Chào NSND Lê Khanh, tại sao chị quyết định đảm nhận vị trí trưởng ban giám khảo trong một cuộc thi Hoa hậu dù từng được nhiều người biết đến với vai trò diễn viên? Chị có định tham gia training cho các thí sinh năm nay?
Tôi đã tham gia rất nhiều vai trò giám khảo Hoa hậu Việt Nam và quốc tế. Sau này bận quá nên rút lui dần ở sân chơi này, cho đến bây giờ mới quay trở lại. Sự quay trở lại này cũng là thông điệp vì giá trị du lịch Việt Nam. Còn về việc training, hiện tại chương trình đã có 1 ekip đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp. Còn nếu cần, tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ.
Được làm việc với nhiều bạn trẻ, NS Lê Khanh có cảm thấy bản thân như "lão hóa ngược" và tươi mới hơn không?
Thú vị lắm. Khi tiếp cận với tuổi trẻ, tôi như tiếp được nguồn năng lượng rất trẻ trung của các bạn. Thứ hai là mình không bị lạc hậu. Thứ ba là thế hệ của mình không nên để đứt quãng sự kết nối. Ngay như trong gia đình của mình, mình cũng bị đứt quãng sự kết nối với con đẻ của mình. Điều này rất thiệt thòi.
Còn với khái niệm này, Việt Nam mình và các nước châu Á phần nào quan niệm về tuổi khác châu Âu. Ở mình thì hay nói: Thôi, tuổi này rồi! Có nghĩa là mình bằng lòng, mình chấp nhận mình lớn tuổi rồi, mình hết giá trị rồi và sống một cách âm thầm, đứng tuổi cũng không phải. Càng đi ra ngoài thế giới, các bạn sẽ cảm thấy tuổi nào cũng là tuổi bắt đầu. Cho nên tôi hay nói kể cả với con trong nhà, con tôi hỏi: “Mẹ đã thấy mệt chưa”, khi mà mẹ bước chân ra khỏi nhà đi lên máy bay.
Các con thấy mật độ bay trên trời của tôi quá nhiều nên nó lo và lâu lắm rồi, lần đầu tiên các con nói một câu như thế làm tôi rất xúc động khi bắt đầu lo cho sức khỏe của mẹ. Tôi trả lời thực ra thể trạng ở tuổi mẹ đâu có khỏe đúng nghĩa. Nhưng khỏe của mẹ là khỏe một cách đột biến, đó là tinh thần, đầu tiên là của người mẹ, hai là của cuộc đời nghệ sĩ, 2 thứ cộng lại kết hợp với nhau làm cho năng lượng tinh thần của mẹ trở nên phi thường so với thực trạng một người mẹ - người nghệ sĩ hiện nay đang có.
Trong cuộc sống, năng lượng tinh thần quyết định rất nhiều. Cho nên câu slogan của tôi nhiều năm qua rất đúng và thiết thực với tôi. Hy vọng các bạn thấy nó cũng đúng với mình, giống như chìa khóa đấy: Thi vị hóa cuộc sống, tận hưởng sự sống ta đang có. Tuổi nào mình cũng phải tận hưởng, còn 1 ngày mình cũng tận hưởng 1 cách tích cực nhất.
Sau vài chục năm làm nghề, có phải chuyện thời thế, sự nổi tiếng, hào quang rực rỡ đã không còn quan trọng với chị?
Hoàn toàn không. Tôi cũng không bao giờ nghĩ năm nay mình bao nhiêu tuổi. Mọi người cũng hay quan tâm năm tuổi, mọi người sợ lắm. Còn mình không bao giờ. Mình nghĩ trong đầu cái quan tâm nhất là đạt được những giá trị khi mình còn đi được, mình còn nhiều khám phá. Các bạn trẻ bây giờ tin tưởng giao phó cho những vai nó đầy mạo hiểm với các nhà sản xuất, rất có thể Lê Khanh thất bại.
Một bài toán rất thực tế ngày hôm nay là cái gì cũng quy ra tiền. Nếu như một diễn viên làm không tốt sự tin tưởng, nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Nhưng rất mừng vì tôi tận hưởng, cho nên tôi không sợ. Và trong nghệ thuật hay trong cuộc sống cũng vậy, lúc nào cũng an toàn, nhạt nhẽo thì không hấp dẫn.
