Tôi đâu cần phải chơi nổi để hơn người
- 6 năm kể từ album "Để tình yêu hát" chị mới phát hành album trở lại, nên gọi chị là Diva “ốc sên” thì phải. Nguyên nhân vì đâu mà chị chậm trễ đến với khán giả như vậy?
Thực chất ra chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó và chuyện chậm trễ của tôi cũng nằm trong dự định đó. Album của tôi có 9 bài thì đến 7 bài tôi tự viết lời, mà tôi không phải và chưa từng là người viết lời ca khúc chuyên nghiệp nên việc thể hiện cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ dựa trên những giai điệu đã viết ra trước không phải dễ dàng, nó lâu hơn tôi tưởng.
Tôi đã viết không biết bao nhiêu lần, nhấc lên đặt xuống, sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia đến lúc cảm thấy ưng ý nhất mới thu, mà có khi thu rồi nghĩ kỹ lại muốn sửa thì lại còn sửa nữa… Thêm nữa, chuyện chuyển nhà, làm lại phòng thu rồi thu âm cho album của Đức Tuấn cũng khiến album của tôi chậm hơn. Anh Quân khi làm việc rất chuyên tâm và tập trung, nếu đã làm cho ai luôn dành hết tâm sức cho người đó nên khi anh ấy làm album cho Đức Tuấn, tôi chỉ biết xếp hàng đợi dù có là vợ đi chăng nữa (cười).
- Chị làm ca sĩ chạy show, làm vợ hiền dâu thảo chưa đủ mệt hay sao mà còn ôm cả việc viết lời ca khúc?
Đầu tiên, công việc đó tôi tính nhờ chú Dương Thụ như nhiều album trước đây, nhưng thời gian đó chú Thụ rất bận rộn khiến mọi việc tiến triển quá chậm, nên tôi thử bắt tay vào viết. Viết được 1 ca khúc, tôi đưa chồng và anh Huy Tuấn nghe, mọi người bảo được đó, viết tiếp đi nên tôi “trên đà hưng phấn” viết luôn những ca khúc còn lại.
Chuyện chứng minh khả năng của mình thì tôi dành phần người khác. Mười mấy năm đi hát, tôi như thế nào mọi người cũng biết cả rồi, chuyện sốc nổi, chơi trội chẳng đến lượt tôi. Ai yêu vẫn yêu, ai sẽ yêu thì mừng còn ai không yêu được tôi cũng chẳng đủ sức ép người ta. Họ có quyền lựa chọn và tôi cũng không mơ hồ nghĩ rằng, vì tôi viết được lời vài ca khúc mà họ sẽ quay ngoắt lại yêu quý tôi nếu vốn dĩ chưa từng có tình cảm đó. Tuy nhiên tôi cũng thấy tự hào vì cảm giác giống như mình đã thêm một lần vượt qua chính bản thân, với một công việc khác với những gì mọi người vẫn biết về tôi.
- Thế còn chuyện album "Tóc ngắn aucoustic" được mang đi Mỹ làm master thì sao? Chồng chị và những người thân quen của chị không đủ khả năng để chị tin tưởng hay vì chị vọng ngoại?
Chính xác là mastering – nó là một công đoạn để hoàn thiện khâu cuối cùng, nói nôm na là với sản phẩm được làm mastering cẩn thận thì bất cứ đầu thu nào cũng cho ra một chất lượng tốt, từ xe hơi tới những đầu đĩa thông thường… Đây không phải vọng ngoại hay chơi trội, bởi thực chất chúng ta chưa có đủ công nghệ để thực hiện công đoạn này… Giá làm mastering đó cũng là giá hữu nghị do người thực hiện vì yêu quý êkip chúng tôi đã giảm đi một nửa rồi đó. Chúng tôi muốn sản phẩm của mình tốt thì phải cố gắng thực hiện cho ra đầu ra đũa thôi. Thử tính xem 6 năm mới cho ra mắt được một sản phẩm mà đến khâu cuối lại tiết kiệm chút tiền thì có đáng không.
- Nhưng chị cũng từng nói không còn động lực để làm album, mà sao giờ lại thấy chị rậm rịch phát hành album mới?
