Chào Vân Anh! Cơ duyên nào đưa bạn đến với điện ảnh?
- Tuy là sinh viên khoa kinh tế, nhưng từ nhỏ tôi đã yêu thích nghệ thuật, thích ca hát, chụp ảnh. Thời còn sinh viên, tôi cũng tham gia nghệ thuật với vai trò là một người mẫu ảnh, nhưng việc trở thành diễn viên - tôi chưa thử và thú thật cũng không nghĩ mình làm được. Một lần tình cờ có người bạn rủ đi tham dự buổi casting "Thương nhớ ở ai", tôi chỉ nghĩ là đến để thử sức. Vì vậy, tôi giữ được tâm lý hoàn toàn thoải mái.
"Em chưa từng học diễn xuất đúng không?", là câu hỏi đầu tiên đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa ra sau khi xem tôi diễn thử. Điều tôi không ngờ lúc ấy, là đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại ấn tượng với khuôn mặt và cách diễn xuất tự nhiên của mình. Tất nhiên sau đó tôi cũng mất thêm một thời gian thử thách. Cuối cùng ông quyết định giao cho tôi vai diễn Thuỷ Thị Mầu. Có thể nói đó là cơ duyên tuyệt vời và nó đến với tôi vô cùng bất ngờ. Nhưng để không bỏ lỡ cơ hội ấy, là cả một quá trình nỗ lực và cố gắng của bản thân.
Lần đầu "chạm ngõ" điện ảnh, chắc chắn bạn rất nhiều bỡ ngỡ?
- Là một diễn viên không chuyên, lần đầu tiên đóng phim và lại nhận vai khá đặc biệt, đặc trưng là Thị Mầu, thật sự tôi có nhiều bỡ ngỡ. Thị Mầu phải hát chèo, phải lẳng lơ, mà dù là diễn xuất hay hát chèo, có thể nói - tôi là một "tờ giấy trắng" Rất may, tôi có cơ hội quay phim "Thương nhớ ở ai" cùng cô Thanh Ngoan nên tôi có điều kiện học hỏi, được cô chỉ bảo tận tình. Nhờ cô Thanh Ngoan mà mọi người mới có thể thấy một Thị Mầu Vân Anh với những cảnh múa hát chèo duyên dáng trên màn ảnh nhỏ.
"Là một diễn viên không chuyên, lần đầu tiên đóng phim và lại nhận vai
khá đặc biệt, đặc trưng là Thị Mầu, thật sự tôi có nhiều bỡ ngỡ"
Và nếu hỏi về bỡ ngỡ, thì không thể không kể đến một vấn đề nữa thuộc về chuyên môn. Đó chính là việc bản thân phải giữ được đường dây cảm xúc trong từng cảnh quay. Quay phim không giống diễn kịch, cảm xúc bị gián đoạn, và mình phải nuôi lại cảm xúc mỗi khi thay đổi góc quay. Giữ và điều tiết cảm xúc là vấn đề mà những diễn viên tay ngang như tôi cảm thấy bỡ ngỡ trong những ngày quay đầu tiên.
Và cuối cùng là về góc máy. Tôi nhắc về chuyện này như một kỉ niệm vui của những diễn viên không chuyên chúng tôi khi quay "Thương nhớ ở ai". Bởi chúng tôi hoàn toàn không biết gì về kiến thức căn góc khi quay phim, và cứ mặc sức diễn thôi. Sau này khi đã quay nhiều hơn và đến giờ chuyên nghiệp hơn, thì tôi mới hiểu được rằng, ê-kip đoàn phim lúc ấy đã vất vả đến thế nào khi làm việc với mình. Nhưng điều tuyệt vời, là họ đã luôn giúp chúng tôi có được cảm xúc tốt nhất. Và để có những khuôn hình đẹp đến thế, tôi hiểu là họ đã dành sự ưu ái rất nhiều cho chúng tôi. Một lần nữa, tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến họ.
Phản ứng của bạn khi được chọn vai Thị Mầu lẳng lơ, chuyên gạ gẫm trai làng?
- Như đã nói ở trên, tôi bất ngờ khi được chọn. Nhưng có một kỉ niệm lần đầu tiên tôi chia sẻ, trước khi được giao vai Thị Mầu, tôi là ứng cử viên cho vai chính Hạnh lớn - người kể chuyện trong "Thương nhớ ở ai". Nhưng trước khi chốt vai lần gần cuối cùng sau 2 tháng thử vai, đạo diễn lại quyết định giao cho tôi vai Thị Mầu. Thật sự lúc đó tôi bị sốc, chứ không còn là bất ngờ nữa.