Ở độ tuổi này nhưng lịch trình của chị vẫn rất dày đặc, gia đình vẫn ủng hộ chị làm nghề?
Gia đình quen rồi, quá quen rồi, thậm chí rất biết, rất hiểu mục đích sự sống của tôi là gì. Cả đời mình chỉ làm về nghệ thuật, nghệ thuật muôn màu muôn vẻ. Xuất hiện ở sân chơi này không có nghĩa là không nghệ thuật. Tôi thích lắm, tôi cảm thấy trên đời này tôi sợ nhất là mình bị văng ra khỏi vòng quay của cuộc sống, bị quên đi, bị vô dụng xong trở thành một bà già lẩm cẩm, ngồi một chỗ săm soi, không kết nối. Tôi sợ lắm. Tôi không có nhu cầu về một thứ gì đó quá lớn, tôi rất giản dị thôi. Lúc nào mình cũng đem lại một giá trị nho nhỏ, nhỏ nhất đó là tinh thần, đến đâu cũng làm cho nơi ấy nó năng lượng.
Dù lịch trình dày đặc, nữ nghệ sĩ vẫn luôn được gia đình hậu thuẫn và ủng hộ
Là một người yêu vẻ đẹp tự nhiên, NSND Lê Khanh có thường trang điểm khi ra ngoài?
Thật ra tôi là một người không để ý đến bản thân. Mình cứ nghĩ cả đời mình làm nghệ thuật thì cả đời mình son phấn, song lại có ánh sáng, hào quang và trang phục. Tức là mình có một cuộc đời thứ 2 ngoài cuộc đời thật, đó là các nhân vật. Mình chỉ dành 50% cho nó thôi, còn 50% là chính mình, là của gia đình. Giống như tất cả mọi người, tôi rất sợ tôi có một khoảng cách nào đấy. Tôi cũng nghĩ thế nên không coi trọng make up bao giờ. Rất nhiều năm tuổi trẻ, khác với các bạn bây giờ. Bây giờ các bạn chăm chút vẻ đẹp của mình từ khi còn rất trẻ, thậm chí là lo lắng quá sớm cho nên phá vỡ vẻ đẹp tự nhiên. Vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn vô cùng. Cái gì cũng thế, cha mẹ, tổ tiên, ông bà sinh ra đều có sự cân đối riêng, như mắt một mí duyên lắm, mũi tẹt một tẹo rất nhớ. Thay vì chúng ta có một vẻ đẹp “đồng phục” giống nhau.
Nhưng thế hệ của chúng tôi rất giản dị, đúng từ bây giờ là PR cho mình. Tôi không biết làm gì để PR cho bản thân trừ khi đến một ngày, tôi nhớ là ở Phú Quốc. Nghệ sĩ mà, trong nghệ sĩ cũng có một tí tố chất gọi là hơi giang hồ, hơi bụi đời nữa, yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, không giữ gìn. Cho nên một ngày da sạm như bao công, giống như giọt nước tràn ly đến từ một nơi đầy nắng, đầy gió. Mấy chục năm tuổi trẻ không mũ, không nón, không kem, không gì hết. Cộng với mấy chục năm thời bao cấp nữa, làm sao son phấn tốt như bây giờ, toàn đồ quá đát thậm chí bố mẹ để lại, chất lượng rất kém.
Cả 2 thứ tác động vào làm hỏng da, sạm hết mặt khiến tôi giật mình. Lúc nãy tôi nói, làm cho mình tỉnh ra. Tuy nhiên, mình đắp lên vai mình cuộc đời không liên quan đến sự màu mè, càng dung dị càng đỡ mệt. Nhưng khán giả góp ý, nghệ sĩ hay có câu: Đời mình không phải chỉ của riêng mình nữa, họ yêu mình, họ không muốn cho mình hình ảnh không đẹp. Nếu không đẹp, có lẽ là hơi thiếu tôn trọng. Khán giả làm cho tôi tỉnh ngộ, phải biết tôn trọng khán giả vì nghệ sĩ phải biết giữ gìn hình ảnh, đấy là tôi không biết sự vô tình của mình. Đúng thật, có giữ thì có hơn. Mình biết chăm chút cho bản thân, nó sẽ khác.
