- Hình ảnh của mẹ - NSƯT Lê Mai - trong mắt Lê Khanh như thế nào?
- Năm 2001, trong buổi lễ nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, khi được hỏi về cảm tưởng, tôi xin phép mọi người được phát biểu những câu riêng tư về mẹ. Mẹ tôi cả đời sống giản dị, nhân hậu, tình cảm, bà nhận hết mọi thiệt thòi về phía mình, không than vãn, không ai oán. Bà đã hy sinh "kiềng 3 chân" của đời mình là tuổi trẻ, sức lực, sự nghiệp cho chồng, cho con. Chị Lê Vân và tôi vẫn thường đùa "Phải tặng cho mẹ một huân chương chịu đựng!". Tôi gọi mẹ là "người chèo đò", cả đời chèo lái con thuyền chở những nghệ sĩ.
Lúc đầu, chỉ có một nghệ sĩ đồng hành trên con thuyền đó là chồng bà, NSND Trần Tiến. Khi ấy, Lê Vân - Lê Khanh - Lê Vi còn quá nhỏ, bà cũng không thể nghĩ sau này những đứa con nhỏ bé yếu ớt đó lại cập bến vinh quang, có danh hiệu, sự nghiệp. Riêng bà cứ lặng lẽ trên con đò, chẳng màng danh hiệu hay vinh quang. Bà hãnh diện và toại nguyện với công việc thầm lặng, sau này, ai đến gặp bà cũng sẻ chia với bà niềm vui, mong cũng sinh con một bề như bà. Người ta cứ bảo: "Việc gì mà lo với buồn, đẻ con gái như bà Mai có phải sướng không?".
Nghệ sĩ Lê Khanh
- Không chỉ đứt đoạn tình duyên, nặng gánh gia đình, ngay cả "mối tình" với nghề diễn của bà dường như cũng lận đận?
- Ngày đó, nghệ sĩ nuôi con vất vả lắm, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống đói nghèo. Đất nước đang trong thời chiến, đoàn kịch nơi bà công tác là biểu tượng nghệ thuật của thủ đô nên lúc nào cũng phải thường trực. Trong khi mọi đoàn khác đều sơ tán, đoàn của bà ở lại, phục vụ nhân dân. Bà sinh tôi thiếu tháng nên tôi rất yếu, chỉ nặng có 1,8kg, dài 32cm. Thể lực yếu nên tôi ốm triền miên và gần như cái chết đe dọa liên tục.
Có lần mẹ tôi phải đi công tác ở Quảng Ninh, nghĩ đường đi khó khăn, mưa nắng bom đạn, sợ không qua được chặng đường khó khăn nhất nên mẹ để tôi lại cho bà ngoại ở Hải Phòng chăm sóc. Thế nhưng, bà ngoại từ chối vì lo cháu ốm yếu, chẳng may có bề gì bà sẽ ân hận. Thế là bà gửi cháu lại cho con gái. Lúc ấy, tôi yếu lắm, mẹ kể, mấy người đi trên ca nô còn rỉ tai nhau là đi đến Quảng Ninh chắc chết.
Tôi lớn lên trên tay mẹ, qua bao nhiêu cuộc đấu tranh với bệnh tật nhưng đều qua khỏi. Sinh Lê Vi xong mẹ Mai yếu hẳn, sức khỏe suy sụp, đỉnh điểm, bà còn có 34kg. Vì vậy, bà không ngộ nhận về bản thân, tự ý thức hình hài sức vóc như thế làm sao có sức hút trên sân khấu, bà không diễn nữa, xin làm kế toán ở nhà hát - một nghề không phù hợp.
Cho đến khi chị Lê Vân kiếm được tháng lương đầu tiên, bà nghỉ hưu mất sức. Lúc đó, mẹ tôi đã nghĩ rằng mọi thứ thế là hết. Không ngờ, vì vóc dáng gầy gò ấy, năm 1982, lần đầu tiên bà được mời đóng phim Đứa con của hàng xóm.
NSƯT Lê Mai
- Có lẽ khi 3 cô con gái đi làm, có lương, cuộc sống của bà cũng bớt khó khăn hơn và có thể dành thời gian cho "đứa con tinh thần" nghệ thuật?