Vì mình đang trong tâm thế để đón nhận một cơ hội lớn trong đời, nhưng lại đánh mất vào phút chót. Vậy nên không tránh khỏi sự suy sụp. Nhưng khi đã bình tĩnh và biết cách nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, tôi suy nghĩ được rằng - "còn nước còn tát". Và Thị Mầu chính là cơ hội duy nhất của tôi, là "đường độc đạo". Bởi, tuy chỉ là một vai nhỏ, nhưng Thị Mầu là một vai rất có màu sắc, có số phận. Và tôi tin rằng, bất kể vai diễn nào cũng có thể trở nên hay và thú vị khi mình hoá thân vào nhân vật, cùng sống, cùng khóc, cùng cười với nó. Cho đến nay khi phim đã phát sóng, tôi càng hiểu và tin vào con mắt tinh tường của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ông là một đạo diễn giỏi và có cái lý riêng của mình để làm như vậy. Tôi biết ơn ông. Và tôi tự hào vì mình đã chọn "không bỏ cuộc".
Bây giờ nhìn lại, bạn có hài lòng về cách diễn xuất của bản thân?
- Không chỉ đơn thuần là một cô gái hát chèo lẳng lơ, Thị Mầu còn là người dám sống trong lý tưởng cao cả của riêng mình về hạnh phúc và không ngần ngại thể hiện nó. Đó là điều khiến cô khác biệt với mọi người. Cô ấy có thể đã trao thân cho những người lính trẻ sắp ra trận để họ một lần được biết đến niềm hạnh phúc tột cùng của một người đàn ông, trước khi ra đi mà không hẹn ngày trở về. Nhưng lại không bao giờ chấp nhận trao thân cho một ông cán bộ xã vì mục đích đê hèn.
Và cô ấy chọn cái chết để bảo vệ tâm hồn trinh nguyên. Thị Mầu là một vai nặng, và tôi thật sự đã dành 100% công lực mình có tại thời điểm ấy để hoá thân. Nhưng là một cô gái trẻ khi mới 23 tuổi, tôi thật sự chưa thể cảm nhận hết cái hay, cái nhân văn về con người và số phận của Thị Mầu. Nên đến nay khi xem lại, thật sự tôi cảm thấy tiếc. Tiếc cho Thị Mầu, tiếc cho tôi. Tôi biết khán giả vẫn dành cho Thị Mầu sự ưu ái. Tôi rất trân trọng điều đó. Và tôi thẳng thắn thừa nhận rằng, đó phần nhiều là công của nhân vật. Còn đối với những thiếu sót khiến nhân vật chưa trọn vẹn, thì đó là lỗi của tôi.
"Không chỉ đơn thuần là một cô gái hát chèo lẳng lơ, Thị Mầu còn là người dám sống trong
lý tưởng cao cả của riêng mình về hạnh phúc và không ngần ngại thể hiện nó" - Vân Anh nói
Cũng trong lần đầu ấy, bạn được làm việc cùng đạo diễn Lưu Trọng Ninh - một người nổi tiếng khắt khe và cầu toàn. Cảm giác của bạn thế nào?
- Tôi luôn luôn phải nói điều này, Lưu Trọng Ninh là người thầy đầu tiên của tôi. Và tôi cảm thấy cực kì may mắn khi lần đầu tiên quay phim lại được làm việc với thầy. Điều tôi cảm nhận rõ ràng nhất, là thầy chưa bao giờ cho diễn viên có bất cứ một chút cảm giác nào về khoảng cách. Chúng tôi không e dè mà ngược lại còn được thoải mái thể hiện con người của mình. Điều đó thật sự đã giúp chúng tôi tự tin và được là chính mình trong diễn xuất.
Còn đương nhiên thầy là người khó tính trong công việc. Nhưng thầy càng khó tính, chỉn chu bao nhiêu thì càng tốt cho hình ảnh của chúng tôi bấy nhiêu. Làm việc với thầy tôi hiểu rằng, tự khắt khe với chính mình và nghiêm túc cũng là điều diễn viên chúng tôi cần có để phát triển.
