Chỉ tính từ cuối năm 2009 đến nay, những ca khúc, sự kiện được liệt vào hàng “thảm họa” liên tục hâm nóng Vpop. Ngày ngày theo dõi thông tin qua mạng Internet, người ta dần quen tò mò nhiều hơn về những điều quái gở mà các nhân vật này mang lại, thậm chí nhiều hơn hẳn những kế hoạch âm nhạc nghiêm túc diễn ra cùng thời điểm.
Thế giới mạng giúp showbiz nhanh chóng đẩy những gương mặt mới thành “sao”, nhưng cũng truyền đi những “thảm họa” nhanh không kém. Điều không ngờ tới là có những "nghệ sĩ", thay vì đầu tư chất xám vào sản phẩm âm nhạc, lại mơ tưởng về một mức độ nổi tiếng nhanh chóng bằng con đường gây phản cảm, mà bản thân thì không có một tài năng nào đáng kể.
Phi Thanh Vân bị cho là "thảm họa Da nâu" năm 2009.
Dân gian có câu “Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa hơn”. Trong cuộc sống hàng ngày, những điều “trái tai gai mắt” thường dễ đập vào mắt nhiều hơn những thứ tốt đẹp. Và đây cũng chính là điểm mấu chốt để các “nghệ sĩ” tận dụng dư luận.
Thế nên mới có chuyện trong cùng một ngày, nhiều những tờ báo lớn đồng loạt đăng tin về một cuốn tiểu thuyết 18+ của một nữ ca sĩ. Các diễn đàn không ngừng bàn tán về cô, các trang mạng không ngừng cập nhật tin tức của cô, những mạng xã hội xôn xao các câu liên quan đến cô. Kể cả hình của cô cũng được dân mê đồ họa trưng dụng trong các tác phẩm gây cười. Theo một nguồn tin không chính thức, lượng nhắn tin tải nhạc chuông ca khúc của cô thuộc vào hàng “khủng” mà không phải ca khúc “hit” đình đám nào cũng có được… Một ca sĩ ngôi sao liệu có thể có được những điều ấy trong một thời gian ngắn đến không ngờ như thế?
Nhưng nổi tiếng kiểu nào?
Thế giới đã từng xôn xao khi Lady Gaga xuất hiện cùng một hình ảnh, cá tính hoàn toàn kì dị. Cô gái này có những hành động, trang phục và phong cách "vô tiền khoáng hậu", và mỗi khi cô xuất hiện là ở đó ồn ào. Dư luận không ngớt quan tâm đến Lady Gaga, báo chí liên tục đưa tin về những hành động kì quái của cô, âm nhạc của cô có lượt xem tính bằng triệu trong ngày đầu ra mắt. Kiểu tạo dư luận của Lady Gaga gây cho một số "người trần mắt thịt" ngỡ rằng cứ phản cảm là được chú ý và thành công, nhưng phong cách của Lady Gaga được xây dựng trên nền một khả năng âm nhạc có thể gây nghiện cho người nghe, mặc dù là nhạc thời trang giải trí. Đã là nghệ sĩ, khả năng thực sự vẫn là chính, còn cách tạo ra dư luận chỉ là động tác hỗ trợ mà thôi.
Phương My và clip thảm họa "Nói dối".
Ca khúc Cấm trẻ em dưới 18 tuổi của Tần Khánh cũng bị cho là thảm họa.
Những ồn ào có được từ dư luận ban đầu có thể rất mạnh mẽ, nhưng không thể lâu dài. Và hình ảnh ca sĩ sẽ xấu đi và bị coi thường, dẫu trước đó hoặc sau này có hoạt động nghệ thuật nghiêm túc hay không. Khi đã mất đi uy tín, “bậc thầy PR” cũng không thể cứu vãn nổi.
Nếu câu chuyện chỉ dừng ở những kết cục đáng được nhận của những ai chọn "thảm họa" làm tiêu chí cho sự nghiệp thì âu cũng công bằng. Vấn đề là những cá nhân "phóng uế" vào môi trường âm nhạc không chỉ là những nạn nhân duy nhất, mà cả nền âm nhạc trẻ không thể phát triển, do khán giả chân chính không chấp nhận sống trong một môi trường ô nhiễm và họ quay lưng, đi tìm những nền âm nhạc "trong lành" hơn, ít ra là họ có cảm giác được tôn trọng. Từ "thảm họa" của những nghệ sĩ trở thành "thảm cảnh" của Vpop.
