Minh Trang từng là một gương mặt quen thuộc trên truyền hình khi đảm nhận vai trò MC của nhiều chương trình như "Tuổi đời mênh mông", "Tạp chí MTV", "Bài hát Việt", "SV 2013", "Đồ rê mí", "Quốc gia khởi nghiệp", "Học cùng con"...
Sau khi kết hôn, Minh Trang chỉ cộng tác với VTV trong vai trò MC. Hiện tại, cô chủ yếu dành thời gian để toàn tâm lo cho gia đình nhỏ.
Là mẹ của các con, là người giữ lửa trong gia đình nên Minh Trang luôn có những bí quyết riêng để duy trì hạnh phúc. Trong đó có 3 nguyên tắc cơ bản cô luôn tuân theo:
Trong mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, nhà mình có 3 nguyên tắc này, mà tất cả các thành viên đều tự nhắc nhở và cố gắng cùng nhau thực hiện mỗi ngày, đó là:
1. Trong mọi tình huống, trước khi có thông tin chính xác, luôn mặc định nghĩ theo hướng tích cực và tin tưởng vào người thân yêu của mình. Đơn giản từ việc 1 người (A) đi làm về muộn không báo trước, gọi điện thoại không trả lời nhưng facebook vẫn sáng và zalo thông báo vừa truy cập cách đây 5 phút, người còn lại (B) sẽ cần mặc định nghĩ là người kia bận việc không kịp báo, hoặc đang dở họp gấp chưa tiện điện thoại lại, thay vì tự vò đầu bứt tai nghĩ đủ thứ kịch bản trên trời dưới biển với 1 mớ tội vạ. Chờ về tới nơi rồi hỏi thăm cụ thể theo tính chất tìm hiểu và nắm thông tin chứ không phải theo hướng trách móc, kêu ca. (Thường ở nhà mình thì cái người A toàn là mình là chính).
Hoặc khi cô giáo thông báo rằng con thường xuyên kêu mệt và xin vào phòng y tế trong giờ học/giờ kiểm tra, rồi đợt này con học sa sút, điểm số kém hẳn… thay vì ngay lập tức quay sang nói con cố tình kêu mệt để vào phòng y tế trốn tiết, hay trách móc về điếm số, cần tin rằng có thể con đang gặp vấn đề gì đó về sức khoẻ, và con có khó khăn gì đó trong học tập. Nếu nghĩ được như vậy, cách tiếp cận, trao đổi, trò chuyện và hỗ trợ con sẽ rất khác!
2. Khi các thành viên còn lại trong gia đình chia sẻ về một thông tin không tích cực liên quan đến bản thân họ (đau, bệnh, tâm lý/suy nghĩ tiêu cực) thì luôn mặc định hiểu đây là những lời nói thật, chân thành, không được phép hiểu là nói đùa, càng không được thách đố hay cổ động những hành vi không tích cực của họ. Cần phải hiểu đây là tín hiệu mà họ phát ra cho chúng ta, để chúng ta dành thêm thời gian lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ họ.
3. Luôn chia sẻ với nhau mọi điều. Có bất kỳ mâu thuẫn, bất bình gì với các thành viên còn lại, phải nói ra và cố gắng giải quyết trước khi lên giường đi ngủ. Tình cảm là thứ không phải tự nhiên mà có, và khi đã có cũng không phải tự nhiên nó cứ thế được duy trì. Tình cảm và tình thân phải được xây dựng trên cơ sở thấu hiểu, tôn trọng, yêu thương. Yêu thì nói là yêu, buồn bực thì nói là buồn bực, không được tự mặc định rằng không cần nói gì mà người còn lại chỉ cần nghe tiếng hắt hơi sẽ biết mình đang bất ổn. Khổ nhất là ai cũng đinh ninh người kia hiểu, rồi tự ôm cục tức và thất vọng, bởi làm sao mà hiểu + hiểu đúng nổi khi mình còn không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả tâm trạng/vấn đề của chính mình?
Mình từng trò chuyện với nhiều người bạn luôn có cảm giác không trọn vẹn, bất an và khó tin tưởng người mình yêu, và phần lớn mọi người sau khi áp dụng 3 nguyên tắc này, đều có những mối quan hệ chất lượng và nhẹ nhõm hơn.
Cuộc sống hôn nhân, gia đình chẳng bao giờ thiếu những khó khăn, thử thách. Nhưng sau rất nhiều những vấp váp, mình tin rằng yêu thương luôn có cách, các bạn ạ".
Bài viết của Minh Trang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hội chị em: "Mình xin phép chia sẻ bài viết của chị nhé ạ. Em thấy chị nên tư vấn tình cảm, hôn nhân, tâm lý gia đình thì hợp hơn ạ", "Bài viết của chị cho em thấy ánh sáng cuối con đường. Cảm ơn chị Trang", "Theo dõi những người có lối sống tích cực cũng làm mình phấn đấu tích cực lên mỗi ngày. Em cảm ơn chị nhiều ạ"...
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)