Người đẹp cho rằng, với tất cả các “tình yêu” trong cuộc sống không riêng gì tình yêu đôi lứa, cô luôn hết mình để không có gì phải hối tiếc. Cô trân trọng từng phút sống, cố gắng tự nhiên, thoải mái để cuộc sống nhẹ nhàng nhất có thể.
Không từ chối các cơ hội tình cảm
5 năm qua, hình ảnh Ngô Phương Lan xuất hiện thường gắn với những “lời hay ý đẹp” của một Hoa hậu rồi tiếp đến là công việc, công việc và công việc. Mở đầu bài phỏng vấn này, xin được hỏi, một Ngô Phương Lan khi yêu thì như thế nào?
Rất đam mê, rất nồng nhiệt, cũng biết hy sinh và có thể hết lòng vì một người. Tình yêu trong mắt tôi nó thật đặc biệt. Được yêu là một sự may mắn và phải hết mình vì nó. Tôi luôn muốn mọi thứ phải nhẹ nhàng. Ví dụ, trong trường hợp, tôi đang cãi nhau với người yêu và đang bức xúc với một chủ đề nào đó, tôi sẽ không chọn cách thả hết sự bức xúc của mình ra, mà chọn cách đứng dậy, đi sang một chỗ khác, bình tĩnh lại rồi sau đó mới nói chuyện với người yêu. Đó là cách để mọi thứ có thể bền vững. Nhưng giờ đây, tình yêu của tôi là công việc.
Hoa hậu Ngô Phương Lan
Với cách ứng xử với tình yêu khéo léo như vậy, thêm những điểm cộng tuyệt vời là nhan sắc Hoa hậu, tư duy thông tuệ, sao giờ đây, tình yêu của chị chỉ còn lại là công việc?
Khi đánh giá lại những điều mình đã làm, mọi người luôn đặt ra một giả sử rằng nếu mà không vậy, bây giờ mình sẽ như thế nào. Nhưng mọi thứ đến đều có một lý do và đều có một kết quả. Tôi rất tin vào duyên số, nhất là cái sự đến và cái sự đi. Giờ đây, tôi không hối hận gì với cuộc tình đó cả.
Tôi và bạn trai đầu tiên quen nhau rất lâu từ thời đi học, xa nhau một thời gian và đến mấy năm sau mới gặp lại. Khi gặp lại, có một cảm giác rất đặc biệt mà hai người tự cho rằng đấy là duyên số, tự thấy là của nhau. Hai người luôn tôn trọng nhau, tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau. Chúng tôi đã có những chia sẻ đặc biệt mà tôi không biết phải miêu tả như thế nào.
Rồi tiếp theo lại là những bề bộn công việc. Và giờ, Hoa hậu cô đơn ư?
Đối với tôi công việc, gia đình cũng là tình yêu. Trong tất cả những việc tôi làm, những người tôi quen, kể cả những người tôi yêu, tôi đều thấy mình may mắn, vì tôi luôn gặp được những người tốt với mình. Tôi không có suy nghĩ rằng có được điều này lại muốn có điều kia, như vậy sẽ không biết trân trọng cái mình đang có, rồi lại căng thẳng, mỏi mệt chạy theo những điều khác.
Bây giờ tôi chưa có người mới. Không phải bất cứ thời điểm nào mình phải có một cuộc tình trong cuộc sống. Tôi không đánh đồng sự tự lập với sự cô đơn. Nếu cuộc sống buộc phải yêu và phụ thuộc vào một người khác, là điều tôi hoàn toàn không muốn. Nếu yêu nhau thật sự, hai người phải hiểu, thông cảm cho nhau. Tất nhiên, nếu đã đi sâu vào một mối quan hệ rồi, thì tôi sẽ phải cân bằng, điều chỉnh để làm sao khắc phục được những hiểu lầm, những khó khăn trong mối quan hệ đó.
Tôi cũng không bao giờ nói là tôi sẽ từ chối những cơ hội tình cảm đến với mình. Bởi nếu sống như vậy thì quá khô khan. Nhưng cũng không muốn vội vã bước vào bất cứ thứ gì liên quan đến yêu đương lúc này bởi vì công việc đang trở thành ưu tiên hàng đầu.
