Sau những kỉ niệm về một thời nuối tiếc nghề phi công chỉ vì một chiếc răng sâu, NSƯT Phạm Bằng chia sẻ về quán bánh trôi tàu ngon có tiếng của mình, và bà vợ luôn đứng sau chồng trong những lúc khó khăn nhất:
Nhắc đến Phạm Bằng, người ta không chỉ nhớ tới một người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, mà người ta còn nhớ tới ông chủ quán bánh trôi tàu trên vỉa hè chật chội nhưng ngon nổi tiếng Hà Nội?
Bà vợ tôi và quán bánh trôi tàu ấy chính là lý do vì sao tôi theo đuổi được con đường nghệ thuật suốt cả cuộc đời.
Trong những năm tháng khó khăn tưởng như người ta phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo, thì tôi vẫn kiên quyết bám trụ đến cùng, bởi có bà vợ tôi cùng quán bánh trôi ấy lo lắng việc kinh tế gia đình.
Nghệ sĩ Phạm Bằng
Có phải vì cửa hành bánh trôi ấy đã “cứu” Phạm Bằng những năm tháng đói kém để theo nghề, nên sau này dù thành đạt lắm và có tuổi rồi ông vẫn không nỡ “phụ” nó, vẫn cần mẫn với cửa hàng nhỏ của mình?
Đúng là như vậy, nhiều người nói với tôi là giờ Phạm Bằng như thế này rồi còn giữ cửa hàng bánh trôi làm gì. Nhưng tôi vẫn cố làm, bởi chính cái nghề ấy, và bà vợ tôi đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành những vai diễn của mình, và đến hôm nay có đôi chút tiếng tăm. Nên tôi phải nhớ ơn nó.
Trong lúc khó khăn đến mức đôi khi ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao mình sống được đến bây giờ. Quãng thời gian khó khăn kéo dài hàng chục năm, hàng hai chục năm. Nhưng rồi sau với sự hỗ trợ của vợ con, tôi cũng vượt qua được.
Nhiều người đến ăn bánh trôi với mục đích “xem mặt Phạm Bằng”, hay nói dăm ba câu chuyện với người nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng chắc hẳn bánh của ông cũng phải có bí quyết để người ta quay lại những lần sau?
Cái quán của tôi ngồi trên vỉa hè chật chội nhỏ bé thế thôi nhưng lúc nào cũng đông khách lắm. Đúng là có những người đến xem mặt tôi hay muốn biết tôi ngoài đời khác trên tivi như thế nào, nhưng với nghề nấu ăn này, nếu không ngon người ta sẽ chỉ đến một lần.
Trước kia gia đình tôi có một bà cụ làm bánh và nấu các món ăn cho quán tôi đều ưng ý lắm, nhưng sau đó cụ có tuổi, nói là không làm tiếp được nữa, cụ thấy trong mấy đứa giúp việc có một đứa làm được, vậy là cụ truyền nghề cho cô bé đó. Khi đó nó mới 14, 15 tuổi thôi, đến nay cô bé ấy làm cho tôi cũng tới 20 năm rồi.
Cuối năm ngoái cô ấy có nói với tôi là muốn xin tôi cho nghỉ một năm để sinh em bé thứ hai, vậy là tôi đóng luôn cửa hàng tới mùng 2/9 này. Bởi tôi không muốn khách đến phải ăn những món không đúng mùi vị như trước đây.
Quan điểm của tôi đã ăn hàng của tôi là sẽ không đi đâu được, mà nếu có đi đâu cũng sẽ quay về với Phạm Bằng. Ở Hà Nội thiếu gì hàng như của tôi, nhưng những dịp lễ tết người Việt ở nước ngoài về nhiều, họ vẫn ghé quán của tôi, nói những câu chuyện về kỉ niệm cũ và ăn miếng bánh trôi, bởi nó có hương vị riêng như thế.
Có đi đâu rồi cũng phải quay về với quán bánh trôi của Phạm Bằng
Làm nghệ thuật, cái nghề mà cụ thân sinh ra ông thì coi là “xướng ca vô loài”, còn thiên hạ cũng coi là “làm dâu trăm họ” ấy, vợ ông có ủng hộ?
