Trần Xung sinh năm 1961 tại Thượng Hải trong một gia đình có truyền thống về ngành y. Xuất thân từ một gia đình gia giáo và coi trọng văn hóa, nữ diễn viên sớm có cơ hội theo học nhiều môn nghệ thuật, chẳng hạn như kịch nghệ và tập chơi nhạc cụ ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 16 tuổi, Trần Xung tham gia bộ phim "Thanh xuân" (1977). Chỉ 3 năm sau, cô thành danh nhờ tác phẩm điện ảnh "Tiểu hoa". Vai diễn thiếu nữ mắc chứng câm điếc đơn thuần, hồn hậu và mộc mạc trong tác phẩm nói trên mang về cho ngôi sao họ Trần giải Nữ diễn viên xuất sắc tại khuôn khổ giải thưởng Bách Hoa - một phiên bản của Oscar ở Trung Quốc. Thành tích ấy là dấu mốc để đời đối với một minh tinh chưa đầy 20 tuổi như Trần Xung tại thời điểm đó. Nhưng khi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, cô quyết định sang Mỹ học tiếp.
Sang nơi đất khách, nữ diễn viên phải tự lực cánh sinh vì không có một đồng trong túi. Cô phải gác lại hình tượng "ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ" đi làm nhiều công việc, kể cả làm bồi bàn và rửa bát thuê trong một nhà hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ một nữ hoàng điện ảnh nổi tiếng cho đến một công nhân bình thường trong một nhà hàng không khiến cô gục ngã, thay vào đó, nó mài giũa ý chí của nữ diễn viên theo đuổi đam mê.
Trong những ngày rửa bát vất vả, Trần Xung cũng gặp không ít khó khăn như sự kỳ thị của người dân địa phương nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ việc theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Với sự kiên trì, cô đã làm việc chăm chỉ để cải thiện kỹ năng diễn xuất và kỹ năng tiếng Anh của mình và dần dần nổi tiếng ở Hollywood.
Tôn Long và Trần Xung - bạn diễn của ông trong "Hoàng đế cuối cùng"
Trong một lần tình cờ, cô gặp gỡ Raffaella De Laurentiis - nhà sản xuất phim nổi tiếng người Ý. Nhận vai nữ chính trong bộ phim mang tầm cỡ Hollywood có tên "Tai-Pan" (1986), Trần Xung không ngại "cởi đồ" trong nhiều phân cảnh để khoe vẻ đẹp thanh xuân của cô gái 25 tuổi. Nhiều tờ báo lúc bấy giờ ca ngợi nữ diễn viên giống như nàng "Elizabeth Taylor của Trung Quốc". Tiếp đó Trần Xung thành công gây dựng chỗ đứng ở Hollywood thông qua màn trình diễn trong bộ phim "The Last Emperor" (Hoàng đế cuối cùng) năm 1987 của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Tác phẩm ấy giành chiến thắng ở 9 hạng mục tại giải Oscar lần thứ 60, đưa Trần Xung trở thành minh tinh Trung Quốc đầu tiên được vinh danh cùng bộ phim trong khuôn khổ lễ trao giải danh giá nhất Hollywood.
Trong khoảng thời gian tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, Trần Xung bị khán giả quê nhà chỉ trích vì thường xuyên đóng phim có cảnh khoe da thịt hoặc chụp những bộ ảnh nóng bỏng. Dù vậy, sao nữ vẫn không vì thế mà lùi bước, cô không ngừng nỗ lực cho đam mê nghệ thuật của mình.
Ngoài "Thanh xuân", "Tiểu hoa", "Hoàng đế cuối cùng" (The Last Emperor), công chúng còn nhớ tới tên tuổi Trần Xung qua những bộ phim như "Trời và đất", "Câu chuyện quê nhà"… Với khán giả Trung Quốc, Quan Âm Bồ Tát ở "Tây du ký" (2009) hay "cô mẫu" Nghi Tu trong "Như Ý truyện" là những vai diễn khó quên của nữ diễn viên họ Trần. Bằng lối diễn tự nhiên và vẻ đẹp dịu dàng, thánh thiện, Trần Xung đã đem đến những vai diễn ấn tượng có chiều sâu về cảm xúc.
Trần Xung và người chồng thứ 2 bác sĩ Peter Hui.
Giờ đây, tên tuổi của Trần Xung tại Trung Quốc sánh ngang với các ngôi sao kỳ cựu như Lưu Hiểu Khánh, Ô Quân Mai, Lưu Gia Linh... Cô tận hưởng cuộc sống viên mãn bên chồng và cô con gái xinh đẹp, thỉnh thoảng tham gia một vài bộ phim và viết blog nấu ăn.
Trải nghiệm của Trần Xung đã gây ra nhiều bình luận trái chiều từ cư dân mạng. Tuy nhiên, đa số đều dành lời khen ngợi tới nữ diễn viên: "Hành trình của Trần Xung cho chúng ta thấy sự cống hiến dũng cảm của cô cho ước mơ của mình"; "Cô ấy không tự mãn với vinh quang trong quá khứ của mình, cô ấy cũng không chùn bước trước những khó khăn nhất thời. Phẩm chất linh hoạt này đáng để chúng ta học hỏi"; "Thành công không đến chỉ sau một đêm, dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần kiên trì và nỗ lực hoàn thiện bản thân", "Cô ấy đã truyền cảm hứng cho chúng ta dũng cảm tiến về phía trước trên đường đời", "Một nghệ sĩ có tâm và tài năng"...
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)