Chào Lý Nhã Kỳ, Kẻ thứ 3 là bộ phim khá nhiều gian nan của chị, nhất là việc nhà sản xuất đầu mất uy tín với ê kíp Hàn Quốc. Quá trình cứu rỗi lại danh dự và tạo lại niềm tin khi hợp với phía Hàn Quốc của chị như thế nào?
Lúc nhà sản xuất Hạnh Nhân thông báo vỡ nợ, phía ê kíp Hàn Quốc cực kỳ hoảng loạn. Họ cảm thấy mình đang bị lừa dối. Khi đó, vì thương và đồng cảm với nhà sản xuất trẻ Hạnh Nhân, tôi đã đồng ý chi ra 6 tỷ để quá trình quay phim được tiếp tục. Ấy vậy, chỉ một tuần sau, đoàn phim tiếp tục vỡ nợ tập 2. Tôi giận lắm nên định bỏ ra sân bay trở về nhà, nhưng trước sự thuyết phục và kì vọng bộ phim được tiếp tục của anh em đoàn phim Việt Nam, tôi mới bình tĩnh lại rồi quyết định hẹn gặp cô ta để thương thảo mua trọn dự án. Trước hết, tôi không muốn hình ảnh của đội ngũ ê kíp làm phim Việt Nam mất điểm và bị ấn tượng xấu trong mắt đồng nghiệp nước ngoài. Chẳng lẽ ê kíp cả trăm người phía Việt Nam phải mang tiếng xấu chỉ vì sai lầm do một cá nhân đơn lẻ gây ra. Nhìn anh em trong đoàn dẫu rơi vào cảnh điêu đứng nhưng vẫn chịu thương chịu khó, cố gắng bám trụ làm việc hết mình để sản xuất quay phim, khiến tôi càng khó thể cầm lòng. Thấy được nỗ lực của tôi và ê kíp Việt Nam nên anh Han Jae Suk và đạo diễn Park Hee Jun đã chung tay cố gắng hoàn thành bộ phim cùng tôi. Anh Han Jae Suk nói nếu Kỳ làm thì anh sẽ sát cánh đến cuối cùng. Anh từ chối đề nghị về nước từ công ty quản lý vì muốn hoàn thành trọn vẹn màn hóa thân của mình.
Trong vai trò diễn viên viên chính và nhà sản xuất, áp lực tăng gấp bội trên đôi vai chị ra sao?
Tôi là doanh nhân nên không có áp lực nào mà chưa từng trải qua, đặc biệt những áp lực trong lĩnh vực bất động sản, kim cương… Nhưng chưa lĩnh vực nào làm khó tôi bằng việc làm nhà sản xuất phim Kẻ thứ ba như lần này. Tôi thực sự cảm thấy mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong các chiến lược cho phim. May mắn thay, bác đạo diễn Park Hee Joon cùng anh Han Jae Suk và đặc biệt ê kíp đoàn phim Việt Nam đã tiếp sức cho tôi rất nhiều. Bất chấp tình hình Việt Nam sắp sửa phong tỏa vì dịch Covid-19, đạo diễn Park Hee Joon vẫn quyết định ở lại, giam mình trong phòng dựng hàng tháng trời để thực hiện công đoạn hậu kì. Sau cùng, nhờ vào phần "nhúng tay' của đạo diễn Hàm Trần chỉnh sửa, quay thêm để phù hợp hơn với thời cuộc sau 4 năm, phim mới hoàn chỉnh để ra rạp. Vừa đóng chính, vừa lo sản xuất với đoàn phim gần hơn 100 con người, tôi chịu nhiều áp lực, bị loét bao tử vì phải lo toan rất nhiều thứ mà trước kia tôi chưa từng làm, còn việc đảm nhận một vai diễn cũng chẳng nhàn nhã gì bởi vai Thiên Di là vai nặng và đấu tranh tâm lý của sự giằng xé nội tâm rất nhiều.
Chị có thấy mình hơi cảm tính và liều khi bỏ ra 33 tỷ cứu phim vì ở Việt Nam dòng phim tâm lí xã hội không phải là gu đại chúng?
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến danh dự của người làm phim và hình ảnh của các nhà sản xuất, diễn viên Việt nhiều hơn là nghĩ đến con số 33 tỷ. Có lẽ do tính nghĩa khí, thích gánh vác chuyện bao đồng, thấy ê kíp đoàn phim chật vật, nên tôi nghĩ rằng mình cần phải bỏ tiền để giúp giải quyết cho hơn 100 hợp đồng lao đồng của ê kíp và đồng nghiệp và làm bộ phim hoàn chỉnh nhất có thể.
