Vào sáng ngày 8/12, thông tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời đã khiến cộng đồng mạng vô cùng xót xa. Được biết, nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Hải Phòng. Ông là người gốc Hà Nội, có nhà ở phố Khâm Thiên, nơi đã bị B52 rải thảm trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Phú Quang rất yếu, nhiều lần ốm "thập tử nhất sinh". Ông bị tiểu đường biến chứng cộng thêm ung thư đại tràng và đã được điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Bên cạnh đó, ông cũng đã phải thở máy và lọc thận mỗi tuần. Được biết thêm, trước khi nhập viện để điều trị, dù sức khỏe không tốt nhưng nhạc sĩ Phú Quang vẫn miệt mài làm việc.
Thời gian vừa qua, cố nhạc sĩ đã phải nhập viện điều trị bệnh nặng
Đến với nhau ở cái tuổi "đã toan về già" cùng bà xã kém 20 tuổi, Phú Quang từng chia sẻ rằng vợ chồng ông tôn trọng công việc, cuộc sống và những điều riêng tư của nửa kia. Mười mấy năm bên nhau, họ hiếm khi giận, nếu có, ông thường nhường nhịn vợ. Nhạc sĩ hạn chế chia sẻ ảnh của vợ một phần vì bà xã ngại, phần vì không muốn khán giả bàn luận đến chuyện riêng tư.
Ngoài sự nghiệp thành công, cố nhạc sĩ cũng có 4 người con vô cùng thành đạt và giỏi giang. Trong đó, Nguyễn Trinh Hương sinh năm 1975, đang là tiến sĩ, một một nghệ sĩ dương cầm có tiếng. Nguyễn Giáng Hương sinh năm 1982, giờ đi theo con đường kinh doanh. Nguyễn Phú Vương sinh năm 1990 tốt nghiệp đại học xuất sắc ở Singapore và cả người con riêng của vợ cũng có thành tích ấn tượng.
Gia đình Phú Quang được rất nhiều người ngưỡng mộ
Từ khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác, có thể thấy nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Cũng giống như nhiều nhạc sĩ khác, Phú Quang rất yêu quê hương của mình. Đó cũng chính là lý do ông luôn thể hiện tình yêu mãnh liệt với Hà Nội qua từng giai điệu, từng ca khúc.
Trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang đã thể hiện tình yêu mãnh liệt với Hà Nội
Bên cạnh đó, ông cũng phổ nhạc rất nhiều bài thơ trở thành những ca khúc nổi tiếng và bất hủ như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo).
Trong sự nghiệp sáng tác, cố nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet và cũng là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như góp nhiều vào thành công vào những bộ phim sáng giá của điện ảnh: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà). Ngoài ra, ông cũng là một fan của các ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky...
Nhạc sĩ Phú Quang đã dành cả đời để cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà
Anh Thư (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)