Cho nên tôi nghĩ đến việc hôm nay các bạn hỏi là Hoa hậu có được thẩm mỹ không, giai đoạn nào mình cũng phải linh hoạt, cân đối với điều kiện thực tế của giai đoạn đó. Ngày xưa làm gì có công nghệ làm đẹp nên phải đẹp tự nhiên đấy. Ngay cả cái tự nhiên thì cũng phải có một chừng mực không tự nhiên đấy là make up. Bạn nhuộm tóc cũng là make up, bạn kẻ lông mày, làm lại răng cũng là make up. Tôi nghĩ đó là tỷ lệ phải dung hòa, đừng đánh mất mình. Cha mẹ sinh ra mà thành sang hẳn người khác sinh ra thì phí, nó mất đi giá trị của cái đẹp. Còn làm được đẹp, chăm sóc đẹp, người ta tự tin và cống hiến được nhiều hơn thì có lợi thôi.
Cô từng chủ quan đến việc chăm sóc nhan sắc cho đến khi gặp một sự kiện "nhớ đời"
Chị luôn xuất hiện trong hình ảnh tích cực, vui vẻ. Vậy bản thân NS Lê Khanh giữ năng lượng tích cực của mình như thế nào?
Đối diện thực tại, những vấn đề mình đang có. Với sự trải nghiệm, tuổi đời, tuổi nghề, mỗi một bước chân tôi đi đến đâu thì tự khắc cuộc sống cho mình những bài học, những nhà triết gia. Không gì bằng năng lượng tích cực. Hôm nay mình khỏe, mai mình yếu. Hôm nay mình vẫn được tin tưởng, có việc làm nhưng ngày mai mình không có việc làm. Nên nhớ rằng bất kì thứ gì xảy đến với mình, hãy bình tĩnh đón nhận. Tìm ra những cái tốt hơn ngày hôm qua.
Tôi tin là chỉ có tinh thần, là chìa khóa duy nhất, là liều thuốc thần kỳ không tốn tiền chữa lành tất cả. Kể cả là phút thứ 89 mà mọi người rất sợ, mọi người quen gần đây là sinh lão bệnh tử. Trời ơi, với tôi, chữ “tử” này không sợ nhé. Chỗ này chỉ là chiếu nghỉ thôi. Tin tôi đi, rất háo hức, tôi khám phá trên 9 tầng mây kia, sau 7 sắc cầu vồng là gì. Tôi tin là như thế. Nó không đáng sợ đâu. Bất kể lúc nào nó có thể dừng, nhưng nó mở ra một chân trời khác, cõi khác.
Ông ngoại của tôi là nhà thơ Lê Đại Thanh, ông được đặt tên đường ở thành phố Hải Phòng, ông có câu thơ hay lắm. Bài này là bài di chúc: “Khi tôi chết xin những người thân đừng nhỏ lệ. Hãy đọc với tôi một đoạn ngắn thơ tôi. Chết là trở về với tinh thể sao trời. Trả trái đất những gì vay mượn trước. Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược. Tôi xuống ga đời trả lại vé cho quê hương”. Chỗ này là một đoạn thôi. Đấy, tinh thần của tôi là thế. Như vậy, mình gặp cái gì đến mình cũng bình tĩnh, chủ động đón nhận.
Nhiều người hỏi tôi sao tuổi này còn đi làm làm gì. Thương quá, hôm qua có một người đón tôi ở khách sạn lúc 1h30 sáng. Anh taxi hỏi: “Cô ơi, con yêu cô lắm, con xem phim cô. Sao cô vất vả thế. Giờ này cô vẫn còn đi?”. Con ơi cô đang sướng! Mấy chục năm qua, lúc cô đi làm bằng xe đạp, xe máy, lúc cô phải tự lái xe hơi, giờ cô đi máy bay. Sướng thế còn gì nữa!
