Bộ phim điện ảnh “Cậu Vàng”, phóng tác từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao đã chính thức ra rạp từ ngày 8/1/2021. Sau hơn 1 tuần công chiếu, những tranh cãi, bàn tán, thậm chí là tẩy chay phim vẫn là chủ đề nóng trong làng điện ảnh Việt.
Làn sóng tẩy chay này bắt đầu từ khi phim mới ở giai đoạn quảng bá. Lý lẽ được nhiều người đồng thuận là tại sao lại lựa chọn chú chó Shiba Inu - “quốc khuyển” của Nhật Bản mà không phải một chú chó Việt vào vai Cậu Vàng. Trong khi, 20 năm qua, khi nhắc tới chuyện chó đóng phim, khán giả vẫn không quên cảnh cậu Phèn trong “Đất Phương Nam” lưng mang lựu đạn, mải miết bơi sông, vượt bom nỏ để cứu bằng được chú Võ Tòng. Những cảnh quay khó nhất đó qua hơn 2 thập kỷ vẫn làm người xem xúc động.
Nhưng, đó là trước khi “Cậu Vàng” ra rạp. Người ta có lý do để tranh cãi. Tuy nhiên, miễn phim hay thì dù xuất thân có sai lệch cũng có thể cứu lại. Đáng tiếc, “Cậu Vàng” hoàn thiện gửi tới khán giả lại mang nhiều lỗ hổng điện ảnh, gây thất vọng vì không đảm bảo chất lượng phóng tác. Nhìn nhận một cách khách quan, tác phẩm của đạo diễn Trần Vũ Thuỷ không vỡ được hết đáy chữ của Nam Cao.
Chẳng phải ngẫu nhiên nhiều người xem phim xong lại để lại nhận xét rằng: “Mọi thứ trong phim đều béo tốt cả”. Bởi đơn giản, làng quê Bắc Bộ thời áp bức, bóc lột đưa lên màn ảnh không làm khán giả cảm được cái đói, cái nghèo, cái xơ xác đến khốn cùng ở hiện thực. Những sự sắp đặt trở nên khập khiễng, ý tưởng sáng tạo nửa vời. Từ đó, bản thân đạo diễn Trần Vũ Thuỷ cũng không cho thấy được khả năng thấu tỏ văn hoá Bắc Bộ.
Đừng mang chú chó Shiba ra bào chữa!
Bên cạnh những lỗ hổng và hạt sạn lớn không đáng có, dàn diễn viên trong phim cũng gặp nhiều hạn chế. Đài từ và lồng tiếng gây mất điểm phần lớn cho phim. Chỉ duy nhất chú chó Shiba Inu trong vai Cậu Vàng được khen ngợi vì diễn xuất quá tròn trịa. Cậu Vàng biết vui, biết buồn, biết hờn giận, biết bảo vệ chủ và dũng cảm trước cường hào, ác bá… Mặc dù chú chó là “quốc khuyển” của đất nước mặt trời mọc vẫn gây nhiều lấn cấn cho khán giả khi xem nhưng không thể phủ nhận, lần đầu tiên một chú chó vào vai chính trong điện ảnh Việt đã rất tốt.
Tuy nhiên, cũng vì yếu tố này nên khâu quảng bá của phim đã tận dụng triệt để. Dù làm một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học hiện thực nổi tiếng nhưng lại chỉ nói rằng: “Con chó dễ thương lắm”.
Thực tế, khán giả khá thích thú với chú chó Shiba. Cũng chẳng có ai đi ghét bỏ một chú chó Shiba cả, vì chú chó cũng đâu có quyền lựa chọn vai diễn, không biết đọc kịch bản, không biết từ chối. Nhưng, đến giờ này, đội ngũ làm phim vẫn cho rằng mọi người ghét phim vì lựa chọn “quốc khuyển” Nhật Bản vào vai Cậu Vàng, mà quên mất những lỗ hổng thực sự trong kịch bản.
