Xét xử vụ án ly hôn do ông An là nguyên đơn khởi kiện tại Mỹ, tòa thượng thẩm California đã tuyên: cấp quyền giữ lại làm tài sản riêng cho ông An (tài sản là của riêng ông An – PV), không có tài sản chung mà các bên có được trong hôn nhân.
Sau đó, ông An kiện ra TAND TP.HCM để đòi chia tài sản sau ly hôn. Ngày 14.10, TAND TP.HCM đã mời các bên đến đối chất nhưng siêu mẫu Ngọc Thúy không đến vì cho rằng không nhận được giấy triệu tập của tòa.
Trò chuyện với phóng viên, luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn luật sư TP.HCM, nói rằng ”vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn của chồng cũ siêu mẫu Ngọc Thúy” nói trên, theo luật Việt Nam có nhiều khả năng phải chia.
Theo luật sư Quý, tài sản hình thành trong quá trình hôn nhân được pháp luật bảo vệ cho cả người vợ lẫn người chồng. Phóng viên Motthegioi.vn đã phỏng vấn luật sư Quý xung quanh tình huống pháp lý của người chồng cũ và siêu mẫu này.
- Luật sư bình luận gì về bản án của tòa thượng thẩm California (Mỹ) công nhận toàn bộ toàn bộ tài sản đang ở Việt Nam là của một mình ông Nguyễn Đức An, chồng cũ siêu mẫu Ngọc Thúy?
- Theo tôi, trước hết cần phải phân tích rằng toàn bộ tài sản đó đang ở Việt Nam và người đứng tên tài sản là mẹ của Ngọc Thúy cũng đang là công dân Việt Nam, cho nên phải căn cứ theo luật pháp Việt Nam để xử. Thứ hai, phải làm rõ nguồn gốc tài sản đó có gì làm chứng cứ là của riêng của ông An. Ví dụ như các văn bản chuyển tiền, thỏa thuận giữa các bên… Ngoài ra, cũng phải làm rõ số tài sản này có được mua trong thời kỳ hôn nhân của ông An và bà Thúy hay không.
Bản án của tòa thượng thẩm California không có giá trị pháp lý nếu đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành.
Siêu mẫu Ngọc Thúy
- Mẹ của siêu mẫu Ngọc Thúy thừa nhận có đứng tên tài sản giùm cho con gái. Và nếu ông An chứng minh được nguồn tiền là của riêng mình thì sao?
- Thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên phải chia cho cả người vợ lẫn người chồng. Nếu Ngọc Thúy có văn bản khước từ khối tài sản đó, chỉ công nhận là của riêng chồng thì là chuyện khác. Về mẹ Ngọc Thúy, do thừa nhận đứng tên giúp nên bà có quyền yêu cầu trả công sức quản lý cho mình. Còn Ngọc Thúy và ông An thì pháp luật hiện nay có xét đến công sức đóng góp của từng người.
Điều đó có nghĩa là nếu công sức ông An đóng góp nhiều hơn thì sẽ được chia phần nhiều hơn. Trong trường hợp các bên đạt được với nhau một thỏa thuận nào đó thì vụ án sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
- Trường hợp các bên thống nhất chia tài sản thì tiến hành thế nào?
- Các bên có thể tự định giá tài sản với nhau rồi chia, hoặc tòa án sẽ trưng cầu một đơn vị định giá độc lập để xác định giá trị thật của khối tài sản đó trong quá trình xét xử. Điều này để tránh thiệt thòi cho cả hai. Ví dụ như giá trị ngôi nhà chỉ có 10 tỉ đồng, nhưng chồng hoặc vợ cho rằng giá trị đến 50 tỉ rồi buộc phía còn lại chia đôi thành 25 tỉ đồng là không hợp lý.
Theo Một Thế Giới