Chào Kim Tuyến, Mộng phù hoa được lấy cảm hứng từ cuộc đời đệ nhất mỹ nhân Sài thành xưa là Cô Ba Trà. Khi nhận kịch bản nặng về tâm lý như thế, chị có phải cân nhắc nhiều không?
Đây là một vai diễn rất nặng, tôi đã nhận kịch bản trước khi phim bấm máy đến 6 tháng. Tôi khá áp lực. Trong 6 tháng đó chưa làm việc chính thức với đạo diễn, chỉ bàn bạc sơ về nội dung thôi. Tôi không làm gì ngoài việc đọc kịch bản và nghiên cứu về nhân vật cũng như tạo hình, cách đi đứng. Vì vai diễn Ba Trang là một người phụ nữ vô cùng quyến rũ. Trước Mộng phù hoa, tôi chưa từng tham gia vai diễn nào có bối cảnh xưa cả. Đối với tôi, vai Ba Trang trong Mộng phù hoa là một thách thức mới. Nhờ 6 tháng nghiên cứu cùng với sự góp ý của mọi người, tính tới thời điểm hôm nay, tôi tin chắc rằng bộ phim Mộng phù hoa và nhân vật Ba Trang sẽ chinh phục được khán giả.
Nhan sắc của đệ nhất mỹ nhân Sài Thành cô Ba Trà chắc chắn sẽ là điều khiến khán giả chú ý nhiều và soi kỹ ở chị. Chị có tự tin về nhan sắc của mình khi vào vai diễn này?
Lúc đầu, tôi không tự tin. Lúc đầu anh đạo diễn chỉ nói với tôi, có vai diễn này rất hay, một cô gái rất đẹp. Tôi nói rằng tôi sẽ đọc. Nhưng khi đọc kịch bản ở từng giai đoạn cuộc đời cô Ba Trang - đệ nhất mỹ nhân Sài Thành, đó là nét đẹp mà tất cả người dân Sài thành thời điểm đó phải công nhận. Tôi cảm thấy rất áp lực. Tôi đã gọi cho đạo diễn và hỏi: "Anh ơi, anh có chắc là sẽ chọn em vào vai Ba Trang này không?". Đạo diễn hỏi lại tôi: "Tại sao em lại hỏi anh như thế?" Tôi bảo: "Em sợ em không đủ đẹp bằng cô Ba Trà nên em khá lo về điều đó. Anh đạo diễn trấn an tôi: "Em yên tâm đi, anh nhìn thấy em thì anh mới chọn em. Em không phải lo về ngoại hình của mình nữa. Vấn đề ở đây là cái bên trong của em. Bởi vì nhân vật Ba Trang có nhiều tình huống éo le trắc trở trong cuộc đời nên cô ta phải vươn lên, vượt qua, đấu tranh giữa đúng và sai. Độ khó ở đây là nội tâm thôi". Tôi cũng ý thức được điều đó nên trong suốt quá trình tham gia phim, tôi đưa vào bên trong nhân vật của mình nhiều hơn cùng với ngoại hình ba mẹ cho tôi thế này, tôi tin bộ phim sẽ được lòng khán giả.
Nhân vật Ba Trang khá nặng. Trong suốt quá trình quay, chị có bị áp lực căng thẳng vì tâm lý nhân vật và có cảnh quay nào chị gần như trút cạn sức lực, rã rời sau khi quay?
10 ngày đầu bước vào những cảnh quay thì không nói tới vì năng lượng còn rất nhiều. Còn những ngày sau đó, 24/24 luôn trong tâm thế rã rời. Phim có 95% bối cảnh ở tỉnh nên vừa về đến khách sạn sau một ngày quay là tôi ngủ ngay vì không còn năng lượng để nghĩ, để buồn, để vui. Một bộ phim phát trên sóng VTV, các bạn biết yêu cầu của VTV rất cao về tất cả mọi mặt và diễn xuất của diễn viên là điều họ quan tâm nhiều nhất. Vì thế, tôi đã tập trung cao độ. Khi quay được nửa tháng, nhân vật đã ngấm vào tôi, tôi không còn nghĩ mình là Kim Tuyến nữa. Tôi sống là sống cuộc đời của Ba Trang. Tôi chỉ ngủ, còn Ba Trang mới sống thật sự. Những cảnh quay khóc là từ bên trong nhân vật khóc ra chứ không còn diễn nữa. Đây là chia sẻ thật. Nó cũng là trạng thái mà tôi chưa từng gặp trước đây, kể cả sau Mộng phù hoa, tôi cũng chưa bắt gặp lại trạng thái này ở bất cứ phim nào khác. Khi nhân vật Ba Trang đã ngấm vào người thì mọi thứ không còn là thách thức nữa. Có những lúc tôi đọc kịch bản để chuẩn bị ra cảnh quay là tôi đã khóc. Đạo diễn nói rằng: "Khoan, khoan, em đừng khóc. Khi ra diễn thì sao em khóc được nữa?" Tôi nức nở: "Em xin lỗi, nhưng em không biết tại sao em cứ khóc". Tôi đến với nhân vật càng gần gũi hơn mỗi ngày. Đôi khi chưa thay trang phục, chưa bước vào bối cảnh, chỉ cầm kịch bản đọc là đã khóc. Khi ra diễn, tôi lại tiếp tục khóc cho nhân vật nhiều hơn.
