, sau này nếu có nhận việc gì không có Trang cũng phải nhận cho tôi. Trang là người khuyến khích tôi đi làm nhiều hơn.
Từ lúc tôi và Trang về chung một nhà, tôi từng khiến gia đình phá sản 2 đến 3 lần. Bao nhiêu tiền Trang dành dụm, tôi đều kêu Trang đưa mang đi kinh doanh, Trang vẫn đưa. Tôi có ý tưởng muốn làm gì, Trang đều ủng hộ. Tôi nhớ lúc đó Trang đang mang bầu Andy, Trang nói chỉ đưa tôi chừng này thôi, chừa lại cho một ít để sinh nở. Tôi lấy tiền đó đi làm kinh doanh, sau 1 năm rưỡi tôi phá sản. Thời điểm đó tôi cũng tập trung kinh doanh nên không nhận show, mọi kinh tế đều do Trang gồng gánh. Làm kinh tế cũng không thể thu lại liền nên Trang phải gồng gánh, cho đến khi phá sản, cô ấy cũng đứng ra gánh. Tôi thương vợ tôi một điều là cô ấy không bao giờ nhắc lại chuyện đó. Cô ấy cũng không trách tôi khi tôi thất bại. Có một lần duy nhất Trang trách tôi vì tôi làm mất chiếc xe trong lúc hợp tác kinh doanh. Đó là chiếc xe máy SH, là tài sản cuối cùng để đi làm của hai vợ chồng. Chiếc xe đó của ba vợ tôi bán lại, bán như cho vậy, chỉ có 5-10 triệu thôi. Trang nói xem như đó là tài sản của ba mẹ cho lúc đầu, ráng làm sau này đủ điều kiện trả xe lại cho ba mẹ.
Lúc đó tôi nói dễ lắm, thậm chí mua xe hơi cho ba mẹ cũng được, ấy vậy chưa gì đã mất. Vợ tôi tiếc không phải tiếc tài sản. Vợ tôi tiếc vì đó như vật kỉ niệm ngày cưới của ba mẹ cho chúng tôi. Ngày hôm đó lại có quá nhiều chuyện với tôi, tôi stress nặng cực kỳ vì công việc không thành công, xe lại mất. Bình thường tôi rất kĩ, xe của tôi có công tắc phụ chống trộm rất nhiều nhưng khi đó không bật công tắc phụ lên vì nghĩ chỉ vào trong ăn chén cơm rồi về thôi. Vừa bước vào bàn ăn, thằng bé múc cơm cho tôi la lên: “Cướp”. Tôi quay sang thấy trộm chạy mất rồi. Tôi cũng có lên báo với chính quyền, mất mấy tiếng đồng hồ nhưng không được. Tôi đi về đã hơn 10 giờ, tôi nói rằng mất xe rồi. Lúc đó Trang mới sinh Andy xong, đang nằm trong tháng, người ta hay nói sản hậu nhưng tôi lại không biết. Trước đó Trang cũng stress vì không đi làm, phải nằm ở nhà mấy tháng. Đối với một người nghệ sĩ lúc nào cũng thích diễn, bị ở nhà mấy tháng đã stress lắm rồi. Tôi lại còn thông báo cho vợ tin đó khiến Trang stress nặng hơn. Hôm đó, Trang chỉ nói “Sao anh ẩu vậy”, rồi thôi. Lúc đó, Trang rất buồn, không biết xe đâu để mai đi làm, không biết tương lai làm sao, tiền bạc lại mất hết. Trang đang rầu như vậy, tôi lại mệt quá ngủ mất. Trang giận tôi vì tại sao một người vừa mất xe xong lại có thể về ngủ liền như vậy. Trang giận tôi vì không lo.
