"Trong cuộc đời tôi thương nhất là mái tóc. Tôi phải cắt tóc mới được hát"
Chào Cát Tuyền, chị xuất thân từ một gia đình có truyền thống cải lương. Tại sao chị không theo nghề của ba mẹ?
Lúc đó có ai chấp nhận giới tính thứ ba đâu. Năm 7, 8 tuổi tôi đã đóng vai Nghi Xuân. Từ nhỏ tôi để tóc búp bê, mặt như con gái nên kêu tôi đóng vai Tấn Lực tôi không chịu. Tôi ra sân khấu hát vai con trai, tôi hát không ra. Tôi tham gia đoàn cải lương Bạch Ấu cũng chỉ đóng vai nữ như: Tào Thị, Nghi Xuân... Đoàn cải lương không sắp vai được cho tôi, chỉ có đi theo đoàn lô tô, muốn làm gì cũng được. Thời đó, các đoàn lô tô phải mời người giới tính thứ ba về hát diễn, khán giả mới coi.
Ba mẹ chị lúc đó có ngăn cản chị theo nghề lô tô không?
Ba mẹ tôi không ngăn cản nhưng sợ tôi khổ khi theo nghề này mà bỏ học. Ba mẹ sợ tôi làm con gái thì sau này liệu có yêu ai được không? Ba mẹ cản vậy thôi chứ ba mẹ nào không thương con. Ba hay rầy la và bắt tôi phải cắt tóc, bắt tôi đi theo con đường của ba. Tôi trốn nhà đi để ba tôi không buồn. Tôi muốn sống theo bản năng của tôi. Tôi cũng không muốn để ba tôi buồn. Bảy năm sau tôi mới về. Ba mẹ đã chấp nhận tôi vì sợ tôi bỏ đi nữa.
Có khá nhiều bài báo viết về những nghệ sĩ ở các đoàn lô tô. Từng lăn lộn với các đoàn lô tô nhiều năm dài, khi đọc những bài viết đó, chị cảm thấy như thế nào?
Hiện tại, tôi vẫn còn nhận hát cho những đoàn lô tô. Khi xuống hát mà thấy đoàn nào nghèo, tôi không lấy tiền, tôi giúp ngược lại họ. Ngày xưa, tôi khổ lắm, tôi bán vé hội chợ lô tô năm 11 tuổi. Đến năm 18 tuổi, tôi mới được lên sân khấu hát. Lúc đó chưa có nhạc mà vẫn gõ bằng song lang: "Cờ ra con mấy, con mấy cờ ra...". Cũng chính nghề lô tô đã cho tôi biết yêu quý cuộc sống này nhiều hơn. Chúng tôi mang nghiệp gạo chợ nước sông. Đoàn lô tô cực dữ lắm. Tôi đi hát lô tô từ năm 18 tuổi đến năm 25 tuổi, tôi tự lập một đoàn lô tô cho riêng mình. Sau này, tôi tổ chức được đến ba đoàn lô tô. Tôi là người đầu tiên mời nghệ sĩ cải lương về hát mà không bán vé. Tôi cũng chính là người tìm những câu văn câu vè trong những tuồng cải lương hồ quảng để chế thành câu cờ kêu lô tô. Thời đó, mọi người gọi tôi là ngôi sao của sân khấu lô tô. Tôi hay chuyển biến tài năng của mình thành một điều gì đó cho khán giả mua vui. Từ đó cũng giúp tôi có được giọng hát khoẻ hơn, giúp tôi lên sân khấu biết cách ăn nói để mọi người yêu thương mình. Tôi không bao giờ quên nghề lô tô. Dù hôm nay tôi đã có tên tuổi, nhưng bất kì chùa chiền nào ở nước ngoài cần sự quyên góp, tôi đều đứng ra tổ chức lô tô để giúp đỡ quý chùa và cũng để ôn lại những kỉ niệm ngày xưa tôi đã trải qua.
Thời gian đó, xã hội Việt Nam vẫn chưa cởi mở, chưa thoáng. Hẳn chị phải chịu rất nhiều điều khinh miệt từ dư luận?
