Thạc sĩ Tố Uyên chia sẻ: "Biến tướng văn hoá có thể hiểu là những hiện tượng, những giá trị văn hoá bị thay đổi, biến tướng do những yếu tố chủ quan hay khách quan nào đó của xã hội”.
Trong thế giới phẳng hiện nay, sự giao thoa các nền văn hoá và văn minh của thế giới đã mang lại cho chúng ta những điểm tích cực. Tuy nhiên, cũng kéo theo rất nhiều hệ luỵ khi chúng ta, một bộ phận không biết sàng lọc, tiếp nhận những cái hay và phù hợp cho chính mình.
Bàn về những biến tướng trong âm nhạc, Thạc sĩ văn hoá Tố Uyên thẳng thắn cho biết: "Có thể nói nhiều gameshow, những cuộc thi âm nhạc du nhập vào nước ta hiện nay như: The Voice, Vietnam Idol, The X - Factor… đã làm cho bữa tiệc âm nhạc của chúng ta phong phú và nhiều màu sắc hơn. Bên cạnh việc tiếp cận được những tiến bộ vượt bậc thì âm nhạc ngày nay cũng mang nặng tính biểu diễn, điểm trang và hình thức hơn, với những ngôn từ mang tính thực thực dụng, giải trí hơn là những cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ. Tuy nhiên lại được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình vì công nghệ phát triển, tất cả đều hiện đại, âm thanh, kỹ xảo, phục trang, và cả công nghệ lăng xê nữa. Giới trẻ ngày nay nghe nhạc bằng lỗ tai chứ không còn nghe bằng trái tim, bằng sự rung cảm như các thế hệ đi trước. Và có khi họ nghe theo trào lưu, nghe vì sùng bái thần tượng. Có những bài hát với nội dung rất ngớ ngẩn, vụng về ca từ và nhạt nhẽo, nhưng nếu được hát bởi thần tượng, cộng với tính giải trí cao thì cũng được đón nhận nhiệt tình".
Bàn về những biến tướng trong lễ hội, Thạc sĩ cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới. Có khoảng 8000 lễ hội, bao gồm cả truyền thống và du nhập. Nhưng đáng buồn, các lễ hội của chúng ta đã dần mất đi bản sắc, những giá trị tâm linh tốt đẹp cần gìn giữ. Lễ hội của chúng ta ngày nay đã bị biến tướng và thương mại hoá, các tệ nạn xảy ra thường xuyên và đầy cảnh mua thần bán thánh".
"Ví như Lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm là để tri ân công đức của các vị vua Trần. Tuy nhiên ngày nay người ta đến lễ hội không phải để tri ân, thờ cúng các vị vua, mà chủ yếu tới xin ấn để được thăng quan tiến chức. Không chỉ giới quan chức đi xin, mà cả tầng lớp lao động bình dân cũng tới xin ấn theo tâm lý số đông. Dẫn đến chen lấn, giẫm đạp, bát nháo và cứ như thế những giá trị văn hoa thật sự của lễ hội cứ mất dần". Thạc sĩ Tố Uyên chia sẻ.
Việt Nam đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất. Điều đó đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thờ ơ, dửng dưng của không ít người Việt hiện nay.
“Vô cảm nói nôm na là trạng thái thờ ơ, trơ lì cảm xúc trước mọi thứ diễn ra xung quanh. Trước cái đẹp không mảy may rung động hay ủng hộ, trước cái xấu, trước nỗi đau hay bất hạnh của người khác cũng dửng dưng.”
Trước lối sống vô cảm, "máu lạnh" của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay. Thạc sĩ cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm:
Thứ nhất là từ chính bản thân. Họ sống thiếu tình thương, thiếu lòng quảng đại và bao dung. Họ sống bằng lối tư duy sắt đá, và nếu như những điều không may xảy ra với họ nữa thì họ càng trở nên hận đời và vô cảm hơn. Thêm nữa vô cảm cũng bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ và từ đó người ta sẽ thấy cuộc sống đơn điệu, nhàm chán và vô nghĩa. Hậu quả là những xúc cảm đạo đức mất dần và thậm chí bị triệt tiêu.
Thứ 2 là yếu tố gia đình. Người ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình không tốt thì làm sao xã hội tốt được và con cái cũng chính là học tập và nhìn từ tấm gương của cha mẹ. Nếu như chính những bậc cha mẹ không biết dạy con tình yêu thương, lòng bác ái, quan tâm, giúp đỡ chia sẻ với người khác, không biết dạy con những chuẩn mực đạo đức, chân lý và lẽ phải, không biết trân trọng những cái đẹp, không biết rơi lệ và chống lại những cái ác, cái xấu… thì đứa con đó nếu bị ảnh hưởng những mặt trái của xã hội cũng sẽ trở nên vô cảm và xấu tính.
Thứ 3 là từ nhà trường. Nếu như các thầy cô chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức, giáo dục tâm hồn cho các học trò mình với những truyền thống văn hoá tốt đẹp mà chỉ tập trung giáo dục kiến thức sẽ khiến khả năng nhìn nhận vấn đề xã hội của các em bị "lệch". Ngoài ra, nhiều thầy cô có lối sống không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề giáo cũng ảnh hưởng không nhỏ một số bộ phận học sinh.
Nguyên nhân thứ 4 nữa là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin làm thay đổi tư duy và cách làm việc của thế hệ trẻ. Khi càng sử dụng internet nhiều thì người ta thường lơ là với những thứ xung quanh. Khi blog, facebook, twister….các mạng xã hội nhiều, giới trẻ được thể hiện mình nhiều hơn. Nhưng nếu đắm chìm trong thế giới ảo đó quá lâu sẽ dẫn lối tư duy sống bất thường và trở nên trầm cảm hay vô cảm."
Dù không xuất hiện thường xuyên ở các sự kiện của showbiz nhưng Thạc sĩ Tố Uyên luôn theo dõi những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm diễn ra của xã hội. Bởi lẽ chị là một người mẹ của các con và là một phụ nữ có tri thức. Chị mong muốn: "Vô cảm – một căn bệnh ung thư tâm hồn, nếu không được chữa trị kịp thời thì căn bệnh đó sẽ phá vỡ những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một xã hội khi không còn những chuẩn mực đạo đức nữa ắt sẽ dẫn đến diệt vong. Thế nên cá nhân mỗi chúng ta hãy làm gương, hãy là người hiểu biết, sáng suốt, tự thức tỉnh và điều chỉnh mình trước. Để kêu gọi sự đoàn kết, tôn vinh những giá trị đúng đắn, để cái xấu ngày càng bị cô lập, đầy lùi và triệt tiêu. Để xã hội luôn hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.”
Photo: Mr. AT
Makeup: Bi Tô
Custome: Minh Tú
HX (Theo Giadinhvietnam.com)