Còn những lần trước, tôi xin vợ đầu tư nhà đất vì thấy bạn bè làm được. Đến khi tôi làm dự án nào gãy dự án đó, hai vợ chồng trắng tay. Trang cũng không trách tôi, Trang nói xem như có thêm kinh nghiệm. Từ năm 2010, 2011, tôi đã tính đến chuyện kinh doanh rồi. Sau này làm nhà hàng cũng thất bại do tôi không biết cách quản lý, không phải do nhà hàng không có khách. Khách nhiều đến nỗi, tôi quản lý không được. Đến khi không xuể lại xảy ra mâu thuẫn nội bộ. Tôi không biết được nguồn hàng ở đâu, cuối cùng lại gãy. Tất cả không như tôi nghĩ. Tôi nể những ai làm nhà hàng lắm. Tôi thấy mấy bạn rất giỏi, như Trường Giang và Trấn Thành. Để khách đông đã khó, quản lý nhân sự còn khó hơn. Tôi nghĩ, tôi đang có thử thách ở những năm đó vì đụng vào cái gì gãy cái đó. Cái người ta đang làm rất lời, tôi nhảy vào cũng không thành công. Từ những việc kinh doanh đó, tôi có thêm những mối quan hệ, những mối quan hệ đó là những người mời tôi cộng tác sau này. Từ những thất bại trước, sau này tôi có kinh nghiệm làm việc hơn.
Công việc kinh doanh trước giờ của anh, chị Trang có quản lý không?
- Vợ tôi không quản lý gì cả, chỉ quản lý tiền thôi. Thậm chí đến bây giờ, tôi thấy trên mạng hay có chuyện bạn gái và vợ lục bóp của chồng, còn Trang không bao giờ đụng tới điện thoại tôi. Bóp tôi có gì, Trang cũng không bao giờ tự ý mở ra, 10 năm nay đã vậy. Chỉ có tiền hàng tháng về tôi đưa cho Trang thôi.
Anh có giấu quỹ đen không?
- Tôi không giấu được vì tài khoản và thẻ ngân hàng của tôi do Trang quản lý. Có nhiều bạn làm ngân hàng hỏi tôi vì không thấy tôi giao dịch ngân hàng nhiều. Vợ tôi lo hết, tôi không quan tâm chuyện đó. Tôi chỉ biết một tháng vợ tôi đưa bao nhiêu tiền. Ví dụ tôi xài nửa tháng hết, tôi sẽ nói Trang để cô ấy đưa thêm. Thật sự chi phí sinh hoạt trong gia đình hàng tháng bao nhiêu, tôi cũng không biết.
Câu chuyện anh mua quà thiếu để về chị Trang trả là thật?
- Đúng vậy. Trang xài tiền rất kỹ, cô ấy không bao giờ mua đồ giá trị cao. Tôi nghĩ đến lúc cũng nên có những món đồ giá trị để đi sự kiện nên tự mua, về vợ cũng la tôi nhưng sau sự la đó lại có sự thích thú. Mỗi khi mua về, vợ tôi cười cười, đến khi tôi báo số tiền, vợ tôi lại la lên. (Cười)
Trong cách anh và chị Trang dạy Andy rất nghiêm khắc nhưng càng lớn, Andy bộc lộ tính cách càng có nhiều điểm giống anh. Anh có cảm nhận được điều đó không?
- Tôi biết, nhưng bây giờ tôi cũng đang sợ. Trang hay nói tôi không bao giờ nghiêm túc được, tôi hay giỡn. Ngay cả dạy con, tôi cũng không dạy căng thẳng được. Nói chuyện một chút, tôi lại giỡn nên tôi và Andy giống hai người bạn vậy, có chuyện gì cũng tâm sự, nói chuyện. Trang lại nghiêm khắc hơn vì từ đầu chúng tôi phân vai rõ ràng rồi, Trang sẽ vào vai phản diện khi dạy con. Vợ tôi rất nghiêm khắc, tuy chưa bao giờ đánh con, chỉ đánh đúng một roi khi đó Andy còn nhỏ. Từ đó về sau, Andy sợ khủng khiếp. Ở nhà với bà nội, Andy không ăn cơm, bà nội chỉ cần Facetime với Trang là Andy ngồi ăn liền, không bao giờ dám cãi mẹ bất kì việc gì. Với tôi, Andy lại khác, bé trả treo, lý sự, nêu ý kiến… Khi xem nhau như bạn rồi, tôi cũng phải tìm cách làm sao nói cho Andy hiểu. Có lẽ ở nhà giỡn nhiều nên Andy rất hay giỡn với bạn bè, đi quay gameshow, Andy cũng giỡn hoài. Tôi nghĩ con không giống cái mặt cũng giống cái tính, vì bé ở chung với ba mẹ.