Nhưng ít nhất, những “vui chơi nhảy múa” của một cô gái tuổi 25, vẫn thấy nhường chỗ cho quá nhiều thứ, đặc biệt là cho sự giữ gìn hình ảnh của một Hoa hậu…
Tôi đam mê với công việc nhưng nó không phải là 100% quỹ thời gian của mình. Tôi vẫn có nhiều bạn và đi chơi với họ cũng khá nhiều. Dĩ nhiên điều đó không bao giờ tôi đưa lên mặt báo vì tôi tôn trọng cuộc sống riêng của bạn bè và của chính tôi. Tôi cố gắng làm sao khi đi chơi với bạn bè thì toàn tâm toàn ý với cuộc vui đó chứ không phải suốt ngày nghe điện thoại và trả lời về công việc.
Tôi phải công nhận là tôi rất đam mê công việc. Khi mình trẻ, phải cố gắng làm sao làm hết công suất của mình để thấy khả năng của mình được đến đâu. Đến một độ tuổi nào đó, mình sẽ mệt mỏi và rút vào khoảng lặng, làm ít đi và hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng tôi chưa đến tuổi đó.
Thế còn bố mẹ chị, chưa “nhắc khéo” con gái về chuyện lấy chồng?
Chưa. Thậm chí, bố mẹ còn khuyên tôi nên tập trung cho công việc, khoan nghĩ chuyện lập gia đình, cứ để chuyện gì đến sẽ đến một cách tự nhiên thôi. Thế hệ tôi, mọi người đều có suy nghĩ đến 29-30 tuổi lập gia đình không phải là muộn.
Cẩn thận nhé! Bây giờ, đẹp, giỏi, sâu sắc đang lọt vào danh sách “báo động ế” đầu bảng đấy!
À, điều này tôi hoàn toàn thấy thoải mái. Nếu số phận bắt mình phải một mình tôi cũng sẽ chấp nhận một cách vui vẻ. Tôi không miễn cưỡng để lên một kế hoạch tình cảm rằng năm nay sẽ phải yêu một anh nào đó, năm sau sẽ tiến tới hôn nhân.
Gồng mình làm gì cho mệt!
Hình ảnh Ngô Phương Lan 5 năm qua vẫn luôn lịch sự, chỉn chu, trau chuốt. Đó là điều mà người ta chờ đợi ở một Hoa hậu. Nhưng để giữ điều đó, chị có phải gồng mình?
Tôi không nghĩ bi quan như thế. Mà đó là sự tôn trọng cuộc sống, sự tôn trọng bản thân mình với những điều mình có, chứ không phải gồng mình. Bố mẹ tôi không bao giờ dạy con theo kiểu bắt buộc như bắt phải học, bắt phải đi đâu làm gì mà luôn tin tưởng vào chị em tôi, để hai chị em phát triển một cách khá tự nhiên. Trong sự phát triển đó, chúng tôi luôn hỏi, những gì mình làm có làm cho bố mẹ vui hay không, có để bố mẹ tự hào hay không, phong cách của mình đã phù hợp với môi trường, thời điểm và sự kiện mình tham gia hay chưa?
Và tất nhiên, tôn trọng những người xung quanh mình, mình sẽ cố gắng thể hiện được một hình ảnh càng chỉn chu càng tốt. Đó cũng là một cách tôn trọng mình. Mẹ tôi nói tôi nghịch ngầm. Trong chuyện học hành từ nhỏ, tôi không bao giờ thức khuya dậy sớm để học bài cả. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn hướng đến một cách sống rất thật với chính bản thân. Tôi không đặt nặng việc mình đạt được một danh hiệu thì mình phải như thế này hay như thế kia. Mà khi làm một công việc gì thì phải hết mình và cố gắng làm cho thật tốt.
Như chị nói, “những gì mình làm có làm cho bố mẹ vui không?”, khác rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều cô gái từ nhỏ đến lớn sống ở trời Tây. Cuộc sống của mình là của mình, có cần phải tạo thêm áp lực?
Tôi luôn cảm thấy mình may mắn, là mình có khả năng được thừa hưởng và tiếp cận những điều tuyệt vời từ gia đình và từ cuộc sống. Có thể có những điều hơi quá tầm tuổi của tôi, tầm chứng kiến của tôi, nên có những lúc tôi cố hơn bình thường. Tôi nghĩ một cách tích cực, là những thử thách trong cuộc sống, càng lớn tôi càng phải vượt qua. Và khi mình có thêm bản lĩnh, thì mình lại càng muốn có những thử thách lớn hơn, để học được nhiều điều.
Tôi rất đam mê công việc và cố gắng làm sao để làm nhiều thứ trong khả năng của mình. Tuy nhiên, không phải cái gì mình cũng ôm vào để mua nặng nề. Dù tôi có nhiều cơ hội trong thời điểm này nhưng không phải cơ hội nào tôi cũng đón lấy vì mình ôm hết vào sẽ không sẽ làm hết mình cũng như công việc sẽ không đạt chất lượng.
