Khái niệm bị đánh tráo
Những năm cuối thập niên 1990 - đầu 2000, khi các chương trình truyền hình và sân khấu ca nhạc trên đà bùng nổ, kéo theo một lực lượng hùng hậu người dẫn chương trình bắt đầu xuất hiện và tạo được ấn tượng khá sâu đậm trong lòng công chúng. Có thể kể đến những Thu Uyên, Mỹ Linh, Thanh Bạch, Diễm Quỳnh, Quỳnh Hương, Minh Hương, Đông Quân, Huyền Thanh, Phương Thảo… mỗi người một phong cách với lối dẫn dắt gần gũi, tự nhiên, giọng nói mạnh lạc rõ ràng cùng một bản lĩnh sân khấu dày dạn.
Khái niệm MC (viết tắt từ Master of Ceremonies) cũng bắt đầu được nhắc đến liên tục trong thời gian này và được “gắn” một cách vô tội vạ cho bất kỳ người nào làm công việc dẫn dắt một chương trình dù đó là game show truyền hình, reality-show (truyền hình thực tế), event (sự kiện) hay sân khấu ca nhạc tụ điểm, nhà hát… MC - theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Người dẫn chương trình hay MC thông thường được hiểu là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện”, dường như trở thành một mỹ danh bị đánh tráo khái niệm và đến giờ nhiều người vẫn không hiểu MC thực tế là công việc như thế nào, ở Việt Nam.
MC là một khái niệm quen thuộc dùng để chỉ “người điều khiển chương trình” nhưng thực tế còn có rất nhiều khái niệm để chỉ những công việc dẫn chương trình mang tính đặc thù. Ngoài MC còn có Host, VJ (Video Jockey hay đôi lúc còn được gọi là Veejay). Những khái niệm này rất quen thuộc với những ai có thói quen theo dõi những kênh truyền hình quốc tế như Star World, Star Movies, MTV, AXN, HBO, … Và những danh xưng này được phân biệt rất rõ trong nền công nghiệp truyền hình quốc tế.
MC được hiểu một cách đúng nghĩa là hoạt náo viên, thường để chỉ người điều khiển những chương trình mang tính biểu diễn, vừa dẫn dắt vừa làm cho không khí sôi động, tưng bừng lên. Host (hay Hosts) được dùng để chỉ những người dẫn một show truyền hình hay chương trình phát thanh như: Oprah Winfrey (The Oprah Winfrey show), Ryan Seacrest (nổi tiếng với American Idol), Tyra Banks (American's next top model), Ellen DeGeneres (Ellen DeGeneres show), Howard Stern (The Howard Stern Radio Show)…
Còn VJ (Video Jockey hay VeeJay) là người dẫn chương trình, giới thiệu các bài hát, video clip ở một kênh truyền hình ca nhạc như: Anand Kumar (Channel V), Eden Harel (chương trình European Top 20, Select MTV của MTV). Ở Việt Nam có thể thấy nhiều VJ đang bắt đầu xuất hiện khá xôm tụ trên những kênh âm nhạc như Yeah1, YAN hay MTV Việt Nam. Cũng có những trường hợp gọi là Host hay MC đều đúng, ví dụ như bộ đôi Anne Hathaway và James Franco vừa cầm trịch mùa Oscar lần thứ 83 vừa qua…
Tuy là phân biệt rõ ràng như thế nhưng một người có thể đảm nhiệm cả 3 vị trí kể trên. Ví dụ như Oprah khi dẫn chương trình trên TV thì bà là Host còn nếu ở một show diễn, một sự kiện khác thì bà vẫn có thể là MC. Chính vì thế người ta hay gọi những người dẫn chương trình nói chung bằng một từ cụ thế khá sát nghĩa khi dịch ra tiếng Việt là Speaker nhưng nó lại không “chuẩn” lắm so với quốc tế.
