Câu trả lời, không chỉ cho riêng trường hợp Mimi (biệt danh của Mariah Carey), vốn xuống dốc ào ào so với thời đỉnh cao huy hoàng 20 năm trước, có thể tìm được ở những gì mà hai ông trùm trong ngành công nghiệp âm nhạc, một đã già, một đang già - Clive Davis và Tommy Mottola (chồng cũ Mimi) - cùng chia sẻ trong hai cuốn hồi ký xuất hiện gần như cùng lúc. Và những gì họ nói trong ấy về “diva power” cũng rất đúng khi chiếu vào đời sống nhạc trẻ Việt Nam…
Nói thế có người sẽ bảo Mariah Carey vẫn hát hay đấy chứ, giọng vẫn “khủng” như thường, cho dù về mặt hình ảnh thì hơi… xuống cấp. Đành rằng là giọng vẫn hay, nhưng rõ ràng cái “power” uy lực một thuở đã mất. Mà không phải mất theo kiểu “tre già măng mọc” - bởi từ thuở đấy đến nay, dù có bao nhiêu Idol ra lò, bao ngôi sao lên đỉnh, nhưng không có ai đạt tới tầm cỡ như các diva thập niên 1980, 1990. Chỉ đơn giản là tới lúc mất thì phải mất thôi!
Mariah Carey và Thanh Lam liệu có nhiều điểm tương đồng nhau trên con đường âm nhạc?
Mà không mất sao được. Bởi dù có thực tài, nhưng cái được gọi là “quyền lực”, tiếc thay lại không phải do tự các diva có thể tạo ra được. Trong tự truyện Hitmaker, Tommy Mottola đã kể vô cùng chi tiết những gì các chuyên viên từ bộ phận sản xuất tới truyền thông của Sony Music đã làm để đẩy Mariah Carey từ một cô gái hát bè có đời sống tương đối dễ dãi trở thành diva số 1, một quý cô lịch lãm tương xứng với địa vị trong âm nhạc và đời sống riêng (phu nhân CEO của Sony Music), trong đó có rất nhiều điều đi ngược lại với mong muốn của Mimi (chẳng hạn cô chỉ thích trở thành ca sĩ hát hip-hop chứ không hề thích hát ballad). Sony Music phải dùng biện pháp cưỡng ép và viện dẫn hợp đồng, nhờ đó mà Mariah Carey có được những bài hit khiến cho cả thế giới say mê, như Hero, Without you, Love takes time…
Từ trường hợp này có khiến chúng ta nghĩ tới… Thanh Lam không? Với đông đảo các fan của Thanh Lam, album Mây trắng bay về và giai đoạn làm việc cùng Quốc Trung là đỉnh cao sự nghiệp của diva số 1 nhạc Việt, nhưng Thanh Lam thì dường như không nghĩ thế. Và chuyện giống Mimi bắt đầu xảy ra. Thanh Lam liên tục có những dự án âm nhạc mới, thu âm nhiều, ăn mặc cũng bốc lửa hơn, giọng hát vẫn mãnh liệt dữ dội và đẳng cấp, nhưng tầm ảnh hưởng như thời “mây trắng” và trước đó đã dần mất đi. Hát càng nhiều, ra càng nhiều album, “diva power” càng… loãng.
Từ hai câu chuyện giống nhau này, để thấy những thế lực nào mới thực sự tạo nên quyền lực của các diva. Nếu Whitney Houston không nhất nhất nghe lời “bố già” Clive Davis, như một cô con gái ngoan, thì liệu thế giới có may mắn được biết đến giọng ca mê hoặc độc nhất vô nhị này? Trong hồi ký The soundtrack of my life, Clive Davis dành hẳn một chương để nói về Whitney, trong đó in lại một số bức thư ông gửi cho cô với những lời dặn dò chân tình, những chia sẻ trải nghiệm cuộc sống và cả những lưu ý từng tiểu tiết như thu âm bài nào thì lưu ý điều gì, hát cho ra tinh thần nào… Giờ đây, những bức thư ấy có thể coi như một “cẩm nang vàng” trong quy trình gây dựng một diva (nếu có ai đó còn muốn làm điều này). Sau khi không còn làm việc với nhau nữa, cũng là khi Whitney lấy chồng, thì chuyện gì xảy ra ai cũng biết rồi.