Cảnh quay mà tôi phải dồn nội lực để diễn là cảnh cô Ba Trang phê thuốc và nhớ đến người yêu duy nhất của đời mình là Mân. Dù xung quanh Ba Trang có nhiều công công tử giàu có theo đuổi, nhưng đó chỉ là phù hoa bên đời thôi. Tình yêu lớn nhất với Ba Trang vẫn là Mân, do Nhan Phúc Vinh thể hiện. Mân lại tham gia cách mạng, không thể tiếp cận thế giới thượng lưu. Khi phê thuốc, Ba Trang nghe tin người mình yêu nhất cuộc đời đã mất đi trong chiến tranh, cô ấy cảm thấy cuộc đời mình vô nghĩa. Cô ấy lao vào bài bạc nghiện ngập. Trong kịch bản, cảnh quay này khá đơn giản, chỉ là phê thuốc và khóc khi nhớ về người yêu thôi. Thực tế, cảnh quay này phải thực hiện trong 4 tiếng, nghĩa là vừa phê thuốc vừa khóc trong 4 tiếng và phải tưởng tượng người yêu mình đang hiện hồn về. Trong Ba Trang lúc này vừa có cảm giác hối tiếc, vừa có cảm giác ân hận, vừa có cảm giác bi thương, vừa có cảm giác thả trôi cuộc đời. Tôi phải tưởng tượng như đang nói chuyện với nhân vật Mân nhưng thực sự không có nhân vật ấy tồn tại vì đây là cơn phê thuốc chứ không phải cảnh nhớ miên man bình thường nên cứ mãi nửa hư nửa thực. Tôi nhớ là tôi quay cảnh đó từ 8g sáng đến 11g trưa. Mọi người chuẩn bị thực hiện thêm cảnh khác nhưng thấy tôi quá mệt nên phải cho tôi nghỉ ngơi đến 3g chiều mới quay tiếp được.
Phim lấy bối cảnh xưa, đài từ và cách hành văn cũng khác nhiều so với phim hiện đại. Chị sẽ đảm nhận thoại trực tiếp hay có người lồng tiếng?
Không chỉ riêng về đài từ, về giọng nói của tôi cũng không đủ truyền cảm để truyền tải đến khán giả. Thế nên, tôi và một vài diễn viên trong phim sẽ được lồng tiếng để sản phẩm trọn vẹn nhất về hình ảnh lẫn âm thanh.
Chị có cảm thấy tiếc về điều này không?
Chắc chắn là rất tiếc. Hiện nay, tôi cũng đang đi học để khắc phục khuyết điểm rất lớn này của mình. Tôi hi vọng những bộ phim sau, tôi sẽ có thể dùng giọng nói đã chỉnh sửa nhiều từ sự luyện tập để thoại cho nhân vật của mình.
Chị có bị bắt buộc để người khác lồng tiếng cho nhân vật của mình không?
Tôi có một quan điểm thế này, việc gì mình không làm tốt nhất, hãy để cho người tốt nhất làm. Rõ ràng, đôi lúc mình không thể quá cầu toàn. Tôi được đánh giá cao về diễn xuất nhưng về một giọng nói truyền cảm thì quả là quá tham vọng với tôi. Tuy nhiên, tôi cũng rất cầu tiến và sẽ cố gắng khắc phục.
Điều gì ở nhân vật Ba Trang khiến chị có sự đồng cảm để có thể truyền tải được tâm lý nặng và trắc trở của nhân vật?
Tôi là một single mom nên đôi lúc trong gia đình cũng có những mâu thuẫn khiến tôi cảm thấy đơn độc vô cùng. Đó cũng là một trong những nỗi đau trong cuộc sống thật của mình. Nhân vật Ba Trang đến với tôi và thành công của nhân vật này như một sự xoa dịu những nỗi đau của tôi trước đây. Có những cảnh quay của Ba Trang, tôi cảm nhận như nhân vật của mình được trút ra. Tôi không thể kể lể sướt mướt trước mọi người về cuộc sống của tôi hay những nỗi buồn của tôi. Thông qua nhân vật Ba Trang, tôi may mắn được nói lên những cảm xúc của mình. Tôi tin những trải nghiệm trong cuộc sống của tôi đã góp phần không nhỏ trong việc truyền tải tâm lý nhân vật.