Về việc mặc áo yếm không nội y thì sao? Vốn là một cô gái quê ngoan hiền, bạn có nhiều ái ngại?
- Thật ra vì tất cả diễn viên nữ trong "Thương nhớ ở ai" đều mặc áo yếm không nội y, nó tạo thành không gian chung và chúng tôi hoà nhập với việc đó. Bởi quan trọng là trước khi nhận vai, mọi người đã được trao đổi rất kĩ với 2 vị đạo diễn và ê-kip phục trang. Chúng tôi tôn trọng quyết định cũng như tâm huyết của họ. "Phục trang kể câu chuyện của riêng nó về lịch sử" - tôi tin những khán giả yêu mến bộ phim cũng sẽ hiểu điều này.
Trong lần đầu "dạm ngõ" điện ảnh, nữ diễn viên trẻ để lại nhiều ấn tượng
với vai diễn Thị Mầu lẳng lơ, lúng liếng
Ngoài những ồn ào về áo yếm không nội y, "Thương nhớ ở ai" còn khiến khán giả nhớ tới hình ảnh diễn viên Thanh Hương bán nude tắm sông... nhiều khán giả cho rằng bộ phim muốn câu rating bằng cách ấy?
- Theo tôi đó chỉ ý kiến của những khán giả không theo dõi kĩ lưỡng bộ phim thôi. Có thể những cái họ xem được chỉ là một đoạn clip ngắn trên mạng hoặc đọc báo. Vì thế họ hiểu sai là chuyện bình thường. "Thương nhớ ở ai" đã phát sóng hơn 20 tập, và nếu chỉ đơn thuần là những chiêu trò câu view thì chăc chắn sẽ không thể gây được sự chú ý và nhận được sự ủng hộ lâu bền đến thế. Đây là điều tôi dám khẳng định về bộ phim. Và tôi chắc chắn, với những khán giả vẫn yêu mến bộ phim, thì cái mà họ đang theo dõi là câu chuyện, là số phận của nhân vật, chứ không phải là quan tâm đến những chiêu trò.
Lần đầu tiên đến với phim ảnh và trong quá trình tham gia đoàn phim "Thương nhớ ở ai", có bao giờ bạn nhận được những lời đề nghị tế nhị?
- Tôi nghĩ mỗi người chọn cho mình một cách đi riêng để đến đích. Và tôi hoàn toàn không đánh giá điều đó. Như tôi đã nói, tôi chỉ khắt khe với bản thân tôi. Tôi yêu nghệ thuật và sẽ lao động một cách nghiêm túc. Từ nghiêm túc bao hàm cả việc tôi sẽ không để bị điều khiển bởi đam mê của mình.
Vân Anh cho biết, sau thành công trong "Thương nhớ ở ai" - cô nhận được
khá nhiều lời mời về các dự án nghệ thuật sắp tới
Phản ứng của gia đình, thôn xóm khi bạn lần đầu được lên sóng truyền hình?
- Thật ra ngay từ đầu, bố mẹ đều không muốn tôi theo con đường nghệ thuật, mặc dù biết con gái có năng khiếu từ nhỏ. Bố mẹ luôn lo lắng cho con gái và mong tôi sẽ làm một công việc ổn định, rồi giục lấy chồng. Tôi tốt nghiệp ngành kinh tế và cũng đã có một công việc khá tốt sau khi ra trường. Nhưng thực sự từ khi tham gia "Thương nhớ ở ai", tôi mới biết mình muốn làm cái gì, muốn trở thành ai.
Thời gian đầu bố mẹ cũng khá lo lắng, nhưng sau khi thấy được sự quyết tâm của con gái trong công việc thì bố mẹ cũng dần cảm thấy thuyết phục. Và cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ bố mẹ. Không những thế, bố mẹ còn trở thành fan bự của những bộ phim có sự tham gia của con gái. Điều đó làm tôi thấy xúc động, tôi biết là mình đã làm đúng. Tôi nghĩ một phần nhỏ nào đó bố mẹ đã có thể cảm thấy tự hào về mình. Và vì điều đó, tôi sẽ luôn cố gắng thật nhiều!
Trích đoạn Thị Mầu - Vân Anh hát chèo trong "Thương nhớ ở ai"
Cảm ơn và chúc bạn thành công!
Mr Ngao (Theo nld.com.vn)