"Tre" đã già mà "măng" mọc chậm
Sau thời kỳ tạm gọi là “vàng son” của một loạt cái tên “MC” nổi tiếng, vào năm 2004 đài truyền hình HTV khai sinh ra cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình nhằm tìm kiếm những gương mặt triển vọng cung cấp cho hàng loạt các chương trình trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ sau một mùa giải gây được tiếng vang với Én vàng Kiều Hải Chuyên (thường được biết đến với nghệ danh Kiều Vân) cùng các gương mặt còn lại như Tường Vân, Anh Quân, Thùy Dương… ít nhiều gây được nhiều thiện cảm nơi công chúng, nhưng rồi các “Én” cũng chẳng mang nổi xuân về, chương trình rơi dần vào lối mòn bởi sự khô cứng trong dàn dựng và không trình làng được nhiều ương mặt thực sự thuyết phục.
Một số cái tên trưởng thành từ cuộc thi này như: Hồng Phượng, Trấn Thành, Anh Quân, Xuân Hiếu, Quốc Bình, Nguyên Khang, Ngọc Tiên… vẫn xuất hiện khá đều đặn trên khắp các “mặt trận” truyền hình lẫn sân khấu tạp kỹ, event… nhưng dường như chưa ai đủ sức bật sáng lên thành một hiện tượng hay đủ sức ăn khách như những đàn anh, đàn chị của họ đã từng làm được khi xưa.
Gần đây, Anh Vũ, Quỳnh Chi, và Đăng Khoa Idol vượt qua hàng trăm ứng cử viên khác của vòng casting để giành vị trí 3 VJ trẻ của kênh MTV Việt Nam. Tuy nhiên những gì ba người thể hiện trên T.V chỉ khiến người xem thất vọng bởi kiến thức không nhiều và lối dẫn chuyện khá nhạt nhẽo. Đặc biệt Quỳnh Chi và Đăng Khoa có đài từ và giọng nói khá yếu!
Ở phân khúc phía Bắc, một số cái tên như Ngọc Linh, Đan Lê, Tuấn Tú, Lưu Hà, Linh Hương… cũng gây được nhiều sự chú ý và được đánh giá là chất hơn những tên tuổi cùng lứa phía Nam. Tuy nhiên tần suất xuất hiện của họ không nhiều, có trường hợp hợp giải nghệ như Ngọc Linh hay chỉ gắn tên tuổi với một số chương trình cố định như Tuấn Tú với Chiếc nón kỳ diệu...
Diễm Quỳnh - gương mặt MC kỳ cựu hiện đang là phó giám đốc kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6 chia sẻ: “Đa phần khó khăn mà những bạn trẻ gặp trong nghề này là chưa biết cách xây dựng hình ảnh riêng cho mình nên chưa thể bứt phá khỏi đám đông để tạo nên phong cách riêng”. Còn Anh Tuấn - Biên tập viên VTV3 cho rằng: “Việc xuất hiện nhiều của người dẫn chương trình tại nhiều sự kiện, chương trình cũng gây nên sự nhàm chán. Quan trọng là phải biết làm mới mình để mỗi lần xuất hiện đều tạo nên sự mới mẻ”.
Làn gió mới nhưng chưa mát
Bên cạnh những người dẫn chương trình chuyên nghiệp kể trên còn phải kể thêm trào lưu lấn sân của hàng loạt người nổi tiếng như một làn gió mới. “Mới” nhưng chưa “mát” mà thậm chí những nhân tố này còn gây ra nhiều phen… “khó đỡ” mang tính lịch sử.