Céline Dion.
Chuyện tương tự xảy ra với diva thứ ba trong bộ ba diva làm khuynh đảo thập niên 1990 - Céline Dion, khi chồng cô (kiêm quản lý, René Angelil) và Tommy Mottola của Sony Music thuyết phục cô thu bài My heart will go on dù ban đầu Céline không thích, và sau đó chỉ thu đúng một lần, dự định làm demo, nhưng rồi được phát hành luôn. Bài hát trở thành bản hit lớn nhất trong sự nghiệp của Céline và là “bài hát tỷ đô” của Sony Music.
Những câu chuyện như thế cho thấy tầm quan trọng của guồng máy sản xuất âm nhạc đằng sau những tên tuổi lớn. Một nền âm nhạc đại chúng như Việt Nam, dù còn rất nhỏ, chưa có số má gì đáng kể, nhưng đã có những thời điểm vận hành gần đúng những gì được trích giới thiệu ở trên. Dù nhiều người còn hoài nhớ Mỹ Linh thuở tiền Tóc ngắn nhưng không thể phủ nhận rằng bắt đầu từ khi có Anh Quân, địa vị “diva” của Mỹ Linh mới thực sự định hình và ổn định cho đến tận hôm nay. Trần Thu Hà thoạt có vẻ như một diva tự tạo dựng cho chính mình nhiều hơn, tương tự như Hồng Nhung, nhưng hãy nhớ đến những cái tên đầy quyền lực (ở thời điểm cộng tác với họ) đứng sau (Trịnh Công Sơn với Hồng Nhung, Quốc Bảo với Hà Trần). Và có nhiều ca sĩ khác có thể tài năng không kém nhưng không may mắn có được những “bệ đỡ” đáng giá như vậy.
Khi hiệu ứng truyền thông không còn, quyền lực chớp nhoáng mà các thí sinh
có được từ cuộc thi như Giọng hát Việt, cũng mất đi.
Dùng công thức tạo diva này có lẽ sẽ lý giải được những băn khoăn của nhiều người về việc tại sao ngay sau mỗi cuộc thi hát các giọng ca đang gây sốt hàng tuần bỗng nhiên… chìm nghỉm. Thì đây, cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu tiên vừa chấm dứt, cùng lúc cơn sốt truyền thông quanh mỗi buổi thi, mỗi cái tên, mỗi scandal… cũng dứt cơn. Khi hiệu ứng truyền thông không còn, quyền lực chớp nhoáng mà các thí sinh có được từ cuộc thi cũng mất đi. Họ lại phải gây dựng một quyền lực mới dựa trên chính thực lực của mình, và có thể là phải tìm một bệ đỡ khác hùng mạnh hơn, bởi chẳng bao lâu nữa mùa thi thứ hai bắt đầu, chuyện “quân ta đấu quân mình” hoàn toàn có thể xảy ra.
3 giọng hát được nhắc đến nhiều nhất, là Hương Tràm, Đinh Hương, Bùi Anh Tuấn giờ đây phải cạnh tranh sòng phẳng trong một thị trường ca nhạc vốn có tiếng là “có mới nới cũ”. Họ đã từng được “cho” một quyền lực ngắn hạn, nay quyền sử dụng đã hết, yếu tố “giá trị gia tăng” cho tài ca hát của họ đã không còn - nếu không muốn nói nhiều lúc còn là con dao hai lưỡi, kiểu “Sao lúc đó hát hay vậy mà giờ hát chán thế”, bởi người nghe chịu nhiều tác động ngoại cảnh, nghe trong tâm trạng phấn khích mong thí sinh mình thích chiến thắng rất khác với khi nghe trong trạng thái thưởng thức bình thường. “Power” của họ đến từ format của cuộc thi (format của The Voice đã đem lại danh tiếng cho không ít các giọng ca bấy lâu mòn gót phòng trà và các cuộc thi hát khác), và nay ra đi khi… hết sóng (truyền hình). Chuyện có gì lạ đâu.
TTVH