Trong cuộc đời tôi thương nhất là mái tóc. Thời gian đó, có nhiều người bạn đi hát lô tô ăn mặc hở hang nên bị sở văn hoá cấm không cho mặc đồ con gái, cũng không cho để tóc dài. Tôi phải cắt tóc mới được hát. Ví dụ như khi về Vĩnh Long hát. Nếu hát trong xã thì đỡ, còn hát ngay trung tâm là phải cắt tóc, mặc đồ con trai. Đó là một điều rất khó khăn với tôi. Tôi đã làm con gái từ nhỏ, giờ làm con trai sao mà diễn.
Phản ứng của công chúng ở thời điểm đó khi xem người chuyển giới diễn ở các đoàn lô tô như thế nào?
Mọi người thương chúng tôi lắm. Cũng tuỳ người thôi. Giới tính thứ ba cũng có người tốt người xấu. Có người may mắn sở hữu tài năng nên được mọi người yêu thương. Tôi thuộc tuýp may mắn. Ông trời sinh ra cướp của tôi cái này nhưng lại cho tôi tài năng. Tôi đi đến đâu cũng nhờ giọng hát mà khán giả yêu thương. Ngày xưa, tôi hát một điểm phải nằm lại ba bốn chục ngày mới dọn đi nơi khác. Khán giả đêm nào cũng đến coi.
Đời sống của chị em trong đoàn lô tô lúc đó có nhiều khó khăn không?
Đến giờ tôi vẫn nhớ, những đoàn lô tô thời đó không được hoành tráng như bây giờ. Nó chỉ là những tấm bạt che. Tôi ngủ ở dưới sân khấu không có miếng ván để lót. Đi nhiều bến có cát và ổ kiến lửa, chúng tôi bị cắn sưng mình mẩy hết. Chúng tôi vẫn phải sống như vậy. Những hình ảnh đó không bao giờ quên trong tôi. Tôi mong khán giả ủng hộ cho những đoàn lô tô để mình giữ được trò chơi truyền thống dân gian. Sau này, con cháu của chúng ta vẫn giữ được truyền thống đó.
Tôi may mắn là khi tôi hát đoàn lô tô, tôi đã mời những nghệ sĩ cải lương về hát nhưng không bán vé vì cải lương lúc đó không ai xem. Tôi mời cô Lệ Thuỷ về hát. Anh trưởng đoàn không chấp nhận vì anh nói không có tiền mời. Tôi thuyết phục anh rằng, khán giả ủng hộ cho lô tô lắm, mình cứ hát đi, dư chút đỉnh cũng được. Anh vẫn không chịu. Tôi tự cắt bộ vòng ximen 7 chỉ của mình bán đi để tự tổ chức. Tôi đã thành công vì không những có nghệ sĩ, khán giả ủng hộ lô tô một đêm 10 triệu, còn có nghệ sĩ khá giả ủng hộ 20 triệu. Tôi lấy 10 triệu dư ra để trả thù lao cho anh em nghệ sĩ, cải thiện được cuộc sống cho họ. Cũng nhờ vậy mà đoàn lô tô của tôi phát triển hơn.
Hiện tại, khi chị đến những đoàn lô tô chị cảm thấy đời sống của họ có cơ cực hơn so với ngày xưa không?
Nghề này gạo chợ nước sông, cực lắm. Ai có cái nghiệp này mới đi chứ không ai làm giàu nổi với nghề này đâu. Ai làm nghề này cũng đều đã hết bám trụ rồi. Sân khấu bây giờ hoành tráng hơn ngày xưa, gian hàng đẹp hơn ngày xưa nhưng khán giả không còn chơi nữa. Khán giả ngày xưa không có gì chơi nên họ khao khát và tìm đến lô tô. Còn ngày nay, gameshow, truyền hình... mọi thứ hoành tráng quá rồi, còn có ai tìm đến những đoàn hội chợ lô tô lẹp xẹp để chơi nữa. Chỉ có những người yêu nghề lắm mới bám được nghề này.
"Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong được làm vợ anh Chinh Nhân"
Chị có nói vì yêu nên mới chấp nhận chuyển giới. Đó là tình yêu như thế nào?
Lúc đó, tôi chưa giải phẫu chuyển đổi giới tính, đi đâu tôi cũng mặc quần áo con gái. Tôi yêu một chàng trai và anh ấy cũng yêu tôi qua lời ca tiếng hát. Anh ấy đi theo tán tỉnh tôi một thời gian. Tôi nói với anh là tôi bóng. Khi đó, anh vẫn không tin nhưng khi phát hiện tôi chưa phẫu thuật chuyển đổi giới tính, anh đã ôm tôi mà khóc. Anh nói với tôi, bây giờ thời đại tân tiến lắm có thể chuyển đổi làm con gái được đó. Năm yêu anh, tôi 22 tuổi. Chúng tôi gắn bó suốt 7 năm dài. Hai đứa bên nhau và mải mê làm kiếm tiền để sang Thái Lan phẫu thuật. Thời điểm đó, tôi lo làm ăn và cũng nghĩ hạnh phúc vậy cũng đủ rồi nên ước mơ phẫu thuật cũng nguội dần. Thế nhưng, gia đình anh bất ngờ bắt anh về cưới vợ vì anh là con trai út. Tôi đau lòng đến mức định kết liễu cuộc đời. Ba mẹ tôi khóc lóc và khuyên bảo. Tôi tự thấy bản thân chưa tròn chữ hiếu sao có thể hành động như vậy. Tôi hứa không tự vẫn nữa. Tôi tự mình sang Thái Lan với 20 cây vàng quyết tâm làm con gái thật sự. Tôi không biết tiếng Thái hay tiếng Anh nên nhờ một người thông dịch theo. Tôi đi theo địa chỉ một người bạn ở nước ngoài đã phẫu thuật đưa cho tôi. Khi tôi về, anh người yêu của tôi đã bỏ vợ quay lại với tôi nhưng tình cảm đã nguội lạnh rồi. Sau đó, tôi gặp Chinh Nhân. Anh đã cho tôi biết tình yêu là gì.
Tại sao yêu nhau như thế, chị lại không về Việt Nam lúc anh Chinh Nhân còn sống?
Tôi là người chủ động rời xa anh mà. Hơn nữa, mỗi lần gọi điện anh đều nói với sự giận dỗi: "Tôi mà gặp bà là tui giết bà, bà nỡ bỏ tôi". Tôi hơi sợ. Tôi phải đổi số điện thoại liên tục. Anh có gọi tôi cũng tránh mặt. Tôi cũng muốn mọi thứ trôi qua trong êm đẹp để gia đình anh được vui. Tôi nghĩ như vậy nên bản thân thà hi sinh để anh được hạnh phúc.
Khi anh Chinh Nhân mất chị có kịp quay về không?
Trước đó, tôi nghĩ bản thân sẽ sống luôn với chồng ở bên đó. Sau khi chia tay với chồng, tôi cũng có công việc, cũng không có ý định về. Nghe anh Chinh Nhân bệnh nhiều, tôi đã lập tức mua vé máy bay để quay về. Tôi thăm và nhìn anh được lần cuối cùng. Tôi vừa thăm xong, đi ra khỏi bệnh viện đi hát thì anh mất.
Tôi nhớ mãi ngày cuối cùng vào gặp anh. Anh gỡ ống thở ra, anh nắm tay tôi và gọi: "Bà xã!". Câu đầu tiên anh hỏi tôi là: "Bà xã còn thương anh không?". Tôi trả lời còn thương anh nhiều. Tôi bảo, anh phải cố gắng sống, cố gắng chữa cho hết bệnh, cỡ nào tôi cũng lo cho anh. Nếu anh hết bệnh, tôi và anh sẽ đi Mỹ, chúng tôi sẽ làm lại từ đầu. Anh gật đầu hứa với tôi và bật khóc. Anh nói rất nhiều, nói tất cả những gì giấu trong lòng trong suốt 10 năm qua trong suốt 1 tiếng đồng hồ.
