Nguyên Khang là một trong những MC nổi tiếng, đắt show trong làng giải trí Việt. Hiện tại, anh có một cuộc sống sung túc, đầy đủ nhưng trong quá khứ lại đầy khó khăn, vất vả bên mẹ.
Mới đây, MC Nguyên Khang chia sẻ về những lần nói dối của mẹ: "Câu chuyện bắt đầu khi 3 anh em tôi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có những năm tháng một mình mẹ phải tất tả dầm mưa dãi nắng để lo cho ba miệng ăn và học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng mẹ luôn là người nhường phần ăn ngon nhất cho chúng tôi. Mẹ thường nói: "Mẹ không đói, các con ăn đi", dù trên bàn chỉ có đúng 3 miếng thịt.
Mẹ tôi làm cô giáo giữ trẻ. Hằng ngày mẹ thức dậy sớm để đón các bé nhỏ đến lớp, lo ăn uống, dạy học, vui chơi, chiều về tắm rửa, ăn uống cho các bé. Rồi sau đó lại tất tả lo cho chăm sóc cho chúng tôi. Một tuần, tôi thấy mẹ cạo gió mấy lần, người thường có mùi dầu xanh. Nhưng khi chúng tôi hỏi, mẹ thường cười bảo: "Mẹ không mệt, mẹ làm công việc này vui mà".
Để tôi không còi cọc, hoạt bát nhanh nhẹn, mẹ đăng ký cho tôi theo học lớp võ nhà thiếu nhi thành phố. Đều đặn mỗi cuối tuần mẹ đều hai lượt đón đưa tôi trưa nắng, còn cho tiền uống nước mía hay nước sâm để giải khát. Ngày nào, mẹ cùng đến đón sớm trước 15 phút và đợi tôi ngoài cổng. Tôi hỏi: Nắng thế này, mẹ đến sớm làm chi cho vất vả, mẹ cười: "Có nắng đâu, nãy giờ mẹ ngồi mát đợi con ra, thấy mấy lớp học khác cũng vui mà". Năm tôi vào cấp 3, mẹ cứ lo tương lai, cầm tay tôi đến trước thầy võ mà nói: Sau này nếu sức khỏe tôi không tốt, thầy cho nó đi theo phụ thầy nhé. Lúc đó, tôi còn hoang mang không biết vì sao mẹ lại nói vậy? Lớn lên rồi thì tôi đã hiểu.
Năm tôi lớp 10, mẹ tôi đổ bệnh. Tiền tài mọi thứ trong nhà dần dần ra đi để chạy chữa cho mẹ. Lần đầu tiên, tôi đón Tết trong bệnh viện, cái cảm giác nó lạ lắm, vì xung quanh ai cũng mau chóng rời bệnh viện để về đoàn tụ với gia đình. Những chiếc giường thưa dần, rồi có nhiều đoàn từ thiện vào bệnh viện phát quà, thi thoảng có thêm lì xì, âu cũng là niềm vui nhỏ được đón nhận nơi căn phòng yên ắng lạnh lẽo này. Đi mua tô cháo thịt về đút mẹ ăn, ăn một nữa, mẹ nói với tôi: "Mẹ no rồi, con ăn cháo đi". Tôi hiểu, mẹ đang nhường phần mình cho tôi.
Tôi thi đậu hai trường Bách Khoa và Nhân Văn. Mẹ tôi vui lắm, đi khoe khắp họ hàng. Rồi mẹ nói, con trai học Bách Khoa đi con à, ra trường sau này có cái nghề. Tôi nghe lời mẹ, học hết Bách Khoa, nhưng cái đam mê được thử sức với nghề cầm mic nó mãnh liệt. Mẹ tôi lo lắm, nhưng vẫn cố trấn an: "Con lớn rồi, cứ chọn cái con thích, mẹ hoàn toàn ủng hộ".
Tôi làm nghề hơn 10 năm, có người hiểu, yêu thương và thông cảm. Có kẻ ghét, dèm pha, nói xấu. Có fan yêu thương chia sẻ động viên, có người ghét dùng những lời khó nghe. Tôi nhẫn nhịn, không muốn đôi co. Cứ phải dối mẹ: Con ổn, mẹ đừng lo, chuyện chả có gì. Mẹ lại bảo: Đừng lo gì cả, mẹ và các em luôn bên con, dù bất kể chuyện gì", Đôi khi có vài sóng gió ập đến, mẹ tôi cũng biết: "Đừng cố làm, phải giữ sức khỏe, mẹ không có ăn bao nhiêu, con không cần phải lo quá."
Ngày cha mẹ chia tay, mẹ kiêm luôn vai trò người cha. Mẹ làm cật lực để lo lắng cho nhu cầu gia đình. Chúng tôi chưa bao giờ phải thua sút với một đứa bạn nào. Sau này, cũng gặp lại nhiều người đàn ông từng theo đuổi mẹ năm xưa. Tôi hỏi mẹ có đi bước nữa không. Mẹ từ chối: "Mẹ đâu cần tình yêu. Mẹ chỉ cần các con".
Tôi làm việc nơi xa, mẹ lại cách tôi nửa vòng trái đất. Ước mơ được dẫn mẹ đi khắp thế gian, đến những vùng đất hai mẹ con chưa đặt chân đến, ăn những món ăn thật ngon. Dù đôi khi cứ phải dụ mẹ: Chỗ đấy an toàn lắm, mẹ đừng lo, cứ đi với con. Mẹ cứ cười: Để dành tiền mua nhà đi, ở thuê hoài, khi nào có rồi, lúc đó đi cũng chẳng muộn. Liệu thời gian có chờ đợi khi chúng ta lao vào thực hiện những ước mơ của đời mình không. Chỉ cần mẹ vui, tiền bạc nào mua nổi hạnh phúc nhỉ?".
Thu Trang (Theo Nld.com.vn)