Nhóm HKT với những thảm họa thu hút lượt xem lên tới triệu pageview trên youtube. Cư dân mạng gọi HKT là Hội Khuyết Tật.
Ai sẽ cứu Vpop?
Ở nước ngoài, các sao rất sợ việc bị “tẩy chay”, và các hoạt động này luôn sẵn sàng nổ ra và gây ảnh hưởng nghiêm trọng bất kể bạn là “ngôi sao” cỡ nào. Sau một scandal ầm ĩ nổ ra, những ngôi sao như Trần Quán Hy, Chung Hân Đồng dù có nỗ lực đến mấy thì con đường trở lại showbiz của họ vẫn gập ghềnh sau một thời gian rất dài. Dường như không còn chốn dung thân cho họ sau bao cuộc bể dâu, bao chuyến thay đổi hình ảnh.
Còn ở Vpop, khán giả Việt Nam có thể được xếp vào hàng cao thượng và bao dung nhất thế giới. Chưa hề thấy một cuộc tẩy chay nào mang tính triệt để, trong khi việc tạo ra dư luận trước khi sản phẩm ra mắt đôi khi lại mang ý nghĩa sống còn nên các "nghệ sĩ" rất chăm tạo ra "thảm họa". Khán giả có thể ghét, có thể chê bai, nhưng càng ghét và chê bai người ta sẽ càng… theo dõi! Lúc này, các trang mạng “đổ dầu vào lửa”, đẩy mức độ phủ sóng của ca sĩ và sản phẩm lên cao. Chính vì thế, thái độ của khán giả Vpop cần phải quyết liệt hơn trong việc tẩy chay những sản phẩm xúc phạm người nghe.
Tiếp theo là chính những ca sĩ Vpop. Rất nhiều ca sĩ trẻ đang miệt mài chạy theo những giá trị ảo được vinh danh "đẳng cấp", mà bỏ quên một bộ phận lớn khán giả đang rất cần những ca khúc, video clip chất lượng. Âm nhạc luôn dành cho giới trẻ, hay nói đúng hơn, giới trẻ luôn có quyền quyết định xu hướng âm nhạc, nhưng chưa có nơi nào như Việt Nam hầu hết ca sĩ trẻ lại mong muốn hát những dòng nhạc của 40-50 năm trước để khẳng định "đẳng cấp". Họ "ngây thơ" gọi nhạc trẻ là nhạc thị trường. Sẽ không thể có một Tuấn Ngọc thứ hai, dù cho cố gắng cover và bắt chước đến đâu đi nữa.
Cho nên, nếu muốn cắt bỏ những khoảng trống để “thảm họa” không có chỗ chen chân thì những ca sĩ đương thời của Vpop cần phải họat động mạnh mẽ và thực tế hơn. Hãy là chính mình, sống cho hiện tại và cống hiến cho giới trẻ nhiều hơn.
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, đó là những nhà sản xuất âm nhạc. Vpop đã từng có những show nhạc trẻ vang lừng như Top Hits, Làn Sóng Xanh, Nghe mưa, Thế giới Vpop... nhưng bấy nhiêu là chưa đủ về chất và lượng. Tính ổn định cũng chưa có, khi cứ "lên đèn" rồi lại tắt ngúm. Một nền âm nhạc mà không có những show chất lượng cho giới trẻ, mà chỉ toàn là những show miễn phí chỉ chăm chút quyền lợi nhà tài trợ mà quên đi thượng đế đích thực chính là khán giả. Chính khán giả mới nuôi sống Vpop và cả nhà tài trợ. Họ đâu cần phải miễn phí vào cửa. Họ sẵn sàng trả tiền cho món ăn tinh thần giàu dinh dưỡng, nhưng ai nấu? Những nhà sản xuất và nghệ sĩ của Vpop đừng quên rằng, Việt Nam có gần 60 triệu người trẻ (chiếm 70% dân số), và gần 50 triệu dân là đối tượng nghe nhạc trẻ (50% dân số, từ 15 đến 24 tuổi).
Bưu điện Việt Nam