Không thể phủ nhận tính tích cực của những nghĩa cử mà họ mang lại cho xã hội. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít câu chuyện đáng buồn, khi chữ Tâm bị lợi dụng và coi rẻ.
Khi người nổi tiếng bị lợi dụng
Sau hai ngày đưa tin về câu chuyện đoàn thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2010 đi làm từ thiện tại trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, TP Huế với đóng góp 1,5 triệu đồng, nhiều bình luận của cộng đồng mạng đã đổ xô vào lên án các cô thí sinh Hoa hậu và tỏ ý ngán ngẩm về sự tỉ lệ thuận của nhan sắc và lòng nhân hậu: “Chưa bao giờ có thể tin tưởng được lòng nhân ái của mấy người đẹp này”; “Bây giờ, các em ấy có thể mang cả két sắt đi làm từ thiện cũng không thể xóa nổi vết nhơ". “Tại sao lại độc ác đến mức đi ăn cả cơm của trẻ mồ côi cơ nhỡ?”….
Sau vụ việc này, những gương mặt đình đám nhất như Ngọc Hân, Hoàng My đều im lặng, trốn tránh dư luận, có chăng chỉ là một vài tiếng phản hồi yếu ớt của các cô thí sinh trong top 20 đầy non nớt và thiếu kinh nghiệm, khiến họ càng bị lên án mạnh mẽ.
Nhưng nhìn sự việc một cách công tâm, có thể đặt ra câu hỏi, đây liệu có phải lỗi ở các người đẹp? Những cô gái tham dự buổi góp mặt này đều còn rất trẻ, với lứa tuổi ngoài 20 tuổi, hầu hết trong số họ đều không có nhiều kinh nghiệm với giới truyền thông, họ cũng không lường trước được những gì sẽ xảy ra trong bởi hành trình đã được ban tổ chức định sẵn.
Đoàn hoa hậu Việt nam làm từ thiện tại trung tâm bảo trợ trẻ em
Thủy Xuân, TP Huế
Vậy phải chăng họ đã bị lợi dụng để quảng bá hình ảnh cho một thương hiệu, mà bằng chứng cụ thể nhất là buổi họp báo tuyên truyền cho bộ sách ảnh đã diễn ra long trọng tại khách sạn Celadon Palace (Huế)?. Chi phí cho buổi họp báo này chắc hẳn phải gấp hàng chục lần so với số tiền những người làm tổ chức bỏ ra để đi “ăn cơm” từ thiện. Tại sao một hành động tự phát, hay mang chỉ tính “vui vẻ” như những lời thanh minh ở phía sau lại cần sự tham gia của báo chí hay tuyên truyền rầm rộ như vậy?.
Đây cũng không phải lần đầu tiên những người nổi tiếng gặp rắc rối với việc từ thiện. Năm 2010, Hoa hậu Ngọc Hân đã từng tham gia vào cuộc đấu giá bộ Tứ linh “giả” trước thềm đại lễ Thăng Long trong “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung", diễn ra ở Queen Plaza, TP.HCM. Tại đó, bộ Tứ linh “giả” có giá 20 triệu đồng đã được đẩy lên với giá 40 tỉ, với sự xuất hiện và giới thiệu của hoa hậu Ngọc Hân, Hoa hậu Mai Phương Thúy và nhiều người đẹp khác. Sau cuộc từ thiện đó, cũng không thương hiệu nào chịu trả tiền làm từ thiện như đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp trước các khán giả truyền hình.
Singer’s day, ngày hội tụ của các ca sĩ nổi tiếng cũng đã từng chịu nhiều tai tiếng trong việc đấu giá từ thiện. Ngày hội ca sĩ lần đầu tiên 2-2007 diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng bị Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa phàn nàn vì gần một năm sau sở vẫn chưa nhận được 270 triệu đồng như đã hứa. Nhạc sĩ Lê Quang, giám đốc Công ty Tam Giao - nơi đứng ra tổ chức chương trình, cho biết lý do của việc chậm trễ: “Do phía sở đổi mã số thuế, đổi tài khoản ngân hàng nên chúng tôi không thể chuyển tiền sớm hơn được” (nhưng ông Lê Tấn Danh - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa thì khẳng định sở không hề đổi số tài khoản hay mã số thuế).
