Thời hoàng kim của cải lương, sau lớp đào chánh, kép chánh đình đám tạo nên huyền thoại như: Vũ Linh, Minh Vương, Lệ Thuỷ… Thế hệ đào trẻ kép trẻ được xem là kế thừa và đưa sân khấu cải lương bước sang giai đoạn huy hoàng rực rỡ là những tên tuổi như: Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ…
Nếu người ta gọi Vũ Linh là “Ông hoàng Hồ Quảng” thì Kim Tử Long lại được mệnh danh là “Ông hoàng cải lương”. Vào cái thời băng đĩa thịnh hành, người ta thấy đâu cũng là gương mặt của Vũ Linh trên các poster quảng cáo video mới hay các băng rôn quảng cáo suất diễn mới. Kim Tử Long kể: "Thời đó, tôi chỉ là nghệ sĩ trẻ mới ra nghề, những tên tuổi như anh Vũ Linh, anh Minh Vương toả sáng rực rỡ ở bầu trời nghệ thuật cải lương. Cứ tuồng nào có anh Vũ Linh, tôi chỉ đóng vai kép thứ". Mãi đến những năm 1992, giữa Vũ Linh và trung tâm băng đĩa nhạc Kim Lợi xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt trong thoả thuận, Kim Lợi quyết định tìm cho mình một “chiến binh” thiện chiến khác. Cái tên Kim Tử Long bắt đầu được lăng xê và phủ sóng.
Kim Tử Long bùi ngùi nhớ lại cái thời vàng son của sân khấu: “Từ năm 1992 đến 1994, khán giả không có hình thức giải trí nào khác ngoài cải lương. Họ gần như phát cuồng với thể loại cải lương. Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi được quay ngoại cảnh rồi xuất xưởng với dạng băng video. Sau anh Vũ Linh, tôi trở thành cái tên được giới bầu show săn đón nhất trong giới. Mỗi tháng, tôi quay đến 7, 8 cuốn video liền. Sáng đi quay, tối đi hát. Sáng đi thu, tối đi diễn… Tôi làm việc như một cái máy. Hầu như mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của anh ngay khi mở mắt là trả lời điện thoại nhận và từ chối những lời mời quay.
Tôi với Ngọc Huyền, Thoại Mỹ... cùng nhiều anh chị khác hát suất nào, khán giả kéo đến chật rạp suất đó. Mọi người không thể tưởng tượng được là suất diễn vào buổi tối nhưng 10 giờ sáng vé đã bán sạch.
Tôi kiếm tiền như nước nhưng bận đến mức không có thời gian để xài đến tiền. Có một chuyện lạ lắm, không chỉ tôi mà anh em nghệ sĩ ngày xưa có nghĩ gì đến tiền đâu, chúng tôi chỉ biết đi hát, được hát được diễn là vui. Cũng từ băng đĩa, cái tên Kim Tử Long có cơ hội đến gần hơn với cộng đồng người Việt ở nước ngoài… Những lời mời lưu diễn thường xuyên hơn, danh tiếng được bền chặt hơn”.
Điển trai, hát hay, vũ đạo giỏi nhưng không giống nhiều nghệ sĩ cùng thời được theo nghề kiểu cha truyền con nối. Kim Tử Long lại sinh trưởng trong một gia đình không có chút truyền thống nghệ thuật nào. Ngày xưa, anh phải trốn cha đi học hát. Bởi cha anh muốn con có một nghề nghiệp ổn định, sợ cái nghề hát nay đây mai đó làm con ông cực. Mãi một thời gian dài, cha anh mới biết được và bắt đầu khảo nghiệm con trai. Nghe con hát xong, cha anh bảo: “Cái gì cũng phải đàng hoàng, con ạ. Hoặc là con bỏ hát theo học chữ nghĩa, hoặc con bỏ học chữ nghĩa để đi học hát”. Đích thân cha anh đã dẫn anh đi tìm một thầy đàn ca giỏi để dạy con trai đến nơi đến chốn.
Sau đó không lâu, nhà hát Trần Hữu Trang còn mở khóa chiêu sinh các giọng ca tiềm năng, hàng nghìn thí sinh đăng ký tham dự. Kim Tử Long dự thi với tâm trạng: “Rớt thì mình cũng đi hát, đậu mình cũng đi hát. Có gì mà lo lắng”. Không ngờ anh đậu loại ưu. Anh bắt đầu theo nghiệp ca hát ở cái tuổi 14. Anh gặp Thoại Mỹ, Ngọc Huyền cũng từ khoá học này với sự chỉ dạy tận tình của NSND Phùng Há. Những bước chập chững học nghề, ai cũng khao khát được làm nghề, được chứng minh bản thân mình, Kim Tử Lòng cũng không ngoại lệ. Vì ngoại hình sáng, lại ca diễn hay, chẳng mấy chốc tiếng lành đồn xa, nhiều bầu gánh đã đến mời anh làm kép chính trong các vở tuồng của họ. “Ngựa non háu đá”, Kim Tử Long nhận lời trong tâm thế tự hào. Có ngờ đâu, đó là nỗi đau và là nỗi nhục đầu đời cho chàng kép trẻ: “Ông bầu mời tôi hát kép chính và trả rất hậu hĩnh. Tôi cũng vui vẻ nhận lời. Thế nhưng, lúc tập tuồng, ông ấy cứ nói bóng gió thích một chiếc đèn pin. Thời đó, giá một chiếc đèn pin đắt đỏ lắm. Tôi chỉ là nghệ sĩ trẻ còn đang học nghề, làm gì có tiền để mua cho ông ấy. Tôi cũng nghĩ ông nói cho vui. Thế là tôi phớt lờ đi để tập trung tập dượt.. Vì là vai diễn đầu tiền trong cuộc đời nên tôi mời cả gia đình và họ hàng đến xem. Có ngờ đâu gần đến giờ diễn, tôi đã hoá trang xong, ông bầu bảo tôi không cần diễn nữa mà thay thế tôi bằng một nghệ sĩ trẻ khác. Tôi chưng hửng, hụt hẫng đứng sau cánh gà nhìn gia đình cứ ngóng mãi tôi ra hát. Buồn tủi lắm. Tôi nhận ra học phải đến nơi đến chốn. Học cái gì phải thật giỏi mới làm nghề được. Tôi lủi thủi trở về trường để học tiếp và không nhận lời biểu diễn nào cho đến khi mình ra trường”.