- Lần lượt 3 cô con gái đi làm, từ đấy bà làm mọi việc có thể như đan len, thùa khuy, bán hàng nước, bánh mì patê... từ sáng đến tối để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Gia đình có 4 nghệ sĩ gồm chồng và 3 con cứ thảnh thơi nhận nhiều chuyến công tác, cả lễ Tết cũng đi.
Bà chấp nhận nỗi cô đơn tuổi già vì bà đã quen với việc làm hậu phương, đến mức bà mang một nỗi sợ rất chua xót là sợ Tết. Trong khi các con vẫn háo hức đón Tết. Bà sợ Tết vì bà phải nỗ lực hết ba mươi mấy ký để cố gắng lo toan cho cả nhà có cái Tết vui sướng, hoan hỉ.
Nỗi ám ảnh sợ Tết đi theo bà đến tận bây giờ, dẫu con cái trưởng thành, lập gia đình, có các cháu. Không được hưởng trọn vẹn tuổi trẻ, đến lúc về hưu thì phải xa con. Lê Vi sang Pháp theo chồng, bà lại mong ngóng con mỗi năm một lần về nước thăm mẹ, có khi nhớ quá bà còn một mình sang bên ấy thăm con.
Hàng ngày, bà vẫn hồi hộp chờ đợi các lời mời đóng phim, để được sống và được bù lại những tháng ngày tuổi trẻ. Tuổi đã cao, song lúc nào bà cũng háo hức, căng đầy nhiệt huyết và đam mê, đam mê hơn cả thời trẻ, tự phóng xe máy đi làm không cần ai đưa đi. Bà vui vẻ đến độ tăng lên được 20kg. Mọi người cứ trêu về hưu mà được như bà Mai nên về.
Tôi thấy rất hãnh diện và may mắn vì có một người mẹ nghị lực, khó khăn biết bao nhưng lúc nào cũng vui vẻ hoan hỉ. Cứ nhìn thấy bà là chẳng bao giờ thấy khó, trong khi không thể đếm được những cái khó bà đã vượt qua.
- Ngày nay, thời gian và nhịp sống hối hả, sự ngăn cách giữa hai thế hệ luôn diễn ra, nên giữa con cái với người mẹ thường có khoảng cách. Vậy với Lê Khanh thì sao?
Đôi khi tôi chẳng hiểu tình mẹ, luôn nhìn thấy mẹ mạnh mẽ nên tôi cũng vô tâm nghĩ là mẹ mình chẳng bao giờ yếu đuối
- Ngày xưa, cả gia đình tôi ở chung với nhau, 5 người chui rúc trong căn hộ 24m2, gác xép, giường đôi, thêm chỗ ăn nữa là chật kín không gian. Họ hàng lên chơi rất cực, không chu đáo được với ai bởi điều kiện chỉ có thế. Chị em ôm ấp, nằm nghiêng như "úp thìa". Bố mẹ, con cái ngăn cách nhau bằng chiếc riđô là xong, quá đơn giản. Bây giờ không thể sống thế được, phải có không gian riêng, tôn trọng cái tôi cá nhân.
Đôi khi tôi chẳng hiểu tình mẹ, luôn nhìn thấy mẹ mạnh mẽ nên tôi cũng vô tâm nghĩ là mẹ mình chẳng bao giờ yếu đuối. Bây giờ mẹ lại vô tư lao vào sự nghiệp. Hai mẹ con tuy gần nhưng "túm" được con gái để hỏi chuyện, bà cũng khá là vất vả. Mẹ lại chứng kiến sự bận rộn lo toan của con gái. Bà nhìn con như soi lại cuộc đời bà, rồi lại xót, thương. Bà có cái gì hay hay lại dấm dúi cho con, con có cái gì ngon ngon bổ dưỡng lại dúi cho mẹ. Cứ khi nào ở nhà là tôi lại nấu nướng rồi mang sang ăn cùng với mẹ. Mẹ tôi vẫn hay đùa “con gái mà lấy chồng gần. Có bát canh cần nó cũng mang sang”.
Ở gần con cháu, bà thấy ấm lòng, yên tâm đi làm nghệ thuật, thỉnh thoảng háo hức bay sang châu Âu thăm con gái út. Đến tận bây giờ, khi gặp những khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần cần hỗ trợ, các con cứ "alo" cho mẹ một tiếng là bà có mặt ngay lập tức, bất kể lúc nào, bất chấp mọi khó khăn, tình huống, luôn giúp đỡ con vô điều kiện. Bà có mấy đồng bạc tiết kiệm nhưng lúc nào con cần, chỉ 5 phút sau bà đã rút hết đưa con, không cần biết ngày mai thế nào. Bà cứ đùa: "Lúc nào mẹ cũng sẵn sàng phất cờ truy phong".
