Với hơn 40 năm trong nghề, NSND Hoàng Dũng gặt hái được nhiều thành công nhờ tài năng, có tâm và đặc biệt là khả năng diễn xuất bậc thầy. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có sự thành công như hôm nay, Hoàng Dũng phải “nếm” không ít khó khăn, thử thách và thậm chí còn có cả… sự hi sinh.
Một chàng sinh viên nghệ thuật cơ cực, một nghệ sĩ kịch đầy thiếu thốn
NSND Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Với nghệ thuật, ông có “mối duyên ngầm”. Cách ông đến với nghệ thuật cũng thật tự nhiên. Sau quãng thời gian chờ kết quả thi đại học, ông vì ham vui mà theo bạn bè ở khu phố thi tuyển vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và không ngờ lại đỗ. Hoàng Dũng xem đó như một vận mệnh và cơ duyên đến với nghệ thuật cũng đến với chàng sinh viên ngày ấy từ đây.
Với quyết tâm muốn chinh phục nghiệp diễn, Hoàng Dũng luôn tìm cách để được xem những vở diễn có bạn mình tham gia. Nếu có vé thì không sao, nếu không có, chàng sinh viên nghèo ấy liền tìm cách “qua cửa” để được vào xem, và khi không tìm được cách Hoàng Dũng liền trèo vào.
Cũng có lần chàng sinh viên nghèo ấy bị bảo vệ bắt, thế nhưng “chết không chừa”, Hoàng Dũng vẫn tiếp tục. Cho tới khi bảo vệ bắt quá nhiều và hỏi tại sao ông “lì lợm” đến thế, Hoàng Dũng thật thà trả lời rằng do ông đam mê với sân khấu nên muốn tìm hiểu và phân tích cách diễn của các nghệ sĩ.
Sau đó, ông được bảo vệ cho vào xem mà không đòi vé như trước nữa. Thói quen đến xem những buổi diễn của đồng nghiệp vẫn được ông duy trì cho tới sau này, dù đã trở thành diễn viên chính thức của Đoàn kịch Hà Nội.
Cuộc sống của NSND Hoàng Dũng sau khi trở thành diễn viên cũng không khá giả. Ông trải qua đủ mùi vị của cuộc sống thiếu thốn.
Hoàng Dũng và vợ nên duyên sau 7 năm yêu đương và tìm hiểu. Ngày ấy, mọi thứ khó khăn tới nỗi sau khi cưới được 1 tuần, ông mới có đủ tiền để mua một cái… phích nước. Cuộc sống của ông lại càng cơ cực hơn khi vợ sinh con đầu lòng. Khi ấy, ông phải làm đủ việc từ lồng tiếng, đóng phim tới diễn kịch để có đủ tiền mua sữa cho con nhỏ.
Vợ chồng NSND Hoàng Dũng
Vợ là giáo viên mầm non, chồng là diễn viên kịch, đồng lương của cả hai vô cùng ít ỏi, chẳng đủ nuôi con. Vì thế, để cải thiện tình hình kinh tế, hai vợ chồng quyết định một trong hai phải ra ngoài làm và từ bỏ công việc hiện tại.
Hiểu và yêu thương chồng, vợ Hoàng Dũng quyết định từ bỏ công việc của mình và mở một cửa hàng buôn bán nhỏ để có thể trang trải cho gia đình cũng như để thỏa lòng đam mê cho chồng.
Những vai diễn cuộc đời
Hoàng Dũng nổi lên ngay từ nhân vật Phó giám đốc Chính, trong vở "Tôi và chúng ta" vào năm 1985 của Đoàn kịch Hà Nội. Đây là khởi đầu cho màu sắc nhân vật của nghệ sĩ trẻ Hoàng Dũng khi bước vào lứa tuổi “tam thập nhi lập”. Tiếp nối lớp nghệ sĩ đàn anh như Hoàng Quân Tạo, Trần Hạnh, Nguyễn Quốc Toàn, Thanh Tú, Trịnh Mai, Phạm Bằng... Hoàng Dũng cùng với Trần Vân, Hoàng Cúc, Phú Thăng... tạo nên một luồng ánh sáng mới bắt đầu từ cái nôi "Tôi và chúng ta".
Nói là cái nôi bởi đó là một khởi động về sự “đổi mới” cho một đời sống sân khấu thủ đô. Một loạt vở kịch chống tiêu cực của Lưu Quang Vũ được dàn diễn viên kịch Hà Nội dám đương đầu với dư luận và dám chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bạn diễn của mình. Bản lĩnh công dân nghệ sĩ ấy đã được tôi rèn trong tâm hồn đa cảm của Hoàng Dũng.