Một người ngoại đạo, xuất phát điểm cũng thấp hơn vợ mình, bây giờ tạo được cơ ngơi riêng, có nguồn thu nhập riêng. Cảm giác mang tiền về cho vợ hay cảm giác có danh tiếng, địa vị riêng có khác xưa?
- Tôi không thay đổi suy nghĩ. Ai làm nghề cũng khao khát nổi tiếng, nếu không muốn nổi tiếng đừng nên làm nghề, đừng nói đi làm cho vui. Đi làm ai cũng nhắm đến mục tiêu là người nổi tiếng, nhắm đến mục tiêu là khán giả biết đến. Tôi cũng vậy, tôi cũng khao khát sự nổi tiếng nhưng sau đó, tiền tôi không quan tâm. Từ lúc tôi quen Trang, tiền tôi đã đưa cho Trang cả rồi. Mười mấy năm trời, tôi không cầm tiền trong người thành thói quen. Bây giờ, tôi chỉ biết một tháng có bao nhiêu tiền vợ cho thôi. Thậm chí nhà cửa, xe cộ, mọi thứ Trang đều đứng tên. Nhà của gia đình tôi, Trang cũng đứng tên. Lúc ba tôi ra ngoài làm lại sổ cho Trang đứng tên, người làm sổ còn nói thấy kỳ vì Trang chỉ là con dâu, lại tin tưởng như vậy. Nhà tôi cũng khá dễ trong việc đó, tôi giống gen nhà tôi nên tôi cũng dễ, không suy nghĩ nhiều.
Quan trọng bây giờ khác ngày xưa ở việc ăn mặc chỉn chu hơn, nói chuyện tự tin hơn. Ngày xưa tôi hơi rụt rè, còn bây giờ ăn mặc chỉn chu hơn do vợ tôi bắt, không được xuề xoà, phải mặc đồ ra đường sao cho xem được, phải xài đồ hiệu… Chỉ vậy thôi, còn lại tôi vẫn là tôi của ngày xưa, thậm chí bạn bè cũng không đổi.
"Tôi sợ con không đủ may mắn như tôi ngày xưa"
Có những ý kiến của những người trải qua từ con số 0, họ nghĩ bản thân ba mẹ không giỏi cũng làm được. Tại sao anh cất công xin cho con vào trường công dạy bằng tiếng Pháp?
- Tôi sợ con tôi không đủ may mắn như tôi ngày xưa. Ngày xưa tôi sinh ra ở khu lao động, thời điểm đó không như bây giờ, không có TV, chỉ chơi với mấy bạn trong xóm, chơi bắn bi, lò cò, đi hái trộm… Con tôi bây giờ lại không được không gian sống đó. Cái xóm tôi ngày xưa ma túy rất nhiều, mẹ tôi rất đau đầu chuyện đó và từng chuyển nhà rất nhiều. May mắn, tôi không bị vướng vào những việc đó. Liệu con tôi có may mắn như vậy không, trong khi yêu cầu công việc của tôi và Trang phải đi nhiều hơn ngày xưa ba mẹ tôi. Đó là lý do tôi trang bị cho con những kiến thức để con biết được cái nào xấu, cái nào tốt. Có nói nhưng khi con không thấy, không trải nghiệm cũng không được. Bây giờ chỉ có những môi trường như vậy, không quá ràng buộc. Trường Andy đang học, tôi và Trang phải xem xét cả tháng trời, xem các bé sinh hoạt thế nào, học hành thế nào… Họ rất cởi mở và trao đổi rất nhiều. Hiệu trưởng và học sinh giống những người bạn vậy, gặp nhau đập tay. Hồi xưa tôi không như vậy, bây giờ khác, thậm chí môi trường học tập cũng được trang bị nhiều. Có lần tôi lấy một gói kẹo ra, thấy tôi giả vờ vứt rác xuống đất, Andy nhắc nhở tôi liền: “Ba, tại sao ba xả rác". Tôi thử rồi thấy thái độ của bạn với việc xả rác rất mạnh mẽ: “Ba không được quyền làm vậy, rác này lỡ gặp rác bay ra biển, các bạn rùa ăn vào…”.
