MC Quyền Linh: Biết bơi nhờ sợ rắn
MC Quyền Linh xuất thân từ Vĩnh Kim - Tiền Giang, tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng và chuyện gặp rắn không hiếm. Quyền Linh kể rằng năm mới lên 8 tuổi, anh được bà nội dẫn đi ăn giỗ.
Ngón đàn tranh của bà anh với điệu Nam Xuân nghe như rót mật vào tai, chinh phục bà con làng xóm. Quyền Linh nhớ lại: "Sau buổi ăn giỗ, tôi về cùng nội. Trên đường đi trời nắng, bà hái một lá sen cho tôi đội đầu, còn bà vác cây đàn đội nón lá đi thật nhanh. Bà cháu miên man trò chuyện cho đến khi đi qua cây cầu khỉ, mặt nước cứ xao động lạ thường. Nội đưa mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía dưới cây cầu và bà cháu đã chứng kiến cảnh một đàn rắn nước di chuyển rất nhẹ, con đầu đàn to bằng một cây tre, cái đầu rất nhỏ lội nước thật nhanh, phía sau có đến vài chục con chuyển động rất nhẹ nhàng. Đợi đàn rắn vượt khúc sông đi rồi, nội tôi dặn: “Con đi tắm sông, thấy mặt nước xao động là biết có rắn, phải bơi nhanh vào bờ”.
Quyền Linh khi đó gật đầu nhưng trong lòng lo sợ, vì chưa biết bơi: "Buổi chiều, tôi đem chuyện mình chứng kiến kể cho đám bạn trong xóm, đứa nào cũng tròn xoe mắt bắt dẫn đến cây cầu khỉ đó để xem. Tất cả đều mong đàn rắn sẽ trở lại nhưng không thấy gì. Một thằng trong xóm thấy tôi đứng trông ngóng, nó chơi khăm đạp tôi một phát té xuống nước".
"Tôi uống một bụng nước và rất tức thằng bạn nhưng sau này, chính nó lại là thầy dạy tôi lội sông. Đi tắm sông chung, nó biết tôi sợ rắn nên cứ hù dọa, khiến tôi phải nỗ lực hết mình để học bơi. Đến một ngày đang lội sông, mặt nước xao động, tôi và nó linh tính một đàn rắn nước đang tiến về phía 2 đứa. Sợ quá, cả 2 bơi thật nhanh vào bờ nhưng nhìn lại, đó là một bè chuối và nhánh lục bình bị nước đẩy về phía chúng tôi. Cả 2 đứa nhìn nhau cười nhưng nhờ sợ rắn mà tôi đã lội được qua sông”, Quyền Linh kể.
NSND Ngọc Giàu: Vết xước nhớ đời
Với NSND Ngọc Giàu, những chuyến lưu diễn xa, vào tận nơi hẻo lánh và bị rắn rượt cắn không còn xa lạ gì. Bà kể trong chuyến theo gánh hát Hoàng Kinh – Ngọc Đáng diễn tận Phan Thiết, mọi người trú ngụ trong cái đình mà phía sau là vách núi, trước mặt là biển. Thời tiết trưa hè oi bức, bà đi vào vách núi mong tìm chỗ mát để ngã lưng.
Khi tìm được hốc đá, mới dựa lưng vào, với tay lấy chai nước, bà chạm phải một vật mềm mềm. "Tôi la hoảng lên, đó là một con rắn đất! Lấy hết bình tĩnh, tôi phóng chạy, nó rượt theo. May mắn, quanh vách núi có một rào chắn bằng cây khô do ai đó làm sẵn để phơi cá tôm, tôi kéo ngã cái rào, con rắn bị cản. Cả gánh hát đều ngủ nên không ai nghe tiếng la của tôi để ứng cứu", bà nhớ lại.
"Bất chợt nhìn lại cái gót chân, tôi thấy nó rướm máu. Tôi sợ quá, tự hỏi không biết rắn cắn khi nào mà chảy máu? Tôi nhớ lại lời dạy của ông thầy rắn rằng sau khi bị rắn cắn, muốn ngăn nọc của nó về tim phải cột chặt vết thương lại. Tôi tìm quanh, thấy có sợi dây liền túm ngay cột chân lại. Con rắn vẫn quan sát thao tác của tôi, tìm cách trườn qua hàng rào. Tôi liền với lấy cây tre nhọn dứ dứ trước mặt nó".