Bước lên khách sạn, gặp mấy bạn thức khuya hỏi tôi bị delay, tôi bảo tôi làm việc Hà Nội nên phải đi giờ này mới kịp, nhiều bạn hỏi: “Sao cô khổ thế? Sao cô vất vả thế”, tôi bảo không, tôi đang rất hạnh phúc vì tuổi này tôi vẫn được tin tưởng, tôi vẫn làm việc, tôi chưa ăn bám vào ai, tôi vẫn làm ra giá trị vật chất và tinh thần nên tui vui lắm”.
Đến chữ "tử" cũng không sợ, vậy có điều gì mà NS Lê Khanh cảm thấy sợ nhất trong cuộc sống không?
Sợ nhất là vô duyên. Vô duyên thì không ai mời làm việc. Sợ nhất là bị ốm, ốm thì không làm được việc. Sợ nhất là một ngày chân tôi không bước được, tôi lại nhờ các con tôi đẩy xe lăn để tôi tiếp tục đi. Sợ nhất là một ngày mắt mình lòa đi, tôi không nhìn thấy mọi vẻ đẹp xung quanh, nhìn thấy nụ cười của mọi người. Cái gì cũng sợ, nhưng nếu nó đến, không có vấn đề gì, mình vẫn thở được. Nếu như một ngày mình mù dần, mù dần thì mình sẽ được khám phá một thế giới mới. Cách của tôi là lúc nào cũng có lãi. Thế thì mình gặp tình huống nào, mình sẽ chủ động.
Sau nhiều năm làm nghề, thách thức của Lê Khanh ở hiện tại là gì?
Lại khám phá vai mới thôi. Vì với tôi, mỗi một ngày qua, hôm nay trả lời phỏng vấn tôi đã thấy tôi may mắn hơn bao nhiêu bạn đồng nghiệp. Có những người người ta phải gác lại sự nghiệp dù người ta rất tài. Bao nhiêu lý do như sức khỏe này, chồng không đồng ý này,... nhưng tôi vẫn đi khắp nơi, đạp gió rẽ sóng, rẽ cả mây luôn. Thế là tôi hạnh phúc.
Với một lộ trình sự nghiệp như vậy, từ 7 tuổi tới giờ thì không có một loại tính cách nhân vật nào tôi chưa trải qua. Không có một sân chơi nghệ thuật nào mà tôi chưa trải nghiệm, trên sân khấu âm nhạc, hình thể, các thể loại. Bây giờ phải gọi là “chơi nghệ thuật”. Nếu như tôi sợ thì sẽ không có Gái già lắm chiêu, nếu tôi sợ thất bại.
Đến nước này còn sợ gì nữa, mọi người biết tôi rồi. Thực tế là tôi chỉ có một nghề này thôi, và tôi rất yêu nó. Cho nên tất cả các vai kể cả vai phụ của phụ, tôi gọi là vai trợ lý của hộ lý, phim Cô Gái Từ Quá Khứ, tôi vẫn sáng tạo. Tức là mình thèm, giai đoạn này là không quan tâm gì nữa nha, chỉ có thử thôi. Tôi chỉ có chơi nghệ thuật đúng nghĩa. Khi có khái niệm chơi nghệ thuật thì chơi hồn nhiên, vô tư, không áp lực. Làm một vai nhưng sợ nó thất bại, sợ nó hỏng, rồi có được huy chương hay không thì không. Bây giờ phải đi chơi, giống như có một vai đến với mình, tôi như chinh phục đỉnh Everest. Nó phải khó hơn mình mới đã, chứ an toàn thì không thỏa chí!
Nữ nghệ sĩ cho biết bản thân không sợ chữ "tử", thay vào đó, cô luôn đón nhận mọi vấn đề bằng năng lượng tích cực
Đã từng có một thời điểm nào đó chị cảm thấy bớt yêu nghề hơn không?
Chắc tôi cũng hơi không bình thường, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán hay mệt mỏi. Mặc dù mấy chục năm, cực kì thăng trầm. Ngành này thăng trầm theo xã hội. Mấy chục năm tôi làm chuyên nghiệp trong một hệ thống nhà hát cơ quan quản lý hoặc nhà nước, tức là nhà hát nghệ thuật công, lương cực kì khiêm tốn. Bố mẹ tôi lại rất gay go chuyện giữ sức khỏe ổn định cho 5 nghệ sĩ trong gia đình, mẹ tôi đã phải giã từ rất sớm. Mẹ tôi làm tất cả mọi thứ có thể để cải thiện kinh tế, để chồng và 3 đứa con gái của mình đến bờ bến vinh quang. Phải có 1 nghệ sĩ hy sinh để đối diện với khó khăn đó nhưng không hề thiệt. Trong giai đoạn khó khăn, bản thân phải kích hoạt ý chí, nghị lực.
