Ngày 13/12, tòa sẽ tuyên án, báo NLĐ cho biết.
Trong khi đó, báo Tuổi trẻ cũng thông tin, hiện tại ông Hà Hùng Dũng cũng đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm xuất cảnh.
Trước đó, ngày 26/7, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ACB, buộc Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương phải trả cho ACB số tiền 1.365.389 USD (gồm cả gốc lẫn lãi). Trong trường hợp Công ty Đông Dương không còn khả năng trả khoản nợ trên, ông Hà Hùng Dũng phải có nghĩa vụ trả nợ thay.
Nhạc sĩ Hà Dũng. Ảnh: IE
Ngoài ra, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Á Châu về việc duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 16/3/2011 của TAND TP.HCM về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hà Hùng Dũng cho đến khi ông Dũng thi hành án xong.
Tuy nhiên, yêu cầu của nguyên đơn về việc phát mãi tài sản thế chấp (căn nhà 80/10 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) không được tòa chấp nhận, bởi hợp đồng thế chấp tài sản này không có chứng nhận của công chứng Nhà nước và đăng ký giao dịch bảo đảm nên không phát sinh hiệu lực của giao dịch. Vì vậy, buộc Ngân hàng Á Châu phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ giấy chủ quyền căn nhà. Sau khi án tuyên, nguyên đơn đã làm đơn kháng cáo.
Theo bản án của TAND TP.HCM, tháng 10/2008, Công ty Đông Dương và Ngân hàng Á Châu ký kết hợp đồng cấp tín dụng bằng hình thức bảo lãnh cho Công ty Đông Dương.
Theo đề nghị của Công ty Đông Dương, ngày 12/1/2010, Ngân hàng Á Châu đã thanh toán cho ngân hàng nước ngoài Komercni Banka A.S số tiền 1.194.000 USD thay cho Công ty Đông Dương đồng thời Ngân hàng Á Châu cũng đã ghi số nợ trên vào tài khoản nợ của Công ty Đông Dương tại Ngân hàng Á Châu, thông báo cho Công ty Đông Dương biết thời hạn trả nợ là ngày 12/4/2010, lãi suất áp dụng từ ngày 12/1/2010 đến ngày 12/4/2010 là 6,5%/tháng, từ sau ngày 12/4/2010 là 9,75%/tháng.
Tuy nhiên nhiều tháng sau đó, Công ty Đông Dương không trả nợ nên ngân hàng khởi kiện đến tòa án.
Khởi động đường bay từ ngày 25/11/2008, Indochina được coi là hãng tư nhân đầu tiên bay thương mại. Thời gian đầu, hoạt động của hãng khá suôn sẻ với 8 chuyến một ngày trên các chặng từ TP.HCM đi Hà Nội và Đà Nẵng. Tổng số ghế cung ứng cho mỗi chuyến có ngày gần 280.
Sau hơn 5 tháng bay, Indochina Airlines đã gặp khó khăn khi thị trường nhiên liệu biến động, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không giảm mạnh. Gần 2 năm sau, hãng bay tư nhân này dừng mọi hoạt động.
Có ít nhất 35 đại lý bán vé máy bay đã gửi đơn tới Cục Hàng không VN, Trọng tài Kinh tế TP Hà Nội tố hãng đang nợ hơn 800 triệu đồng. Hãng cung ứng nhiên liệu bay Vinapco cũng có đơn gửi tòa tố Indochina Airlines nợ gần 25 tỷ đồng tiền xăng dầu.
Bee