Có thể nói không quá, hiện nay, không khí hoạt động của những người dẫn chương trình (MC) sôi nổi không thua kém giới ca sĩ và đang diễn ra ở khắp nơi trên toàn quốc. Hiện nay có rất nhiều MC xuất hiện từ các lò đào tạo tự phát, ở mọi nơi và tạo nên một thị trường ngầm, cũng cạnh tranh, so tài, cát cứ từng vùng, từng lĩnh vực và cũng chia ra bè phái, đẳng cấp để ra giá tùy theo các quy mô chương trình từ nhỏ đến lớn...
Nếu có tới hàng ngàn thí sinh tham gia vào các cuộc thi tìm kiếm tài năng thì cũng có tới hàng ngàn MC hiện đang hoạt động và có những cuộc cạnh tranh không kém phần dữ dội trên nhiều địa bàn hoạt động, ở mọi cấp từ xã, huyện, tỉnh cho tới Trung ương. Thậm chí, hiện có rất nhiều MC xuất hiện từ các lò đào tạo tự phát, ở mọi nơi và tạo nên một thị trường ngầm, cũng cạnh tranh, so tài, cát cứ từng vùng, từng lĩnh vực và cũng chia ra bè phái, đẳng cấp để ra giá tùy theo các quy mô chương trình từ nhỏ đến lớn...
Từ MC đám cưới…
Không ít các MC đám cưới có duyên chạy sô không hết việc, với giá cả từ ba trăm ngàn đến một triệu đồng một đám, tùy đối tượng mà thét giá. Họ có tài làm dậy lên một không khí sống động, vui tươi cho ngày hội của hai gia đình, tạo nên những tiếng cười thú vị qua những lời dẫn hóm hỉnh và bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều khi do chạy sô trong cùng một ngày (vì nhiều đám cưới thường tổ chức theo ngày lành, tháng tốt do thầy chọn), nên hiện tượng MC gây sự cố cho đám cưới là "chuyện thường ngày ở huyện".
Nhẹ nhất, có MC quên tiết mục cô dâu chú rể cắt bánh. Đến khi mọi người lục tục xuống sân khấu mới nhớ ra và gọi mọi người quay trở lại. Các thực khách cười ồ làm gia đình hai họ ngượng ngùng không biết ăn nói ra sao. Lại nữa, có MC chạy sô đến đám cưới thứ ba thì giọng đã khản đặc và đầu óc không còn minh mẫn nữa, thế là rút tờ giới thiệu của đám cưới trước ra, đọc nhầm tên cô dâu chú rể. Chú rể nghe vậy, sợ vận xui, đã xông lên đòi "xử" MC ngay tại trận. Lễ thành hôn phải ngừng một lúc lâu mới trở lại "tiếp tục chương trình" khi MC lạy tạ tội với quan khách.
Lại có một chuyện: Một MC ở Sơn Tây vốn rất có duyên kể chuyện, đọc thơ và ca hát, nên khá đắt sô. Một lần, dẫn chương trình cho đám cưới một người cùng xã, anh này đã cao hứng đọc mấy câu thơ mới sưu tầm được: "Đàn ông nằm với đàn ông/ Như gốc như gác như chông như chà/ Đàn ông nằm với đàn ông/ Như lụa như lĩnh như hoa trên cành". Anh ta tưởng thế là hay, ai dè vừa đọc lên đã bị bố của chú rể vác gậy lao lên sân khấu đuổi đánh. MC chạy bán sống bán chết mới thoát thân. Ông cụ cho là MC đã bêu riếu con trai mình là kẻ "hai phai". Sự quá trớn đó của MC thường xảy ra ở nhiều đám cưới nông thôn. Đôi khi họ cứ tưởng làm trò cho mọi người cười vui là ăn tiền, nhưng thực ra nhiều câu dẫn của MC rất hớ hênh.