Phim của chị được khán giả đánh giá tốt về nội dung nhưng các rạp chiếu phim lại hạn chế xuất chiếu của chị. Chị có cảm thấy buồn vì bản thân đang bị xử ép?
Nhà phát hành nên chia đều các suất chiếu xấu, đẹp cho tất cả các phim. Sau 3 - 5 ngày, họ dựa trên nhu cầu xem phim của khán giả để điều chỉnh lịch chiếu thì rõ ràng, chúng ta sẽ chấp nhận và đồng ý với chuyện đó. Ngay từ đầu Kẻ thứ 3 có giờ chiếu xấu, suất chiếu ít sẽ gây ảnh hưởng tới doanh thu từ những ngày đầu tiên. Họ lấy lí do doanh thu yếu để tiếp tục xếp suất ít nữa. Phim được khán giả đánh giá tốt và tôi có livestream trực tiếp ngay tại rạp. Tựu chung lại, yếu tố lớn nhất quyết định đến thời gian sống sót của một bộ phim ở rạp là hãy để khán giả quyết định. Nếu chất lượng dở, chúng tôi chấp nhận nhưng rõ ràng đây là một phim tốt.
Chị đã và đang dùng chính sức ảnh hưởng của mình để cứu phim của chính mình, đây có phải là một chiến lược được chị nghĩ ra khi bản thân lâm vào thế khó?
Kẻ thứ ba là một dự án điện ảnh có số phận "đặc biệt" trúc trắc. Làm một bộ phim mới hoàn toàn đã khó, phải tiếp nối dự án rã đoàn đến 2 lần còn khó hơn. Nếu dùng tiền để làm mọi thứ trở nên dễ dàng cho quá trình làm phim thì tôi đã làm rồi. Nhưng đây là một tác phẩm điện ảnh nên nó ngốn công tốn sức rất nhiều của cả ekip Hàn - Việt. Rất nhiều đạo diễn trong nghề khuyên tôi không nên mua, thà bỏ số tiền đó ra làm phim mới. Tôi không chỉ dùng chính sức ảnh hưởng của mình để cứu phim của chính mình mà còn phải bỏ tiền của, công sức tâm huyết rất lớn. Điều an ủi là khán giả đang phản hồi rất tốt về phim, cũng như sự nỗ lực hết mình của dàn diễn viên Việt - Hàn như: anh Han Jae Suk, Kim Tuyến, Xuân Nghị, Hoàng Khôi... Nó cho thấy sự nỗ lực của chúng tôi hoàn toàn có giá trị.
Chị đã thấm thía nỗi khổ của nhà làm phim sau bài toán khó về rạp chiếu và phòng vé như thế nào vì trước giờ chỉ nghe chứ chưa trải qua?
Trong quá trình sản xuất phim, những vấn đề luôn xuất hiện và phát sinh không ngừng từ đầu cho tới khi kết thúc dự án. Bài toán doanh thu phim điện ảnh Việt vô cùng khó đoán. Tôi cho rằng, đạo diễn có thể làm ra một bộ phim hay nhưng một bộ phim muốn thắng phòng vé thì cần sự hợp sức của rất nhiều bên, nhiều yếu tố. Ở lĩnh vực làm phim, thật sự tôi phải vừa làm vừa học rồi vừa chữa cháy. Nhưng tôi đã hiểu sự vất vả của các nhà sản xuất phim Việt Nam như thế nào. Có lẽ chỉ có đam mê lắm mới có thể tham gia các cuộc chơi đầy mại hiểm thế này.
Chị nghĩ giữa nhà sản xuất và các rạp chiếu phim cần cân bằng và công bằng với nhau điều gì?
Làm nghệ thuật, chạm được vào cảm xúc khán giả luôn là điều tuyệt vời nhất. Và ta hãy để khán giả "nói" ra điều đó, thông qua cảm xúc, phản ứng của họ cũng như cách họ sẵn sàng tới rạp. Các nhà rạp hãy tạo điều kiện để khán giả có cơ hội lựa chọn thưởng thức với các suất chiếu đều nhau ít nhất là những ngày đầu. Tôi tin tưởng khán giả luôn là người công tâm nhất và là người góp quyền quyết định trên 80% của sự thành công hay thất bại của phim VN, cũng là những người góp phần quyết định cho sự phát triển điện ảnh Việt. Tôi tin vào sự nhận xét và đánh giá khách quan của khán giả về phim của mình.
