Người ta nói rằng Đài Loan có Quỳnh Dao thì Hong Kong có Diệc Thư. Mặc dù cả hai đều viết tiểu thuyết lãng mạn, nhưng tình yêu trong các tác phẩm của Quỳnh Dao thường yếu đuối, cảm động hơn. Còn phong cách viết của Diệc Thư chủ yếu là sự mạnh mẽ và có phần xấu xa. Hầu hết các nhân vật chính trong các tác phẩm của Diệc Thư là những phụ nữ xuất thân từ gia đình bình thường nhưng có khả năng chuyển ra thành phố. Thế nên Diệc Thư luôn chế nhạo "tác phẩm văn học dành cho những cô gái nhỏ" của Quỳnh Dao là quá sướt mướt.
Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, và văn học cũng vậy. Tuổi thơ đầy biến động của Quỳnh Dao biến bà trở thành một người tự ti và thiếu thốn tình yêu thương, vì vậy các tác phẩm của bà thường có các tình tiết bi thảm được coi là sự thể hiện ký ức với thế giới. Còn xuất phát điểm của Diệc Thư tốt hơn Quỳnh Dao rất nhiều. Ít nhất thì bà không gặp nhiều bất hạnh từ nhỏ như vậy.
Năm 1975, Diệc Thư và gia đình định cư ở Hong Kong. Với dòng di cư đổ về Hong Kong nhiều khiến các trường học không thể chứa nổi học sinh. Nhiều thanh niên không được đi học, phải phụ giúp gia đình đi đánh giày, sửa xe. Diệc Thư thì lại khác. Bà vẫn được giáo dục có hệ thống trong các trường học công lập.
Là con thứ sáu của nhà họ Nghê, bà được cả cha mẹ, ông bà cũng như các anh trai coi là báu vật, hết sức nuông chiều. Từ nhỏ, Diệc Thư có trí nhớ rất tốt, bà có thể nhớ tất cả các bài văn và các câu hỏi mà giáo viên đã trả lời. Ngoài việc học trên lớp, bà còn đọc những tác phẩm kinh điển nổi tiếng khác. Điều này đã đặt nền móng cho sự nghiệp viết lách sau này của bà.
Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Diệc Thư là anh trai thứ tư, Nghê Khuông. Ông là một nhà văn lớn thuộc "Tứ đại tài tử Hong Kong". Chính ông cũng là người phát hiện ra tài năng viết lách của em gái mình và bắt đầu khuyến khích cũng như dạy bà cách viết. Nhờ anh trai, Diệc Thư đã xuất bản tiểu thuyết của riêng mình khi mới 15 tuổi.
Việc viết lách chiếm rất nhiều năng lượng và thời gian của Diệc Thư nên điểm số trên lớp của bà rớt thảm hại. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, bà quyết định dừng việc học lại, mặc cho những lời khuyên ngăn từ gia đình.
Lúc đó, Kim Dung, bạn của Nghê Khuông, đang tìm phóng viên cho một tờ báo và nghĩ đến Diệc Thư. Vì vậy, ông đã mời bà tới làm việc. Thế nên Diệc Thư ban ngày thì đi phỏng vấn những người nổi tiếng rồi viết bài độc quyền. Đến tối trở về nhà, bà lại viết thêm bài cho các tạp chí để kiếm tiền.
Trong quá trình làm việc, Diệc Thư gặp chàng họa sĩ nghèo Thái Hạo Toàn. Ban đầu Thái Hạo Toàn chỉ tập trung vào công việc của riêng mình, không để mắt đến Diệc Thư. Với tính tiểu thư của mình, Diệc Thư không thể chấp nhận điều đó. Dưới sự tấn công quyết liệt của bà, tảng băng trong tim Thái Hạo Toàn tan chảy.
Thế nhưng khi nói đến chuyện kết hôn, gia đình Diệc Thư cực lực phản đối. Nhưng bà kiên quyết cưới Thái Hạo Toàn bằng được, nên tự ý tổ chức một buổi lễ nho nhỏ với sự chứng kiến của vài người bạn. Đúng như dự đoán của người nhà, một Diệc Thư được nuông chiều sao có thể chịu khổ được. Hai vợ chồng trẻ thường xuyên cãi vã vì tiền bạc. Ngay cả khi con trai Thái Biên Thôn của họ ra đời thì tình cảm giữa hai vợ chồng vẫn không thể tốt lên được.
Hôn nhân giữa hai người tan vỡ không lâu sau đó. Thái Hạo Toàn đưa con trai sang Đức rồi không có tin tức gì nữa. Diệc Thư cũng không chủ động đi tìm. Bà dùng chính tác phẩm của mình để kể lại sự lãng phí thời gian dành cho chồng cũ, nên giờ bà chỉ muốn sống thật tốt, không làm phiền chồng cũ nữa. Kể cả khi con trai bà quay lại Trung Quốc tìm mẹ, bà vẫn lạnh lùng không thừa nhận.
Quay trở lại với cuộc sống độc thân, Diệc Thư làm phóng viên cho Thiệu Thị Huynh Đệ và làm thân với nữ diễn viên võ thuật Trịnh Bội Bội cùng bạn trai của bà là Nhạc Hoa thông qua một cuộc phỏng vấn độc quyền. Ngay lập tức, Diệc Thư bị thu hút bởi sự hoàn hảo, giàu có, tốt bụng và chu đáo của Nhạc Hoa
Lợi dụng tính cách nhiệt tình của Trịnh Bội Bội, Diệc Thư nhiều lần lấy cớ để được Nhạc Hoa đưa về rồi giở trò mèo sau lưng Trịnh Bội Bội. Kế hoạch của bà cuối cùng cũng thành công, bà được ở bên Nhạc Hoa còn Trịnh Bội Bội sau này gặp và kết hôn với một doanh nhân giàu có rồi sang định cư ở Mỹ.
Bà đắc ý đến độ đăng hẳn một bài "Vì sao Diệc Thư yêu Nhạc Hoa" lên mặt báo để tuyên bố chủ quyền. Nếu nhìn thấy một bài báo viết về mối tình giữa Nhạc Hoa và Trịnh Bội Bội, bà sẽ điên cuồng cắt bỏ nó ngay lập tức. Nào ngờ, cuộc sống hôn nhân của Trịnh Bội Bội không mấy tốt đẹp. Bà đã viết thư cho tình cũ như một người bạn để trút bầu tâm sự.
Mặc dù Nhạc Hoa đã cố tình che giấu nhưng vẫn bị Diệc Thư phát hiện ra. Bà rêu rao những bức thư công khai, khiến cho chồng Trịnh Bội Bội đòi ly dị và đuổi bà ra khỏi nhà. Còn Nhạc Hoa thì quá thất vọng với con người của Diệc Thư và không còn muốn liên quan gì tới bà nữa.
Không ai có thể nghĩ rằng sau này Diệc Thư lại gặp một người đàn ông mà bà muốn nắm tay đi hết cuộc đời khi đã ngoài bốn mươi. Bà cũng đã thành công hạ sinh một cô con gái thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Để phát triển sự nghiệp của chồng, cả gia đình họ đã sang Canada định cư. Tại đây, Diệc Thư bỗng chốc trở thành một người vợ tốt, người mẹ tốt mà trước đây bà vẫn khinh thường. Cuối cùng bà cũng hiểu rằng, hạnh phúc không chỉ là những phút giây sôi nổi, vui vẻ mà là có người che mưa che gió cho bà, cùng nhìn con cháu lớn lên và cùng nhau già đi.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)