Ở Việt Nam, có khá nhiều nghệ sĩ dù không nổi đình đám thành sao hạng A nhưng hễ nhắc đến thể loại vai diễn mà họ đảm nhận, khán giả nhớ ngay ra tên tuổi. “Nữ hoàng nước mắt” có diễn viên Hoài An, chuyên trị tất cả các thể loại vai mẹ là nữ nghệ sĩ Ngân Quỳnh. Và đặc biệt hơn, showbiz có hẳn “Nữ hoàng cởi” Kiều Trinh.
Có vẻ cái danh xưng ví von mà khán giả, báo chí dành cho chị nghe không mấy thuận tai, thậm chí hơi xúc phạm. Suy đến cùng, đó lại là cách mà họ ghi nhận nỗ lực diễn xuất của chị trong quá trình hoạt động nghệ thuật, dám hi sinh vì những cảnh quay tưởng chừng không ai dám để làm nên thành công cho những bộ phim mình tham gia. Danh xưng đó Kiều Trinh cũng đánh đổi nhiều mồ hôi, nước mắt và những thăng trầm trong cuộc sống, đôi lúc còn là sự đấu tranh quyết liệt trong tình mẫu tử thiêng liêng. Chính bản thân Kiều Trinh cũng nhận ra rằng: “Con đường nghệ thuật của tôi là bước ngoặt thăng trầm trong cuộc sống đời thường của tôi, tạo thành những cột mốc khắc sâu vào một đời người”.
Câu chuyện vào nghệ thuật của “Nữ hoàng cởi” bắt đầu từ năm 2002. Khi đó, Kiều Trinh ly hôn. Tâm trạng của chị vô cùng u ám và lại phải vật lộn vất vả với cuộc sống mưu sinh. Chị không còn tin vào cuộc sống nữa. Ngày ấy, niềm vui duy nhất của chị là đọc báo Tạp chí điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Tình cờ chị thấy trên báo đăng tin họp mặt fanclub ca sĩ Lâm Vũ vào ngày chủ nhật tại câu lạc bộ Biển xanh đường Ngô Gia Tự, miễn phí vé, miễn phí mọi thứ. Trong các khách mời có tên anh Lê Quang đóng vai Võ Tòng trong “Đất Phương Nam”, người mà chị rất ngưỡng mộ. Thế là chị tìm mọi cách để được đến buổi họp fan đó. Vì tâm trạng khi đó vẫn buồn bã, Kiều Trinh diện trang phục thường ngày chỉ là hai màu đen và trắng. Khi gặp thần tượng, chị lại vô tình tạo ngay ấn tượng, một cô bé diện cây đen, bản thân lại có nước da ngăm đen bánh mật nên càng khó lẫn với bất kì ai. Sau buổi họp fan về, một lần nữa, Kiều Trinh lại vô tình đọc được trên báo Tạp chí điện ảnh thông tin đăng tuyển "Diễn viên điện ảnh triển vọng". Giây phút tò mò, chị nhấc máy gọi cho thần tượng và hỏi: “Anh ơi tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng là sao?”. Nam diễn viên Lê Quang khuyến khích chị nên đến, chỉ cần ăn mặc lịch sự tự tin vì trong cuộc tuyển chọn cũng có anh nằm trong ban tổ chức. Khi gặp mặt, nam diễn viên mới nhớ chị chính là cô bé da đen, mặc bộ đồ đen.