Ban đầu Andy rất mập, đến khi vào trường, bé tư ý thức được phải giảm cân, phải ốm lại mới khỏe. Bé ý thức được trắng quá không đẹp, phải phơi nắng buổi sáng. Tập chơi thể thao, tập đá banh, đánh golf. Andy hiện tại rất thích đánh golf, rảnh sẽ nhờ ông nội chở đi liền. Tính của bạn từ nhỏ đã khác tôi rất nhiều. Tôi may mắn khi không vướng vào những tệ nạn. Sự thành công, ngoài kiến thức ra phải có bản lĩnh, chuyện đó không ai dạy ai được, phải có những lần thất bại. Quan trọng chúng tôi phải hướng con làm sao để thất bại phải biết tự đứng lên. Từ nhỏ tôi đã dạy Andy, một khi té không ai đỡ, phải tự đứng lên. Cái gì muốn, tôi sẽ cho thử, ví dụ tôi nói Andy không biết bơi, xuống hồ bơi sẽ uống nước. Andy vẫn muốn xuống, tôi sẽ đứng dưới hồ bơi trước và cho con xuống. Uống nước tầm 1, 2 lần, tự động về trang bị kiến thức, học bơi. Tôi chỉ đứng sau lưng, xem cái nào bé thử nhưng không bị ảnh hưởng nhiều, tôi sẽ cho thử tất. Từ từ mới tập được cho con bản lĩnh. Có việc này vợ tôi rất căng thẳng với con, khi làm chuyện gì có lỗi không được nói dối, dạy từ từ với con. Tôi hay nói với Andy còn nhỏ, ra đường phải lễ phép mới được thương. Đến bây giờ Andy có được thiện cảm với mọi người nhiều lắm, vì bé lễ phép. Rất quậy nhưng cũng rất lễ phép, khi hỏi xin ai gì đó đều có dạ, thưa. Tôi hướng từ từ, mỗi một thế hệ có cách dạy dỗ khác nhau, không thể nào so sánh giữa hai thế hệ được. Tôi cũng không thể để con ra đường chơi như ngày xưa được, cạm bẫy ngoài đường bây giờ rất nhiều, chưa kể có bắt cóc. Việc dạy con cũng rất nhiêu khê, nhiều khi tôi và vợ tranh luận, hỏi chuyên gia, có những người bạn làm trong ngành có con cũng hỏi xem cách dạy con thế nào là tốt nhất.
Thông thường, những bé học trường Quốc tế có tư duy phát triển về kỹ năng ngôn ngữ rất tốt. Tuy nhiên có một số bố mẹ sợ văn hóa nước ngoài ảnh hưởng đến con, nhất là sống không tình cảm, không gần gũi với bố mẹ. Anh có lo lắng?
- Tôi cũng nghe rất nhiều trường hợp nói về việc này nhưng Andy lại sống rất tình cảm. Thời gian rảnh, tôi và vợ thu xếp chơi với Andy, bé cũng sống cùng ông bà nội, thím út… Gia đình tôi sống 3 thế hệ, ba mẹ tôi, em tôi và gia đình tôi. Andy lúc nào cũng ở nhà, tình cảm trong gia đình được đặt lên trước tiên. Tuy không có thời gian ở với con nhiều nhưng trong nhà lại có rất nhiều người khác. Tôi không sợ việc đó, đó cũng là lý do tôi và Trang không dọn ra riêng vì nếu ra riêng, Andy sẽ bị thiếu thốn tình cảm.
Xem chương trình “Thử thách lớn khôn", có vẻ Andy rất thần tượng chị Trang, chị Trang làm gì cũng đúng, ngay cả nấu ăn không ngon cũng thành ngon. Không hiểu tại sao Andy lại có suy nghĩ như vậy?
- Andy biết trong nhà, Trang là người nắm tài chính. (Cười) Mỗi khi Andy xin tôi muốn mua cái này, cái kia cũng không được, phải hỏi qua Trang vì tôi không giữ tiền. Mỗi lần Andy muốn mua gì đó rất cực. Trang nói và giải thích cho con kiếm tiền rất cực… Từ chuyện đó Andy mới suy nghĩ, ngoài chuyện học giỏi phải làm sao cho mẹ vui nữa. Andy nịnh lắm, mẹ làm gì cũng đúng, lấy lòng mẹ. (Cười)
Con còn nhỏ, thường tâm lý bố mẹ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con, không muốn con thiếu thốn và thua kém bạn bè, tại sao chị Trang lại quá nghiêm khắc?