Sang nước ngoài sớm, lại sống trong cảnh không bị ép buộc trong giáo dục, nhưng chị vẫn rất thuần Việt. Điều này là sự thừa hưởng từ bố mẹ, hay sự lựa chọn của chị?
Hơn 5 tuổi tôi đã đi ra nước ngoài. Bố mẹ cho tôi đi học sớm một năm để có thể biết đọc, biết viết tiếng Việt. Tôi chưa bao giờ ngồi xuống để bố mẹ giảng dạy tiếng Việt hay những nề nếp, những kiến thức văn hóa. Bố mẹ tôi cũng bận. Bản thân tôi đi học ở trường nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, về nhà thì nói bằng tiếng Việt nên cũng khó quên được tiếng Việt. Bố mẹ tôi thì động viên con nói tiếng Việt và phải có sự phản xạ với tiếng Việt. Lúc tôi mới về thi hoa hậu năm 2007, tôi chưa tự tin nói tiếng Việt trong việc trả lời câu hỏi trước đám đông. Và giờ thì tôi tự tin có thể dẫn một chương trình bằng tiếng Việt.
Tôi nghĩ, mình thích cái gì thì nó sẽ đến một cách tự nhiên. Văn hóa Việt Nam cũng vậy. Bố mẹ giải thích cho chị em tôi một cách tỉ mỉ, tạo sự thích thú thậm chí gây sự tò mò nên tôi luôn muốn tìm hiểu. Đi công tác về Việt Nam, bố mẹ hay mua những cuốn văn học dân gian, dân ca về cho chị em tôi. Thỉnh thoảng, bố mẹ còn hát cho tôi nghe những bài dân ca Nghệ Tĩnh hoặc quan họ (bố tôi ở Bắc Ninh nhưng quê ở Nghệ An). Tôi rất thích những giai điệu của dân ca Nghệ Tĩnh, Quan họ và Ca trù, xem hát chầu Văn. Nó có một cái gì đó khá đặc biệt, độc đáo mà chỉ ở làng quê Việt Nam mới có. Tôi cũng thích ăn các món ăn Việt Nam và luôn tìm các nguyên liệu về để làm các món ăn Việt dù sống ở trời Tây.
Biết 5 ngoại ngữ, học lực giỏi, cơ hội làm việc ở nước ngoài khá cao, tại sao chị chọn trở về?
Trước khi tốt nghiệp, tôi cũng có những công việc bên đó mà tôi thích làm. Họ cũng đã cho tôi những điều kiện để đi làm rồi. Nhưng tôi thấy mình vẫn còn trẻ và nguồn gốc bản thân mình là điều tôi hướng tới. Có thể nếu làm việc bên kia tôi vẫn về Việt Nam vài năm một lần, nhưng đó chỉ là về chơi, về thăm gia đình, chứ chưa bao giờ là sự tiếp cận xã hội Việt Nam, làm những công việc ở Việt Nam. Bây giờ gia đình về Việt Nam, tôi về cùng, cũng là muốn ở bên gia đình của mình. Gia đình với tôi rất quan trọng và những gì cần hiểu sâu, cần làm ở Việt Nam của tôi cũng rất quan trọng.
Trong một năm vừa qua, tôi cũng thử rất nhiều công việc khác nhau và ở mỗi nơi, tôi cũng học hỏi được một số thứ. Hiện giờ, tôi cảm thấy rất thoải mái với lựa chọn của mình. Tất nhiên, vẫn là vạn sự khởi đầu nan. Nhưng tôi tự tin và thấy sự lựa chọn của mình. Đó là tôi đang bắt đầu một dự án về giáo dục.
Tại sao lại là mảng giáo dục, mà không phải là nối gót con đường vốn được rải thảm từ gia đình và đúng chuyên môn của chị: ngoại giao?
Tại vì bản thân tôi rất thích học. Khi làm những công việc xã hội và từ thiện, tôi cảm thấy giáo dục là sự bắt nguồn, sự khởi đầu của một số thứ nếu mình muốn cho một xã hội phát triển. Mọi sự giúp đỡ nên bắt đầu từ việc tạo cho con người ta cơ hội để đi học.