Kiều Trinh bồi hồi nhớ lại: “Trong buổi casting ở nhà hát Hoà Bình cũng tầm 200 - 300 bạn, có thầy Sâm Hương, thầy Đào Bá Sơn, thầy Phạm Trường Nhân, anh Lê Quang, chị Hoài An… Duy nhất có mỗi mình tôi mặc áo dài vì sở thích ngày xưa của tôi là mặc áo dài. Sau khi gặp thầy Đào Bá Sơn, thầy là người đưa ra tiểu phẩm cho tôi. Thầy yêu cầu tôi đứng trên sân khấu như đang đợi người yêu, chẳng biết ma lực nào tôi tự diễn, đứng cả một giờ đồng hồ, tự tưởng tượng thôi, diễn xong thầy cho một tiểu phẩm khác: “Em đang đợi người yêu, em gặp người nào đó, em sẽ diễn sao?”, thầy chỉ dùng từ một người nào đó. Tôi cũng diễn, tự nhiên tôi đưa tay tôi sờ rồi giật mình, lúc đó tôi nói: “À, ông này say rượu, may quá”. Thầy lại bảo: “Ví dụ người đó không phải say rượu mà là một người chết thì em phải làm sao?”. Tôi diễn lại, cũng đứng chờ người yêu rồi gặp một ông nằm đưa tay, sờ thấy ông ấy chết, tôi giật mình, tôi đã hốt hoảng kêu cứu, vốn dĩ từ xưa đến giờ tôi hay có cái tật nói lớn la lớn, bởi diễn mà như thật: “Cứu, cứu tôi với”. Vừa la to xong, tôi mắc cười, cứ nhoẻn miệng cười. Thầy Đào Bá Sơn nói từ xưa giờ thầy chưa thấy ai kêu cứu mà miệng cười tươi vậy. Về nhà, tôi cũng không nghĩ gì hết. Sau một thời gian tôi được ban tổ chức thông báo là đã trúng tuyển vào lớp học cùng với khoảng hai mươi mấy bạn.
Sau này tôi mới biết, hồ sơ nhập học phải đóng tiền triệu. Thật sự lúc đó cuộc sống khó khăn, bị thất nghiệp nữa. Khi đó, buổi sáng, tôi vẫn là thợ may kimono. Chiều tối, tôi xin làm nhân viên quán bar. Vì phải làm tối nên tôi bị trùng giờ học, tôi nhớ tôi chỉ đi học được khoảng 1, 2 tháng gì thôi. Thời điểm đó tôi vẫn hay đi chơi với anh Lê Quang, hay đến hãng phim Giải Phóng chơi. Lúc đó hãng phim Giải Phóng có phim “Mùa len trâu” đang tuyển diễn viên. Tình cờ ngày đó, tôi lên uống cà phê, anh Lê Quang nói: “Ê, mày lên lầu coi đăng tuyển diễn viên “Mùa len trâu” kìa”. Nghe anh nói vậy tôi cũng đi. Thật sự trong đầu tôi mong muốn đi tuyển diễn viên là để được đi gặp anh Lý Hùng, chị Việt Trinh ngoài đời. Hết”.
Người không đặt mục đích và kì vọng, chỉ đi để gặp thần tượng như Kiều Trinh lại gặp may. Chị lọt vào mắt anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Kịch bản phim “Mùa len trâu” lại y hệt hoàn cảnh của chị ngoài đời: ly hôn, có con gái 5 tuổi, chèo ghe giỏi. Kiều Trinh bảo chị đóng phim cho biết với người ta, chứ không ham nổi tiếng vì khi đó có biết nổi tiếng để làm gì đâu: “Tôi vẫn nhớ lúc đó tôi quay lại nói với các bạn về việc mình được chọn đóng nữ chính “Mùa len trâu”. Bọn nó bảo tôi, sau này nổi tiếng sợ sẽ quên tụi nó. Tôi nghĩ: “Trời ơi đóng phim thôi mà nổi tiếng, có gì đâu, đóng phim cho biết thôi”. Thật sự là lúc đó trong lòng tôi nghĩ, đóng phim để biết là như thế nào thôi chứ chưa biết giá trị của một bộ phim nghệ thuật là bỏ ra bao nhiêu tiền, công sức của mình hay tâm lực của toàn ekip. Đến khi xong phim, tôi nói với anh đạo diễn Nguyên Minh: “Em cám ơn anh vì em đã biết làm diễn viên là gì rồi. Đây là phim đầu tiên và cũng là phim cuối cùng của em”. Vì trong thời gian quay cũng đã xảy ra vài sự cố, chính sự hồn nhiên của tôi lại khiến vài người không thích”.