Cơ duyên nào giúp chị gặp và yêu anh Chinh Nhân?
Tôi lập khá nhiều đoàn lô tô để sống. Anh Kim Tử Long là người gửi anh Chinh Nhân xuống hát cho đoàn tôi. Anh Chinh Nhân thấy tôi giỏi giang, có năng khiếu, sống gần nhau, hai đứa nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Trước khi quen tôi, anh Nhân đã có con với vợ trước là nghệ sĩ Bảo Ngọc. Tôi thấy anh Chinh Nhân một mình nuôi con nên thương, mong lấy nhau để san sẻ cuộc sống. Hơn nữa, mình không sinh được, con chồng cũng như con mình.
Tôi và anh Nhân quen nhau 6 năm, trải qua biết bao sóng gió. Đám cưới là năm thứ 7. Chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió rồi. Có một người chị nói với tôi rằng chúng tôi vượt nhiều gian khổ để đến với nhau thì sao không đám cưới đi để không ai cấm cản nữa. Anh Chinh Nhân là người chủ động quyết định đám cưới. Anh nói với tôi: "Em ơi, tụi mình đám cưới đi. Mình đám cưới rồi, không ai còn nói tụi mình được nữa. Nhiều người nói anh vậy mà lại yêu người chuyển giới. Bạn bè cứ khắt khe với anh hoài. Tụi mình đám cưới để mọi người biết rằng mình không phải là người bệnh hoạn. Anh là con trai, em là con gái. Anh chưa bao giờ thấy em là người chuyển giới. Em còn con gái hơn những người con gái anh đã từng gặp". Vậy là chúng tôi tổ chức hôn lễ. Có lẽ vì yêu nhau quá nên tất cả những gì diễn ra dù không may mắn, chúng tôi đều không quan trọng nữa.
Ngày hôn lễ của chúng tôi có ba Đức Lợi, nhà nội đầy đủ nhưng nhà ngoại không có ai. Vì mẹ anh Chinh Nhân không chấp nhận đám cưới.
Năm đó là năm đầu tiên tổ chức đám cưới nên áp lực rất nhiều. Tôi còn nhớ trước giờ đãi khách, công an đã đến. Có lẽ, tôi là người đầu tiên làm điều này nên rất áp lực. Bây giờ đã cởi mở hơn xưa. Mọi người cũng đã công nhận giới tính này.
Cũng vì sự khắt khe định kiến của xã hội thời đó cộng với anh Chinh Nhân là con của một đôi nghệ sĩ tài danh nổi tiếng Bạch Mai và Đức Lợi nên áp lực gia đình đối với anh rất nhiều. Một bên là gia đình, một bên là vợ đã khiến anh Chinh Nhân và tôi rất khó xử. Áp lực quá nhiều khiến tôi quyết định bỏ sang nước ngoài.
Đĩa đám cưới của tôi được Trung tâm Mưa Hồng bên Mỹ mua 10.000 USD. Chị chủ của trung tâm gọi hỏi tôi có quay băng kỉ niệm đám cưới không và xin tôi bán lại cho chị ấy. Tôi nói, đám cưới sao mà bán. Tôi nói chị ấy phát hành hộ tôi, tôi cảm ơn chứ không bán. Sau đó, băng đám cưới của tôi và anh Chinh Nhân bán chạy quá, chị đã gửi tặng tôi 10.000 USD.
Yêu nhau nhiều như thế, tại sao chị lại quyết định rời xa anh Chinh Nhân?
Anh Chinh Nhân không có lỗi gì cả. Tự tôi ra đi để gia đình anh được vui. Gia đình anh luôn muốn anh đi hát nối nghiệp truyền thống cải lương, muốn anh có vợ có con, không phải bám víu theo tôi. Vì ở với tôi, anh phải đi theo lo đoàn lô tô cho tôi. Và hơn nữa, tôi cũng không thể cho anh một đứa con. Tôi giải phẫu nhiều, sống cũng không thọ. Mọi người lo sợ nên gây áp lực hoài.
