Và trước khi những cảm xúc ấy chuyển thành những giai điệu, Nguyễn Văn Chung đã trải lòng mình bằng những dòng nhật ký: “Sau bao ngày tháng mong mỏi chờ đợi, niềm vui lần đầu được làm cha của tôi như vỡ òa… Bế đứa con trai bé bỏng trên tay, tự dưng tôi thấy mình sống có trách nhiệm hơn bao giờ hết.
Lần đầu tiên vào phòng mổ chứng kiến cảnh "vượt cạn" của vợ, tôi mới thấy rằng những người phụ nữ mạnh mẽ đến mức nào, hy sinh nhiều đến mức nào khi phải liên tục chịu những cơn đau dai dẳng thấu trời.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vào phòng sinh cùng vợ, trước giờ "lâm bồn".
Tôi thật sự cảm nhận được sự thiêng liêng khi một sinh linh nhỏ bé, là hậu duệ của mình chào đời, những niềm vui khi biết nó khoẻ mạnh và toàn vẹn. Những cảm giác đó trước đây tôi chưa hề trải qua. Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi trải nghiệm cảm xúc ấy. Giây phút ấy tôi rất xúc động, tôi ngưỡng mộ vợ tôi cũng như những người phụ nữ, nhất là mẹ tôi, với thiên chức kỳ diệu như thế.
Bất giác tôi cảm thấy những thành công mình đã đạt được quá nhỏ bé, không thể nào so sánh được với sự vất vả của vợ tôi. Tự nhiên tôi chợt rơi nước mắt, tôi nắm chặt tay vợ tôi thay cho lời cảm ơn chân thành, vợ tôi tuy đã kiệt sức vẫn ráng đưa mắt tìm con... Con đâu anh? Con khoẻ không? Đủ hết tay chân không? Bản năng người mẹ thật mãnh liệt.
Những ngày qua, tôi biết được lý do vì sao những sản phụ đang nằm cạnh vợ tôi, lại yêu mến bài hát "Nhật ký của mẹ" đến như vậy. Có lẽ vì bài hát đó tuy chưa đầy đủ lắm nhưng cũng phần nào diễn tả được ngày tháng mong chờ, niềm vui và niềm hạnh phúc khi chứng kiến con yêu chào đời và lớn lên. Tôi tự hào là mình đã sáng tác bài hát ý nghĩa đó.
Niềm vui lần đầu được bế con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
… Bây giờ tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của những người mẹ, tôi đã có thể hình dung ra nỗi vất vả, chịu đựng khi sinh thành ra mình: Những cơn đau day dẳng, triền miên; những lúc không ăn được món này hoặc thèm món kia cực độ; lúc phải vắt kiệt sức lực để cho con ra đời; rồi nỗi lo cho con bị vàng da, không bú được, không ngủ được, khóc quấy; lúc phải tập đi, chăm con, tập tắm cho con, tập tìm hiểu mọi thứ tốt cho con; rồi phải đối mặt với những sợ hãi tắc sữa, ápxe vú, vết thương chưa lành mà mỗi lần nghe con khóc lại trở mình đứng dậy, ráng lần từng bước đến bên con… Không có gì so sánh được với những hy sinh đó của những người phụ nữ! Chỉ bao nhiêu đó mà tôi ngưỡng mộ cả em và cả mẹ tôi!
"Tôi thấy mình sống có trách nhiệm hơn bao giờ hết" - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
cười tươi cho biết. Anh đang tay xách, nách mang những thứ đồ dùng
cần thiết cho vợ, con tại bệnh viện.
Có người bạn hỏi tôi: “Đã sáng tác Nhật ký của mẹ, bây giờ có con rồi, trải qua những cảm xúc, có viết tiếp Nhật ký của cha không?”. Tôi cười trả lời: “Chắc chắn là có. Tôi sẽ ghi lại những cảm xúc đang ngập tràn trong lòng mình thành những nốt nhạc, dành tặng cho con”.
Bây giờ đi đâu, tôi cũng nôn nao được trở về sớm với con. Nhìn đứa con bé bỏng của mình, nghe con khóc, trong tôi rạo rực một niềm vui sướng khó tả…”
Giáo dục Việt Nam