Sau đó, NSND Ngọc Giàu được một bác lớn tuổi ở làng chài xuất hiện ứng cứu: "Tôi mếu máo chỉ vết thương ở gót chân, bác nhìn qua rồi nói: "Cái này do cháu nhảy qua rào nên bị xước, nếu rắn cắn rồi thì tiêu đời, bởi nó là rắn núi, nọc độc lắm”, bà kể.
Thuở ấu thơ, NSND Ngọc Giàu từng nhiều lần nghe kể về rắn lạ: "Lúc nhỏ, tôi hay theo ba vào các bàn tiệc trong xóm. Sau khi ca vọng cổ, các cụ lại nói về rắn. Tôi đã được nghe kể chuyện mãng xà vương dài hơn trăm thước, đường kính 2-3 người ôm không hết. Loại mãng xà vương này mỗi lần di chuyển làm cây cối ngã đổ như có giông gió nên người ta còn kêu là trăn gió".
"Lớn lên một chút, theo anh đi bán thuốc sơn đông mãi võ, tôi từng thấy rắn 2 đầu ở Ba Tri - Bến Tre được một ông thầy thuốc bắt ra chợ biểu diễn. Tất nhiên, thuốc của ông ấy bán chạy hơn của anh em tôi, vì bên tôi chỉ có múa võ, hát bài tổ kiến, đường quyền. Về sau, mấy anh bạn trong nhóm bán thuốc sơn đông của anh ba tôi (kép độc Thành Tâm sau này) bắt được con rắn huyết ở vùng U Minh, toàn thân đỏ rực như máu. Lúc đó, khó khăn lắm anh ba tôi mới lấy hết nọc của nó, rồi cho nó cuốn tròn trong một ổ rơm để giữa chợ, người ta xem rồi mua thuốc như tôm tươi", NSND NGọc Giàu hồi tưởng.
"Anh ba tôi thời đó theo thọ giáo một ông thầy miền núi, biết cách chế ngự con rắn khi thoa vào tay loại thuốc có thể khiến nó ngẩng đầu lên xuống một cách thuần thục hoặc nghe tiếng kèn mà múa. Anh ba tôi luyện đến trình độ bắt rắn bằng tay không và phải bắt sống vì rắn chết chẳng có ai mua. Thầy thuốc rắn hay hoặc dở là do thuốc của mình chế ra, nên anh ba tôi quyết tâm học cho bằng được.
Tôi có nhiệm vụ xách chai đi mua rượu để đãi thầy sau mỗi lần anh tôi thọ giáo cách bào chế thuốc. Thoạt đầu, theo gánh sơn đông mãi võ, tôi bực bội lắm, vì đêm nào cũng thấy cảnh anh tôi nhậu. Rồi từ khi có ông thầy là vị khách đặc biệt, mỗi câu chuyện của ông ấy kể về rắn đã xóa đi hết sự mong nhớ quê nhà trong tôi. Ông đã dạy anh ba tôi thứ thuốc làm cho con rắn sợ không dám cắn mình và thuốc để chữa nếu lỡ bị rắn cắn. Nhưng số của anh ba tôi không đủ duyên. Lúc chuẩn bị dạy đến cách trị nọc rắn, ông thầy bị con hổ mang chúa cắn chết", NSND Ngọc Giàu xúc động.
NSND Thế Anh: Không nơi ẩn nấp… vì rắn!
NSND Thế Anh cho biết từng tận mắt chứng kiến rắn cắn một công nhân hậu đài nguy kịch tính mạng, khiến mọi người trong đoàn phim sợ hãi, hoảng loạn.
Ông kể: “Đó là năm 1976, tôi được đạo diễn Phạm Kỳ Nam mời quay bộ phim Không nơi ẩn nấp. Tôi vào vai một chiến sĩ biệt kích, bối cảnh phim quay tại vùng núi non hiểm trở tỉnh Ninh Bình. Nắng nóng, đoàn phim tạm nghỉ để chuyển bối cảnh, bất chợt một tiếng la thất thanh vang lên".
