Những nội dung này đang được đưa vào dự thảo Nghị định nghệ thuật biểu diễn để trình Thủ tướng, dự định ban hành vào quý I năm 2012, bao trùm lên các mảng ca nhạc, sân khấu, hoa hậu, thời trang.... Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cũng sẽ soạn thảo một thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể các nội dung trong nghị định, bao gồm các hình thức xử phạt ở những mức độ khác nhau.
Xiết lại trật tự biểu diễn
Trên mặt báo, người ta cũng thường xuyên thấy thực trạng nghệ sĩ mặc quần đùi, quần bơi, lộ ngực, khoe thân, mặc quần ren, váy ren... Thậm chí, nội dung biểu diễn chẳng liên quan đến trang phục mà nghệ sĩ mang trên người. Trong đó, giới ca sĩ thường xuyên bị chỉ tên, điểm mặt: Thu Minh, Minh Hằng, Thủy Tiên, Yến Trang, Yến Nhi...
Một số nhà quản lý từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho những ca sĩ để xiết lại trật tự. Tuy nhiên, theo lời ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD, ý kiến này không được phê duyệt vì thực chất, thẻ hành nghề là một loại giấy phép con, tạo ra nhiều tiêu cực.
Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm có thể sẽ bị cấm biểu diễn vĩnh viễn
(ảnh mang tinh minh họa)
Trong khi quy chế biểu diễn 47 của Cục NTBD đã lạc hậu, Nghị định chưa ban hành, ông Vương Duy Biên cho hay, tuần này Cục sẽ gửi tới các cơ quan quản lý địa phương một văn bản để nhắc nhở xiết chặt hai vấn đề, đó là hát nhép và trang phục phản cảm của nghệ sĩ.
Ông Biên cho rằng việc phạt "treo giò" của lĩnh vực bóng đá có nhiều điều đáng phải học tập vào lĩnh vực biểu diễn. Tuy nhiên, khi áp dụng có rất nhiều trở ngại, mà khó nhất là việc xác định ranh giới giữa trang phục gợi cảm với gợi dục, hở hang phản cảm. Ngoài ra, một người có thể tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, chẳng hạn nếu ca sĩ bị cấm hát, lại có thể chuyển sang đóng phim, diễn thời trang, đóng kịch, thậm chí là giao lưu, trò chuyện... Nên việc đình chỉ diễn cũng có thể dễ bị lách.
Việc báo chí, đặc biệt là các báo mạng ngày càng có xu hướng đua nhau đăng các tấm hình hở hang, gợi dục của nghệ sĩ, khiến nghệ sĩ coi đây là một kênh PR tên tuổi hiệu quả. Theo ông Biên, tới đây, khi việc đình chỉ nghệ sĩ biểu diễn có hiệu lực, các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ không được đưa tin về nghệ sĩ đang "dính án" nữa, như vậy, việc răn đe, giáo dục mới có hiệu quả thực sự.
Các ban ngành cùng vào cuộc
Khi được hỏi trong thông tư hướng dẫn chi tiết cho Nghị định có quy định các chỉ số cụ thể như độ ngắn của váy, độ hở, độ xuyên thấu… của trang phục không, ông Vương Duy Biên khẳng định : "Không, tôi nói luôn là không thể nước nào có quy định được điều đó, nó đúng với người này nhưng áp dụng vào người khác lại không phù hợp, rất khó".
Cùng chịu trách nhiệm với nghệ sĩ là BTC của chương trình, người chỉ đạo nghệ thuật cho show diễn. Cụ thể, như trường hợp Minh Hằng mặc quần ren phản cảm trong Đêm mỹ nhân tại Quảng Bình, Cục NTBD đã gửi văn bản chỉ đạo địa phương. Tuy nhiên, chỉ có BTC bị phạt hành chính 3,5 triệu đồng, còn ca sĩ thì thoát tội. Ông Biên cho hay, vì cơ chế cũ, nên Cục chỉ có thể yêu cầu địa phương xử lý và báo cáo, chứ Cục không thể « nhảy » từ trung ương xuống để can thiệp.
Ảnh mang tinh minh họa.
Ông Biên cũng lường trước được việc đình chỉ diễn ở nơi này, nghệ sĩ sẽ đến nơi khác để diễn, hoặc cấm trong nước, họ lại lách luật ra nước ngoài. Do đó, ông Biên cho rằng văn bản đình chỉ diễn sẽ được gửi tới các cơ quan có liên quan ở các địa phương cũng như cục xuất nhập cảnh... để các nơi phối hợp đồng bộ. Như vậy, có thể ngoài Bộ Văn hóa, các sở địa phương, Bộ Thông tin truyền thông, Cục xuất nhập cảnh... cũng sẽ cùng tham gia.
Thêm vào đó, Nghị định của chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực rất cao so với các quy chế của Bộ VHTT&DL ban hành. Tuy nhiên, vị Cục trưởng Cục NTBD cũng chia sẻ, cá nhân ông không hề muốn các nghệ sĩ bị cấm một chút nào. Ông hy vọng, cùng với việc làm "mạnh tay" của các cơ quan quản lý, tư duy thẩm mỹ, ý thức tự giác và tôn trọng khán giả của nghệ sĩ sẽ được nâng lên.
Đất Việt