Dự định cắt duyên với nghệ thuật sau phim đầu tay, vậy mà duyên cũng như nghiệp đã bắt đầu bám rễ và ăn sâu trong Kiều Trinh. Khi đóng xong “Mùa len trâu”, chị vẫn về đi may ở xí nghiệp và làm nhân viên quán bar. Chị quên hẳn điện ảnh, quên luôn chuyện diễn xuất, chỉ tập trung đi làm kiếm tiền để nuôi con. Mãi đến khi chị biết phim “Mùa len trâu” đạt giải thưởng quốc tế và Liên hoan phim Cánh diều vàng Việt Nam ở Hà Nội. Trùng hợp thay chị cũng đang ở đó. Chị nhận được lời mời đến dự liên hoan phim ở Cung văn hoá hữu nghị. Chị xúc động kể về bước ngoặt của đời mình rằng: “Tới ngày khi nhận được thư mời tôi mới quyết định đi may một bộ áo dài màu trắng, khi bước lên bục thay mặt đạo diễn là anh Minh để nhận giải Cánh diều vàng, hầu như điện thoại cháy tin nhắn và bao nhiêu cuộc gọi nhỡ. Mấy anh hỏi là: “Em đang làm trò gì trên đấy?”. Ngày hôm sau khi họ biết tôi đóng vai chính trong “Mùa len trâu”, ai nấy đều bất ngờ. Bạn bè khi xem phim cũng không nhận ra rôi vì trong phim và ngoài đời tôi như hai người trái ngược nhau. Một cô làm quán bar và một cô sắc sảo trong bộ cao bồi, đi giày da cực ngầu thì có gì ăn nhập đâu? Ngày đó cái nhà mà sếp tôi thuê cho nhân viên ở, 3 tầng lầu ngập kín hoa tươi, cảm giác cứ lâng lâng hạnh phúc lắm. Lúc đó tôi mới hiểu được giá trị người nghệ sĩ được vinh danh khi đạt được thành quả. Tôi quyết tâm theo nghề”.
Phim nối tiếp phim, duyên nối tiếp duyên, tay ngang vào nghề nhưng Kiều Trinh được giao toàn vai lớn trong các dự án điện ảnh. Đúng như chị bảo mới tập đi là đã được thúc để chạy: “Thật sự tôi may mắn, tôi được tham gia rất nhiều phim điện ảnh đoạt giải từ các đạo diễn rất tâm huyết với nghề như anh Phan Đăng Di trong “Bi ơi đừng sợ”. Bên cạnh đó tôi được tham gia bộ phim “Rừng Đen” của đạo diễn Vương Đức ở Hà Nội. Tôi cảm thấy ở mỗi thời điểm, cuộc sống tôi nó gắn với một bộ phim. Khi tôi nhận phim có nhân vật của mình là một bà mẹ có 3 đứa con rồi lao lực chết, thời điểm đó mẹ tôi chết, tôi cũng đang đau lòng... Rất là nhiều thời điểm trùng hợp. Như với “Bi ơi đừng sợ” có một sự đặc biệt riêng vì tôi rất lo lắng khi nhân vật của tôi là một cô dâu miền Bắc, phải nói tiếng Bắc. Anh Phan Đăng Di động viên tôi: “Không sao đâu, em cứ ráng cố gắng hết sức, em cứ nghĩ là em là cô dâu từ Nam ra Bắc, không cần thiết phải nói chuẩn 100%””.
Câu chuyện đang vui vì những hồi ức đẹp của Kiều Trinh bỗng trùng xuống khi nhắc đến chuyện liều lĩnh cởi bạo trong phim và những lời cay đắng từ khán giả. Kiều Trinh bảo chị biết hết, nghe hết, đọc hết chứ. Tuy nhiên, những điều người ta nói về chị không phải là điều chị lo sợ: “Điều trăn trở nhất của tôi là phải làm sao để thể hiện vai diễn đó tốt nhất chứ tôi không quan tâm lắm vấn đề sẽ bị ghét. Trong lòng tôi để được làm diễn viên, để được đến với khán giả là điều hạnh phúc nhất, cho dù họ thương hay ghét. Tôi vẫn nghe những diễn viên nước ngoài kể họ ra đường bị ném đá, tôi thấy đó là điều thành công vì họ bị ghét từ trong phim ra đời thật. Cũng như tôi, khi tôi làm bộ phim mới ở Bến Tre. Có một cô khán giả nói với tôi: “Sao cái mặt con hiền quá vậy?”. Tôi nhớ trước khi vô nhà cô, tôi phải đi qua cái chợ có cái cầu, ai trong chợ cũng nhận ra tôi, họ nói: “Bà Hai, bà Hai kìa" (tên nhân vật của tôi trong “Lời xám hối”). Một cô quay lại bảo tôi: “Tao nói rồi, gặp cổ ở ngoài mà ác vậy chắc tao tát mà sao mặt mày hiền quá vậy?”. Đó là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc khi được khán giả yêu mến và nhớ đến từ nhân vật. Thật lòng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được tổ nghề đã cho tôi được phục vụ mọi người và sống với nghề, có điều kiện kinh tế lo cho con cái chứ còn tôi không sợ bị khán giả ghét. Vấn đề quan trọng là khán giả chỉ ghét những gì phản đạo lý. Còn về vai diễn, khán giả xem sẽ hiểu”.