Nếu phim không hoàn được 33 tỷ nhưng bù lại tình cảm khán giả vẫn đong đầy, chị có mạnh dạn đầu tư chi phim ảnh nữa không?
Tính tôi không thích đổ thừa rằng thì mà ,là ,nếu,thì. Té chỗ nào mình đứng lên chỗ đó. Sau này có cơ hội, tôi sẽ tự làm 1 bộ phim với tư cách nhà sản xuất và là người chủ động trong tất cả mọi thứ từ đề tài, đến đạo diễn và diễn viên.
Kẻ thứ 3 có khá nhiều cú twist và vai diễn của chị lẫn Han Jae Suk phải nói là rất nặng kí. Trong quá trình sống cùng vai diễn cả hai đã vượt qua những khó khăn tâm lí, ngôn ngữ và cả diễn xuất như thế nào để có bộ phim trọn vẹn như hôm nay?
Tôi và anh Han hiểu nhau rất nhiều. Chúng tôi có phản ứng hoá học trong vai diễn Quang Kha - Thiên Di trong phim. Chúng tôi đã "dư" cảm xúc để hiểu nhau qua cảm xúc vai diễn và qua tính cách của cả 2 bên ngoài, chỉ cần nhìn nhau thôi anh Han sẽ biết tôi muốn nói gì và ngược lại. Có thể nói tôi làm tốt vai Thiên Di với tâm lí giằng xé và mâu thuẫn nội tâm tốt đều nhờ vào Quang Kha - Han Jea Suk giúp đỡ.
Nụ hôn với Han Jae Juk cho chị xúc cảm khác thế nào với các bạn diễn khác?
Tôi không hôn nhiều trên màn ảnh. Nụ hôn với Han Jae Juk rất ấn tượng, khi ấy tôi hồi hộp quá, nên cứ mỗi lần sắp chạm mặt anh Han thì cứ bật cười và ngại ngùng mãi. Anh Han rất tinh tế, nhiệt tình hỗ trợ, biết cách nâng cảm xúc bạn diễn và kéo gần khoảng cách của chúng tôi lại. Thành công nhất là chúng tôi đã thuyết phục được khán giả xem phim và tin chúng tôi là cặp vợ chồng yêu nhau rất ngọt ngào.
Chị cảm thấy anh ấy đã có cái nhìn khác về cách làm phim của ê kíp Việt chưa?
Anh nói với tôi, thị trường nào cũng như vậy thôi, sẽ có dự án gặp trục trặc về mặt kinh tế nên không thể tiếp tục được, cũng có những phim đạt doanh thu ngoài kỳ vọng… Nhưng anh thấy bộ phim nào được khán giả yêu thích mới là quan trọng nhất. Nói về phim lần này, anh ấy rất mong nhận được sự yêu thích của đông đảo người xem vì tất cả mọi người đã cố gắng rất nhiều rồi.
Chị đã hoãn lịch đến LHP Cannes để đi cinetours cứu phim của chính mình. Liệu nó có ảnh hưởng nhiều đến chiến lược xuất hiện trở lại LHP Cannes của chị không?
Sau khi cùng đoàn phim trong chuyến cinetour tối qua, tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động trước tình cảm của khán giả dành cho phim. Họ chia sẻ với ê kíp rất thích phim và các nhân vật trong phim, họ đánh giá bộ phim rất tốt,nhiều tình tiết gây cấn, khó đoán với nhiều cú lật bất ngờ phút cuối, họ vui khi gặp các diễn viên ê kíp ngoài đời ngay tại rạp. Sau khi hoàn thành lịch trình cinetour đến hết ngày 17/5, tôi sẽ lại đến Cannes với tất cả niềm háo hức và nhiệt huyết sau 3 năm vắng bóng.
Nếu Lý Nhã Kỳ làm vợ làm vợ liệu có còn "máu lửa" với các hoạt động của làng giải trí hay sẽ yên bị ở nhà?
Tôi từng nghĩ sau khi kết hôn sẽ tập trung chăm lo tổ ấm. Tuy nhiên tôi thành công và được khán giả biết đến là từ những ngày đầu làm diễn viên và đến nay sự thanh công cũng như danh tiếng của tôi là nhờ khán giả yêu nên tôi nghĩ người yêu của tôi sau này cũng vẫn sẽ tôn trọng và ủng hộ tôi hết mình với việc theo tiếp nghệ thuật diễn xuất.
Cảm ơn Lý Nhã Kỳ về buổi trò chuyện này!
Bảo Quỳnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)