Nghệ sỹ Mai Thu Hiền tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ở phố Trần Quốc Toản (Hà Nội). Nhà bà không rộng nhưng ấm cúng, tràn ngập sắc màu của hoa tươi, cây lá. Bà sống với một người giúp việc cùng hai chú mèo cảnh xinh xắn. Đã nghỉ hưu sau gần 30 năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam nhưng hàng ngày bà vẫn miệt mài với công việc thuyết minh phim cho các phòng thu. Những lúc rảnh rỗi, bà lại dành thời gian chăm sóc vườn cây bên hiên nhà hoặc lên Sóc Sơn chơi với vợ chồng con trai, con gái.
Không mặc được phục trang mới chịu… nghỉ sinh
Gia đình bà hiện có tới 3 thế hệ cùng theo đuổi nghệ thuật. Theo bà, điều gì khiến “ngọn lửa” nghệ thuật lan tỏa mạnh tới các thành viên?
- Trước hết, môi trường gia đình là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng khiếu bẩm sinh của một con người. Bởi vì nếu có năng khiếu nhưng không được chăm chút, định hướng, đắm mình trong môi trường nghệ thuật từ sớm thì năng khiếu ấy cũng rất dễ lụi tàn. Chẳng hạn, khi tôi mang thai Anh Quân, tôi vẫn đi diễn cho đến khi không mặc được trang phục biểu diễn nữa mới chịu nghỉ để sinh. Đến khi con trai được 10 tháng tuổi, đi diễn ở đâu tôi cũng mang con đi theo. Khoảng 5 tuổi, Quân đã biết đánh trống vì bố hay cho đến đoàn nhạc chơi. Nói điều đó để thấy rằng, môi trường tự nó là một mảnh đất màu mỡ để ta gieo xuống những hạt mầm tài năng.
Tiếp nữa, việc được thừa hưởng gen từ bố mẹ, người thân cũng khiến cho một đứa trẻ đến với nghệ thuật dễ dàng hơn. Ngày xưa, làm nghệ thuật vất vả hơn nhiều so với các lĩnh vực khác nên gia đình từng có ý định hướng cho Anh Quân theo một ngành khoa học nào đó. Khổ nỗi, năng khiếu của con là nghệ thuật cho nên không thể bắt con đi theo con đường khoa học được. Về sau gia đình phải tạo điều kiện để Quân theo học tại Học viện Âm nhạc.
Đại gia đình nghệ sỹ Thu Hiền trong một chuyến đi du lịch nước ngoài.
Tốt nghiệp, Quân lại giành được học bổng sang Nga du học. Ngay cả Hương Ly, em gái của Quân cũng thế. Gia đình muốn hướng cho Ly đi học Tổng hợp văn để về làm biên tập báo chí - truyền hình nhưng Ly vẫn trốn đi thi vào Trường Nghệ thuật Hà Nội. Tôi nói với Ly: “Con học trường ấy cũng tốt nhưng không nên học hát mà nên học lý luận phê bình để sau này về làm biên tập âm nhạc”. Cô nàng lúc đầu cũng ngoan ngoãn nghe lời nhưng vào trường lại thành lập ban nhạc, rồi cũng hát hò, biểu diễn…
Cả 3 đứa con nhà Anh Quân – Mỹ Linh bây giờ cũng thế. Ngay từ khi 3 chị em còn bé, Quân và Linh không chủ trương áp đặt quan điểm của bố mẹ trong việc hướng nghiệp cho con cái mà để các cháu tự bộc lộ thiên hướng, bố mẹ đóng vai trò thúc đẩy và phát triển thiên hướng đó mà thôi. Ngay cả Anna cũng đã có thời gian mong muốn sẽ được đi học về điện ảnh để sau đó theo nghề làm phim nhưng rồi cuối cùng lại vẫn không thoát được khỏi con đường âm nhạc.
Người ta thường nói, con cái trong gia đình thường chịu ảnh hưởng rất lớn của bố mẹ, bà thấy điều đó đúng không?
- Từng có người nói: “Trong thành công, năng khiếu chỉ chiếm 30% còn 70% là nhờ ở sự khổ luyện”. Sự khổ luyện ở đây có thể hiểu là sự nỗ lực của bản thân kèm với việc định hướng, chăm sóc, giáo dục… của gia đình. Anh Quân ngày xưa bộc lộ thiên hướng âm nhạc từ rất sớm, một phần vì có năng khiếu bẩm sinh nhưng một phần cũng bởi được bố mẹ thường xuyên tạo điều kiện để cho Quân hòa mình trong môi trường nghệ thuật. Mẹ đi diễn ở đâu cũng cho con đi, đến nỗi con ngồi sau cánh gà thuộc hết kịch bản và bài hát của cả đoàn. Bố đưa đến đoàn nhạc, cứ nhìn thấy dùi trống là con cầm lên và đánh lia lịa. Thế rồi cái máu nghệ thuật ngấm dần theo ngày tháng và kích thích năng khiếu cứ thế mà phát triển.
Anna bây giờ cũng thế. Khi mới được đưa từ Đức về, nói tiếng Việt thậm chí còn chưa sõi, thế nhưng chẳng bao lâu sau đã hát được trọn vẹn một bài tiếng Việt. Ở nhà, Anna thường xuyên được nghe nhiều bản nhạc, bài hát thuộc các thể loại khác nhau để làm quen, nâng cao cảm thụ và nhận thức về âm nhạc. Bố cháu mỗi lần tập nhạc đều hé cửa để con có thể vào nghe. Cũng nhờ mẹ Mỹ Linh mà Anna đến gần với âm nhạc nhiều hơn khi thường xuyên chứng kiến mẹ luyện thanh, làm nhạc, quay video… Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy, con cái không chỉ chịu ảnh hưởng mà còn có xu hướng theo nghiệp bố mẹ từ khi chúng còn rất bé.
