Mới đây, ca sĩ Ngọc Anh 3A đăng ảnh bên nhạc sĩ Phú Quang và buồn bã chia sẻ: "Chú ơi chú cố lên nhé. Hai năm trước chú còn phong độ thế này cơ mà. Có thể nào chờ cháu về được không".
Dưới bình luận, khi có người mong nhạc sĩ Phú Quang có nhiều nghị lực để vượt qua cơn bạo bệnh thì Ngọc Anh 3A tiết lộ: "chú đang rất nguy kịch anh à".
Hơn một năm nay, sức khoẻ nhạc sĩ Phú Quang giảm sút rất nhiều. Ông bị tiểu đường biến chứng cộng thêm ung thư đại tràng nên rất yếu. Nhạc sĩ phải thở máy và lọc thận mỗi tuần tại bệnh viện.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.
Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất, linh hồn của bài để làm nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà).
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)