Bà vợ tôi có ủng hộ chứ, ủng hộ lắm. Bà ấy làm bên hành chính sự nghiệp, không liên quan gì tới nghệ thuật cả, nhưng luôn đứng sau tất cả những công việc của chồng.
Nhưng đôi lúc bà cũng biết ghen, cũng có những suy nghĩ rất riêng tư. Vì chắc cũng có khi khó chịu vì chồng là diễn viên nổi tiếng, hay đóng cặp với những người phụ nữ khác, lại có thêm cảnh diễn tình cảm nữa thì càng phiền phức.
Tôi vẫn hay nói đùa rằng mình hồi trẻ trông cũng được, không đến nỗi cù lần lắm, mà đóng toàn những cái vai mà các cụ vẫn gọi là lẳng lơ và đĩ bợm ấy mà, nên khổ thế.
Nói vui vậy thôi, chứ bà vợ tôi là người rất biết thông cảm với chồng, luôn tạo điều kiện cho tôi làm việc tốt hơn, chứ nay ghen mai ghen thì mệt lắm.
Bà xã thì thông cảm rồi, nhưng có khi nào chuyện khó xử đến từ chính chồng hoặc người yêu của nữ diễn viên đóng cùng?
Nhắc đến chuyện này tôi lại nhớ kỉ niệm khi đóng phim cùng Hoàng Cúc. Hồi đó Hoàng Cúc mới từ Thái Nguyên ra Hà Nội, lần đầu tiên đi vào nghề, hai chúng tôi đóng trong Chuyện thường ngày ở huyện của đạo diễn Trọng Liên.
Tôi vào vai một ông Tây, còn Hoàng Cúc đóng vai người vợ. Trong phim có nhiều cảnh chia tay nhau bịn rịn lắm, vì là tây mà, cho nên cứ phải nắm tay, rồi hôn hít. Nhưng cô Hoàng Cúc đi đâu cũng có cậu người yêu đi theo, nên khi đóng những cảnh ấy tôi bảo với đạo diễn Trọng Liên là bảo ông kia đi ra ngoài chơi đi, chứ ông đứng đây thì tôi không đóng được.
Có người yêu Hoàng Cúc ở đấy tôi cũng run lắm chứ, ai dám diễn tự nhiên như bình thường được. Không ngờ cậu đó bảo tôi là anh cứ yên tâm làm việc của anh, còn em đứng đây là việc của em, không có vấn đề gì cả. Tôi bảo ừ mày chấp nhận thế thì được, nếu không mày sẽ khó chịu đấy. (cười).
Đấy, nghề diễn đôi khi có cái khó xử thế đấy.
Có cả thảy bốn người con, cũng hai cô con gái từng theo nghiệp bố, mà hình như ánh đèn sân khấu không đủ hấp dẫn để cả hai người con của ông nối nghiệp bố đến cùng?
Tôi có 4 người con, 3 cô con gái, một anh con trai thì có 2 cô theo nghề của tôi. Một cô trước là cùng nhà hát kịch với tôi, cùng lớp của Quế Hằng, Quế Phương, Ngọc Bích. Nó cũng là diễn viên diễn được. Vào nghề được hơn chục năm thì lấy chồng ở trong miền Nam, chồng không thích nghề này lắm nên về thành lập công ty riêng.
Một cô nữa trước làm ở nhà hát kịch Hà Nội giờ cũng sang Đức làm ăn với chồng.
Tôi cũng nói có lẽ phụ nữ chơi thế là đủ rồi, đến lúc lấy chồng có thể khác. Mặc dù lúc đó nó bỏ nó hơi tiếc, nhưng có lẽ ý chồng hơn ý bố nhỉ (cười).
Còn tôi thì làm nghề như một điều tự nhiên, “Đã mang cái nghiệp vào thân. Thì cũng đừng trách trời gần trời xa.”, cứ yên tâm mà theo nghề của mình thôi.
Gần cả cuộc đời làm nghệ thuật, tôi không có gì bon chen, không cúi lưng, mòn gối hay cong xương sống, không có chuyện đó. Nghề mình cứ mình đi thôi, ngoài ra không có tham gia gì trong chúc vụ cả. Ngay cả có thời kì bảo tôi làm phó cho một đoàn tôi bảo không, anh cho tôi làm diễn viên thôi, cái kia tôi không làm được.
Theo vtc.vn