Hoa hậu Ngọc Hân đã từng tham gia vào cuộc đấu giá bộ
Tứ linh “giả” trước thềm đại lễ Thăng Long
Singer’s Day - Ngày hội nối vòng tay lớn 2010 dự kiến sẽ hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm cho dân nghèo nhưng sau một thời gian dài, chưa có căn nhà nào được xây dựng. “Hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hơn 10 tỉ đồng trong đêm ca nhạc gây quỹ Vì người nghèo như Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite, Công ty TNHH Khải Vy, Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ An Phú Thịnh... không chịu chi trả suốt một năm qua” – ông Hà Văn Cát, phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Định cho biết.
Rõ ràng, khi mà các lĩnh vực giải trí được công chúng quan tâm, nhiều doanh nghiệp đang coi việc đi làm từ thiện là một kênh quảng cáo hữu dụng, nơi đó họ có thể lợi dụng người nổi tiếng để chứng minh hình ảnh thương hiệu, lợi dụng nghĩa cử cao đẹp để “ăn điểm” trong mắt công chúng. Nếu không cẩn thận, người nổi tiếng dù có tâm đến đâu cũng dễ biến thành lố bịch trong mắt chính khán giả của mình.
Khi sao tự Pr cho chính mình
Nhưng không chỉ trong vai người bị lợi dụng, nhiều người đẹp và nghệ sĩ cũng đang lấy từ thiện để PR cho chính mình. Không ngạc nhiên khi trước khi một nghệ sĩ ra album, hay người đẹp đi thi một cuộc thi hoa hậu trong nước hay quốc tế, lại thấy thông tin về một chuyến đi từ thiện. Sau mỗi chuyến đi, điện thoại lại tới gọi đến các phóng viên, ảnh đưa rải rác trên nhiều tờ báo khác nhau. Trong một bài báo từ thiện thi thoảng lại chèn thêm thông tin: “Ca sĩ TT vừa ra một lúc 5 album mới”, “Sắp tới TH sẽ tham gia bộ phim …”. Dù đi làm từ thiện, nhưng họ không quên cười thế nào cho đẹp, đứng tạo dáng thế nào để lôi cuốn nhất. Nhiều phóng viên đi theo đoàn từ thiện đã ngán ngẩm khi thấy các sao chỉ tỏ ra yêu thương, chăm sóc khi có ống kính hướng vào, đôi khi lén tiếng thở dài vì mệt mỏi. Nhiều ngôi sao đi làm từ thiện nhưng trang điểm như lên sân khấu, đeo kính đen hay mang theo đến 7 vệ sĩ (?) như Lương Bằng Quang.
Ca sĩ Duyên Anh và Quách Tuấn Du đi từ thiện đeo kính đen hát tặng
người già - trẻ em ở Chánh Phú Hòa (Bình Dương)
Ở Việt Nam, dường như từ thiện đã trở thành một phần thi không chính thức trong các cuộc thi nhan sắc. Cuộc thi nào thí sinh cũng ồ ạt đến thăm trẻ, chơi với trẻ nhưng giám đốc một làng SOS được rất nhiều đoàn thí sinh thi hoa hậu đến thăm tiết lộ rằng: Không có một thí sinh nào trong số họ sau khi thăm mà quay trở lại. Không thể trách vì họ đi trong tư thế thí sinh ở khuôn khổ một cuộc thi, điều này hoàn toàn không tự nguyện.
Vẫn có nhiều nhan sắc hàng ngày làm từ thiện với những chuyến đi thầm lặng lên tận các rẻo cao như Hoa hậu Thu Thủy, ca sĩ Khánh Linh…Họ không ồn ào, không xô bồ nhưng cũng không bởi vậy mà họ kém đi sự nổi tiếng. Từ thiện phải bắt nguồn từ cái Tâm sáng thì nó mới đến được nơi cần đến và mới làm người khác lay động.
Eva