Đúng vậy, nhưng đó cũng chỉ là một cách nói hờn dỗi của tôi để nói về việc những người làm nhạc chúng tôi không được bảo vệ tác quyền với các sản phẩm của mình mà thôi. Chúng tôi cực nhọc làm ra sản phẩm để bị sao chép lậu trắng trợn, bị download miễn phí trên mạng mà chẳng làm gì được. Suy cho cùng nói thì nói vậy, chứ hát với tôi nó là nghiệp rồi, không ra đĩa đi hát thì còn biết làm gì? Cũng giống như nhà báo, giáo viên vậy, cũng có lúc chán nghề, kêu chán, kêu nghèo nhưng “đã mang cái nghiệp vào thân” thì có ai bỏ nghề bao giờ? (Cười).
Mọi người quá nhạy cảm về mối quan hệ giữa tôi và Uyên Linh
- Có vẻ chị không lưu tâm nhiều lắm tới chuyện mới đây nhất là cô ca sĩ – người mẫu gần như vô danh Vũ Hạnh Nguyên “xỏ xiên” chị trên facebook?
Tôi xin phép được hỏi lại một lần nữa: Vũ Hạnh Nguyên là ai? Tôi thực sự không biết cô ấy và càng không quan tâm tới những gì cô ấy nói để làm gì, để được nổi tiếng và quan tâm hơn chăng, và thực sự cho dù như thế tôi cũng không muốn biết. Hơn nữa, những gì cô gái đó nói là quan điểm riêng trên facebook cá nhân – nơi chốn riêng tư của họ. Mọi người cứ bảo tôi phớt lờ, nhưng thực sự là tôi chưa từng để sự kiện đó hiện trong đầu mình thì lấy gì mà phớt lờ.
Tôi nói đơn giản như thế này, ai cũng có nhân cách, có sự giáo dục và chỉ cần nhìn vào những hành động là đủ biết nhân cách và sự giáo dục của con người đó đến đâu. Nếu đã biết rồi thì tại sao phải quan tâm?
- Nhưng chị im lặng trước cả sự kiện đám đông “ném đá” chị khi đã “trót” lấn lướt Uyên Linh trong đêm chung kết Idol vừa rồi?
Tôi không mất công thanh minh vì sự việc đêm đó có những đạo diễn chương trình biết, tôi biết, Linh biết. Tôi đến với đêm đó với tâm thế của một người đi tham dự cho vui, dạng như rong chơi, còn Uyên Linh thì khác, áp lực trên vai rất nặng nề nên mọi chuyện của những người trong cuộc cũng rất khác nhau. Chúng tôi tự hiểu và cảm thông cho nhau là đủ, không cần phải mổ xẻ đôi co trên báo làm gì cho mệt.
- Chứ không phải sau đó chị không hài lòng với sự ầm ĩ của dư luận rồi tức giận lây sang cả Uyên Linh, để khi gặp cô ấy trong một sự kiện, Uyên Linh chào chị mấy lần mà chị làm ngơ, coi như không nhìn thấy?
(Cười lớn) Có chuyện đó thật à, mọi người nói như thế thật à? Tất cả những ai biết tôi đều không tin tôi có cách hành xử lại thiếu tế nhị như vậy. Bản thân tôi cũng chẳng hẹp hòi với đàn em. Ngay trong cuộc thi tôi còn dựng bài Sao chẳng về với em cùng Uyên Linh, chỉ Linh cách xử lý chỗ này chỗ kia, chẳng có ý giấu nghề cốt sao hiệu quả cho chương trình. Tôi nghĩ đấy mới là cách hành xử mọi người nên đánh giá. Nó vẫn còn đầy trên youtube, ai muốn mà chẳng thể xem.
- Vậy chứ quan hệ của chị và Uyên Linh giờ ra sao?
Bình thường! Giờ Uyên Linh không còn là thí sinh nữa, tôi coi cô ấy là một đồng nghiệp.
Đừng trách người nghe, hãy tự trách bản thân mình
- Nhưng quan trọng là sau đó chị lặng im không giả thích gì hết và cứ để mọi chuyện qua đi mà phần thiệt thòi lại thuộc về phía chị?