Tỉ như có người dẫn: "Dây trầu quấn lấy thân cau. Từ nay ta đã của nhau suốt đời. Cô dâu chú rể trao nhẫn cho bà con chứng kiến đi". Đến khi xong mọi thủ tục, ai nấy đang đi xuống thì anh ta lại hồn nhiên nói rất to: "Chúng ta cho một tràng pháo tay để tiễn đưa hai họ xuống sân khấu"… Mọi người vỗ tay, sau đó mới ngộ ra lời dẫn "tiễn đưa" vô duyên đó. Nhưng biết sao được, những chuyện dở khóc dở cười đó luôn luôn xảy ra ở các đám cưới, từ nông thôn đến thành thị, do một thị trường MC "tự cung tự cấp" mọc lên như nấm hiện nay.
Mới đây, hay tin đã có lớp dạy làm MC cho nhà sư. Thế mới biết nghề dẫn chương trình thật cởi mở, tùy theo nhu cầu. Nhưng có lẽ, về khâu đào tạo có tính chuyên nghiệp thì các nhà tổ chức chưa hẳn đã có những đầu tư thỏa đáng, tuy hiện có không ít Nhà Văn hóa Thanh niên ở một số thành phố lớn mở lớp, và mời các MC có uy tín đến huấn luyện. Nhìn lại, kể cả những gương mặt MC nổi tiếng hiện nay cũng không mấy ai được đào tạo chính quy và bài bản thật sự như Thanh Bạch.
Tuy nhiên, nhờ năng khiếu và tự học qua nhiều kênh khác nhau, mà không ít MC đã trở thành MC giỏi và trụ vững được dài lâu với nghề. Ta có thể kể ra những cái tên rất quen thuộc như Lại Văn Sâm, Lê Hoàng, Tạ Bích Loan, Thu Uyên, Diễm Quỳnh, Bình Minh, Quyền Linh, Minh Béo, Chi Bảo, Anh Tuấn… Những người này, ngoài kiến thức và kinh nghiệm còn thể hiện phong cách dẫn khá đa dạng, nên để lại nhiều ấn tượng qua mỗi chương trình. Thậm chí gần đây còn xuất hiện một gương mặt MC mới, tuy tuổi tác đã cao những lại rất "thuần thục": Đó là Giáo sư Đặng Hùng Võ, trên chương trình "Đa chiều" của VTC.
Đôi khi, có MC còn thể hiện cách ứng xử vụng về với những người tham dự cuộc thi hay đối với các thành viên trong ban giám khảo, hoặc hội đồng nghệ thuật, gây sự phản ứng dữ dội từ phía khán giả. Có người trong số này đã từng bị khán giả đòi ban tổ chức thay ngay tại chỗ. Cho dù không ít MC bị khán giả chê bai, tẩy chay, nhưng đó là sự lựa chọn của nhà sản xuất, nơi luôn hướng tới lợi nhuận tối đa.
Ngược lại những hình ảnh MC giải trí mang yếu tố chuyên nghiệp như trên, còn không ít MC xuất hiện ở nhiều chương trình giải trí ở các tỉnh hoặc các tổ chức ca nhạc nhỏ lẻ, thì chuyện nói sai, nói nhịu, nói điệu và nói đại, xảy ra như cơm bữa. Có chương trình, MC vì muốn gây tò mò đã hỏi xoáy về đời tư của ca sĩ, làm người này nổi khùng trước mặt khán giả.
Hậu chuyện MC
Hiện nay, rất khó có thể cấm các lò đào tạo MC nhỏ lẻ, với những "thầy giáo" cũng rất nghiệp dư đang mọc lên khắp nơi. Vậy lãnh đạo các nhà văn hóa, ở các cấp độ khác nhau, từ xã cho đến huyện và tỉnh nên tham gia, không những mở lớp dạy nghề MC, mà còn thu hút những địa chỉ riêng lẻ tự phát lại, để nâng cấp giáo trình và kỹ thuật ứng xử trên sân khấu, cho dù đó chỉ là dẫn chương trình cho một cuộc tổ chức sinh nhật hay đám cưới.
CAND Online