- Vợ tôi nói, đàn ông phải dạy cho khổ trước. Con gái sẽ để con có điều kiện, khi lớn con sẽ không bị cám dỗ bởi xa hoa, vật chất. Còn đàn ông phải cho biết cực khổ thế nào để có bản lĩnh, sướng từ nhỏ sẽ không biết được cực khổ là gì. Andy muốn mua một bộ gậy golf, hai vợ chồng phải diễn dữ lắm. (Cười) Phải giả bộ than mắc quá, đi 5 lần 7 lượt cho bé thấy sự khó khăn khi mua một món đồ giá trị là thế nào, phải làm thêm việc này, việc kia… Chúng tôi đặt cho Andy mục tiêu, không phải cứ học giỏi sẽ được mua món đồ, phải lao động nữa. Ví dụ bé lau nhà, làm cái này, cái kia trong nhà, làm bao nhiêu lâu rồi mới được món đồ chơi đó. Ngay cả bây giờ, Andy cũng không biết xài tiền, cầm tờ 2 ngàn cũng thấy lớn. Phải biết tiền tự làm quý lắm. Bình thường ăn sáng của Andy có ông bà lo, nếu muốn đi ăn chung với ba mẹ mấy chỗ xịn xò phải dọn dẹp chỗ ngủ, đấm bóp cho mẹ… Làm xong cũng chỉ ăn được 2 món. (Cười) Andy quen với việc đó rồi. Thực ra Andy không nhiều đồ chơi, đa phần được tặng là nhiều, còn để chúng tôi mua là không có. Quần áo cũng vậy, chúng tôi chỉ mua cho bé đủ mặc, không có kiểu mua rất nhiều rồi thích gì mặc đó, không mặc thì bỏ.
Có bao giờ anh và chị Trang bất đồng quan điểm trong cách dạy con không?
- Có chứ. Tôi chiều con hơn Trang rất nhiều. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ lén mua đồ cho con. Con thích xe đạp, tôi cũng lén mua. Tôi không mua những món giá trị quá nhưng 2, 3 triệu tôi sẽ mua. Trang biết chuyện đó nên la tôi hoài. Cả hai bất đồng về chuyện đó rất nhiều. Chuyện con học ngoại khóa cũng vậy, Trang muốn con học tất cả các loại ngoại khóa. Andy có 2 lựa chọn, một là không học ngoại khóa, còn nếu đã học phải học hết. Ngoài chuyện học golf, đá banh, con phải học vẽ, học đàn hát. Vợ tôi nói vì đó là môi trường tiếng Pháp, cho học để còn làm quen với những điều đó, không cần chuyên sâu nhưng phải biết. Tôi không đồng ý, ép học như vậy không có thời gian chơi nhưng thực sự tôi và Trang vào đó xem cách mấy bé học, học như chơi thôi. Ban đầu Andy chán, vợ tôi không chịu, vợ tôi nói Andy không có thể tập trung toàn tâm toàn ý cho việc bé thích được vì như vậy sẽ lơ là việc học. Ngoài thời gian học, bé rất quý thời gian khi bé được thể hiện đúng với sở trường của mình. Ngày xưa thời gian dành cho một việc yêu thích quá nhiều nên với 1 tiếng tập sẽ không hiệu quả. Còn bây giờ, tập 1 tiếng rất hiệu quả vì bé biết sau 1 tiếng, còn rất lâu bé mới quay lại tiếp tục 1 tiếng khác nên trong thời gian đó, bé tập trung với công suất rất cao. Đến khi thấy cách đó hiệu quả, tôi và Trang mới ngừng tranh luận với nhau.
Chị Trang là người xài tiền kỹ nhưng gần đây chị ấy dùng hàng hiệu rất nhiều, có phải do anh khuyến khích không?
- Phụ nữ ai cũng thích làm đẹp, ai cũng muốn có đồ hiệu, Trang lại là nghệ sĩ, đi sự kiện rất nhiều, rất nhiều người theo dõi nên cũng cần có những món đồ như vậy. Các món đồ đó do tôi tự mua, nhưng tôi không trả tiền. Về vợ cũng la tôi nhưng cũng đồng ý trả tiền. Còn không tôi có những show bất ngờ, như lần tôi đi lồng tiếng phim hoạt hình, có số tiền kha khá nên tôi mua luôn. Về vợ hỏi tiền lồng tiếng đâu, tôi đưa món đồ ra. Trang nói mai mốt không được như vậy, nhưng cô ấy lại thích.