Đáng lí tôi không đi Mỹ đâu, mẹ anh Chinh Nhân lo cho anh ấy đi Mỹ để cắt đứt tình cảm với tôi. Vì thương chồng, tôi đã tìm cách đi Mỹ để tìm anh. Cuối cùng, cả hai hàn gắn lại. Mẹ anh lại dắt anh về Việt Nam, giữ passport không cho anh về Mỹ. Chúng tôi chia tay từ đó.
Ngày chị nhận được tin anh Chinh Nhân qua đời, cảm giác lúc đó của chị thế nào?
Tôi chết đứng. Tôi không khóc được. Người đàn bà không khóc được là uất nghẹn bên trong. Tôi mất ngủ ba tháng trời. Sở dĩ tôi lấy ngày liveshow 7/4 sắp tới là ngày kỉ niệm ngày cưới của vợ chồng tôi 10 năm. Điều này chỉ có tôi biết. Tôi có nói với mẹ Bạch Mai là, trước ngày diễn ra liveshow, tôi sẽ ra thăm mộ anh, cầu nguyện anh cho tôi động lực để tổ chức liveshow này. Vì từ khi anh mất, tôi chưa một lần bước chân ra chùa nghệ sĩ, tôi sợ đối diện với sự thật.
Chị có hối tiếc khoảng thời gian xa nhau của cả hai?
Tôi chỉ hối tiếc duy nhất là trong khoảng thời gian chúng tôi xa nhau, tôi đã không gọi điện về liên tục để khuyên anh đi theo nghề ca hát. Anh có tài lắm. Anh chỉ nghe lời mẹ anh và tôi. Tôi yêu cái tài của anh. Mỗi khi anh xảy ra lầm lỗi với tôi, tôi sẽ nhớ những vai đẹp trên sân khấu của anh rồi mà tha thứ. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong được làm vợ anh Chinh Nhân.
Sau khi anh Chinh Nhân qua đời, mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng là nghệ sĩ Bạch Mai như thế nào?
Bây giờ mẹ chồng tôi thương tôi lắm. Khi chia tay, anh Nhân buồn lắm. Anh không muốn theo nghề nữa. Tôi không dám đỗ lỗi cho ai hay đổ thừa vào điều gì, chỉ biết là đã hết duyên. Mẹ ngày xưa cũng thương tôi nhưng mẹ chịu nhiều áp lực. Đi đến đâu gặp khán giả hay người quen đều phải nghe những câu đại loại như: "Tưởng gì, Chinh Nhân cưới nhỏ chuyển giới"... Vì vậy, mẹ không vui dẫn đến áp lực với anh Nhân và không vui với hạnh phúc của tôi. Giờ đây, anh Nhân mất rồi, mẹ lại rất thương tôi. Vì mẹ hiểu, tôi rất yêu anh Nhân. Tôi là người tổ chức liveshow cho anh Nhân để anh trở lại với ca hát. Cũng chính nhờ Chinh Nhân mà tôi mới tổ chức liveshow lại cho riêng mình. Suốt cuộc đời này, tôi không bao giờ quên được anh Chinh Nhân.
Cuộc hôn nhân thứ hai của chị như thế nào?
Tôi kết hôn với người chồng sau. Anh ấy sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Sau khi kết hôn lần hai năm 2009, tôi đã nghỉ hát 3 năm vì chồng tôi chỉ muốn tôi theo kinh doanh và chăm sóc cho mình. Năm 2013, tôi quyết định chia tay với người chồng thứ hai và trở lại với nghệ thuật. Khi trở lại, khán giả ngỡ ngàng vì tôi đã gần 40 tuổi. Tôi không biết khán giả còn đón nhận không, nhưng làm được gì cho nghệ thuật, tôi sẽ làm.
Cảm ơn Cát Tuyền vì những chia sẻ này!
Lam Khánh (Theo nld.com.vn)