Ngày đấy, mỗi nhà hát giỏi lắm trung bình chỉ sản xuất được 2 tác phẩm 1 năm. Có nhiều nghệ sĩ đến 10 năm không có vai diễn nào. Thế mà tôi thì liên tục. Cái giàu có của mình chính là tình cảm yêu quý của đồng nghiệp. Lãnh đạo tin tưởng toàn giao cho mình cái khó, đấy là giàu có. Thế là mình quên đi mất giới hạn của giá trị vật chất.
Vì là nhà hát công nên vai trò của nghệ sĩ là phục vụ cộng đồng, nó rất thiêng liêng. Diễn xong, tôi cũng chỉ ăn tối trong khuôn khổ nhà hát cho. Ngày đó, có những vở ăn khách lắm, năm 82 tôi diễn vở Romeo Juliet, một ngày có khi 4 suất diễn, khóc sưng hết cả mất lắm. Nhưng 3 ngày tôi mới đủ tiền mua 1 cái áo thun. Từ những ngày đấy, nhưng cái mình được chính là giá trị hạnh phúc của văn hóa nghệ thuật, đi đến tận vùng sâu vùng xa. Ngày đấy, trình độ của khán giả vì người ta được thụ hưởng sự phục vụ, đâu phải cũng có tiền mua vé đâu, nhưng người ta được xem kịch cổ điển châu Âu. Người ta được xem nhiều cái hay, thì kiến thức của họ cải thiện, họ văn minh theo thì đó chính là giá trị.
Bây giờ, tôi đi đóng phim, các trợ lý bảo con quạt cho mẹ nhé, mẹ ăn gì con mua. Tôi bảo mẹ không nóng, mẹ đang rất lạnh đây này, mặc dù quay ở Huế, trời đang 40 độ. Các con không hiểu, các con rất thật thà là nóng thế này làm sao mẹ bảo lạnh. Đấy chính là tinh thần. Nghề của tôi là phải ra nắng, đèn chiếu vào, ánh mặt trời, làm từ 3h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau, thì mình phải có cách chuyển hóa về tinh thần, tự kỷ ám thị. Con đừng nghĩ đến cái nóng thì nó mát. Còn mẹ nói mẹ lạnh là con yên tâm. Con càng quạt cho mẹ thì 3 cái quạt mẹ càng nóng. Ăn gì tôi cũng thấy ngon, không cầu kì đồ này đồ kia. Mấy chục năm trời tôi làm trong hoàn cảnh rất khó khăn, có những lúc không có cái mà ăn đâu.
Lộ trình vừa là cuộc đời, gắn với sự phát triển và thăng trầm của đất nước làm cho con người tôi luyện. Cái gì mình cũng thấy hạnh phúc, nhưng giờ cái gì được ưu tiên và thoải mái quá nó lại dễ buồn, vì cái gì cũng không thỏa mãn. Thời nào cũng có những cái khó, nhưng những cái khó mới làm nên giá trị đối cực với nó. Không đói làm sao biết được ngày no ngon thế nào, không khổ thì làm sao biết sướng nó đã ra làm sao, không khóc hết nước mắt thì làm sao biết được nụ cười chữa lạnh đến thế nào.
Với Lê Khanh, "không từ bỏ" chính là kim chỉ nam trong sự nghiệp
Kim chỉ nam lớn nhất của mẹ chị để lại cho chị trong sự nghiệp là gì?