Một chi tiết trong phim là nhân vật Ba Trang lấy chồng sớm cũng giống như Kim Tuyến kết hôn năm 19 tuổi. Điều này có giúp chị có nhiều cảm xúc khi diễn?
Chắn chắn. Chính vì quá khứ có thật này của tôi giúp ích cho tôi rất nhiều khi quay Mộng phù hoa. Có nghĩa là những cảnh quay trong phim về độ sâu sắc và độ dài vượt qua rất nhiều so với kịch bản. Đó là do sự sáng tạo. Đôi khi nhân vật chỉ cần dừng ở cảm xúc đó nhưng bản thân tôi bị cuốn theo cảm xúc và vượt ngoài quy định. Cảm xúc của tôi ảnh hưởng nhiều đến nhân vật. May mắn là hai cảm xúc của nhân vật và tôi đi cùng đường. Sự hồi tưởng của tôi về những việc đã qua và những giai đoạn trong cuộc đời nhân vật Ba Trang trong phim có sự tương đồng. Vì thế, việc thả cảm xúc của mình trong cảnh quay vẫn không làm cảnh quay bị lạc nội dung.
Có bao giờ chị xảy ra tranh luận với đạo diễn về việc thể hiện tâm lý nhân vật chưa?
Anh Nam Y và chị Quán Ngọc luôn có niềm tin với diễn viên của mình. Trước cảnh quay sẽ không nói gì cả, chỉ xem diễn viên diễn và sau đó sửa lại cho phù hợp. Có những phân đoạn tôi hỏi: "Anh ơi, anh muốn em diễn cảnh này như thế nào?" Anh bảo: "Không, em cứ diễn theo những gì em nghĩ đi". Bởi vậy không có sự tranh luận nào ở đây. Đạo diễn chỉ cho mình những đau xót của cảnh quay đầu và mình quay lại cảnh đó để sửa những sai sót đó. Ai cũng muốn bộ phim có những cảnh quay hay nhất. Chúng tôi trao đổi để chọn ra cách diễn và cách làm phim tốt nhất chứ không phải đạo diễn đã chọn rồi bắt diễn viên làm theo hay vai diễn của diễn viên thì diễn viên có quyền làm gì thì làm.
Chị có nhiều vai diễn đa dạng về tính cách nhưng chung quy đều xinh đẹp, sang chảnh. Chị có bao giờ muốn thử sức ở vai diễn xấu xí và hơi bần hàn không?
Tôi có một khát khao là nếu có một vai diễn nào khùng cũng được, điên cũng được, bốc đất ăn cũng được, tâm thần cũng được... tôi muốn nhận vai đó. Có một cái khó là đạo diễn nào cũng muốn có một sự an toàn nhất định. Họ đã chọn diễn viên mà họ cho là phù hợp. Không lẽ tôi nói là chọn tôi đi đừng chọn người đó. Tôi vẫn mong có một đạo diễn sẽ phá cách và chọn tôi trong một nhân vật đột phá như thế.
Chị Thân Thuý Hà từng chia sẻ, khó để dư giả với nghề diễn viên phim truyền hình vì cát sê thấp và quá trình quay dài. Gần đây, người ta thấy chị mua được nhà mua được xe. Chị có muốn giải thích gì về điều này?
Ngoài đóng phim, tôi cũng có nhiều khoảng đầu tư về tài chính ở bên ngoài. Tôi may mắn khi có nhiều người yêu mến mình qua các vai diễn và muốn giúp đỡ tôi có thêm thu nhập ngoài nghề diễn viên. Kinh doanh rất khó và phải tập trung nhiều. Còn tôi thì không thể bỏ công việc diễn viên. Các anh các chị ấy sẽ lo kinh doanh, tôi có được lợi nhuận, còn thất bại tôi cũng sẽ mất đi khoản đầu tư của mình. Đó là vòng tròn. Các anh chị yêu thích tôi qua vai diễn mới giúp đỡ tôi như thế. Nếu nói thu nhập đó không từ nghề diễn mang đến cũng không đúng vì nếu không là diễn viên, tôi cũng không có cơ hội tiếp xúc với các anh chị ấy. Khoản thu nhập đó hoàn toàn là sự giúp đỡ của các khán giả dành cho mình để tôi yên tâm theo nghiệp diễn này..
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!
Lam Khánh, Ảnh: Windy (Theo nld.com.vn)