Nghệ sỹ rất khó giữ hạnh phúc
Với bà, việc gia đình có nhiều thành viên theo nghệ thuật là một sự may mắn hay thua thiệt?
- Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt. Gọi là may mắn vì một khi trong gia đình có nhiều người làm nghệ thuật thì sự hiểu nhau và giúp đỡ nhau về mặt nghề nghiệp giữa các thành viên là một thế mạnh mà những gia đình khác khó sánh được. Mặt khác, người làm nghệ thuật chiếm số ít trong xã hội. Người làm nghệ thuật mà lại có tài thì lại càng được nhiều người biết đến. Được nhiều người biết đến thì càng có nhiều cơ hội đi đây đi đó, làm việc gì cũng dễ dàng, kiếm tiền cũng dễ hơn so với những ngành nghề khác. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng trường hợp chứ không phải ai làm nghệ thuật cũng luôn gặp thuận lợi.
Ở một góc nhìn khác, nghệ sỹ là những người rất nhạy cảm. Vì nhạy cảm nên dễ bị rung động trước cái đẹp, cái mới, cái lạ… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hạnh phúc gia đình dễ bị tổn thương. Những người bình thường lấy nhau, rồi giữ được hạnh phúc đã khó thì những người làm nghệ thuật còn khó gấp nhiều lần. Thêm nữa, nghệ sỹ có cái “tôi” lớn lắm. Trong một gia đình mà có tới 3 thế hệ làm nghệ thuật thì cái “tôi” đó lại càng lớn. Tôi vẫn cứ hay nói đùa: Nhà này nhiều sao lắm đấy nhé, cho nên về đến nhà là phải bỏ hết sao ở ngoài đường. Có như thế gia đình mới giữ được thuận hòa, hạnh phúc.
Nghệ sỹ Thu Hiền vui vẻ bên con cháu.
Có thể hình dung việc dung hòa cái “tôi’’ nghệ sỹ của mỗi thành viên trong gia đình bà như thế nào?
- Tôi lấy ví dụ cụ thể. Trong gia đình Anh Quân – Mỹ Linh, vì Mỹ Linh là ca sĩ nên phải thường xuyên đi biểu diễn và làm việc ngoài gia đình, Anh Quân là nhạc sỹ nên công việc ít nhiều cũng tĩnh tại hơn. Tuy nhiên, nếu không có những công việc cứ coi là thầm lặng của Quân thì chắc chắn Linh không thể yên tâm để mải miết làm nghệ thuật ở ngoài như thế được. Kể cả có kiếm được một đống tiền mà con cái ở nhà bơ vơ, không người chăm sóc, để nhà cửa quanh năm lạnh ngắt… thì cũng không “ngôi sao” nào có thể giữ được sự nghiệp và gia đình. Cho nên, điều quan trọng là người trong cuộc phải biết nhìn nhận đúng mức công sức của từng thành viên trong gia đình dành cho nhau. Cái đó người ngoài có thể không biết nhưng người trong nhà phải biết.
Mỹ Linh không những biết mà mỗi khi trả lời báo chí, Linh cũng rất hay nhắc đến công việc của Quân. Như thế là Linh rất trân trọng công sức của chồng dành cho mình, cho gia đình. Có như thế cuộc sống và hạnh phúc gia đình mới có thể duy trì được như hiện nay. Và cũng chính nhờ thế mà tôi rất ủng hộ công việc của con dâu.
Có những thời điểm phải đi biểu diễn quá nhiều, Linh sợ Quân buồn nên tâm sự với tôi: “Mẹ nói đỡ hộ con chứ anh Quân cũng buồn khi thấy con đi nhiều quá”. Thông cảm với con dâu nên đôi lúc tôi phải nói khéo với con trai: “Linh nó làm việc vất vả quá! Sáng vừa bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đến chiều lại phải bay vào”. Nghe tôi nói vậy, có lần Quân trả lời: “Con ở nhà vất vả không kém mà mẹ chẳng lo cho con lại toàn lo cho con dâu”. Cái “tôi’’ nghệ sỹ quan trọng nhưng trong cuộc sống phải biết điều chỉnh nó, phải biết nâng đỡ nhau. Người được nâng đỡ phải biết ơn người nâng đỡ mình.
Từ thực tế của chính mình, bà có cảm thấy vui không nếu sau này các cháu mình đều lựa chọn nghệ sỹ để kết hôn?
- Cụ thể như trường hợp của Anna, nếu nói là thích thì tôi thích Anna kết hôn với người ngoài giới nghệ sỹ. Bản thân mình đã làm nghề “chông chênh” rồi nên phải tìm “bến đỗ” vững chắc để giữ hạnh phúc gia đình. Tất nhiên “bến đỗ” ấy cũng phải có hiểu biết nhất định về nghệ thuật cũng như phải biết cách chia sẻ với vợ con.
Ngày xưa tôi cũng hay tâm sự với Anh Quân: “Con thấy đấy, nhà mình bố mẹ đều là nghệ sỹ, đi biểu diễn suốt ngày nên gặp nhiều khó khăn lắm. Thế nên sau này con lấy vợ thì tìm cô nào giáo viên hay bác sỹ gì đó cho gia đình ổn định”. Nhưng mình thích là một chuyện, con cái chúng nó thích lại là chuyện khác.
Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Theo Gia Đình Xã Hội