- Khi nào Lê Khanh muốn chạy thật nhanh về bên mẹ và khi đó mẹ thường nói với chị điều gì?
- Khi gặp những chuyện khó khăn buồn phiền, tôi về ngay để được bên mẹ. Khi ấy, mẹ hay nói: "Mẹ tin ở hiền gặp lành. Giời thương cho mẹ ba cô con gái tuy tính cách và số phận khác nhau nhưng cả ba đều thành đạt, hiếu thuận. Niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời mẹ là thế. Mẹ tâm niệm, đúng là giời thương mẹ, cuối cùng đâu vào đấy. Cả ba đứa con bây giờ đều đầy đủ, yên ấm. Sau tất thảy, mẹ càng thấm thía một điều cuộc đời không có gì hoàn hảo. Khi ta ngã phải biết đứng lên và đi bằng đôi chân của chính mình, đừng để ngã gục con ạ!".
Bà cũng thường hài hước với tôi rằng: "Nếu không tin vào số phận, có lẽ mẹ đã chết từ lâu. Đến bây giờ, mẹ vẫn sống được mà không phát điên mới thật chuyện lạ".
Tôi mỗi năm một trưởng thành, mẹ mỗi năm thêm một tuổi. Bà đã lo toan vất vả cả đời, giờ tôi lại có xu hướng giấu mẹ để bà bớt đi sự lo lắng. Tôi chỉ còn làm cho mẹ có nhiều niềm vui, tiếng cười.
- Ông bà ta có câu “Có sinh con mới biết lòng cha mẹ”, Lê Khanh trải nghiệm điều này ra sao?
- Nhìn các con, nghĩ lại tuổi thơ mình, tôi quay quắt lòng, đúng như câu các cụ thường nói: "Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ". Hến và Thóc thông minh nhưng lơ đãng, nhiều lần mẹ bực mình lắm. Nhưng khi bình thản, tôi đành ngậm ngùi nghĩ rằng, cái lơ đãng đấy nghe cũng quen quen, chung quy là chuyện "giỏ nhà ai quai nhà nấy".
Một ngày nuôi con là một ngày mình bắt đầu thấm thía những khó khăn của mẹ khi chèo lái con thuyền gia đình. Bao nhiêu ngày nuôi con là bấy nhiêu ngày tôi nhớ mẹ.
Tôi tự thấy mình không được mạnh mẽ, bền bỉ như mẹ. Thú thật, công việc quá bận rộn không tránh khỏi những lúc tôi chưa chăm sóc trọn vẹn cho con cái. Có khi diễn đến 10h đêm, vội vội vàng vàng về đến nhà, ăn uống xong, đồng hồ điểm 12h là các con đã ngủ. Bây giờ, tôi có điều kiện như thế nhưng nuôi các con còn vất vả. Tôi nghĩ lại càng thương mẹ ngày xưa khó khăn, mẹ tay không mà còn cố nuôi được mấy chị em nên người.
Các con đem về cho tôi những lo toan vất vả khiến tôi nhớ ngày xưa, tôi từng làm cho mẹ bao phen đau đáu. Lo con vượt rào, sợ con trườn khỏi vòng tay mẹ, mình bỏ bớt đi những viên gạch đắp xây sự nghiệp, để chắt chiu từng giây từng phút, ở bên các con, quan tâm chúng nhiều hơn và bao bọc chúng trong tầm mắt luôn luôn chuyển động của người mẹ. Tôi không nghĩ trên đời lại có những người mẹ chèo thuyền một cách dễ dàng. Vượt qua sóng to gió lớn bao nhiêu, niềm kiêu hãnh mới lớn, niềm vui mới đầy, giá trị cuộc sống mới thực sự ý nghĩa. Chẳng có thuyền và chẳng có ai trên thuyền thì đó mới là cuộc sống bất hạnh.
- Có điểm gì ở Lê Khanh khác mẹ?