Bốn năm sau khi tốt nghiệp, được học hành bài bản, sự chỉ dạy tận tình của các cây đa cây đề trong nghề, Kim Tử Long có một hành trang vững chắc để bước vào cuộc chơi mà anh đã chọn. Tên anh nhanh chóng được nâng lên qua từng vai diễn, anh hát ngọt, điệu bộ đẹp, cái vẫy tay, cái liếc mắt... đều để lại ấn tượng ở mỗi suất diễn. Những năm 90, anh có tiền và có vai diễn hay. Đó là điều hạnh phúc vì không phải nghệ sĩ nào có được. Kim Tử Long kể: “Có khán giả ái mộ tôi từ khi tôi 18 tuổi đến bây giờ. Tôi ra hơn 100 tuồng thì bà đều có 100 cuốn băng đó. Bà nói với tôi: “Mẹ chết thì những cuốn băng đó là tài sản của con”. Đó là tình cảm của khán giả dành cho mà không phải ai cũng có”.
Từ kép thứ, anh được đặt ngang hàng về tên tuổi với ngôi sao thời đó là Vũ Linh. Không chỉ giỏi ở lĩnh vực cải lương, anh còn lấn sân sang âm nhạc với chuỗi series phim ca nhạc: "Mưa bụi" đình đám thời bấy giờ.
Kim Tử Long trải lòng: “Tôi trẻ tuổi, thành công đến sớm, cả danh vọng và tiền tài kéo về vận vào tôi cùng lượt. Ai cũng nghĩ tôi phải có một thời trai trẻ đầy sôi nổi, vậy mà hồi đó tôi hiền khô. Chỉ đi hát rồi về nhà, thi thoảng đi chơi với bạn bè một chút. Những thứ cờ bạc hay rượu chè, tôi cũng không biết là gì nên nhiều người tưởng tôi bê đê. Vì thời đó đàn ông nhất là kép thường giải trí, không cái này cũng cái khác”.
Mãi đến khi internet vào Việt Nam, giới trẻ bắt đầu được tiếp cận với những loại hình giải trí mới, rồi sự cạnh tranh không lành mạnh của các trung tâm sản xuất băng đĩa cải lương… dẫn đến việc ngành nghệ thuật này thoái trào.
Kim Tử Long ngậm ngùi: “Khi cải lương rơi vào thoái trào, không có một cánh tay, chính sách nào hỗ trợ để vực bộ môn này đứng dậy. Hàng loạt gánh hát, đoàn hát giải thể. Không còn sân khấu cho nghệ sĩ làm nghề. Với tôi, sự sụt giảm của cải lương không ảnh hưởng đến kinh tế vì vẫn sống được bằng cách hát event, tạp kỹ, đi tỉnh và chương trình truyền hình. Niềm vui của tôi chỉ là niềm vui cá nhân. Tôi trăn trở và đau lòng khi nhìn bạn diễn, các cô chú lớn tuổi không còn sân khấu diễn, phải bươn chải qua các nghề bán vé số, chạy xe ôm, nấu cơm dạo.
Đau nhất là các nhà hát biến thành vũ trường, beer club, siêu thị… Rạp Hưng Đạo vốn là nơi duy nhất cho sân khấu cải lương nhưng sau khi sửa chữa chỉ còn 300 ghế, sân khấu nhỏ, không thể dựng vở hoành tráng.
Khi nhà hát xây xong, ai cũng háo hức được biểu diễn nhưng khi chứng kiến thì chúng tôi vỡ mộng vì sân khấu như một hội trường".
Dù nói thế nhưng Kim Tử Long chưa bao giờ thôi tình yêu với cải lương, cũng như thôi hi vọng về một tương lai sáng lạng cho cải lương. Anh đã từng bán cả nhà mặt tiền để lui về ở căn nhà nhỏ của cha để có vốn làm tuồng tích mang đến cho khán giả. Anh cũng từng chạy show như cỗ máy để lấy ngắn nuôi dài. Với anh, tiền có thể ít, thậm chí không nhưng tình yêu với cải lương không ngày nào không chảy trong huyết quản anh và các anh chị em nghệ sĩ khác.
>> Mời độc giả đón xem kỳ hai: "Ông hoàng cải lương" Kim Tử Long: Hi sinh tình yêu với Ngọc Huyền vì sân khấu, quân tử trong tình yêu lẫn hôn nhân
Lam Khánh, Ảnh: Toàn Minh Vũ (Theo nld.com.vn)