Vẫn còn đó là những đêm đi xe đạp đến điểm diễn. Vẫn còn đó là chiếc áo đẹp phải mặc chung với bạn diễn Hồng Sơn để đi chơi, nhưng Hoàng Dũng đã trở thành một ngôi sao trên sân khấu kịch Hà Nội. Một chặng đường mới và sự nghiệp của Hoàng Dũng ngày một sáng lạn với những vai khá nổi trội tạo nên phong cách nghệ thuật đa sắc và dồi dào biểu cảm. Có thể kể ra khá nhiều vở hay mà ông đã tham gia trong hàng chục năm trước khi về hưu như "Tôi và chúng ta" (vai phó giám đốc Chính); "Cát bụi" (vai Cả Khoa); "Bình minh đó trái tim anh" (vai bác sĩ)... rồi đó còn là những vở "Hà Nội đêm trở gió" (vai Lãm), hay "Ăn mày dĩ vãng" (vai Hai Hùng); hoặc "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" (vai Bá Nhỡ)...
Kịch nói đã đưa tên tuổi của Hoàng Dũng tới đỉnh cao
Lại còn phim nữa, Hoàng Dũng cũng có nhiều vai đáng nhớ và đáng yêu trong các phim như "Cuồng phong", "Thái sư Trần Thủ Độ", "Con đường hạnh phúc", hay "Đàn trời"... Toàn vai chính và có nội tâm đa chiều phức tạp. Nhiều người xem hẳn khó có thể quên nhân vật Hai Hùng của Hoàng Dũng trong vở "Ăn mày dĩ vãng".
Một sự phân thân đầy uyển chuyển khi ông đóng vai Hai Hùng ở hai thời kỳ già, trẻ đan xen. Cảnh trước là một Hai Hùng mãnh liệt, làm kẻ thù hoảng hốt run sợ vì tài xuất quỷ nhập thần của mình trong chiến đấu; thì đến cảnh sau đó là một Hai Hùng già nua ngơ ngác đi tìm lại quá khứ, với những hơi thở hổn hển của thời gian. Lọ mọ và hồn nhiên như cỏ cây. Cùng với đó là can trường lúc nào cũng như một kho thuốc nổ. Những cảnh đối chọi và chuyển đổi liên tục xuất hiện, làm cho người xem ngạc nhiên với nghệ thuật diễn xuất của một Hoàng Dũng tài hoa đầy mẫn cảm.
Cùng với nhân vật đa chiều như Hai Hùng, nghệ sĩ Hoàng Dũng còn ghi dấu ấn trong phim trường với vai Đinh Xuân Ẩn, một kiểu hai mặt trái chiều về hình thức và bản chất nhân vật. Đây là loại người ẩn chứa hai mặt xấu - tốt, nhưng phần xấu nhiều hơn tốt, trong đời sống được thể hiện qua nhân vật Chủ tịch Đinh Xuân Ẩn của Hoàng Dũng. Có thể nói đây cũng là một vai có tính đột phá của ông.
Cũng lại là cái bóng của thời kỳ "Tôi và chúng ta" trở lại. Đó là những bộ phim dám trực diện phản ánh cái xấu một cách hiện thực và sinh động. Và hình như gặp những nhân vật hai màu đen trắng đan xen, ở một gương mặt phức tạp như thế, Hoàng Dũng càng tỏ rõ tài năng của mình trong diễn xuất. Đó chính là sự vượt trội và tạo nên phong cách nghệ thuật Hoàng Dũng.
NSND Hoàng Dũng về hưu ở tuổi 61 vào ngày 1/1/2017, sau 40 năm làm việc
và cống hiến cho Nhà hát Kịch Hà Nội
“Vai diễn” cuối cùng - đó là vai “Giám đốc” Nhà hát Kịch Hà Nội mà Hoàng Dũng “diễn” suốt 10 năm từ năm 2007 đến 2017. Cùng năm đó, ông còn được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), ghi nhận những thành tựu nghệ thuật trong suốt 37 năm. Ông còn là một đạo diễn và giảng viên khoa Kịch nói của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Và sau khi về hưu, với vai diễn ông trùm Phan Quân trong phim truyền hình "Người phán xử" - tên tuổi Nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội lại tỏa sáng rạng rỡ hơn trước.
Bộ phim không nói về chuyện yêu đương ngôn tình lãng mạn, lại càng không chứa yếu tố hài đậm chất thị trường, "Người phán xử" là bộ phim nói về giới tội phạm - những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, làm ăn phi pháp nhưng lại luôn sống dưới vỏ bọc trí thức.
Vai diễn ông trùm Phan Quân trong "Người phán xử" đưa sự nghiệp diễn xuất
của NSND Hoàng Dũng lên một tầm cao mới
Dù chỉ mới lên sóng 7 tập đầu tiên nhưng NSND Hoàng Dũng đã khắc họa thành công nhân vật nam chính Phan Quân - một vai diễn mô phỏng ông trùm Năm Cam ngoài đời thực. Ánh mắt cương nghị, cách hành xử quyết đoán cùng bản lĩnh dày dạn mỗi khi đương đầu với kẻ thù đã giúp cho Phan Quân trở thành nhân vật đáng xem bậc nhất "Người phán xử". Đấy chính là tài năng, là dấu ấn và là đẳng cấp nghệ thuật mà ông đem lại!
"Người phán xử" - trailer tập 7
Hoàng Lê (Theo Giadinhvietnam.com)