"Anh công nhân hậu đài bị một con rắn hổ mang to tấn công, phặp một vết ngay chân, nó trườn về hang sau khi bị đánh đuổi. Mọi người xé áo cột chặt phía trên vết thương ở chân anh công nhân hậu đài, ngăn độc chạy về tim, đưa nạn nhân đến bệnh xá. Nọc rắn hổ mang chưa cướp mạng sống của anh công nhân nhưng cũng đủ làm tôi bủn rủn tay chân, mồ hôi túa ra ướt đẫm áo. Cảnh quay sau đó, tôi hồn vía lên mây, cứ nhìn chằm chằm về phía cái hang bé xíu nhưng chứa một con rắn hổ mang thật to mà lần đầu tôi tận mắt thấy".
"Mấy anh hậu đài yêu cầu đạo diễn đổi bối cảnh cho an toàn, vì hôm sau quay đêm, nếu rắn hổ mang đó xuất hiện, anh em sẽ khó mà đỡ kịp. Đạo diễn đồng ý, bối cảnh của những phân đoạn tiếp sau đó được thay đổi nhưng với tôi, dù đóng vai biệt kích nhưng hễ thấy bụi bặm và vách đá, cứ nhìn chung quanh xem có cái hang nào không rồi mới dám diễn. Tôi sợ rắn từ sau bộ phim Không nơi ẩn nắp, mà đúng thật, gặp rắn tấn công ẩn với nấp sao cho kịp, có mà chạy thật nhanh để không bị nó cắn”, NSND Thế Anh "chiêm nghiệm".
Nghệ sĩ hài Mai Sơn: Ký ức kinh hoàng
Trước khi làm diễn viên, Mai Sơn là công nhân của xưởng mây tre lá ở Bảo Lộc – Lầm Đồng. Anh kể: “Kỷ niệm về rắn nhiều lắm nhưng tôi nhớ nhất là chuyện đi gom hàng để đóng gói chuyển cho khách theo đơn đặt hàng của xưởng. Lúc đó tôi còn trẻ, xông xáo làm việc và hết lòng với công việc được giao. Muốn làm nhanh và tốt để khỏi phải tăng ca, có thời gian đi tập văn nghệ, tôi ở lại xưởng để làm cho hết lô hàng đan bằng mây, cứ 10 cái vào một thùng giấy".
"Say mê làm, tôi chạm phải một vật gì mềm mềm, nhớt nhớt. Tôi vẫn hát nghêu ngao rồi lôi cái vật đó ra khỏi thùng giấy. Nào ngờ, cái vật mềm mềm đó là con rắn lục, tôi quẳng nó về phía lô hàng trước mặt, ba chân bốn cẳng chạy mất. Tôi ra ngay cổng bảo vệ báo với chú tư, ông cười: “Con rắn lục nó hiền lắm, nhưng mày ác quá, quăng vô lô hàng đó, sáng mai, tụi con gái nó vào làm chắc hàng của xưởng bị ướt hết quá?!”. Tôi hỏi tại sao, ông chỉ cái quần của tôi: “Quần mày ướt thế kia, đám con gái cũng sẽ như vậy thôi!”...
Mai Sơn và vợ - diễn viên hài Kiều Linh.
"Sau đó, chú Tư rọi đèn cùng tôi vào bắt con rắn và chúng tôi phát hiện không chỉ một con mà là một ổ rắn lục, nó theo những lô dây lát ở rừng mà những người dân tộc thiểu số gia công theo đặt hàng của xưởng về ở đây đã mấy tháng".
Chú Tư nói: “May nhờ mày chứ nếu không, ổ rắn này sinh sôi sẽ nguy hiểm khi hàng giao đến người tiêu dùng. Đặc tính của rắn lục là thích chui vào những nơi kín đáo để sinh nở”. Tôi sợ quá nhưng phì cười trước những lời dí dỏm của chú tư. Từ đó về sau, tôi sợ thò tay vào bất kỳ một cái thùng giấy nào, vì cứ ấn tượng chuyện phải chạm vào một khúc mềm mềm, nhớt nhớt”, Mai Sơn lè lưỡi.
NLĐ