Phim “Cậu Vàng” có một may mắn rằng được khán giả chú ý đặc biệt ngay từ khi mới công bố dự án. Chỉ một vài tác phẩm điện ảnh Việt mới có được may mắn ấy. Dĩ nhiên, đó có thể là may mắn, nhưng cũng có thể là “mồ chôn” tác phẩm. Tiếc rằng, đoàn phim đã rơi vào hướng phía sau và khước từ những may mắn mà khán giả gửi tới ngay từ khi phim chưa bấm máy.
“Xem xong chỉ thấy thương con chó”
Người viết xin được nhắc lại bình luận này của nhà biên kịch Lê Hồng Lâm sau khi xem phim điện ảnh “Cậu Vàng” để củng cố lại những quan điểm đã nêu ở trên.
Và vlogger Giang Ơi cũng đăng tải trên fanpage cá nhân, thẳng thắn chỉ trích nhà làm phim “Cậu Vàng” vì có phân cảnh chó đánh nhau thế này: “Sau khi xem trailer của phim, tôi muốn hỏi các anh chị phụ trách sản xuất phim rằng những con chó đã phải trải qua những điều gì? Đặc biệt là hai con chó trong cảnh cắn nhau đã phải trải qua những kích động thế nào? Tôi xin lỗi vì có thể nói như vậy hơi nặng lời, nhưng là một khán giả tôi không đồng ý tiêu những đồng tiền mua vé ra rạp vào xiếc thú và chọi chó. Tôi không đồng ý”.
Sau 24 tiếng, bài đăng của cô đã nhận về hơn 44 ngàn lượt like, và hơn 5 ngàn lượt chia sẻ. Tất cả những con số này thay cho lời chứng minh sự đồng thuận của phần đông khán giả.
Phân cảnh chó đánh nhau trong phim khiến vlogger Giang Ơi lên tiếng chỉ trích.
Lúc này, nhiều người sẽ nói tại sao điện ảnh quốc tế chó có thể vào vai chính là ở Việt Nam, lần đầu tiên một chú chó đóng chính lại bị tẩy chay?
Xin nhắc lại, lỗi không phải ở chú chó.
Chó là loài vật mở đường cho sự nghiệp diễn xuất của động vật nói chung trên thế giới. Năm 1905, khi nền điện ảnh thế giới vẫn còn xoay quanh phim câm, Blair - một chú chó giống Colly đã được chủ của mình, đạo diễn người Anh Cecil Hepworth, phân cho vai chính trong bộ phim ly kỳ dài 7 phút - Rescued by Rover. Sau đó, chú chó này đã đảm nhận thêm hơn 10 bộ phim khác.
Song, tại Mỹ và một số nước châu Âu, việc tuyển chọn chó làm diễn viên phải trải qua các vòng rất kỹ lưỡng. Các ứng viên đều có hồ sơ cá nhân với ảnh cận mặt, ảnh toàn thân, mô tả tính cách và chứng chỉ hành nghề CGC. Tại Mỹ, các yêu cầu như ép cân hay kịch động, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng các loài vật đều khong được thực hiện. Quá trình đóng phim có sự tham gia của động vật luôn có sự giám sát của Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (AHA). Với các trường hợp buộc phải có cảnh quay bạo lực, giải pháp đưa ra là quay công nghệ máy tính hoặc bố trí góc quay. Còn ở Việt Nam, mọi quy định này đều chưa có và chỉ có sự theo dõi từ các huấn luyện viên.
Chính vì lẽ đó, không riêng chú chó Shiba mà phân cảnh chó đánh nhau trong “Cậu Vàng” cũng gây tranh cãi. Chưa kể đến việc nhưng người yêu động vật, sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải chứng kiến phân cảnh này trên rạp.
Chúng ta có nhiều lý do để biện hộ cho những sai lầm. Một bộ phim không thắng như dự tính hay bị chê trách cũng có đủ lý do để bào chữa. Dĩ nhiên, nhà sản xuất luôn có cách để cân bằng mọi khía cạnh mà vẫn đảm bảo cho lý lẽ riêng. Nhưng, hãy đừng lấy chú chó Shiba để bào chữa, mà nên nhìn nhận về chính lỗ hổng đã được khán giả vạch ra rõ mười mươi.
An An (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)