Tôi tâm niệm câu nói "phong độ chỉ là nhất thời – đẳng cấp mới là mãi mãi", và tôi đang cố gắng vươn tới những đẳng cấp của cá nhân mình, êkip của mình nên cố gắng tránh để chuyện nhỏ nhặt mình nhìn thấy trên đường không ảnh hưởng đến mình nhiều. Nếu tôi luôn bận tâm đến những câu chuyện đó, lắng nghe xem ai nói gì về mình, hốt hoảng giật mình giải thích với mọi người thì chẳng còn thời gian, tâm sức đâu mà làm việc nữa. Tôi còn là người phụ nữ của gia đình, có biết bao nhiêu chuyện phải lo, làm sao chu toàn hết được để mọi người không có những lúc hiểu sai về mình.
- Tức là chị cho mình cái quyền được coi thường và phớt lờ dư luận?
Là một người làm nghề thuộc về số đông như tôi chẳng ai dại dột đi coi thường dư luận cả. Ap lực của dư luận mạnh như thế nào ai cũng biết rồi, chẳng phải đã có người từng tự tử về chuyện đó hay sao. Tôi chỉ lắng nghe bản thân mình, lắng nghe những người thật sự hiểu mình là đủ rồi. Tôi có sự kiên định của bản thân và cố gắng để dư luận đừng tác động đến mình quá lớn mà thôi.
- Chị có quan tâm tới đời sống nhạc Việt gần đây?
Chắc chắn rồi, những show diễn như Không gian âm nhac, Cầm tay mùa hè…diễn ra trong thời gian vừa rồi không ngoài điều tôi đã trả lời phỏng vấn hồi đầu năm, rằng năm nay tôi có dự cảm về một thập kỷ tươi sáng của nhạc Việt đang trở lại.
- Nhưng bên cạnh đó chúng ta vẫn còn đó “rác” và “thảm họa”, và theo chị lỗi đó ngoài thuộc về người sản xuất ra, còn có lỗi của người thưởng thức?
Không, công chúng không bao giờ là người có lỗi cả. Họ là thượng đế, là người bỏ tiền ra để mua sản phẩm âm nhạc và nếu có ai trách cứ họ thì hãy trách bản thân mình trước tại sao không làm ra được những sản phẩm hấp dẫn hơn để công chúng tìm đến với mình. Tiên trách kỷ hậu trách nhân không bao giờ sai. Nền âm nhạc của chúng ta còn quá non kém, cũng lại không đủ lực và tài chính để làm ra những chương trình hay, vậy nên đừng trách khán giả nếu họ quay lưng lại với thị trường giải trí trong nước để tìm đến với các sản phẩm nước ngoài.
Công chúng của chúng ta còn hiền, có sao biết vậy, có món gì hưởng món đấy mà chẳng mấy khi thấy kêu ca. Nói đơn giản như nhà đài chẳng hạn, họ phát cái gì thì biết cái đấy chứ có thấy mấy người phản ánh? Sự giải trí của công chúng như một mâm cơm đã soạn sẵn, có thứ gì ăn thứ nấy chứ đâu có quyền đòi hỏi nhiều. Tất cả những thứ của phương Tây mà chúng ta đang tiếp cận rất ít thứ tinh hoa, hiếm lắm. Tất nhiên, công chúng cũng có nhiều tầng lớp, có người có thẩm mỹ cao có người có thẩm mỹ thấp và ở đâu cũng vậy không chỉ Việt Nam, khác chăng là ở mình tỷ lệ thấp thì cao hơn mà thôi.
Tôi nói thẳng, đó là lỗi của giáo dục khi âm nhạc, nghệ thuật có được đưa vào hệ thống giáo dục một cách tử tế đâu. Trẻ con bây giờ nghe cái gì? Nghe băng đĩa nhạc của một cô dễ thương, ngây thơ từ hơn 10 năm nay. Cô bé đó có sự ngây thơ đáng yêu, nhưng những thứ cô bé đó thể hiện thì tuyệt nhiên không phải là âm nhạc, không có chút gì gọi là âm nhạc trong đó cả. Bản thân tôi cũng rất ít lựa chọn từ “món ăn Việt” cho các con. Quả là một sự thiệt thòi to lớn. Trong khi đó trẻ con nước ngoài được xem nhạc kịch, được đi viện bảo tàng tìm hiểu về những nghệ thuật đỉnh cao từ nhỏ, thường xuyên như cơm ăn nước uống hàng ngày bảo sao họ không tinh hoa.
- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Cảnh Sát Toàn Cầu