Không được phép bỏ cuộc! Thương lắm. Với khái niệm Phật pháp thì mẹ tôi như Phật sống, tấm gương anh hùng. Ngày xưa, ngày mà tôi lên nhận danh hiệu NSND trẻ nhất Việt Nam, thì câu đầu tiên trong bài diễn văn tôi đã cảm ơn mẹ tôi, tôi ví mẹ như người chèo đò vĩ đại. Mẹ tôi phải hy sinh tuổi trẻ, sự nghiệp của mình làm kinh tế. Mà nghệ sĩ thì làm gì có tiền làm kinh tế lớn, kinh tế nhỏ thôi, đan lát thêu thùa. Mình không có vốn chỉ làm thuê cho người ta mà mẹ tôi nuôi được cả gia đình, đến mức mẹ tôi bị suy nhược toàn thân, chỉ còn 34kg, từ một nghệ sĩ nữ rất xinh, hy sinh lùi lại, chồng NSND, con NSND, NSƯT cứ đầy nhà ra.
Riêng mẹ tôi thì giờ không còn cơ hội để tiếp tục hành trình, ước mơ nghệ thuật của mình. Cho nên tôi nói mẹ tôi không có danh hiệu, nhưng mẹ tôi đã sinh ra và tạo nên những danh hiệu cao quý nhất cho chồng và 3 con. Mẹ tôi là người chèo đò, trên con đò nhỏ đầy ắp nghệ sĩ nhân dân và ưu tú. Tấm gương ngay trong nhà mình chứ không đâu xa. Vì mẹ tôi không có cơ hội làm nghệ thuật nên mẹ tôi tiếc lắm, các con cấm không được từ chối cơ hội vì cả cuộc đời mẹ làm gì có cơ hội đâu. Nó rất thực tế cuộc đời một người mẹ, cuộc đời một nữ nghệ sĩ, nên mình đừng chảnh, đừng bỏ phí cơ hội, lớn bé gì nhận tất và phải làm tốt. Lúc nào cũng phải tích cực, vì nếu không tích cực thì không thể làm nghệ sĩ được, vì cuộc đời người nghệ sĩ vinh quang thì phải vinh quang, nhưng thử thách thì từng giây. Chưa nói đến tài hay không tài, không đủ trau dồi cho sức khỏe của mình thì không thể theo được. Đang vui, hạnh phúc bắt khóc hết nước mắt, không phải 1 lần mà 10 lần.
Khi làm phim Người Hà Nội, đang quay vào mùa hè vì dài tập kéo sang mùa đông, tôi đi xuống biển thế là mất sữa nuôi con. Hôm nay thành công, ngày mai phải thành công hơn. Tôi mà bằng thế, khán giả bảo bắt đầu đi xuống. Tôi muốn thử thách nếu tôi thành công thì ok, còn không thành công thì bảo là lố, đừng có cố. Phải luôn có bản lĩnh để đối diện, nhưng phải bình tâm và hiểu tất cả điều đó là đánh thức mình. Họ yêu mình, họ lo cho mình, muốn mình đi đường dài hơn, muốn mình ấn tượng hơn. Giống như trong nhà, lúc nào mẹ mà có cáu, bố cáu đánh mình thì chỉ muốn cho mình khôn lên, tốt lên. Hiểu như vậy thì mọi thứ rất xúc động. Tôi sinh ra, lớn lên và làm nghề trong một gia đình từ những giai đoạn lịch sử trong chiến tranh, rồi hòa bình lặp lại, khó lắm nhưng nó đầy vinh quang, vinh quang thật không phải ảo.
Mọi nghệ sĩ Việt Nam có khao khát hướng ra thế giới, và chúng ta đã từng hướng ra thế giới rồi. Không ít bộ phim Việt Nam đã dành giải nhất về đề tài chiến tranh và lay động thế giới. Nước Mỹ bao nhiêu thanh niên xuống đường để biểu tình chống chieens tranh ở Việt Nam. Khi tôi sang Nhật, các thầy giáo, giáo sư, đạo diễn bên Nhật cũng nói ngày đấy đã xuống đường để đấu tranh tại Việt Nam. Cả thế giới người ta đứng về mình chỉ bằng những vở kịch, bộ phim về chiến tranh Việt Nam và tài nghệ diễn viên điện ảnh Việt Nam. Mình vinh quang như thế thì có lý do gì đến thời bình, mình lại không chinh phục tiếp.
Cảm ơn NSND Lê Khanh về những chia sẻ này!
Anh Thư (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)