Tôi mới bắt đầu dự án của mình khoảng hơn hai tháng. Khi tôi học bên Mỹ, họ dạy tôi cách phát triển về tư duy, phát triển về sự sáng tạo. Tôi muốn làm sao mình giúp đỡ được các em học sinh ở đây có một cơ hội để phát triển tư duy, tuy nhiên vẫn phải học hệ thống giáo dục trong trường nhưng làm sao để có thể suy nghĩ được một cách logic và sáng tạo hơn. Tôi đang cố gắng tìm một mô hình nào đó để đưa vào giới thiệu.
Về việc nối nghiệp cha mẹ, tôi không nói là không, mà là chưa thôi. Để trở thành một nhà ngoại giao, tôi nghĩ là cần có rất nhiều những hiểu biết về xã hội mà mình đang sống, về lịch sử, về văn hóa, về con người. Nên khi về đây tôi học được rất nhiều thứ. Và tôi muốn học thêm nữa.
Đúng là để “bắt bẻ” một điều gì đó đối với Ngô Phương Lan trong 5 năm qua quả là một điều… khó. Đăng quang Hoa hậu, không lựa chọn nghệ thuật, có thể là sự đảm bảo độ “an toàn” trong việc giữ hình ảnh. Nhưng nếu cứ tròn trịa, an toàn quá thì dễ thành bình bình…
Điều đó tùy theo những hoạt động và tùy vào sức của mình. Với những hoạt động xã hội và từ thiện, tôi muốn làm sao mình có những kế hoạch lâu dài và bền vững. Có thể nó sẽ rất bằng phẳng. Nhưng các dự án giáo dục, tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực này, thì cũng đâu phải là sự lựa chọn “an toàn tròn trịa” như anh nói. Cái mình thực sự muốn điều này cho đất nước, cho các em nhỏ, tôi tự cảm thấy đó là những điều đột phá mới mẻ.
Làm nghệ thuật cũng khá thú vị. Như tôi làm MC, đứng trên sân khấu, tôi có cảm giác như mình đang nói chuyện với tất cả mọi người. Đó là những cảm giác mới, khá đặc biệt, như một sự khám phá bản thân. Tuy nhiên, để đi vào nghệ thuật đúng nghĩa, phải đòi hỏi những sự đầu tư thời gian, công sức rất lớn. Trong khoản thời gian của mình, để thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì chắc là không đủ.
Người nổi tiếng của Việt Nam thì nhiều. Và nghe họ nói làm từ thiện cũng nhiều. Nhưng chưa ai bỏ tiền ra xây một ngôi trường nhỏ ở vùng khó khăn đặc biệt hay làm một công trình gì đó đúng nghĩa thiện nguyện, thầm lặng mà không đánh bóng tên tuổi. Với cách làm từ thiện của chị, sâu, và độc lập, sao chị không chọn nhiều người bạn đồng hành để nhân thêm ý thức từ thiện đúng nghĩa?
Bây giờ trong những hoạt động từ thiện của tôi, tôi cố gắng kéo các bạn trẻ cùng tham gia. Tôi có cháu gái mới học lớp 4, đi làm từ thiện tôi cố gắng đưa cháu đi.
Có nhiều bạn học của tôi, sau khi tốt nghiệp đại học xong, họ sang những nước châu Phi, Nam Mỹ, những vùng rất nghèo để đóng góp sức lực của họ cho đồng loại. Họ thường đi một mình hoặc với một tổ chức và xem đó là trải nghiệm riêng họ chứ không phải để khẳng định với bất cứ ai cả. Bản thân tôi luôn nghĩ, khi làm từ thiện, mình làm không để khẳng định với ai mình đang làm từ thiện mà mình làm để giúp đỡ người khác. Và thứ hai đó là công việc rất ý nghĩa với mình.
Tôi làm từ thiện từ nhỏ chứ không phải đợi đến khi đoạt vương miện Hoa hậu. Tôi tập trung vào những chương trình từ thiện liên quan đến giáo dục, giúp đỡ các em có điều kiện để đến trường. Trong tất cả những hoàn cảnh tôi từng gặp, có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống với một người họ hàng, hoặc tự cưu mang đùm bọc nhau, hoặc sống một mình. Có một trường hợp hai anh em rất là bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, nuôi nhau, lớn lên, ăn học và học rất giỏi. Khi nhìn những điều đó, tôi mới thấy chúng ta đang may mắn hơn họ gấp nhiều lần, và chúng ta cũng thiếu nghị lực hơn các em đó rất nhiều. Qua đó, tôi cũng học được từ các nghị lực sống để rồi cố gắng thêm nữa.
Xin cảm ơn chị!
Thế Giới Người Nổi Tiếng