Nhiều người vẫn khó có thể quên được sự cố ca sĩ Hiền Thục gọi nhầm đạo diễn Thanh Vân là “chị” trong đêm Chung kết Trao giải Bài Hát Việt 2007; Thu Thủy vừa điều khiển đêm mở màn Tiếng ca học đường 2009 vừa run đến phát khóc đến nỗi đêm sau Ban tổ chức phải gấp rút thay ngay người dẫn; diễn viên Vân Trang trong đêm chung kết Siêu mẫu 2011 làm người xem giật cả mình trong phần giao lưu với thí sinh khi bảo rằng: “Câu hỏi dành cho bạn là một câu rất khó và cũng… rất dễ!?”…
Tuy nhiên, những sự cố kể trên vẫn chưa nghiêm trọng bằng việc Hoa Hậu Việt Nam 2004 - Nguyễn Thị Huyền đã “vô ý” thay cụm từ “vùng lãnh thổ” thành “nước” trước những danh từ riêng như Hong Kong, Đài Loan trong phần giới thiệu về các thí sinh của phần thi Miss Bikini diễn ra ở Tuy Hòa - Phú Yên của cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010 tại Việt Nam khiến người xem trực tiếp tại nhà hát được một phen sững sờ.
Công bằng mà nói những người dẫn chương trình tay ngang này đã làm được một việc hơn hẳn những đàn anh, đàn chị của mình là… làm đẹp sân khấu! Rất nhiều nghệ sĩ được chọn để lấn sân sang lĩnh vừa này vì có gương mặt đẹp, ngoại hình bắt mắt dù họ không hề sở hữu những điều cơ bản nhất của một người điều khiển chương trình như: giọng nói truyền cảm, rành mạch, khẩu hình, đài từ… Nếu như bản lĩnh, khả năng dày dạn trước đám đông có thể rèn luyện được theo kinh nghiệm, thời gian thì kiến thức chuyên môn, hiểu biết về các lĩnh vực khác… không phải là chuyện dễ dàng có được.
Bạn nghe đài có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được sự cố bài hát nhạc Hàn Quốc lời Việt Giọt sương liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng 10 ca khúc Việt Nam hay nhất Làn Sóng Xanh 2007 trong nhiều tuần mà cặp đôi Host của kênh FM 99, 9 Mhz cứ ra rả rằng đây là sáng tác của… ca sĩ Mỹ Tâm!
Gần đây siêu mẫu Xuân Lan - host của hai mùa liên tiếp Vietnam’s next top model 2010, 2011 cũng bị đánh giá là “bề trên” với lối dẫn chương trình “kịch”, thiếu thân thiện, giọng nói chanh chua, không truyền cảm… Để tìm một host có bản lĩnh như Tạ Bích Loan trong chương trình Người đương thời, Thu Uyên của Như chưa hề có cuộc chia ly hay Mỹ Linh của Nhân vật & sự kiện… không phải là chuyện đơn giản.
Một loạt những cái tên hoa hậu, người đẹp Việt Kiều được “đặt” vào vị trí này do có khả năng ngoại ngữ tốt như: Ngô Mỹ Uyên, Jenifer Phạm, Hà Anh, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân... Tuy nhiên việc sử dụng tiếng Anh tốt trong đời thường không đồng nghĩa với việc cũng lưu loát trong vị trí dẫn dắt chương trình. Người ta cảm thấy ấn tượng với Jennifer Phạm với màn “khoe ngực” nổi tiếng trong đêm thi Tài năng - Hoa hậu Trái đất 2010 hơn là khả năng làm MC nhạt nhẽo trong suốt mấy năm gần đây của cô dù Jennifer luôn được ưu ái dẫn những chương trình có tầm vóc lớn.
Một nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật không có gì là xấu cả, nhưng không phải bất kỳ ai cũng nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc hoặc đủ bản lĩnh để làm sao xuất hiện thật đẹp trong mắt công chúng trong bất cứ mọi vai trò. Siêu mẫu Thanh Hằng cho biết, cô từng từ chối rất nhiều lời mời làm MC của các event, chương trình bởi cô cảm thấy nói chuyện trước đám đông không phải là thế mạnh của mình và thật sự không phải việc gì cô cũng có khả năng làm tốt được.
Nhưng, không phải ai cũng “biết người biết ta” như Thanh Hằng để nói một lời từ chối có trách nhiệm với chính bản thân và với chính công chúng của mình!
Thế giới người nổi tiếng