Hoàng Viện (trái) vào vai đức vua trong vở diễn Yêu là thoát tội
Ảnh: thu thủy
9g sáng, Hoàng Viện (sinh năm 1976) - diễn viên nam chính của Ðoàn cải lương Chuông Vàng, Nhà hát cải lương Hà Nội, hẹn khách ở quán cà phê trên phố Ðường Thành. Ðơn giản chỉ bởi vì "trưa nay có đám cưới ở phố Hàng Da". Trong đám cưới ấy, Hoàng Viện sẽ đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình. Ðây mới là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình nhỏ của Viện!
Ước mơ vua
Nói về đam mê, Hoàng Viện kể ngày còn bé, bởi nhà nghèo nên anh thường nghe nhờ đài hàng xóm mỗi khi có chương trình Khắp nơi đàn và hát dân ca. Rồi đến thứ bảy lại sang hàng xóm để được nghe ké chương trình Sân khấu truyền thanh. "Hồi ấy, mỗi khi nghe các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Vũ Linh đổ một đoạn cải lương là ruột gan tôi như tan ra".
Rồi mỗi lần xem sân khấu trên tivi lại thấy các diễn viên mình yêu thích đóng vai ông hoàng bà chúa đẹp đẽ rực rỡ, uy phong lẫm liệt là đêm ấy lại trằn trọc rất lâu trước những hình ảnh đẹp của sân khấu, rồi mơ ước có ngày được hóa thân thành ông hoàng bà chúa với xiêm y lóng lánh, với một tiếng hô khiến bao kẻ giật mình.
Giấc mơ ấy được Viện ấp ủ nuôi nấng. Rồi cái ngày Viện được "làm vua" trên sân khấu ấy cũng đến khi anh trở thành kép chính đảm nhiệm hầu hết các vai nam chính của vở diễn.
"Nhưng tôi đến với cải lương đúng vào lúc nghệ thuật dân tộc bắt đầu thoái trào, nên ngay đến những người thân của tôi cũng chưa từng được một lần xem tôi diễn", huy chương vàng cá nhân Liên hoan tài năng sân khấu toàn quốc năm 2007 buồn bã cho biết.
Vật lộn nuôi nghề
Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Quảng Ninh đã trao cho Nguyễn Tiến Hiệp (sinh năm 1968) chiếc huy chương vàng cho một tiết mục mà ban giám khảo đánh giá là xuất sắc. Trở về sau liên hoan, Tiến Hiệp lại tiếp tục vật lộn với cuộc mưu sinh.
"20 năm gắn bó với Nhà hát cải lương Hà Nội, đến nay tôi vẫn ở nhà thuê và cũng không từ chối một công việc vất vả, nặng nhọc nào để có thể kiếm thêm tiền phụ vào đồng lương ít ỏi", Tiến Hiệp rưng rưng nói.
Thuê nhà trong một con ngõ nhỏ và sâu trên phố Minh Khai, diễn viên hài Tiến Hiệp thường phải ra khỏi nhà từ 5g sáng để thực hiện những đoạn phim hài mà có thể anh chỉ được xuất hiện vài phút; hay chạy đôn chạy đáo mấy trăm kilômet mỗi ngày để tham gia một chương trình hài kịch ở tỉnh với mức thù lao ít ỏi.
"Vai diễn của tôi chỉ là mua vui hoặc chọc cười, là vai diễn phụ nhưng không thể thiếu trong mỗi vở diễn" - Hiệp tâm sự.
Nối nghiệp bố là một diễn viên hài, 20 năm làm việc, mỗi tháng cộng tất cả các nguồn thu nhập từ nhà hát, Hiệp được nhận chưa đến 4 triệu đồng (bao gồm cả thù lao tập, thù lao diễn xuất) mà tiền thuê nhà mỗi tháng mất 3 triệu đồng. Chàng diễn viên tự nhận "không vận động thì không biết sẽ sống bằng cách nào" chia sẻ: "Bình thường ngày 15 hằng tháng nhận lương nhưng tháng này đến ngày 22 vẫn chưa có. Tiền thuê nhà vẫn phải trả đúng ngày. Tôi vừa phải đi vay, xoay xở sao cho vẫn đủ tiền cho vợ đi chợ, cho con có sữa uống và hàng xóm không thể khinh khi vì mình nghèo".
Nghèo ngầm là cách mà diễn viên Tiến Hiệp nói về cái nghèo của nghệ sĩ. Xưa nay người ta chỉ nói giàu ngầm chứ mấy ai nghèo ngầm bao giờ! "Trong túi chẳng có đồng tiền nào nhưng chẳng ai biết, bởi dù không nói ra nhưng nghệ sĩ ai cũng muốn đói cho sạch rách cho thơm".
