Các “anh hùng” bàn phím đều có kết cục đau thương
Rất nhiều người nghiện facebook, còn Chí Trung thì sao?
Có chứ. Nếu không có công việc nào cụ thể và suốt ngày đắm đuối chìm theo quan hệ ảo, những quyền lực ảo thì sẽ bị nghiện facebook. Có thời gian tôi cũng bị nghiện, dùng từ mạnh hơn còn gọi là cuồng. Tuy nhiên, đó là những lúc rảnh rỗi thôi. Tôi cảm giác facebook là nơi có quyền lực rất lớn khi mình được quyền quan hệ, được quyền kết bạn, được quyền block, được quyền bày tỏ cảm xúc của mình
Nhưng gần đây, tôi thấy bản thân và những người xung quanh đã làm chủ được mình và đỡ nghiện rồi. Một ngày tôi dành khoảng 1-2 tiếng vào facebook để kiểm tra xem bạn bè của mình ở đâu. Ngày xưa là ảo nhưng bây giờ là thân rồi. Thậm chí chúng tôi tổ chức offline ngoài đời rất nhiều.
Anh có bao giờ gặp rắc rối với facebook không?
Có chứ! Rất nhiều là khác. Facebook là nơi ai cũng đều xác lập được quyền lực ảo của mình nên dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi cũng bằng vai phải lứa hết. Có người thì rất lịch sự, văn hóa nhưng có những phần tử văng tục. Nhất là trong bóng đá thì thật kinh khủng, lăng mạ nhau ghê gớm, mối thâm thù giữa các fan, CLB rất rắc rối.
Hoặc một vấn đề đưa lên không nhận được sự ủng hộ của thế giới mạng. Ví dụ như hôm bác Văn Hiệp mất vô tình tôi đăng bức ảnh mấy anh em đi ăn với nhau. Thế là mọi người xúm vào nói tôi vô cảm. Tôi cũng rất tế nhị và gỡ hình ảnh xuống, vì mình là người của công chúng, mọi hành động của mình đều trở nên nhạy cảm. Sau lần ấy tôi cũng rút kinh nghiệm và thấy buồn.
NSƯT Chí Trung có góc nhìn… chia sẻ với Ngọc Trinh
Giờ đây, trên thế giới ảo xuất hiện ngày càng nhiều những “anh hùng bàn phím”. Anh nhận xét gì về đối tượng này?
Những “anh hùng bàn phím” hay còn gọi là “trẻ trâu” thì đều nhận được kết cục đau thương cả. Tôi thấy đó như là hình ảnh con thiêu thân, lao vun vút đâm thẳng vào chiếc đèn dầu và chết sặc sụa. Hay ho gì khi văng ra một câu nói bậy viết tắt hoặc đưa ra một ý tưởng vô văn hóa. Cộng đồng mạng khi gặp những “anh hùng bàn phím” này sẽ block ngay tức khắc.
Cho dù là thế giới ảo thì mình hãy là chính mình để tôn trọng đối tác. Tại sao không trở thành bạn bè của nhau mà lại “ném đá hội nghị”, ném đá mọi người để bạn nhận được kết quả đau thương vĩnh viễn?
Tôi cũng đồng ý và tiếp thu với những ý kiến trái chiều mang tính xây dựng nhưng khác với những câu nói bậy, vô văn hóa.
Hành động vô văn hóa có ai cổ xúy đâu? Ở ngoài đường, một người nhổ nước bọt còn bị bao nhiêu người lườm, người nói bậy, chửi láo cũng bị người ta khinh, thế nên nói bậy trên facebook thì hàng nghìn người coi thường.
Ngọc Trinh kín bưng thì còn gì là người mẫu nội y nữa
Anh nghĩ sao về các trào lưu khoe thân để nổi tiếng trên mạng xã hội hiện nay?
Theo tôi thấy có mấy vấn đề phải bàn, vì không đơn giản như cách nhiều người vẫn nhìn.
Đầu tiên là sự tiếp sức rất nhiều của báo chí. Có rất nhiều nhà báo tốt, nhà báo có lương tâm, nhưng cũng có người rỗi hơi. Chính họ mượn những hình ảnh khoe thân phản cảm ấy để làm chủ đề cho tin bài của mình thay vì xây dựng thẩm mỹ trong công chúng.
Dư luận nói rất nhiều về các trường hợp như: Bà Tưng, Ngọc Trinh, Phương Trinh, Hồng Quế… Họ cũng đã bị lên án và cũng đã bị phạt rồi. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta đừng đánh đồng tất cả các trường hợp khoe thân với nhau, phải phân biệt rõ ra.
Trường hợp khoe thân nổi tiếng trên mạng đột ngột không ai biết đến như bà Tưng - Huyền Anh thì đó là ứng xử xã hội, còn khoe thân theo đặc thù nghề nghiệp của Ngọc Trinh, thì lại khác.
"Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh nổi tiếng trong làng giải trí.
Ngọc Trinh là người mẫu, nghề của cô ấy là cởi và cởi, sao lại trách cô ấy cởi? Ngọc Trinh mặc kín bưng thì còn gì là người mẫu nội y nữa.
Vậy còn những phát ngôn nổ, sốc của giới showbiz?
Tôi nhìn thấy 60-70% là do truyền thông. Ví dụ, trong một bài phỏng vấn cách đây hơn một năm tôi nói rằng: “Kể cả tôi đi diễn ở nhà hàng, quán bar được 20 triệu một tối nhưng nhiều khi tôi cũng không thích bằng diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ với diễn viên của tôi chỉ có 200.000 đồng một tối”. Ở đây là tôi nói ẩn dụ, so sánh nhưng bạn phóng viên lại giật tít là: Chí Trung tiết lộ cát sê khủng.
Sau cái tít ấy mọi chuyện phiền hà vô cùng, bao nhiêu người chửi bới nói rằng tôi khoe mẽ này nọ. Tôi thấy thật khó chịu và sau đó tôi không làm việc với phóng viên và tờ báo đó nữa.
Trong vai một khán giả, anh nhìn nhận showbiz Việt Nam thế nào?
Giới showbiz của nước nào cũng phức tạp. Đã là người của công chúng thì đều nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ hay sự khinh bỉ của công chúng. Có hào quang thì đều có cả đèn tắt…
Tôi nghĩ sự ồn ào này là do mong đợi của công chúng, do chính báo chí quan tâm. Showbiz cũng là miếng mồi ngon của báo chí.
Anh có lời khuyên gì với khán giả trước thông tin hiện nay?
Tôi biết những cô gái hư, những chàng trai ngoan, những ngôi sao đều là những sản phẩm của truyền thông cả, nên tôi không mấy quan tâm. Tôi nghĩ sản phẩm của truyền thông cũng là sản phẩm hàng hóa, nên mọi người hãy là những người tiêu dùng thông minh để chọn lựa những thông tin tốt, giúp ích cho mình.
Cảm ơn anh Chí Trung!
Theo Lý Phạm (Giao thông vận tải)