- Hồi nhỏ tôi hay lấy khăn mặt vặn vẹo thành búp bê, sợ ma, gián... Lớn lên, tôi lúc nào cũng nhút nhát, bẽn lẽn chỉ bám chặt lấy mẹ. Đi học về là rúc vào ngủ với mẹ. Tôi tuổi mèo, mẹ tuổi hổ, chắc tôi là "hổ rừng vàng", mẹ là "hổ rừng xanh". Bà mạnh mẽ bao nhiêu, con gái bà yếu đuối bấy nhiêu. Thực ra, tính cách tôi giống bố Trần Tiến nhiều hơn, tức là mong manh dễ vỡ. Nhiều lúc tôi cứ soi lại tính cách của mẹ, đôi khi tôi thèm một phần nhỏ cái nhanh nhẹn, mạnh mẽ, bền bỉ của bà. Tôi cũng cố gắng "cải tạo" tính cách cho giống "hổ mẹ" nhưng "cha mẹ sinh con trời sinh tính".
- Phải chăng vì tính cách này mà trong ba chị em cùng một mẹ sinh ra, Lê Khanh như một viên bi ve lúc nào cũng bình yên, trọn vẹn, hoàn hảo?
- Mẹ Mai lúc nào cũng đảm đang thu vén cho gia đình, có lúc bà rất lo lắng cho cuộc mưu sinh nhưng không ai nhìn thấy điều đó trong bà. Bởi bà lúc nào cũng cười nói hào sảng, thảnh thơi, để không làm chồng con bận tâm. Dù khó khăn nhưng cách bà sống thì hào phóng. Với những đồng lương ít ỏi mà vẫn tổ chức, sắp xếp, cân bằng cuộc sống một cách yên ổn, nhàn nhã - đó là cái tài của bà.
Tôi có một điểm giống mẹ là thích chăm sóc, lo toan cho gia đình. Dù tôi có lâm vào hoàn cảnh nào cũng sống cho đàng hoàng, quy củ. Nhà có người giúp việc, nhưng tôi thích tự tay chợ búa, cơm nước. Sáng sáng tôi mua đồ ăn sáng cho chồng con, pha cà phê hai vợ chồng cùng uống, cùng nhau đưa đón con đi học. Cả tuổi thơ đã quen cùng mẹ gánh vác việc nữ công gia chánh nên giờ tôi thích nấu nướng, làm các món ăn ngon. Nhớ lại ngày nhỏ, tôi mê nấu nướng đến độ mỗi khi mẹ vắng, lại thường dùng bộ đồ nấu ăn nhỏ xíu để chế biến món ăn. Giờ tôi "bày vẽ" cơm nước như chơi đồ hàng, thậm chí còn thấy nó thú vị cuốn hút hơn được đi chơi.
- Có bao giờ chị lỡ làm điều gì tổn thương đến mẹ và đến bây giờ, chị vẫn hối hận?
- Năm học lớp 3, tôi học tại trường tiểu học Chu Văn An. Lúc đó, tôi mải mê đóng phim - kịch quá nên không tập trung lo bài vở. Đến ngày đi học, mẹ đưa đi nhưng tôi cứ túm áo bà. Bà sốt ruột hỏi: "Chuyện gì hả con?". Tôi rụt rè bảo: "Mẹ viết hộ con cái đơn trình bày con ốm suốt nên chẳng làm bài được, mẹ nhé!".
Bà dắt tôi đến gặp cô giáo, xin cho tôi được ở lại lớp. Thế là tôi khóc nức nở. Cô giáo nói tôi đủ điểm lên lớp, chỉ cần có ý thức học nhưng mẹ tôi chẳng sĩ diện, cũng không ngộ nhận về con gái, bà một mực xin cho tôi học lại. Tôi đành ngậm ngùi ở lại lớp, nhìn các bạn lên lớp mà đầu cứ cúi gằm xuống đất, không dám ngẩng lên. Lúc xếp hàng vào lớp, bạn cũ đi lên lớp 4 trong khi mình vẫn học lớp 3, tôi mới bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, dù đi đóng phim hay diễn kịch, tôi đều ngồi vào bàn học bài tử tế.
Tôi vẫn hay nói "Cha thì cho duyên, mẹ thì cho phận". Quả thật mẹ Lê Mai đã cứu con gái một cách "ngoạn mục", giúp con gái bà học hành giỏi giang, đỗ đạt. Khi ấy, mọi người có khen con bà thì bà vẫn điềm nhiên, chỉ mỉm cười khẽ. Bà không thích khoa trương, kể lể dù trước mỗi thành công của con, bà là người vui sướng hơn ai.
- Xin cảm ơn chị!
VTC