Chẳng muốn ai nhận ra mình
Mười lăm năm trót đam mê cải lương là 15 năm Hoàng Viện đôn đáo ngoài đường để kiếm tiền, chẳng từ nan việc gì.
"Tôi không bỏ sót cơ hội kiếm tiền lương thiện nào", Viện nói. Trước chưa biết làm MC thì Viện bưng bê phục vụ, còn bây giờ, sau giờ làm việc tại nhà hát, Viện tất tả "chạy sô" làm MC đám cưới. Mùa cưới (chừng năm tháng/năm) cũng mang lại cho anh thêm khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Bảy tháng còn lại Viện tìm những công việc khác...
Khi bắt đầu đi làm thêm những công việc lao động chân tay: xe ôm, đưa cơm hộp, phục vụ quán cà phê..., Viện đã nghĩ nếu chẳng may gặp ai đó nhận ra mình từng làm "vua" trên sân khấu thì sao! Lúc ấy Viện nghĩ mình sẽ "im lặng".
Tuy thế, "chưa ai nhận ra tôi từng là một diễn viên chính. Tôi vẫn làm tròn vai diễn là người phục vụ mà chẳng ai mảy may biết". Ðiều đó đối với Viện "thực may". May bởi anh sẽ không phải ngượng ngùng với cái nghiệp mà anh đang rất trân trọng...
Câu chuyện của chúng tôi và Viện gián đoạn bởi anh có điện thoại phải đi dẫn chương trình. Ðề nghị được chụp một tấm ảnh trong vai trò MC nhưng anh Viện không đồng ý: "Công việc MC đám cưới của tôi đang rất tốt. Mỗi buổi tôi được trả 400.000 đồng. Rất nhiều người quen mặt và tín nhiệm tôi, tôi cũng không muốn họ biết tôi đã và đang là một diễn viên".
15 năm làm nghề, 15 năm đứng trên sân khấu mà không khán giả nào nhận ra chàng MC đang làm hoạt náo viên cho đám cưới kia từng làm chủ cả một sân khấu lớn, đó chẳng phải là điều chua xót hay sao!
Mà không chỉ có Hoàng Viện hay Tiến Hiệp, tại Nhà hát cải lương Hà Nội còn rất nhiều nghệ sĩ có hoàn cảnh chua xót. "Chỉ trừ những người có vợ hoặc chồng khá giả, còn lại ai cũng phải vật lộn kiếm sống để giữ nghề. Ðoàn Chuông Vàng (Nhà hát cải lương Hà Nội có ba đoàn - PV) có hơn 30 người thì đến hơn chục người phải ở nhà thuê. Tháng rồi được gọi làm hồ sơ mua nhà dành cho người nghèo, tôi đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ nhưng nếu phải đóng 200 triệu đồng để mua thì cũng đến chịu, vì không kiếm đâu ra 100 triệu chứ đừng nói đến 200 triệu" - Tiến Hiệp nói.
Nghệ sĩ thì giàu?
Khoảng vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ Việt mạnh dạn phô trương sự giàu có của mình qua xe, qua nhà, qua những chuyến du ngoạn sang trọng và thậm chí là du thuyền, máy bay riêng như các siêu sao thế giới... Nhưng giàu thì nhanh, sang thì xa, câu này có đúng với giới nghệ sĩ nước mình hay không?
Không phải ngẫu nhiên khi công chúng biết nghệ sĩ giàu. Với sự phát triển của báo mạng và thông tin mạng như hiện nay, phóng viên không “săn” nghệ sĩ thì nghệ sĩ cũng tình nguyện làm “con mồi” cho báo mạng “săn” một cách hữu ý hơn là vô tình. Những bộ hình chụp tận ngõ ngách nhà cửa riêng tư, những thông tin mạch lạc về giá xe, giá đồ hiệu... nếu nghệ sĩ không tận tình cung cấp thì báo mạng chắc hẳn cũng bó tay.
Trào lưu khoe của đã trở thành chuyện bình thường trong giới nghệ sĩ đến mức “con gà tức nhau tiếng gáy”, không khoe không được và nghệ sĩ bây giờ có lẽ sợ nhất là... mình nghèo!
Ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ: “Nghệ sĩ hào hứng trong việc phô trương mọi thứ thuộc về mình một phần vì “môi trường” hiện nay, nhưng một phần cũng do tính cách của mỗi người. Là nghệ sĩ, chúng tôi thật sự mong muốn được dư luận, công chúng quan tâm đến những hoạt động nghiêm túc cũng như những giá trị thật trong nghề nghiệp của mình, thay vì những chuyện hậu trường vô vị”.
Tuổi Trẻ