NSND Bạch Tuyết được xem là cây đa, cây đề của sân khấu cải lương. Bà không chỉ sở hữu tài ca diễn cực phẩm mà còn là một trong những nghệ sĩ có học vị cao đáng ngưỡng mộ. Mới đây, trong chương trình Lần đầu tôi kể được chính bà thực hiện, NSND Bạch Tuyết đã tiết lộ những kỉ niệm với mẹ mình và những điều trùng hợp khó tin về nghệ sĩ Thanh Nga trước khi mất.
Bà bùi ngùi kể lại những hành động kì lạ của cố nghệ sĩ Thanh Nga trong cái ngày định mệnh đáng sợ đó: "Chị Thanh Nga mất ngày 26/11 năm 1978, giữa đêm khuya. Vào 6 tháng trước đó, chị Thanh Nga nhờ cô Ngọc Nuôi tìm hộ một tượng Quan Âm để thờ Phật. Thế rồi, chị dựng lên một nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Trước đó, chị Thanh Nga chưa bao giờ nói về việc thờ Phật với mọi người, nên ai cũng bất ngờ.
Trước khi bị ám sát, chị Thanh Nga vẫn nói chuyện với tôi trước cửa rạp hát, tôi nhớ mãi những câu nói của chị. Đặc biệt, vào buổi tối trước khi bị ám sát, chị Thanh Nga vẫn diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga và có những cử chỉ, hành động rất lạ. Chị chia phấn hồng vào từng túi rồi đưa cho các bạn vũ nữ trong đoàn và nói: "Chút nữa mọi người đi hát với chị không? Mình cùng xuống hát cho ông Diêm Vương nghe nhé". Mọi người cười quá trời quá đất, cứ nghĩ đó là lời nói chơi thôi, ai ngờ sau đó lại xảy ra chuyện động trời.
Chị Thanh Nga vốn không bao giờ ra khỏi rạp hát cùng lượt với khán giả. Bao giờ chị cũng đợi mọi người về hết, rạp vắng tanh thì mới ra sau cùng. Nhưng tối hôm đó, chị Thanh Nga về rất nhanh, chen vào khán giả để đi. Rồi chị ra xe về nhà, để rồi bị ám sát ngay trước cửa. Sau khi nghe tin chị Thanh Nga bị ám sát, suốt một tuần trời người tôi cứ lơ lơ lửng lửng, không thể giải thích được. Tôi quá bức xúc, cứ hỏi tại sao số phận lại như thế".
Đến giờ NSND Bạch Tuyết vẫn ám ảnh mãi về câu chuyện xưa
Tiếp đó, bà tiết lộ mẹ ruột của mình cũng ra đi cùng tuổi với cố nghệ sĩ Thanh Nga: "Sau này, tôi được học thêm nhiều một chút về tử vi, thiên văn học, tôi mới nhận ra một sự trùng hợp. Mẹ tôi ra đi cùng tuổi với chị Thanh Nga, cũng mất vào 11 giờ đêm. Hình như mỗi con người chúng ta khi đến với thế giới này đã có sẵn một cuộc hẹn là vào ngày đó, giờ đó phải đến chỗ này để lên chuyến tàu trở về nơi mình đã đến.
Năm mẹ mất, tôi mới 8 tuổi. Đó là nỗi kinh hoàng của một đứa trẻ như tôi khi ấy. Ngày hôm đó, mẹ đã dọn cơm xong rồi nhưng bảo đợi mẹ đi thăm một người bạn rồi về cả nhà cùng ăn cơm. Tôi giận mẹ không ăn cơm cùng mình, leo lên giường ngủ. Đang mơ màng, bỗng một thằng bạn đập cửa nhà tôi ầm ầm, nói: "Tuyết ơi, mẹ mày bị xe đụng". Tôi không tin, đấm thẳng mặt thằng bạn và hỏi: "Sao mày lại nói thế?". Thằng bạn bảo: "Mẹ tao bảo mẹ mày bị xe đụng, kêu tao về bảo mày với chị hai mày ra thăm mẹ mày". Tới lúc đó, tôi thẫn thờ, không biết phải làm sao, cứ lặng lẽ đi theo thằng bạn ra xe bus rồi tới bệnh viện Sài Gòn.
Đến bệnh viện, tôi còn đi đụng vào cửa rồi mới giật mình tỉnh lại, đi lên lầu ba lúc đó đã tối. Tôi gặp mẹ, mẹ dặn: "Mẹ chết, hai chị em ở lại phải ăn ở sao để người ta thương. Đừng để họ nói là đứa chết cha, chết mẹ".
Bảo Quỳnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)