Anh khá thoải mái với chị Trang, việc can thiệp thẩm mỹ của chị Trang anh cũng có tư duy thoáng hơn?
- Đúng vậy, quan trọng là đẹp. Chịu đau được hay không thôi. Trang là người có tính toán, có kế hoạch cho việc cô ấy làm. Không phải vợ tôi đi phẫu thuật xong, tôi không thương nữa. Tôi thương không chỉ vì mặt, vì những điều khác nữa. Quan trọng khi đẹp lên sẽ tự tin hơn.
Ở cương vị một người chồng, trải qua những khốn khó để được như hôm nay, anh nghĩ hiện tại, tình yêu của anh với bà xã và sự nể phục của anh dành cho vợ thế nào để cân bằng?
- Lúc trước, khi hai đứa tìm hiểu, tôi yêu nhiều hơn nể, còn bây giờ là 50-50. Nể không phải vì cô ấy giỏi, tôi nể vì cách sống. Có thể tôi ở trong tình huống đó, chưa chắc xử lý được như vợ tôi. Có bao nhiêu tài sản tôi đi làm thất bại cả nhưng Trang chưa bao giờ nhắc lại chuyện đó. Bản thân tôi là đàn ông, nhưng đến giờ tôi vẫn hay nhắc lại. Bây giờ tôi nói tôi chuẩn bị đầu tư đông trùng hạ thảo hay thẩm mỹ viện, Trang đều đồng ý cho làm, không có chuyện nhắc lại những thất bại trước của tôi. Từ cách sống đó khiến tôi nể cô ấy. Trang lại rất có hiếu với ba mẹ tôi. Ngày xưa khi lấy nhau, tôi nói với Trang 2 điều: “Anh sẽ chiều chuộng em mọi thứ nhưng có hai thứ tuyệt đối không được đụng vào, là sự nghiệp của anh và gia đình của anh". Tôi không muốn ai hỗn với gia đình tôi, vì cuộc đời tôi làm khổ ba mẹ nhiều quá rồi. Tôi ăn chơi, quậy phá, mẹ tôi khóc hết bao nhiêu nước mắt vì tôi nên tôi không muốn lấy vợ về, mẹ tôi lại khổ. Ngoài hai chuyện đó, vợ muốn gì tôi cũng chiều.
Trang ở nhà tôi tính đến nay cũng được 10 năm, chưa bao giờ cô ấy gây gổ, có hiềm khích với em gái tôi, cũng chưa bao giờ có thái độ với ba mẹ tôi. Chỉ có tôi qua nhà Trang ở mấy tháng, tôi gây tùm lum. Lúc đó tôi và mẹ vợ chưa hiểu nhau. Tôi lại là một người quậy phá nhưng được cưng chiều, dù không ra gì nhưng mấy đứa em tôi cũng thương tôi tuyệt đối, tiếng nói trong nhà tôi lớn lắm. Em tôi đang đi làm ở công ty Nhật 7 năm, tôi muốn em về làm cho tôi, em nghỉ liền. Qua đó đủ thấy tiếng nói của tôi trong nhà rất lớn. Nhưng khi qua nhà Trang, tiếng nói tôi không còn trọng lượng nữa, tôi bị tổn thương. Mẹ vợ hỏi ở nhà tôi hay cãi như vậy lắm hay sao, tôi nói đúng vậy, cái gì sai tôi sẽ cãi lại. Lúc đó Trang cũng buồn lắm, sau đó ba vợ nói chuyện, giải thích với tôi. Lúc đó tôi chưa biết, sau này tôi biết mẹ của Trang bị tiểu đường, những người tiểu đường tính cách thất thường, dễ bực bội nên tôi cũng thông cảm. Sau đó 1 năm, ba mẹ vợ còn thương tôi hơn thương vợ tôi. (Cười) Gọi điện thoại cho tôi nói chuyện, tâm sự nhiều hơn gọi cho Trang, đến nối Trang hỏi: “Ai là con ruột?” (Cười) Bây giờ hiểu nhau nên cả nhà rất vui vẻ. Tôi nể vợ vì có những chuyện tôi không vượt qua được, nhưng cô ấy làm được.
Cảm ơn Tiến Luật về buổi trò chuyện này!
Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)