Nói về chuyện đón cảnh nóng trong phim, Kiều Trinh lại cho đó là cái duyên tổ nghề ban cho. Vì cứ phim nào chị cởi là phim đó đoạt giải: “Với phim đầu tiên là “Mùa len trâu", tôi phải đóng cảnh nóng nên rất lo ngại. Tối nói với anh Minh về tâm lí sợ sệt đó. Anh mới giải thích, cảnh trong “Mùa len trâu” thật sự không nhiều, nếu mọi người coi cũng chỉ cảnh tôi gặp lại chồng sau 5 năm. Lần đầu tiên tôi phải cởi áo và để bạn diễn hôn từ cổ đến gần ngực mới ngưng. Thời điểm những năm 2005, tôi chưa bao giờ dám mặc bikini, nếu có cũng chỉ mặc quần đùi áo ba lỗ khi đi bơi. Tôi chỉ suy nghĩ: “Không biết động lực nào để bản thân có thể hoàn thành tốt cảnh quay đó”. Tuy nhiên, cũng rất may mắn khi tôi gặp được anh Minh, một người đạo diễn khiến tôi có thể đặt niềm tin tuyệt đối ngay từ những ngày đầu tôi đến casting. Anh Minh trấn an tôi và đảm bảo cảnh quay đó không có ai đến gần, máy quay được đặt rất xa.
Sau cảnh nóng đó tôi vẫn còn cảm thấy rất ngại khi gặp mọi người. Đó chính là bước ngoặt đầu tiên giúp tôi có can đảm hơn trong diễn xuất. Đến bộ phim điện ảnh thứ hai “Bi ơi đừng sợ” lại gây khá nhiều tranh cãi. Sau khi ly hôn, việc tiếp xúc và làm việc trong quán bar khiến tôi có những trải nghiệm khác hoàn toàn. Môi trường xã hội lúc ấy cũng đã thay đổi rất nhiều. Có lẽ, tôi đã bắt đầu phóng khoáng hơn trong suy nghĩ. Điều quan trọng nhất đối với tôi vẫn là gia đình, bạn bè, những người thân yêu nhất hiểu được con người, nhân cách của tôi.
Cách đây 3 năm, khi gặp đạo diễn Cường Ngô, đạo diễn của “Hương ga", anh bắt tay tôi và nói: “Anh rất phục em, chỉ có những diễn viên chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế mới có thể hoàn thành tốt những cảnh nóng trong “Bi ơi đừng sợ"”. Thật lòng tôi rất hạnh phúc và cảm ơn lời khen đó. Tôi rất kĩ lưỡng trong việc lựa chọn kịch bản vì đóng những cảnh nhạy cảm. Tôi cũng mong ekip có sự chuẩn bị tốt và giữa những diễn viên cần có sự trao đổi với nhau”.
Bị gắn cái mác không mấy hay nhưng Kiều Trinh vẫn tự hào vì những gì bản thân đã làm cho nghề diễn. Từ cô gái thích mặc áo dài, chưa bao giờ dám mặc bikini khi đi bơi, vậy mà thoắt cái, cái tình yêu nghệ thuật trỗi dậy để cô có những quyết định táo bạo. Bị gọi “Nữ hoàng cởi” một cách thường xuyên, chị vẫn bình thản đón nhận. Như câu cửa miệng chị hay bảo: “Tôi vẫn thường nghĩ “chiếc áo không làm nên thầy tu" cho nên đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá nhân cách một con người”.
(Còn nữa)
Lam Khánh, Ảnh: Toàn Minh Vũ (Theo nld.com.vn)